Điều xảy ra khi chúng ta tự bứng mình khỏi Kitô giáo…

Xét như là một phong trào chính trị, có thể nó chẳng gây được chút tiếng tăm đáng kể nào, nhưng “alt-right” – “cánh hữu thay thế” (để dễ hiểu, và thống nhất trong các cuộc thảo luận công khai, AP đã định nghĩa là “một nhánh của chủ nghĩa bảo thủ kết hợp với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa dân tộc da trắng và chủ nghĩa dân túy”) cho chúng ta một ví dụ điển hình, về những chuyện sẽ xảy ra đối với con người khi họ tự bứng mình ra khỏi Kitô giáo. Mọi chuyện hoá ra tệ hại.

Thường chúng ta không nhận ra sự kiện này một cách rõ ràng, mặc dù chúng ta sống trong xã hội thời hậu-Kitô-giáo. Kitô giáo chỉ là một trong những lực tác động mạnh góp phần hình thành nên thế giới của chúng ta, và không phải là một lực mạnh nhất hay phổ biến nhất. Và chủ trương này có nhiều điểm tiêu cực.

Nhưng dầu sao xã hội hậu Kitô giáo của chúng ta, vẫn là một xã hội được đặt nền trên Kitô giáo. Kitô giáo thậm chí đã góp phần khuôn đúc nên cả những con người tự cho rằng mình đã thoát ly khỏi nó. Những người theo thuyết bất khả tri hay ngay cả người vô thần đã nói về sự thật – ít nhất là những sự thật mà họ tin tưởng – như thể họ là Kitô hữu vậy. Ý niệm về đúng sai của họ được đặt nền trên những xác tín của Kitô giáo về nhân phẩm và ý chí tự do, tuy nhiên, rõ ràng họ đã “bẻ cong” chúng rất nhiều rồi. Họ tin tưởng chắc chắn vào sự bình đẳng chủng tộc, vì họ biết mọi người được dựng nên bình đẳng với nhau, ngay cả khi họ không tin Thiên Chúa dựng nên chúng ta.

Về vấn nạn nạo phá thai, (là một người của thời đại hậu Kitô giáo [post-Christian, ND. Một số học giả cuối thế kỷ XX đặt ra thuật ngữ này với chủ trương cho rằng Kitô giáo đã lỗi thời, vì thế không còn tác dụng đến xã hội], thì đây là một hành động mà có thể bạn quan tâm), những người ủng hộ quyền phá thai, tự thâm tâm, họ vẫn thấy rằng, họ đã phải nói dối để che đậy những gì họ đang thực hiện. Họ bảo rằng, một đứa bé chưa được sinh ra thì không phải là một đứa bé, hoặc có thể là một đứa bé đi nữa, thì nó cũng không phải là một con người. Họ xị mặt ra vẻ đau buồn, và giải thích rằng nạo phá thai là một chuyện “cực chẳng đã”, bó buộc phải làm và thường là chẳng vui vẻ gì. Một số người không còn nói năng kiểu này nữa, nhưng hầu hết họ vẫn giữ luận điệu như thế, bởi lẽ, tự thâm tâm mình, họ vẫn nhận thấy chủ trương chống giết người và bảo vệ những người dễ bị tổn thương, những người không có khả năng tự vệ của Kitô giáo là điều chính đáng, phải lẽ.

Chúng ta chưa thực sự nhận thức rõ ràng những chuyện sẽ xảy tới khi người ta tự bứng mình ra khỏi Kitô giáo. Thế giới sẽ ra sao khi người ta thực sự gạt bỏ Kitô giáo? Thế giới ấy sẽ giống như là “alt-right” (cánh hữu thay thế) vậy. (Nó cũng giống Xô Viết, Bắc Hàn, hoặc là Trung quốc. Bọn họ cố dựng nên một thiên đường trần gian, nhưng rốt cuộc họ đã tạo ra địa ngục.)

Khi người ta gạt bỏ Kitô giáo

Gần đây, một khuôn mặt công khai của alt-right (ND: Thường thì alt-right vẫn bị cho là một tổ chức rất lỏng lẻo, thành viên đa số là nặc danh), một thanh niên tên là Richard Spencer, đã than phiền rằng “chiến dịch chống nạo phá thai” đã trở thành một “chiến dịch về nhân quyền”. (Tôi tìm được video lời phát biểu của Spencer, [tôi không dẫn link tới video đó ra ở đây], từ Jonathon Van Maren, một nhà văn Canada.)

Có lẽ bạn sẽ nhớ ra anh chàng Spencer này, vì anh ta vốn đình đám vì đã dẫn một đám những người ủng hộ hô vang khẩu hiệu ủng hộ ông Trump, một số còn đưa tay chào kiểu phát xít nữa. Và cũng giống như những người cầm đầu một đoàn hội hầu như chỉ tồn tại trong thế giới ảo, trên internet, anh ta đang “lãnh đạo” phong trào dân tộc chủ nghĩa trắng (the white nationalist movement). Và nhóm này thích được gọi là những người “vị bản sắc” (identitarian).

Cái dấu mở đóng ngoặc tỏ vẻ hoài nghi trong cụm từ “nhân quyền” là của hắn. Hắn phủ nhận ý tưởng rằng “mọi người đều có quyền được sống cũng như các quyền khác”. Nhóm người “vị bản sắc” (identitarian) cho rằng, bạn là

một phần của cộng đồng, bạn là một phần của gia đình, một phần của nguyên một tổng thể. Bạn chẳng hề sở hữu một thứ gọi là nhân quyền nào đó, một thứ gì đó trừu tượng được Chúa, được vũ trụ hay bất cứ thứ gì khác tương tự ban cho. Bạn là một phần của cộng đồng, và cộng động là nơi mà bạn có được ý nghĩa hay các quyền của mình. Chiến dịch chống phá thai thường được gắn kết với gia đình, cụ thể là kiểu gia đình truyền thống, thế nhưng thành thực mà nói, nó đã bị giáng cấp để trở thành, chẳng những là một lý thuyết về nhân quyền mà còn là một lý thuyết hại sinh kiểu “chúng ta là thế giới”.

“Hại sinh” (dysgenic) nghĩa là làm cho thế hệ tương lai thoái hoá đi bằng cách để cho thế hệ tương lai bảo lưu những đặc tính mà không ai muốn. Hắn muốn người da đen và người nghèo sát hại con cái của họ, vì hắn nghĩ, như vậy sẽ tốt đẹp hơn cho nước Mỹ. Cho những ai như hắn. Tôi cho đây là một dạng Thuyết Nietzche “trẻ ranh” (teenage boy Nietzscheanism): tức là một ý tưởng sơ sài về tự do và tự quyết nhưng thiếu mất cái phần bi kịch tinh tế của Nietzsche.

Spencer còn phát ngôn một số câu gây sửng sốt khác: “Hạn chế sinh đẻ đã làm cho thế giới này trở nên tệ hại hơn rất nhiều”. Thế nhưng nhận định này không xuất phát từ các góc nhìn của người Công giáo. Hắn phiền lòng vì các biện pháp này được áp dụng không đúng đối tượng. “Người thông minh sẽ quan tâm hơn đến việc kế hoạch hoá gia đình vì, dĩ nhiên họ là người có tầm nhìn dài hạn, nhìn xa hơn. Hạn chế sinh đẻ thực sự đã hoá ra rất hại sinh, hiểu theo nghĩa là, chỉ có người thông minh mới thực sự áp dụng”.

Họ không phải chúng tôi

Ở phần cuối khi gần kết, Spencer giải thích, phong trào của ông muốn

trở thành một phong trào gia đình, phò sinh trong một ý hướng sâu sắc – không chỉ là “các quyền” mà còn là một cuộc sống thực sự tuyệt vời, và đáng sống, hướng tới xây dựng các gia đình hạnh phúc, vui tươi. Chúng tôi muốn cổ võ một tinh thần ưu sinh trong ý hướng sâu xa nhất của từ này. Những người tự xưng là phò sinh (pro-lifer) thực ra lại là những kẻ đấu tranh hại sinh (dysgenic), cổ vũ quyền bình đẳng, nhân quyền của mọi sắc dân, chủng tộc một cách triệt để – và họ thì không phải chúng tôi.

Sự kiện này cho thấy, nơi nào con người vắng bóng Thiên Chúa, rốt cuộc sẽ xảy tới việc: nhiều kẻ sẽ muốn nhiều người khác phải chết đi để thế giới trở nên một nơi tốt đẹp hơn cho những kẻ như họ, trong cái thế giới đó, họ sẽ mua lấy cho mình “một cuộc sống trên cả tuyệt vời” bằng giá là mạng sống của những người khác. Chúng ta, trong tư cách là những người có đức tin, chúng ta tin vào một Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban tặng chính Con Một của mình, chúng ta có trân quý sinh mạng của từng và mỗi người anh chị em mình? Bị cho là “những kẻ đấu tranh hại sinh (dysgenic), cổ vũ quyền bình đẳng, nhân quyền của mọi sắc dân, chủng tộc một cách triệt để”. Nhưng thực ra chúng ta đang bước theo Một Con Người tranh đấu cho “hại sinh (dysgenic), cổ vũ quyền bình đẳng, nhân quyền của mọi sắc dân, chủng tộc một cách triệt để”, Đấng ấy bảo rằng “Hãy để trẻ em đến với Thầy”.

Nguồn: http://daminhvn.net

David Mills
Chuyển dịch: Nhóm phiên dịch Mai Khôi
http://aleteia.org

Tin liên quan

Giờ lễ nhà thờ

LỜI KÊU GỌI

Giờ lễ và các thông tin có thể bị thay đổi hoặc sai hoặc thiếu do đó rất mong quý Tu Sĩ, Anh Chị gởi thông tin về email giothanhle.net@gmail.com để được bồ sung, sữa chửa kịp thời
ĐẶC BIỆT: Rất mong Anh/Chị góp sức bổ sung giờ lễ các nhà thờ còn thiếu giúp cho giothanhle.net ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện tại mình rất cần các bạn trong các giáo phận, giáo hạt làm Admin trang web để bổ sung, quản lý các nhà thờ còn thiếu, bạn nào nhiệt tình mail mình biết nhé. Trân trọng!

Compare listings

So sánh