Nhà thờ Chính Tòa Mỹ Tho

32 Đường Hùng Vương, Phường 7, Thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang

Nhà thờ Chính Tòa Mỹ Tho

32 Đường Hùng Vương, Phường 7, Thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang

Giờ lễ

  • Chúa nhật: 05:15, 07:30, 16:30, 18:30
  • Ngày thường: 05:15, 17:45

Thông tin giáo xứ

  • Giáo phận Mỹ Tho
  • Giáo hạt Mỹ Tho
  • Bổn mạng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội

Thông tin giờ lễ nếu không chính xác hoặc có thay đổi rất mong Quý cộng đoàn đóng góp tại form bên dưới (đi tới form)

Thông tin giáo xứ

Giờ lễ nhà thờ chính tòa Mỹ Tho (Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội)

  • Chúa nhật: 05:15, 07:30, 16:30, 18:30
  • Ngày thường: 05:15, 17:45

 

MỞ ĐẦU: ÔN CỐ TRI TÂN

Năm 2007 là năm kỷ niệm 100 năm xây dựng Nhà Thờ Chánh Toà Mỹ Tho. Đây là dịp đặc biệt để cộng đoàn giáo xứ chúng ta cùng nhau « Ôn cố tri tân ». Mỗi con người, mỗi cộng đoàn, mỗi dân tộc, nếu không có ký ức về quá khứ sẽ không thể hiểu rõ căn tính đích thực của mình ở hiện tại, và rồi cũng sẽ mù mờ trong định hướng cho cho tương lai. Nếu không nhắc lại quá khứ, thì chúng ta hôm nay, và rồi con cháu chúng ta mai sau nữa, sẽ chẳng hiểu biết những gì đã diễn ra 100 năm trước với tổ tiên chúng ta tại chính mảnh đất Mỹ Tho này.

Nhà thờ Chính Tòa Mỹ Tho xưa
Nhà thờ Chính Tòa Mỹ Tho xưa

I. PHẦN THỨ NHẤT: QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH (1861-1960)

Những hạt giống đức tin

Chúng ta bắt đầu với năm 1861. Theo bản báo cáo viết tay của cha thừa sai Rê-nhi-ê còn lưu trữ tại Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn: “Trước năm 1861 chưa có cộng đoàn công giáo Mỹ Tho. Chỉ có những người công giáo bị lính An Nam giam giữ trong đồn. Những người này thuộc bổn đạo của họ Thủ Ngữ, Ba Giồng hay những họ đạo khác”. Điều lạ lùng là từ trong hoàn cảnh bị giam cầm đó, những người công giáo lại thể hiện một đức tin mạnh mẽ, đến nỗi sẵn sàng chịu tử vì đạo. Chúng ta muốn nhắc đến trường hợp điển hình là cha Phêrô Nguyễn Văn Lựu.

Cha thánh Phêrô Nguyễn Văn Lựu sinh năm 1812 tại Gò Vấp, Sài Gòn. Lớn lên ngài dâng mình cho Chúa, vào chủng viện và được gởi đi học ở Pê-năng (Malaysia), rồi được thụ phong linh mục. Cha được bổ nhiệm phụ trách nhiều cộng đoàn như Mặc Bắc, Sa Đéc, Ba Giồng… Câu chuyện sau đây diễn ra vào tháng 4 năm 1861, khi đang làm cha sở họ đạo Ba Giồng, cha đi thăm viếng các bổn đạo bị giam giữ tại Mỹ Tho:

Nhờ việc tử đạo của cha Phêrô Lựu mà đạo đã thấm nhập nhiều tâm hồn tín hữu, phát triển với thời gian, đến nỗi chúng ta có thể nói, đạo đã thấm nhập mảnh đất Mỹ Tho và hình thành nên một cộng đoàn kitô hữu. Thử điểm lại một vài nét lịch sử:

– Tháng 5 năm 1861 ghi dấu sự hiện diện của người Pháp tại Mỹ Tho. Do những diễn tiến của thời cuộc, chính trong năm 1861 có rất nhiều những người công giáo ở các tỉnh đồng bằng tìm về Mỹ Tho như là nơi trú ẩn an toàn cho đức tin công giáo của mình. Từ một nhóm nhỏ những người công giáo bị giam cầm giai đoạn cha Phêrô Lựu chịu tử đạo, tài liệu của cha Rê-nhi-ê cũng ghi rõ: đến ngày 28-01-1862, “họ đạo Mỹ Tho có 1986 giáo dân”. Thật là một sự gia tăng đáng ngạc nhiên.

– Cùng với sự gia tăng số giáo hữu, chúng ta cũng nhắc đến công lao của các vị thừa sai đã đồng hành với cộng đoàn ngay từ buổi đầu hình thành. Vị mục tử đầu tiên của họ đạo Mỹ Tho là cha sở Guillou. Cùng cộng tác và tiếp nối cha lần lượt là các cha thuộc Hội Thừa Sai Paris. Cũng nên lưu ý rằng khái niệm cộng đoàn vào thời kỳ này hiểu là một vùng đất rất rộng với nhiều cộng đoàn nhỏ hình thành theo sự gia tăng số người công giáo. Theo thống kê năm 1881-1882, cộng đoàn Mỹ Tho bao gồm các họ đạo Mỹ Tho, Bình Tạo, Điều Hoà, Vĩnh Tường, Thạnh Trị, Mỹ Chánh, và mở rộng đến cả Kinh Điều, Bình Đại, với tổng số dân công giáo là 3651 người, bao gồm 330 người Âu Châu và 3321 người Việt Nam.

– Ngày từ buổi đầu, Mỹ Tho cũng chứng kiến sự hiện diện của các Sơ Thánh Phaolô thành Chartres. Cũng theo cha Rê-nhi-ê, năm 1864 là năm đầu tiên các Sơ có mặt tại Mỹ Tho, với Bề Trên đầu tiên là Sơ Li-zi-ong. Sự hiện diện của các Sơ luôn gắn bó với những thăng trầm của cộng đoàn họ đạo Mỹ Tho, với các hoạt động phong phú như thành lập trường học, cô nhi viện, viện dưỡng lão, và giúp việc mục vụ giáo xứ. Ngày nay, Tỉnh Dòng Phaolô Mỹ Tho lớn mạnh toạ lạc tại số 14 Hùng Vương, cạnh Nhà Thờ Chánh Toà.

– Bốn năm sau, tức là vào năm 1868, Mỹ Tho đã được thấy bóng dáng của các Sư huynh Lasan. Một trường học để giáo dục giới trẻ đã được thành lập cùng năm với vị hiệu trưởng đầu tiên là Sư huynh Adriant. Các Sư huynh Lasan cũng đã để lại nhiều dấu ấn nơi cộng đoàn Mỹ Tho với việc giáo dục đức tin cho giới trẻ. Đã có rất nhiều thế hệ con dân vùng Mỹ Tho đã trưởng thành từ Trường Dòng Thánh Giuse của các Sư huynh. Do hoàn cảnh, ngày nay chúng ta không còn thấy các Sư huynh Lasan tại Mỹ Tho, nhưng tên gọi thân quen “Trường Lasan Tabert” vẫn còn được nhắc đến.

Dấu chỉ hữu hình của đức tin:

Nơi đâu có những người Kitô hữu sinh sống, nơi đó có nhà thờ, và ngược lại. Thật vậy, nhà thờ là dấu chỉ hữu hình về sự hiện diện của các cộng đoàn Kitô giáo. Chính vì thế, chúng ta nêu lên công cuộc xây dựng 3 ngôi nhà thờ tại Mỹ Tho ghi dấu những chặng đường phát triển của cộng đoàn đức tin.

Trước hết là Nhà thờ thánh Phanxicô Xaviê:

Nhà thờ thánh Phanxicô Xaviê, chỉ là một mái nhà bằng tranh lá nằm nép mình bên ngã rẽ giữa hai nhánh sông Tiền và sông Bảo Định, do các cha thừa sai dựng nên. Đây là nơi phượng tự chính thức của các tín hữu Mỹ Tho lúc ban đầu.

Kế đến là Nhà thờ Vĩnh Tường:

Cùng với sự lớn mạnh của cộng đoàn Mỹ Tho là nhu cầu phải có một ngôi nhà thờ rộng lớn hơn. Bởi đó, nhà thờ Phanxicô Xaviê đã trở thành nhà nguyện nhỏ, nhường chỗ cho một ngôi nhà thờ mới rộng lớn hơn ra đời.

Năm 1866, Đức Cha Miche long trọng đặt viên đá xây dựng nhà thờ mới. Trải qua gần 10 năm gian khó, với các đời cha sở Lizé, Marc, Sorel và Moulins, ngày 12-03-1876, Đức Cha Colombert, Giám quản Tông toà Tây Đàng Trong, đã long trọng làm phép ngôi nhà thờ mới có tên gọi Nhà Thờ Vĩnh Tường. Nhà thờ được dâng kính Thánh Tâm, nên cũng được gọi là Nhà Thờ Thánh Tâm.

Nhà thờ khá rộng lớn và kiên cố, được xây dựng theo lối kiến trúc Hy Lạp – Rôma thời Phục Hưng, với nhiều đường nét tinh tế, toạ lạc trong khuôn viên trường dòng Lasan. Nhà thờ có tháp cao 36 mét, chiều dài 42 mét, rộng 18 mét.

Kể từ đầu thế kỷ XX, Nhà Thờ Vĩnh Tường không thể được tiếp tục sử dụng vì xuống cấp. Tuy nhiên, vết tích của nền nhà thờ này vẫn còn lưu dấu trong khuôn viên trường Lasan xưa.

Sau cùng là Nhà thờ Mỹ Tho: 

Phải đến ngày 11-8-1906, ngôi nhà thờ thứ ba mới chính thức được khởi công xây dựng lại bởi cha Rê-nhi-ê. Đến năm 1910 công việc xây dựng nhà thờ được hoàn tất. Về cơ bản, nhà thờ này giữ lại lối kiến trúc của Nhà Thờ Vĩnh Tường.

Do nền đất sình, việc xây dựng nhà thờ gặp không ít trở ngại. Chiều cao nhà thờ phải hạ thấp để đảm bảo kết cấu bền vững. Tuy nhiên, ngôi giáo đường khá đồ sộ, uy nghiêm, với chiều cao 24m, chiều dài 53m, chiều rộng hơn 17m, một gian chính và hai gian phụ hai bên. Kết cấu chính của tòa nhà được xây theo lối cột tròn chống đỡ, mái vòm được trang trí bằng nhiều hoa văn, họa tiết tinh xảo.

Đức tin trưởng thành:

Với sự phát triển không ngừng của Giáo hội tại Việt Nam, ngày 24-11-1960, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã ban hành Sắc chỉ Venerabilium Nostrorumquyết định thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, đồng thời tổ chức lại các giáo phận cũ và mới, trong đó có việc thiết lập Giáo phận Mỹ Tho tách ra từ Giáo phận Sài Gòn, và linh mục Giuse Trần Văn Thiện được chọn làm Giám mục tiên khởi của Giáo phận.

Khi thành lập, giáo phận có 39 giáo xứ, 32 nhà thờ, 50.249 giáo dân với 43 linh mục. Địa phận hành chính lúc bấy giờ bao gồm 4 tỉnh Long An, Kiến Tường, Kiến Phong và Định Tường, nay là các tỉnh Tiền Giang, Long An và 2/3 tỉnh Đồng Tháp. Mỹ Tho được chọn làm tên gọi và là trung tâm của Giáo phận.

Trong thời gian này, Tòa Giám mục, Nhà Tĩnh Tâm, Nghênh Đài Đức Mẹ, Nhà Cha Sở, lần lượt được xây dựng trong cùng khuôn viên cạnh nhà thờ. Cũng theo Sắc chỉ trên của Tòa Thánh, Nhà thờ Mỹ Tho được nâng lên thành Nhà thờ Chánh Tòa Mỹ Tho, với tước hiệu “Đức Mẹ Vô Nhiễm”. Dịp Năm Thánh 2000, Đức Giám Mục Giáo Phận Phaolô Bùi Văn Đọc đã cử hành Lễ Cung Hiến Nhà Thờ Chánh Tòa Mỹ Tho ngày 21.01.2000 và chọn ngày Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời làm ngày lễ Bổn mạng thứ hai của Nhà Thờ Chánh Tòa Mỹ Tho.

Một thế kỷ trôi qua (1861-1960), thời gian đủ dài cho cộng đoàn Mỹ Tho trưởng thành, như cha Lơ-Mê (Le Mée) đã từng nhận định vào năm 1877: “… cộng đoàn kitô hữu này có tất cả những yếu tố tốt đẹp mà người ta có thể mong muốn”. Câu nói thời danh của Giáo phụ Ter-tu-li-a-nô: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống trổ sinh các kitô hữu”, có thể áp dụng cho cộng đoàn công giáo Mỹ Tho. Không chỉ có máu của thánh Phêrô Lựu tử đạo, mà còn với bao mồ hôi, nước mắt của các vị thừa sai, của các mục tử, của các tu sĩ nam nữ, của rất nhiều chứng nhân Phúc Âm đã tưới gội mảnh đất này, và đã làm cho Giáo hội tại Mỹ Tho ngày càng trở nên phong phú.

 PHẦN THỨ HAI: QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN (1960-2007)

Những nét son

Để nêu lên những nét đặc trưng của Giáo xứ Chánh Toà Mỹ Tho, chúng ta không thể không nhắc lại sự hiện diện từ mẫu của Mẹ Maria. Ngay từ khi được nâng lên thành Nhà Thờ Chánh Toà của Giáo phận, ngôi nhà thờ này đã được đặt dưới sự bảo trợ của Mẹ Maria.

Hơn nữa, Giáo phận đã được diễm phúc nghênh đón Đức Mẹ thánh du vào năm 1972 tại Mỹ Tho. Đây là một sự kiện ghi dấu ấn không phai trong tâm tư nhiều giáo dân Mỹ Tho vào thời đó. Mẹ đến thăm viếng, an ủi, ban ơn và dạy dỗ con cái Mỹ Tho biết sống mến Chúa yêu người như Mẹ.

Không chỉ đến viếng thăm, Mẹ Maria luôn ở lại và đồng hành với con dân Mỹ Tho trong mọi hoàn cảnh vui buồn của cuộc sống. Dấu chứng của sự đồng hành từ mẫu này là Nghênh Đài Đức Mẹ. Mẹ vẫn đứng đó lúc bình minh lên cũng như khi hoàng hôn buông xuống, để lắng nghe tâm tư nỗi niềm của từng đứa con chạy đến với Mẹ.

Một trong những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của cộng đoàn Mỹ Tho phải kể đến là các cha sở.

+ Từ năm 1866-1960: trong gần 100 năm, giáo xứ được sự hướng dẫn chăm sóc của hơn 80 linh mục, trong đó có khoảng 30 linh mục thừa sai.

+ Từ năm 1960-2007: Giáo xứ được sự chăm sóc của 20 linh mục, trong có có 6 cha sở. Tuy thời gian dài ngắn khác nhau, các ngài đều có những đóng góp quan trọng cho giáo xứ, nhờ đó đời sống đức tin của giáo dân không ngừng phát triển. Đã có nhiều hoa trái thơm lành trổ sinh từ mảnh đất Mỹ tho thân yêu này: hơn 20 linh mục, nhiều tu sĩ nam nữ đang hoạt động tông đồ ở nhiều nơi trong cũng như ngoài giáo phận.

Các vị chủ chăn của Giáo phận Mỹ Tho

Vì Nhà Thờ Chánh Toà là dấu chỉ hữu hình của một giáo hội địa phương, mà Đức Giám mục là cha sở chính thức theo giáo luật quy định, chúng ta cùng điểm lại hình ảnh các vị chủ chăn của giáo phận từ ngày thành lập đến nay:

– Cùng với việc thiết lập Giáo phận mới Mỹ Tho, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII cũng bổ nhiệm Cha Giuse Trần Văn Thiện làm Giám mục tiên khởi của Giáo phận Mỹ Tho. Với khẩu hiệu: “PHẦN RỖI TRONG THÁNH GIÁ”, ngài đã mang lấy trọng trách xây dựng và nuôi dưỡng Giáo phận non trẻ ngày một lớn lên và trưởng thành. Sau một đời phục vụ, Đức Cha Giuse đã an nghỉ trong Chúa ngày 24-2-1989. Thân xác ngài còn nằm đó giữa chúng ta trong cung thánh của Nhà Thờ Chánh Toà.

– Với những biến đổi lịch sử của đất nước, Đức Cha Anrê Nguyễn Văn Nam được tấn phong giám mục ngày 10-6-1975, với nhiệm vụ là giám mục phó giáo phận. Và từ năm 1989 đến 1999, ngài là Giám mục Chánh Toà giáo phận. Khẩu hiệu “VUI LÊN, HIỆP THÔNG VÀO CUỘC KHỔ NẠN CHÚA KITÔ” như nói lên tất cả tâm tư và đời sống của ngài trong giai đoạn lịch sử đầy khó khăn của giáo phận. Đức Cha đã được Chúa gọi về ngày 16-03-2005. Ngài được an nghỉ trong lòng đất tại khuôn viên Nhà Chung Mỹ Tho.

– Ngày 11-8-1993, Đức Cha Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn được tấn phong giám mục với nhiệm vụ là Giám mục phó Giáo phận Mỹ Tho, và chọn cho mình khẩu hiệu: “NHƯ THẦY YÊU THƯƠNG”. Ước mơ xây dựng tình yêu thương hãy còn đang thực hiện, ngày 1-4-1998, ngài được Toà Thánh bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Dù đi xa nhưng tình yêu thương luôn còn ở lại. Giáo dân Mỹ Tho thường được thấy sự hiện diện của ngài trong những dịp đặc biệt của Giáo phận. Và hôm nay đây, tình thương ấy một lần nữa trở nên cụ thể: Đức Hồng Y Gioan Baotixita đang hiện diện giữa cộng đoàn chúng ta.

– Từ ngày 20-5-1999, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, từ miền cao nguyên Đà Lạt, được Chúa gọi về làm vườn nho Giáo phận Mỹ Tho với trọng trách Giám Mục Chánh Toà. Với khẩu hiệu: “CHÚA LÀ NGUỒN VUI CỦA CON”, Đức Cha đã thổi một luồng sinh khí mới trên Giáo phận để mọi thành phần được sống xứng phẩm giá Kitô hữu của mình. Ngài chú tâm giáo dục đời sống đức tin cho dân Chúa qua các cử hành phụng vụ và các công việc bác ái xã hội.

Nhà Thờ Chánh Toà với sứ vụ hiện tại

Hôm nay, dưới sự chủ toạ của Đức Cha Phaolô, toàn thể Giáo phận Mỹ Tho, cách riêng cộng đoàn giáo xứ Chánh Toà, hân hoan mừng lễ Tạ Ơn hoàn thành việc trùng tu Nhà Thờ Chánh Toà, và khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 100 năm xây dựng ngôi nhà thờ này. Đặc biệt, hôm nay cũng là ngày kỷ niệm tám năm lãnh nhận trách nhiệm chủ chăn giáo phận Mỹ Tho của Đức Cha Phaolô. Đây là một ngày hồng ân đặc biệt để mỗi chúng ta cùng ý thức lại ý nghĩa và giá trị của ngôi nhà thờ này, cũng như sứ vụ hiện tại của mỗi người chúng ta.

Thật đẹp khi chúng ta cùng nghe lại một lần nữa những lời của chính vị mục tử giáo phận, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, trong bài giảng thánh lễ nhậm chức của cha sở Chánh Toà ngày 16 tháng 3 năm 2005: « Chánh toà là giáo xứ Mẹ của các giáo xứ trong giáo phận. Nhà thờ chánh toà là nhà thờ Mẹ, trung tâm đời sống phượng tự của giáo phận, nơi hội tụ của Giáo Hội địa phương, như anh chị em thấy rõ trong các dịp lễ lớn. Ngôi nhà thờ chánh toà là dấu chỉ Giáo Hội hữu hình của Chúa Kitô tại trần gian, không ngừng dâng lên Thiên Chúa những lời chúc tụng, ngợi khen và cảm tạ, vì tình thương tạo dựng và cứu độ của Người dành cho nhân loại ».

Chính từ giáo huấn trên của vị chủ chăn giáo phận mà Nhà Thờ Chánh Toà đã được đổi mới và mở rộng. Việc đổi mới và mở rộng này là dấu chỉ và biểu tượng cho những cố gắng hết mình của mọi thành phần Dân Chúa Giáo xứ Chánh Toà để xây dựng khuôn mặt mới cho giáo xứ và mở rộng ra với những chân trời mới của sứ vụ. Nhà Thờ Chánh Toà là biểu hiện rõ rệt nhất về sự hiện diện của cộng đoàn Kitô giáo tại nơi này và về sự dấn thân của chúng ta đối với những cư dân thành phố Mỹ Tho.

Như thế, Nhà Thờ Chánh Toà trở nên trung tâm xây dựng sự hợp nhất giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau. Các thừa tác vụ tại Nhà Thờ Chánh Toà, Ban Mục Vụ, các hội đoàn và toàn thể giáo dân Giáo x ứ Chánh Toà phải vun trồng sự hiệp nhất này qua việc thờ phượng, việc giảng dạy giáo lý, rao truyền Tin Mừng và việc phục vụ, đặc biệt đối với những người nghèo. Ước mong Nhà Thờ Chánh Toà phải là phương tiện cho chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau được trưởng thành hơn trong đời sống đức tin, và được tăng cường sức mạnh nội tâm để sống trọn vẹn sứ mệnh làm chứng cho Đức Kitô và nhân danh Người mà phục vụ tha nhân.

Nhưng sứ vụ này không chỉ dành riêng cho cộng đoàn Giáo xứ Chánh Toà, mà cho toàn thể gia đình Giáo phận Mỹ Tho, như lời của Đức Cha Phaolô trong cùng bài giảng nêu trên đã nhắc nhở: «Và mọi người, dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, dù thuộc bất cứ giáo xứ nào trong giáo phận, theo tinh thần của công Đồng Vatican II, phải có lòng yêu mến và kính trọng đối với nhà thờ chánh toà». Vì thế Nhà Thờ Chánh Toà cũng phải trở nên ngôi nhà thờ chung thắt chặt mối liên kết sâu xa của 107 giáo xứ và cộng đoàn, của 108 anh em linh mục đoàn, của rất nhiều chủng sinh, tu sĩ và của khoảng 116.683 giáo dân trong Giáo phận Mỹ Tho. Nơi đây sẽ thường xuyên diễn ra những buổi cử hành cấp giáo phận: Thánh Lễ Dầu, những dịp lễ phong chức, những Thánh Lễ cho Giới Trẻ, những buổi thánh ca diễn nguyện, những cuộc hành hương của các giáo xứ trong Năm Thánh này, và nhiều dịp khác nữa…

 KẾT THÚC : HỒNG ÂN VÀ TRÁCH NHIỆM

“Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái” (Tv 84). 100 năm hình thành và phát triển cũng là 100 năm hồng ân. Trong giờ phút vui mừng này, còn gì đẹp cho bằng lòng chúng ta vui mừng hát lên lời tạ ơn Thiên Chúa:

« Hãy vào cửa thánh điện cất tiếng tạ ơn,

tới khuôn viên đền vàng dâng lời ca ngợi,

tạ ơn Chúa và chúc tụng danh Người.

Bởi vì CHÚA nhân hậu,

muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương» (Tv 100).

Chúa vẫn trọn tình thương với nhiều thế hệ cha ông chúng ta. Chúa vẫn trọn tình thương với chúng ta hôm nay. Vì ngôi Nhà Thờ Chánh Toà thân yêu, vì cộng đoàn Dân Chúa tại nơi đây, tất cả chúng ta, những người yêu mến ngôi nhà thờ Mỹ Tho, yêu mến cộng đoàn Mỹ Tho, yêu mến Giáo phận Mỹ Tho, hãy cùng dâng lên Thiên Chúa lời cảm mến tri ân, cùng dâng lên tổ tiên chúng ta, các thánh tử đạo, các vị thừa sai, và bao chứng nhân đức tin lòng biết ơn sâu sắc của chúng ta.

Hồng ân nhận lãnh cũng là trách nhiệm được trao ban. Thể hiện lòng biết ơn hôm nay, làm sao chúng ta không nghĩ đến trách nhiệm hiện tại của chúng ta là làm triển nở và lưu truyền niềm tin công giáo cho con cháu mai sau. Chính vì thế, lời tạ ơn tốt đẹp nhất là mỗi chúng ta: “Hãy sống xứng đáng đối với các bậc cha ông mà chúng ta đang thừa hưởng công lao của họ, và hãy nghĩ đến các thế hệ con cháu mà chúng ta đang chuẩn bị tương lai cho chúng”.

Mỹ Tho, ngày 20.5.2007.

Lm. Phaolô Nguyễn Thành Sang

Nguồn: giaoxugiaohovietnam

Liên hệ

Điều chỉnh giờ lễ, thông tin giáo xứ hoặc liên hệ vui lòng điền vào thông tin bên dưới

    LỜI KÊU GỌI

    Giờ lễ và các thông tin có thể bị thay đổi hoặc sai hoặc thiếu do đó rất mong quý Tu Sĩ, Anh Chị gởi thông tin về email giothanhle.net@gmail.com để được bồ sung, sữa chửa kịp thời
    ĐẶC BIỆT: Rất mong Anh/Chị góp sức bổ sung giờ lễ các nhà thờ còn thiếu giúp cho giothanhle.net ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện tại mình rất cần các bạn trong các giáo phận, giáo hạt làm Admin trang web để bổ sung, quản lý các nhà thờ còn thiếu, bạn nào nhiệt tình mail mình biết nhé. Trân trọng!

    Compare listings

    So sánh
    lienkhuong
    • lienkhuong