Nhà Thờ Lý Sơn

Thôn Đông, An Hải, Huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi

Nhà Thờ Lý Sơn

Thôn Đông, An Hải, Huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi

Giờ lễ

  • Chúa nhật: 07:30, 15:00
  • Ngày thường: 19:30

Thông tin giáo xứ

  • Giáo phận Quy Nhơn
  • Giáo hạt Quảng Ngãi
  • Năm thành lập 1995
  • Bổn mạng Thánh Tâm Chúa
  • Điện thoại +84 255 867 307
  • Email josviet@yahoo.com

Thông tin giờ lễ nếu không chính xác hoặc có thay đổi rất mong Quý cộng đoàn đóng góp tại form bên dưới (đi tới form)

Thông tin giáo xứ

TÓM TẮT LỊCH SỬ GIÁO XỨ LÝ SƠN

Lý Sơn là một Hòn đảo, nằm về hướng đông bắc của tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 28 cây số. Trước đây, Giáo xứ Lý Sơn là một giáo họ thuộc Giáo xứ Châu Ổ ( điểm truyền giáo Giáo Phận giao cho Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách), nay được tách ra và trở thành Giáo xứ. Tinh thần và người phụ trách vẫn thuộc cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế Châu Ổ.

“ Hãy đi loan báo Tin Mừng cho muôn Dân!” ( Mt 28, 19).

I/ GIAI ĐOẠN KHAI MỞ ( 1959- 1965)

Năm 1959 Ông Dương Minh Giáng thành viên của CGTH Giáo hạt Quảng Ngãi đi tuyên phong trên đường truyền giáo tại đảo Lý Sơn.
Năm 1961 ban CGTH Lý Sơn gồm các ông: Võ Xuân Thơ, Phạm Nên, Phạm Nữ, Bùi Đài… Nhà Nguyện được đặt tạm tại nhà ông Bùi Đài.

Một số anh chị em ở trại cãi huấn Quảng Ngãi, được ông Quản đốc Trần Quang Trung truyền giảng đạo Chúa, khi được trở về quê Lý Sơn, họ tự nguyện tham gia lo việc thờ phượng Chúa, trong số đó có Ông Nguyễn Tứ rất sốt sắng.

Đầu năm 1963 khởi công xây dựng nhà thờ. Mặt bằng để xây dựng nhà thờ lúc bấy giờ do chính quyền xã và đại diện Khu hành chánh Lý Sơn cấp cho Họ đạo.

Tháng 11/ 1963 tình hình đất nước biến động, việc xây dựng nhà thờ ngừng lại.
Năm 1964 đất nhà thờ bị Chính quyền sử dụng làm trại định cư, Họ đạo đấu tranh ngăn chận thành công.
Năm 1965: Cha Tôma Phạm Hữu Thiện DCCT được sai đến để chăm sóc Họ đạo.
Cha Thiện lo tái thiết Nhà thờ. Tính tại thời điểm này số người tòng giáo là 500 người.

II/ GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN: ( 1966- 1973).

Năm 1966 Cha phêrô Nguyễn Hoàng Diệp DCCT đến quản nhiệm thay Cha Tôma Thiện.
Năm 1966 xây dựng ngôi nhà thánh nhi làm cơ sở cho trường tiểu học Thăng Tiến.
Thành lập trường tư thục tiểu học và trung học Thăng Tiến.
Năm 1967 xây dựng cơ sở ( Nhà Bác Ái ) trường trung học Thăng Tiến. Công việc rao giảng tin mừng song song với công tác xã hội từ thiện, hoạt động phát triển.
Tháng 6 năm 1967, Đức Cha Đaminh Hoàng Văn Đoàn Giám mục Giáo phận Quy Nhơn đến thăm, ban bí tích Thanh Tẩy và Thêm Sức cho một số anh chị em.
Năm 1970, xây dựng nhà xứ.
Năm 1972, xây Nhà nguyện trường học cho họ Bình Vĩnh nay là An Vĩnh.

III/ GIAI ĐOẠN THỬ THÁCH: ( 1974- 1992)

Năm 1974, Cha Micae Trương Văn Hành DCCT đến quản nhiệm thay Cha Hoàng Diệp. Ngài tiếp tục lo việc mục vụ và điều khiển hoạt động của trường trung, tiểu học Thăng Tiến.

Đầu năm 1975 ( 31/3/1975 ), Chính quyền mới tiếp quản đảo Lý Sơn. Đời sống đạo gặp nhiều khó khăn. Trường Thăng Tiến ngừng hoạt động.

Các cơ sở như Nhà xứ, trường học bị Chính quyền mượn sử dụng: dạy học, đóng quân, chứa lương thực, chứa hàng thương nghiệp… ngôi nhà nguyện trường học tại thôn đông xã Bình Vĩnh nay là xã An Vĩnh Chính quyền xã cũng mượn dạy học.

Ngày 18 tháng 9 năm 1978, Chính quyền buộc Cha Hành phải rời Lý Sơn vào Châu Ổ. Một số giáo dân bị đưa đi vùng kinh tế mới, một số khác tìm vào miền Nam làm ăn sinh sống.

Chính quyền quản lý toàn bộ cơ sở của Họ đạo Lý Sơn, nhà thờ thì làm kho chứa lương thực và sau cho tư nhân thuê chiếu phim vedéo.

IV/ GIAI ĐOẠN TÁI HOẠT ĐỘNG VÀ TRƯỞNG THÀNH: ( Từ tháng 6/ 1992)

Tháng 6 năm 1992, một số gia đình giáo dân tụ họp đọc kinh chung tại nhà ông Giacôbê Bùi Giới

Cộng đoàn gửi thỉnh nguyện thư đến các cấp chính quyền xã, huyện, tỉnh và trung ương ( Chính phủ ) xin giao trả nhà thờ để Họ đạo lo việc thờ phượng.

Thời điểm này việc sinh hoạt của cộng đoàn Họ đạo do Cha G.B Nguyễn Thế Thiệp dìu dắt và lo liệu. Vì lúc bấy giờ Cha Hành bị bệnh đang điều trị tại Ý ( Roma).

Ngày 18 tháng 11 năm 1993, Đức Giáo Hoàng Gioan phaolô II ban phép lành Tòa thánh cho cộng đoàn Họ đạo Lý Sơn.

Ngày 16 tháng 12 năm 1993, lúc 8 giờ 30 phút, Chính quyền tại Lý Sơn chính thức giao trả nhà thờ cho Họ đạo.

Cuối năm 1993, Cha Hành lành bệnh và trở về Việt Nam.

Đầu năm 1994: ( nhằm 4/1- G tuất ) đáp ứng nguyện vọng của Giáo dân, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận để Cha Hành đến Đảo Lý Sơn thăm Giáo dân và dâng Thánh lễ nhân ngày đầu năm âm lịch Giáp Tuất.

Giai đoạn này, Cha Hành thỉnh thoảng xin được phép ra Lý Sơn làm mục vụ, phải sau một thời gian mới được tạm trú. Ngài tu sửa nhà thờ, nhà xứ, xây dựng lại đời sống đạo của đoàn chiên sau thời gian dài ly loạn.

Tháng 7 năm 1995, Họ đạo Lý Sơn được Đức Cha phaolô Huỳnh Đông Các, Giám mục Giáo phận Quy Nhơn nâng lên thành Giáo xứ thứ 34 của Giáo phận.

Ngày 22 tháng 8 năm 1996, nhân lễ Đức Maria Nữ Vương, Cha Tổng đại diện Phêrô Nguyễn Soạn thay mặt Đức Giám Mục đến thăm và chủ lễ ban bí tích Thêm Sức cho một số giáo dân.

Cha Micae Trương Văn Hành chú tâm vào việc giáo dục, ngài tổ chức chương trình khuyến học bằng nhiều hình thức như: trợ cấp học bổng, tặng phương tiện học tập… Nhờ vậy, Giáo xứ tuy nghèo nhưng con em trong Giáo xứ có người đỗ đạt cao.

Năm 1988, thầy Anrê Nguyễn Ngọc Dũng, tu sĩ DCCT, ra đảo giúp Cha Hành.

Năm 2005 Cha Phêrô Phạm Đức Thanh, Lm DCCT Sài Gòn, tự nguyện ra đảo thay Cha Micae Trương Văn Hành vì tình trạng sức khoẻ của ngài xuống cấp. Cha Thanh vốn là giáo viên nên ngài cũng chú tâm vào việc giáo dục văn hoá. Hàng năm, đến dịp hè ngài mở lớp dạy học cho các em cấp II và III không phân biệt lương giáo.

Sau 5 năm phục vụ, do tình trạng sức khoẻ, Cha Thanh muốn vào đất liền vì thế cần có người thay ngài.

Ngày 21 tháng 9 năm 2010, Cha Giuse Nguyễn Quốc Việt và thầy Phêrô Đinh Văn Lượng được Nhà Dòng bổ nhiệm ra đảo phục vụ.

Ngày 08 tháng 7 năm 2011, Đức Giám Mục Phêrô Nguyễn Soạn viết văn thư bổ nhiệm Linh mục Giuse Nguyễn Quốc Việt làm Linh mục chánh xứ Giáo xứ Lý Sơn.

Nguồn : LM. Giuse Trương Đình Hiền 7/11/2012 – VietCatholic


Giáo xứ Lý Sơn nhiều thời để nhớ

Đảo Lý Sơn một thời cách trở vì biển rộng sóng cao. Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, hạt giống đức tin được gieo xuống từ người giáo dân ra đảo làm nghề thuốc. Ông xin chủ nhà trọ lập bàn thờ Chúa vì là người Công Giáo. Cung cách ông cầu nguyện, lời kinh ông khẩn nài, cuôc sống là chứng tá đã làm gia đình ngoại giáo nơi ông xin trọ tin theo. Thời ấy hoàn cảnh xã hội thuận lợi như “mưa thuận giá hoà” nên cây đâm chồi nẩy lộc; chỉ thời gian ngắn Lý Sơn thành giáo điểm, có đất làm nhà nguyện, thỉnh thoảng cha tuyên uý từ Quảng Ngãi ra dâng lễ. Sau biến cố đảo chính năm 1963, cộng đoàn nhỏ vừa mới qui tụ chưa được thành hình đã có nguy cơ tan rã vì chính quyền mới muốn thu hồi đất để làm trại gia binh. Thế rồi cũng qua, vẫn giữ được đất, điều đáng nói là chính những người đạo mới, tuổi đức tin còn ít mà chất đức tin đã trưởng thành, đứng ra chèo chống. Nhớ hồi mới ra đảo, nghe câu chuyện thời khai sinh, ngỡ ngàng về sự can trường sống đạo của những người tín hữu đầu tiên. Tôi băn khoăn tự hỏi nhờ đâu mà chỉ thời gian ngắn họ thành trụ cột? Cũng có câu trả lời, nhưng ở lâu, ngang qua những chuyện con người lại thấy rõ bóng giáng Chúa Giêsu, đúng như lời Ngài đã hứa: hãy làm cho muôn dân trở thành môn đệ, Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28,16-20). Sống đức tin có nhiều cách nhưng khi ta truyền giáo là biết chắc có Chúa Giêsu ở cùng.

Đến năm 1965, thời điểm Việt Nam hóa chiến tranh, Mỹ đổ quân vào căn cứ Chu Lai, vùng đất Quảng Ngãi trở thành dầu sôi lửa bỏng, chỉ có ban ngày tạm bình yên, đêm về là tiếng súng nổ, người chết nhanh như bây giờ bị tai nạn giao thông. Trong hoàn cảnh đó, DCCT Châu Ổ được Giáo phận giao thêm trách nhiệm truyền giáo đảo Lý Sơn. Cha Tôma Thiện một mình ra đảo, chặt lá dừa làm lán, chuyện truyền giáo có vẽ rất thơ, giữa biển xanh cát trắng[1], người truyền giáo như chàng nghệ sĩ phiêu lãng với tình yêu đầy khát vọng là ơn cứu rỗi các linh hồn. Cha Tôma ra đảo chưa được một năm, Tỉnh Dòng gọi vào đất liền đi Pháp để chuẩn bị cho sứ vụ mới. Năm 1966, cha nhạc sĩ Phêrô Nguyễn Hoàng Diệp ra đảo. Ngài người gốc Huế, mảnh mai thanh cảnh, tưởng là cơ bắp không đủ sức đứng mũi chịu sào, giữa đầu sóng ngọn gió. Vậy mà ngài là người có công đặt nền cho việc truyền giáo trên đất đảo Lý Sơn. Đúng là : “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm” (2Sm 16,7).

Cha Phêrô ở đảo, có các thầy Học Viện trong thời gian thực tập đến giúp, có cả những người giao dân đất liền vượt biển ra cộng tác. Phải chăng ngọn gió Công Đồng Vaticanô II vượt biển Đông thổi tới, đem tinh thần Sắc lệnh “Tông đồ giáo dân”[2] còn tươi chưa ráo mực vào đảo nên tại Lý Sơn có một cộng đoàn tu sĩ và giáo dân hăng say truyền giáo.

Không chỉ đem Chúa đến cho người dân xứ đảo, cha Phêrô Nguyễn Hoàng Diệp có công rất lớn trong việc giáo dục, khai sáng văn hoá. Ngài lập các đoàn thể cho các giới, tổ chức sinh hoạt dưới nhiều hình thức như diễn văn nghệ, cắm trại, giao lưu… Ngài là người đầu tiên mở trường dạy học cho con em trên đảo không phân biệt tôn giáo. Trước khi ra đảo thực hiện sứ vụ truyền giáo, cha Phêrô lo việc đào tạo cấp đệ tử của Nhà Dòng, vì thế, thật dễ hiểu khi thấy ngài đặt việc giáo dục lên hàng đầu. Ngài mở trường, đưa các thầy, cô từ đất liền ra để cùng với ngài và các thầy Học Viện chuyên chăm dạy dỗ các em từ tiểu học đến trung học đệ nhất cấp, theo cách gọi thời đó, tương đương với bây giờ là cấp I và II. Thời gian trôi qua, thời cuộc xoá nhoà, người Công Giáo bây giờ chỉ là một nhóm nhỏ giữa 22 ngàn dân trên đảo, không mấy người biết cộng đồng ấy đã đóng góp gì cho sự phát triển của huyện đảo Lý Sơn. Dẫu thế, thỉnh thoảng đi dự đám giỗ, tôi được nghe những người có tuổi kể chuyện năm xưa, họ nhận mình là học sinh trường Thăng Tiến. Trong cách kể thoáng thấy họ tự hào, nhắc lại cha Hoàng Diệp hay các thầy họ tỏ lòng kính trọng. Nhiều người trong số họ từng  nắm giữ chức vụ lãnh đạo. Có người trong một lần chuyện trò bộc bạch cho biết: nếu không có những lớp học của trường Thăng Tiến thì mình đâu có cơ hội để được như ngày hôm nay.

Trường Thăng Tiên được xây trong khuôn viên nhà thờ tại xã An Hải, cùng với trường là nhà Bác Ái. Khi con số giáo dân mỗi ngày thêm đông, có các gia đình ở xã An Vĩnh trở lại, năm 1972 ngài vận động bà con dâng cúng, góp tiền mua đất xây nhà nguyện nhưng đồng thời cũng làm trường học, vì nhu cầu giáo dục quá lớn trong khi cơ sở vật chất cả đời lẫn đạo chăng có gì. Tiếc là ngày nay, khuôn viên nhà nguyện và trường học ở An Vĩnh biến thành chợ, ngôi nhà ngày xưa được sử dụng làm nơi thờ phượng, mở mang dân trí đã từ lâu trở thành hoang phế. Do được mượn mà không trả nó mới ra nông nỗi này! Đã qua ba đời quản xứ, không biết bao lần gởi đơn xin lại nhưng đến nay vẫn chưa nhúc nhích gì. Hy vọng đến một lúc, người ta mạnh dạn quyết điều hầu như ai cũng biết: để phát  triển đất nước ổn định cần phải có công bằng, nói rằng mình văn minh thì tối thiểu sự công bằng phải có. Qua rồi thời mạnh được yếu thua, bây giờ toàn cầu hoá, ….

Cha Hoàng Diệp hoàn thiện nhà thờ, xây nhà xứ, đến nay nhà thờ đã được xây mới nhưng nhà xứ sau khi được phục hồi thời cha Micae Trương Văn Hành, bây giờ vẫn còn chắc chắn và hợp thời. Năm 1974, Việt Nam sắp đến hồi thống nhất, chiến sự diễn ra ác liệt ở vùng Thừa Thiên, cơn sóng di tản vào Nam ngày càng nhiều. Nhà Dòng Huế một thời đông đúc giờ chỉ còn mỗi cha Lành và thầy Tađê, cha Hoàng Diệp nhận bài sai mới rời đảo ra phục vụ ở Huế. Trong lúc người ta đua nhau đi vào cha lại đi ra, đó cũng là một hành động anh hùng, đầy hy sinh vâng phục của người tu sĩ thừa sai truyền giáo. Về Cố đô lo việc Nhà Dòng, mục vụ giáo xứ nhưng lửa truyền giáo trong ngài không hề can, ngày cả khi về già, ngài cố diễn tả nội dung Kinh Thánh dưới dạng thơ, in thành tập nhỏ tựa đề là “Trong ánh Tin Mừng” nhằm giới thiệu Chúa cho những người chưa có đức tin. Ngài đi, cha Micae ra tiếp nối công việc truyền giáo. Nếu thời của cha Phêrô Nguyễn Hoàng Diệp là “làm” thì có thể nói thời cha Micae Trương Văn Hành là “chịu”!

Ngài chịu cảnh ra đảo một mình không người cộng tác, vì chiến tranh nên không còn ai tình nguyện ra Châu Ổ, trung tâm truyền giáo[3] chỉ còn ba cha ở lại, mỗi vị trụ một nơi và được quyền tự do rời nhiệm sở bất cứ lúc nào.

Nhớ mùa mưa đầu tiên ở đảo, chẳng hiểu vì sao gió lớn tựa như bão thường hay về trong đêm. Nằm nghe luồng gió đi, khi còn xa là tiếng hú đã về, rồi khi gió qua nhà, tiếng giật, rung rất mạnh ngỡ như nó muốn bưng mái nhà quăng xuống đất. Nhà thờ sát biển, chung quanh lại trống nên mỗi lần như thế đều có cảm giác trơ trọi làm mình lo, rất mong trời mau sáng. Những lúc ấy thường không ngủ được, chợt nghĩ về cha Hành suốt gần mười lăm năm phải chịu ở một mình trên đảo, trống trãi hơn bây giờ gấp bội, thấy thương! Sự hy sinh của cha anh đi trước quả là rất lớn. Bây giờ ta có làm được gì, giá trị của sự hy sinh cũng không thể so sánh với các ngài thời đó, hơn nữa, bây giờ ta có làm được gì cũng là nhờ đã có những hy sinh âm thầm như ra đảo một mình của cha Micae.

Sau thống nhất, do chưa hiểu nhau giữa Chính quyền mới và người Công Giáo, ngài chịu cảnh sống bị nghi kỵ, giáo dân bị ngăn cản khi đến với ngài. Ở Lý Sơn mùa hè biển rất êm, sang tháng 9 mùa mưa về trên đảo thường kéo theo những vụ áp thấp làm thành bão. Đây là mùa biển động, mùa nhiều lo lắng vì năm nào cũng có người ra đi mãi không về, những cái chết trẻ để lại cảnh mẹ goá con côi. Mùa mưa  năm 1978, người Công Giáo trên đảo từ lo biến thành sợ, do không còn chổ dựa tinh thần, không còn nơi đặt niềm trông cậy trước những biến động thời cuộc nhanh mạnh như động đất gây sóng thần. Ngày 18 tháng 9, cha Micae Trương Văn Hành bị trục xuất khỏi đảo vào đất liền sống tại Nhà Châu Ô, chịu cảnh người mục tử không có đoàn chiên, phải làm nghề nông trồng thuốc lá. Với xã hội thời đó, chưa biết tác hại của thuốc lá nên hút thuốc là bình thường, chứ không như bây giờ đi đâu cũng thấy “No Smoking”. Hơn mười năm làm nông, lấy phân chuồng bón cây cha bị nhiễm virus Aspergillus gây ra chứng nấm phổi. Từ ngày cha Micae bị buộc phải rời khỏi đảo, đàn chiên tan tác vì chính sách kinh tế mới, đưa dân đảo Lý Sơn lên sinh sống trên vùng núi huyện Trà Bồng. Nhà thờ thành trường học, có lúc được dùng làm cơ sở của công tác xã hội như nhà chiếu phim, nhà kho…

Hơn bốn năm ở kinh tế mới, người Công Giáo Lý Sơn sống không nỗi trên rừng núi Trà Bồng dắt dìu nhau về đảo. Chính Quyền cũng thương dân, có lẽ đã thấy không cho người ta về chẳng khác gì đẩy người ta vào chổ chết nên làm ngơ. Về đảo bắt đầu lại từ số không, bà con giáo dân hàng tuần tụ họp lại tại ngôi nhà ngày xưa bàn thờ Chúa lần đầu tiên được lập trong gia đình ngoại giáo. Đến mùa vọng năm 1993, đúng như ý nghĩa của mùa lễ, mùa dân Chúa chờ đợi Đấng Thiên Sai, niềm vui bất ngờ đến sớm, một người giáo dân cẩn thận ghi chép : “Ngày 16 tháng 12 năm 1993, lúc 8 giờ 30 phút, Nhà thờ Lý Sơn được trao trả lại cho Họ Đạo.” Lễ Giáng Sinh năm đó dù chưa có cha xứ ra dâng lễ, bà con tự tổ chức phụng vụ Lời Chúa với nhau, nhưng có lẽ, hơn bao giờ hết lời ngôn sứ Isaia trong bài đọc một của lễ đêm mừng Chúa Giáng Sinh đúng nghĩa là lời Chúa đang nói với họ: “Đoàn dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng ; đám người sống trong vùng bóng tối, nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi…” (Is 9,1). Không linh mục chỉ có người giáo dân gieo hạt giống đức tin đầu tiên vào xứ đảo; không linh mục chỉ có người giáo dân giữ cộng đoàn và dành lại nhà Chúa. Quá tuyệt vời! Đây chính là điểm đặc biệt của giáo xứ Lý Sơn. Tôi nghiền ngẫm điều này. Trong một lần băn khoăn làm sao để đoàn chiên thêm đông số, thoáng thấy bi quan nhưng liền tan biến khi chợt nhận ra: chính Chúa gieo, chính Chúa gìn giữ thì chắc chắn Chúa sẽ cho lớn lên.

Đầu năm 1994, Chính Quyền cho cha Micae trở lại đảo Lý Sơn dưới dạng tạm trú. Ngài trở về với đoàn chiên khi phổi chỉ còn một lá, người gầy ngỡ như không vững mỗi khi gió lớn về, đường từ Châu Ổ ra bến cảng mùa mưa lầy lội. Lấy lại được nhà thờ nhưng nhà xứ thì chưa, trong căn phòng nhỏ phía sau nhà thờ rộng chừng 36 m2, vừa là phòng áo, phòng kho, vừa là nơi dành cho mọi sinh hoạt của ngài. Xem lại chồng ảnh cũ, thấy cảnh ngài phát quà cho dân, hay đứng nhìn bà con giáo dân tập trung về nhà thờ mổ heo mừng lễ, cảnh dọn lại nhà sau đêm mưa bão… tôi thấy ngài như người mẹ, cộng đoàn nhỏ như một gia đình. Tháng 7 năm 1995, Đức Cha Phaolô Huỳnh Đông Các nâng họ đạo Lý Sơn lên hàng giáo xứ, mở ra một giai đoạn mới nhưng cũng đầy gian lao, phải nhiều năm sau toàn bộ đất nhà thờ, nhà xứ mới được trả hết. Ai đã từng trải qua tình trạng đứng nhìn tài sản của mình bị người ta chiếm đoạt, sử dụng tuỳ ý trong khi gia đình mình thiếu đói mới có thể hiểu hết sức chịu đựng của cha Micae, trong thời gian đầu trở lại đảo sau nhiều năm xa cách.

Kể lại chuyện cũ để thấy việc Chúa làm. Ngày xưa Chúa Giêsu nói với thánh Phaolô Tông đồ: “Ơn của Thầy có đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12,9). Ở Lý Sơn, thời cha Micae, lời Chúa đã nói thành ứng nghiệm. Với một lá phổi, sức khoẻ mong manh, một mình cô độc, cuộc sống khó khăn từ mọi phía: thiếu thốn về vật chất, tinh thần bị o ép, lo cho giáo dân không chỉ phương diện đức tin mà còn trợ giúp cuộc sống nghèo khổ bệnh tật của họ nữa, vậy mà cha vui vẻ chu toàn. Đúng là “sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Cha Micae đã dọn đường thênh thang cho lớp trẻ tiếp nối. Năm 2005, cha Phêrô Phạm Đức Thanh ra thay ngài. Cha Thanh dân sư phạm, ngài chú trọng việc giáo dục nên mở lớp dạy thêm miễn phí, nhất là vào mùa hè, con em trên đảo cả lương lẫn giáo kéo về nhà thờ học rất đông. Đây là điểm son trong năm năm ngài làm quản xứ. Trung Thu năm 2010 tôi ra thay cha Thanh, nhìn cách ngài sinh hoạt với các em theo lối vừa chơi vừa học, rất hay. Tôi buột miệng nói : anh xuất “chiêu” kiểu này em còn vốn đâu nữa để theo.

Thấm thoát đã 50 mươi năm trôi qua, biết bao dâu bể, mồ hôi và nước mắt, có lúc tưởng rằng mất trắng, xoá sạch, chấm hết, đến lúc không còn gì lại bổng thấy hồi sinh, như một phép mầu, ngỡ ngàng nhận ra quả đúng như lời Chúa Giêsu đã nói : “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” Vì chỉ có Chúa ở cùng mới làm nên điều kỳ diệu như cộng đoàn giáo xứ Lý Sơn đang có hôm nay, chứ sức con người chắc chắn là không thể [4]. Chúa đã ban ơn bằng cách cho Hội Thánh trong thời thử thách có các Đức Giám Mục đầy khôn ngoan, Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế quãng đại gởi đến các mục tử cháy lửa nhiệt thành, sống chết với đàn chiên, bám trụ đến cùng như dân chài bám biển. Vì thế, tuy xa xôi cách trở, thiếu thốn tứ bề, Lý Sơn được diễm phúc thành giáo xứ, thành chị thành em trong gia đình Giáo phận đến bây giờ vừa trọn tuổi 20.

Ngày lễ như một cuốn phim cho ta nhớ lại từng khuôn mặt thân thương, ngòi bút này không đủ tài làm nổi bật những đường nét đặc biệt cho độc giả cảm nghiệm được hồn Tông đồ truyền giáo là gì. Ngang qua bao biến cố cuối cùng nhận thấy đời truyền giáo khi thuận lợi thì vui, lúc thử thất gian lao lại nếm được Chúa yêu mình biết mấy. Đi qua chặng đường dài nhìn lại chỉ có lời tạ ơn là tất cả. Tạ ơn Chúa, cám ơn người dù người đó là ai. Tạ ơn Chúa vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương, đến ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế nên hành trình truyền giáo không hề thiếu ơn, do đó, đoạn kết bao giờ cũng có hậu. Cám ơn anh đã giúp, chúng tôi có điều kiện say sưa làm việc trong cánh đồng Nước trời. Cám ơn chị làm khó, nhờ vậy chúng tôi biết nguyện cầu và có bằng chứng để nói Chúa đã đến giúp chúng tôi. Xin Chúa tuôn đổ muôn phúc lành xuống trên các vị chủ chăn trong suốt 50 năm loan báo Tin Mừng, và 20 năm thành lập giáo xứ, đã dấn thân phục vụ về đời sống đức tin và văn hoá. Xin Chúa trả công bội hậu cho tất cả Quý ân nhân đã giúp đỡ giáo xứ Lý Sơn từ việc nhỏ đến việc lớn, qua bao tháng năm dài để hôm nay kết tụ lại một toà hồng ân.

Ngày lễ tạ ơn, trước mặt là Đức Cha Matthêu, Cha Hạt trưởng Hạt Quảng Ngãi, Quý Cha Bề trên, Quý Cha, Quý tu sĩ nam nữ, Quý cấp Chính quyền, Quý khách thuộc tôn giáo bạn và cộng đoàn tôi nghĩ : với Đức Cha là hiền phụ, mỗi người là một món quà Chúa gởi đến cho giáo xứ Lý Sơn trong ngày đặc biệt này. Như ca từ của một bài hát cất lên: “Ngày hồng phúc Chúa ơi…” Vâng! Hôm nay, đối với giáo xứ Lý Sơn thật là hồng phúc, ngày của những kỷ niệm, và là ngày của hồng ân. Giáo xứ có chủ chăn mới, có những người con ngoan vừa được Đức Cha ban bí tích Thêm Sức. Xin chúc mừng giáo xứ Lý Sơn! Xin chúc giáo xứ Lý Sơn được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần, để cùng đồng hành với toàn Giáo Phận nỗ lực hết sức mình chiếu toả niềm tin, đặc biệt cho những người chưa được biết Chúa.

[1] Do người dân lấy cát trồng tỏi, hiện nay, đảo Lý Sơn không còn bãi cát, bao quanh gần hết đảo là bờ kè chóng xói lở.
[2] Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII thiết lập Uỷ ban Tông đồ giáo dân vào năm 1960. Ngày 18 tháng 11 năm 1965, Sắc lệnh “Tông Đồ Giáo Dân” ra đời. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội, công đồng chung đã quan tâm đền vấn đề tông đồ của người giáo dân một cách đặc biệt.
[3] Giáo xứ Châu Ổ hiện nay trước đây là Trung tâm truyền giáo do Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi thành lập và giao cho DCCT đảm trách vào ngày 25 tháng 3 năm 1963. Các vị thừa sai tiên khởi là cha Paquette (tên Việt Nam là cha Qui) làm bề trên, cha Đôminicô Đỗ Văn Thừa, cha Phêrô Nguyễn Hoàng Diệp và 3 thầy tu huynh (thầy trợ sĩ).
[4] Trong Sứ điệp ngày thế giới truyền giáo 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô viết : “Những người theo Đức Kitô không thể không trở thành những nhà truyền giáo, vì họ biết rằng Đức Giêsu “cùng đi với họ, nói với họ, hít thở với họ, làm việc với họ. Họ cảm nhận được Đức Giêsu sống với họ giữa công cuộc truyền giáo” (EG 266)
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Nguyễn Quốc Việt
Nguồn tin: quangngaicatholic

Liên hệ

Điều chỉnh giờ lễ, thông tin giáo xứ hoặc liên hệ vui lòng điền vào thông tin bên dưới

    LỜI KÊU GỌI

    Giờ lễ và các thông tin có thể bị thay đổi hoặc sai hoặc thiếu do đó rất mong quý Tu Sĩ, Anh Chị gởi thông tin về email giothanhle.net@gmail.com để được bồ sung, sữa chửa kịp thời
    ĐẶC BIỆT: Rất mong Anh/Chị góp sức bổ sung giờ lễ các nhà thờ còn thiếu giúp cho giothanhle.net ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện tại mình rất cần các bạn trong các giáo phận, giáo hạt làm Admin trang web để bổ sung, quản lý các nhà thờ còn thiếu, bạn nào nhiệt tình mail mình biết nhé. Trân trọng!

    Compare listings

    So sánh
    lienkhuong
    • lienkhuong