Thông tin giờ lễ nếu không chính xác hoặc có thay đổi rất mong Quý cộng đoàn đóng góp tại form bên dưới (đi tới form)
Lệnh Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15) vẫn còn liên tục được thực hiện và suy niệm theo lời rao giảng của những chủ chăn hoặc trong những chia sẻ của anh chị em giáo dân. Lược sử dưới đây là những câu chuyện vẫn đang cần được viết tiếp trong nếp sống đạo và sứ vụ loan báo Tin Mừng trên mảnh đất Phú Xuân thân yêu.
Chúng tôi chọn ra những cột mốc thời gian và không gian để gợi nhớ những chuyện xưa và mong được chia sẻ thêm từ các vị có tài liệu hình ảnh hoặc chữ viết liên quan tới “Sự kiện Phú Xuân” của chúng tôi. Sau đây kính mời quý vị theo dõi câu chuyện sứ vụ Tin Mừng tại vùng quê ven đô này:
I/ Địa điểm 1, Hãng Socony 1932: Tin Mừng được gieo vào miền đất Phú Xuân từ năm 1932. Theo Lịch Sử Giáo Xứ Xóm Chiếu, phụ thêm lời kể của bà Bảy Thoạn 91 tuổi (sinh 1922, hiện ở tại khu 4 của giáo xứ) nhân chứng sống của những sự kiện ban đầu, thì thời gian này, hãng xăng dầu Socony – sau là hãng ESSO, rồi thành Kho Xăng Dầu A – có khoảng 6-7 gia đình Công giáo, qui tụ trong nhà riêng của một giáo dân ở ven tường rào của hãng, xin Cha Sở Xóm Chiếu cho Linh mục đến dâng lễ. Bà Bảy Thoạn kể rằng bà đã được tham dự Thánh Lễ tại đây Mùa Giáng Sinh 1932, và lâu lâu, khoảng vài ba tháng mới cóThánh Lễ một lần. Tình trạng này duy trì từ thời Cha sở And. Nguyễn Hướng Đoài (1932) cho đến thời người kế nhiệm là Cha Phêrô Nguyễn Bá Thà (1934-1939). Sau đó vì lý do an ninh, căn nhà bị giải tỏa, giáo dân không còn nơi tụ họp.
II/ Địa điểm 2, Hãng Shell 1939: Cha René Détry làm Cha Sở Xóm Chiếu (1939-1942) đã quan tâm một số người Công giáo làm việc tại hãng Shell (nay đổi thành Kho Xăng Dầu B). Lúc đó, giám đốc là người Pháp nên việc tìm nhà dâng lễ cho giáo dân không khó. Ông này nhường cho Cha một nhà của dân để ngày thường làm nơi dạy trẻ, và Chúa nhật thì dâng lễ, kiểu này tiếng Pháp gọi là Ecole-Chapelle (trường học-nhà nguyện). Nhưng vì thời buổi chiến tranh, chẳng được bao lâu, ông giám đốc về Pháp, Cha sở cũng được chuyển đi xứ khác (Chợ Quán), căn nhà école-chapelle được trả lại cho dân cư ngụ…Giáo dân Phú Xuân hết nơi tụ họp.
III/ Địa điểm 3, Hãng Socony 1954: Vào tháng 5-1954, Cha Phaolô Võ văn Bộ được bổ nhiệm coi họ Xóm Chiếu. Ngài nghĩ ngay tới số giáo dân ở rải rắc xa xôi, thiếu phương tiện di chuyển để tham dự Chúa nhật, lễ trọng. Ngài gặp gỡ một số người đạo đức, hỏi thăm họ về tình hình dân cư “gần xa? nhiều ít?”… và cùng với họ thăm viếng các gia đình, đặc biệt những người đơn độc, già yếu, di dân…nhằm tạo nên một mối dây liên kết, duy trì Đức Tin. Nhưng người vẫn chưa tìm được nơi dâng lễ, giáo dân vẫn đi lễ và học giáo lý tại nhà thờ Xóm Chiếu.
Ngày 26-10-1958 dịp Khánh Nhật Truyền Giáo, Cha Phaolô Bộ qui tụ 3 người là Phaolô Trần Dĩnh, Phanxico Xavie Phạm Khoan, và Dominico Lê văn Giáp để cùng với Cha đi tìm đất, tìm nhà…Suy đi tính lại, ông bà Phaolô Trần Dĩnh nhường căn nhà của mình đang ở cho họ đạo tương lai mà không lấy tiền, rồi dọn xuống ở nhà bếp!. Bộ ba Dĩnh-Khoan-Giáp hăng hái trang trí căn nhà sạch đẹp, có nhà tạm đặt Mình Thánh Chuá, với đầy đủ tượng ảnh, đàng Thánh Giá… Ngôi nhà lợp lá không xa nơi dâng lễ năm xưa, nhưng gần đường cái và đi lại thuận tiện hơn nhiều. Lúc này có khoảng 60 giáo dân qui tụ hằng tuần tham dự thánh Lễ Chúa Nhật và đọc kinh ngày thường.
Vì số giáo hữu ít ỏi, lại chưa biết xướng kinh thế nào, nên mỗi lần dâng lễ, Cha Phaolô phải đưa theo từ Xóm Chiếu khi thì ông Tôn, lúc thì bà Trầu cùng hội hát đồng nhi, cả các em giúp lễ nữa…Trong hãng Socony thì có ông Tám Cỏ tích cực giúp việc đạo, ông được gọi tên thân mật như thế vì hàng tuần ông luôn mang đồ nghề dọn dẹp cỏ rác, giữ cho Nhả Thờ luôn sạch đẹp… Tình hình sống đạo thật phấn khởi, mọi người trong họ đạo đều quen biết, gặp gỡ và thăm hỏi nhau thường xuyên…Cứ tưởng Họ Đạo đang dần dần lớn lên và phát triển…Bỗng dưng, cũng vì lý do an ninh thời chiến, ông giám đốc hãng Socony không đồng ý cho nhà dân sự nào ở gần, kể cả Nhà Thờ buộc phải dời đi xa! Thế là lần thứ hai đoàn chiên Phú Xuân bị mất nơi thờ phượng vì cùng một lý do an ninh của hãng xăng dầu Socony.
IV/Địa điểm sau cùng: Cha Phaolô Bộ, như Moi-Se thuở trước, lại dẫn dắt dân Chúa Phú Xuân tìm miền đất hứa… May mắn, Cha Phaolô và bộ ba Dĩnh-Khoan-Giáp tìm mua được một căn nhà gần ngã ba dẫn vào hãng Shell. Căn nhà mới mua này ở phía đối diện với một căn nhà lá do Cha Giuse Ngô Văn Tố mua trước đó để nuôi trẻ mồ côi. Thấy địa điểm của Cha Tố thích hợp hơn cho giáo dân từ khu vực dân cư trong hãng đi lễ sẽ không phải băng qua đường, nên hai cha đồng ý trao đổi địa điểm với nhau. Do đó, nhà thờ Phú Xuân hiện nay (2013) ở vào vị trí thuận lợi cho việc đi lại của dân Chúa!
Căn nhà trao đổi tuy cũ, nhưng cha-con vui mừng đọc kinh hằng ngày và dâng lễ mỗi tuần trong đó. Đến lễ Chúa Giêsu lên trời, nhiều giáo dân dự lễ, thấy có nhiều thanh niên mạnh khỏe Cha Phaolô kêu gọi họ sau lễ ở lại cùng nhau dựng lên một khung nhà bằng gỗ ngay trên đất mới. Thực ra, trước đó cha Phaolô đã nạp bản vẽ xin phép chính quyền để xây nhà thờ mà không được trả lời, vì vậy hôm nay Cha-con cùng nhau bắt tay vào việc luôn !. Ông Quận Trưởng Nhà Bè về sau biết sự việc đã bị cấp dưới trì hoãn , lại không trình báo, nên ông đã nhanh chóng cho phép xây dựng và ủng hộ tinh thần. Chẳng bao lâu việc xây dựng ngôi nhà được hoàn thành…
Đức Cha Simon-Hòa Nguyễn văn Hiền, Giám Mục Saigon đã làm phép, khánh thành Nhà Thờ ngày 18/9/1960. Nhà cột kèo bằng gỗ, tưòng gạch, mái xi măng, có tháp chuông hình vuông, cao 10 mét, trên tháp là tượng Đức Mẹ lên trời do một số ân nhân Tông đồ giáo dân kính tặng, nên Cha Phaolô xin phép Đức Giám Mục cho giáo xứ Phú Xuân nhận Đức Mẹ lên trời làm bổn mạng từ ngày khánh thành này. Đó là lý do tại sao nhà thờ khởi công lễ Chúa Lên trời mà lại có Bổn mạng là Mẹ lên trời! Ngày đó có trên 1000 người tham dự thánh lễ. Thật vinh dự cho một họ đạo nơi đồng quê heỏ lánh khi có đông giáo dân dự lễ như thế, vì lúc bấy giờ Phú Xuân vắng người, đường xá nhỏ hẹp, rất ít xe cộ, ven lộ là đồng lúa và các đầm dừa lá dùng để lợp nhà, thỉnh thoảng lại có những mảnh ruộng nuôi vịt thật rộng (nay 2013 vẫn còn địa danh “bờ hột vịt”), và còn nhiều vườn dừa nặng trĩu quầy trái để cung cấp cho Sài Gòn. Khách đi đường hỏi thăm Nhà Thờ Phú Xuân, có thể được chỉ dẫn: đi qua cầu chợ Phú Xuân, nhìn thấy ngay tượng Đức Mẹ đứng trên ngọn tháp chuông, nổi bật trên nền đồng lúa xanh và những nhà cửa thưa thớt. Tiếng chuông từ tháp Nhà Thờ kêu gọi giáo dân vào các buổi sáng chiều có thể vang xa khoảng bốn km đường kính.
V/Những Chủ Chăn: Tính từ 1932 tới nay:
– Cha And. Nguyễn Hướng Đoài gieo hạt Tin Mừng từ 1932. Gián đoạn…
– Cha Phêrô Nguyễn Bá Thà chăm sóc với nhiều khó khăn 1934. Gián đoạn..
– Cha René Détry thu hoạch bước đầu, có nhà nguyện 1939. Gián đoạn…
– Cha Phaolô Võ văn Bộ, thành công xây dựng giáo xứ Phú Xuân 1958.
Từ cột mốc thời gian khởi công xây dựng Nhà Thờ 1958, và sau đó được Đức Giám Mục Saigon cho phép nhận Mẹ Maria lên trời làm bổn mạng, họ đạo Phú Xuân trực thuộc xứ Xóm Chiếu do cha Phaolô Võ văn Bộ chăm sóc. Chúng ta mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập giáo xứ vào 15/8/2008 là dựa trên sự kiện này. Có thể nói Cha Phaolô Võ Văn Bộ đã sinh ra xứ Phú Xuân “trong Chúa Kitô”. Chúng ta ghi ơn và cầu nguyện cho ngài.
– Ngày 21/2/1961 Cha Phaolô Bộ cử Cha Antôn Trần Ngọc Lạc chính thức coi xứ Phú Xuân. Từ đây Giáo Xứ Phú Xuân có Cha sở, tách khỏi Xóm Chiếu. Vậy có thể nói Cha Phaolô Bộ thiết lập giáo xứ, và cha Antôn Lạc là cha sở đầu tiên của Phú Xuân.
– Ngày 14/6/1962 Cha Giuse Ngô văn Tố thay thế Cha Antôn và giúp họ đạo được 24 tháng. Ngài ra đi để lại thương nhớ cho giáo dân, và cha Gioan Baotixita Dương Hoàng Thanh (lúc đó là cha sở Xóm Chiếu) đảm nhiệm việc phục vụ họ đạo từ năm 1963 đến năm 1965.
– Ngày 19/12/1965 Cha Phaolô Nguyễn Văn Minh dù tuổi già sức yếu đã tình nguyện tới chăm sóc Giáo xứ Phú Xuân. Cha đã xin Đức TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình mua thêm đất để làm trường học dạy trẻ em. Trường mang tên Phaolô Hạnh (Thánh tử đạo, sinh năm 1826 tại Chợ Quán, Giáo dân, bị xử trảm ngày 28/05/1859 tại Nam Việt dưới đời vua Tự Ðức). Trường được xây dụng kiên cố (30m x 8m), tầng trệt để dạy học, tầng trên dâng lễ. Nhà được khánh thành 01/01/1971. Ta ghi nhận công ơn Cha Phaolô Nguyễn Văn Minh, Lm. Nicola Huỳnh Văn Nghi- Giám đốc Caritas (sau trở thành Giám Mục Phan Thiết), các linh mục trong hạt Chợ Quán, một số giáo dân, đặc biệt ông Phêrô Phạm Văn Bảy trong công trình xây dựng cơ sở này, mà tới nay giáo xứ vẫn còn sử dụng rất hiệu quả cho các lớp giáo lý thiếu nhi. Xin Chúa trả công bội hậu cho các ân nhân.
– Ngày 07/10/1973 cha Đaminh Ngô Quang Tuyên (đang truyền giáo ở vùng Rừng Sác, Cần Giờ) về Phú Xuân để giúp Cha Phaolô Minh coi sóc giáo dân ( và chuẩn bị cho Cha Phaolô Minh về nhà hưu dưỡng tại Chí Hòa năm 1974).
– Từ năm 1983-1998, cha Antôn Vũ Doãn Cát thay thế Cha Đaminh, xây khuôn viên, chỉnh trang Nhà thờ, xây dựng Đài Đức Mẹ và tổ chức Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ theo qui chế Giáo phận. Trong 15 năm tại Phú Xuân, Cha Antôn Cát đã lưu một tấm gương thương người nghèo khó, sống hòa đồng và cổ võ lòng đạo đức bình dân trong họ đạo.
– Cha Đaminh Ngô Quang Tuyên trở lại Giáo xứ Phú Xuân ngày 01/01/1995 vừa giúp Cha Antôn, vừa phụ trách hai xứ An Phú, Tắc Rỗi và dâng lễ hàng tuần tại Nhà thờ Giáo xứ Môi Khôi (Kho 18 Tân Thuận thuộc Giáo xứ Thuận Phát). Sau khi Cha Antôn về hưu năm 1998, Cha Đaminh tiếp tục chăm sóc Giáo xứ Phú Xuân. Tính đến năm 2013, cha Đaminh đã lãnh trách nhiệm trông coi Giáo xứ Phú Xuân được 40 năm, xây dựng nhà cho các Dì Phước năm 1999, và ngôi Thánh đường mới từ năm 2000-2002 trên mảnh đất trồng dừa trước kia kế liền với ngôi trường mà Cha Phaolô Nguyễn Văn Minh để lại.
9- Những tông đồ cộng tác khác: Đó là các Dì Phước Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã có mặt từ lúc khởi đầu xây dựng họ đạo, trong số đó, Dì Anna Lê Thị Dần (Dì Ba) và Dì Madalêna Nguyễn Thị Khanh (Dì Năm) gắn bó với giáo xứ tới hơn 2 thập niên (1972-1994).
VI/ Tin Mừng Lan Tỏa:
Năm 2008, Cha Sở Đaminh Ngô Quang Tuyên mở phong trào cầu nguyện, đóng góp và dấn thân cho sứ vụ loan báo Tin Mừng trong Giáo xứ . Nhờ lời bầu cử của Mẹ Maria và sự giúp đở của nhiều ân nhân, Chúa đã thương cho Cha Đaminh tìm và mua được một khu đất tại ấp 1, xã Hiệp Phước để thành lập giáo điểm Tin Mừng thuộc giáo xứ Phú Xuân. Ngày 03/10/2010, Thánh lễ đầu tiên được dâng lên tại Giáo điểm Tin Mừng để tạ ơn Chúa và kính Mẹ Mân Côi. Nhớ lại 37 năm trước (07/10/1973 như trên) Cha Đaminh đã dâng Thánh lễ đầu tiên tại Giáo xứ Phú Xuân cũng là lễ kính Đức mẹ Mân Côi.
Ngày 17/11/2011, Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm đã dâng Thánh Lễ tạ ơn để chính thức xác nhận đây là giáo điểm của giáo phận với tên gọi “Giáo Điểm Tin Mừng”, nhận ngày Chúa Giáng Sinh là lễ bổn mạng. Tên gọi này nhắc cho người tông đồ giáo dân phải trở thành Ánh Sáng Tin Mừng chiếu rọi trong vùng chưa nghe nói về Chúa. Giáo dân Phú Xuân sẽ còn tích cực viết tiếp câu chuyện của chính mình về Tin Mừng đang lan tỏa… Hiện nay, Giáo xứ Phú Xuân có trên 1,600 giáo dân và Giáo điểm Tin Mừng khoảng 300 giáo dân.
(Lm Đaminh Ngô Quang Tuyên và Nhóm biên soạn của Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Phú Xuân thực hiện ngày 08/08/2013 – Lễ kính Thánh Đaminh).
Điều chỉnh giờ lễ, thông tin giáo xứ hoặc liên hệ vui lòng điền vào thông tin bên dưới
Giờ lễ và các thông tin có thể bị thay đổi hoặc sai hoặc thiếu do đó rất mong quý Tu Sĩ, Anh Chị gởi thông tin về email giothanhle.net@gmail.com để được bồ sung, sữa chửa kịp thời
ĐẶC BIỆT: Rất mong Anh/Chị góp sức bổ sung giờ lễ các nhà thờ còn thiếu giúp cho giothanhle.net ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện tại mình rất cần các bạn trong các giáo phận, giáo hạt làm Admin trang web để bổ sung, quản lý các nhà thờ còn thiếu, bạn nào nhiệt tình mail mình biết nhé. Trân trọng!
Compare listings
So sánhVui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email của bạn. Bạn sẽ nhận được một liên kết để tạo mật khẩu mới qua email.