Thông tin giờ lễ nếu không chính xác hoặc có thay đổi rất mong Quý cộng đoàn đóng góp tại form bên dưới (đi tới form)
Nhà thờ Giáo xứ Nội Hà thuộc địa bàn phường Thanh Bình, Quận Hải Châu, nội thành Đà Nẵng, giáo dân nằm rải rác ven đường Đinh Tiên Hoàng, đường Trần Cao Vân và một số khác cư ngụ trong địa bàn phường Tam Thuận, Quận Thanh Khê. Đa số giáo dân Nội Hà đến từ Giáo phận Vinh, trong cuộc di cư vĩ đại sau khi hiệp định Gieneve ký kết vào ngày 20/7/1954 phân hai đất nước tại vĩ tuyến 17.
1. Hình thành:
Trước năm 1954, Thành phố Đà Nẵng đất rộng người thưa, ven biển là một dãi cát trắng dài với rừng dương liễu quanh năm vi vu trước sóng gió. Trong cuộc di cư xuôi Nam vào năm 1954, một số giáo dân thuộc xứ đạo Cồn Nâm, xã Nội Hà thuộc Giáo phận Vinh, dừng chân định cư tại đây. Trong số gần 400 hộ gia đình đầu tiên tại Giáo xứ Nội Hà, 15% là giáo dân gốc làng Báo Đáp, địa phận Bùi Chu, số còn lại thuộc Giáo phận Vinh từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Hướng Phương, Cầm Phong, Minh Cầm … Cha Gioan Baotixita Trần Hữu Lễ, nguyên là Chánh xứ Cồn Nâm, Hạt Hướng Phương, Địa phận Vinh, trở thành mục tử đàn chiên Nội Hà. Ngài còn là cái gạch nối giữa những người dân mới đến với chính quyền địa phương Đà Nẵng lúc bấy giờ.
Từ một bãi cát hoang vu, Nội Hà bây giờ đã trở thành một khu dân cư đông vui nhộn nhịp. Các dãy nhà liên cư ngăn hộ nối tiếp nhau được dựng lên bằng vật liệu nhẹ, mái lợp tole, vách ngăn bằng phên tre, cọc cột gỗ, nền đất. Ngay trung tâm khu dân cư là một khoảnh đất rộng khoảng một hécta thuộc về Nhà Chung với ngôi Thánh đường nho nhỏ, nhà xứ và một căn phòng để làm nơi hội họp, vừa là phòng y tế, vừa được dùng làm lớp học cho trẻ con, với tấm bảng hiệu: TRẠI ĐỊNH CƯ NỘI HÀ. Đó chính là tiền thân của Giáo xứ Nội Hà, Giáo phận Đà Nẵng ngày nay.
2. Các thời kỳ:
Có công lớn trong việc quy tụ và xây dựng nên Giáo xứ Nội Hà, trước hết phải kể đến Linh mục Gioan Baotixita Trần Hữu Lễ, linh mục Giáo phận Vinh. Ngài nguyên là Chánh xứ Cồn Nâm, Hạt Hướng Phương, Địa phận Vinh. Ngài đã đưa đoàn chiên vào định cư tại vùng đất mới này. Năm 1956, Cha Gioan Baotixita Trần Hữu Lễ xin từ chức về nghỉ hưu tại Phan Thiết.
Cha Phêrô Phạm Hữu Nghi được bổ nhiệm về thay thế Cha Lễ. Theo chương trình di dân lập ấp của Chính phủ lúc bấy giờ, Cha Nghi đưa một số lớn giáo dân Nội Hà di cư lên Cao nguyên, đến định cư tại Buôn Mê Thuột, đặc biệt là vùng Buôn Hồ, Đắc Lắc, làm nên Giáo xứ Hà Lan B ngày nay. Một số khác vào lập nghiệp ở vùng Tân Bình, Đồng Lác (Cam Ranh) cũng như ở Võ Đắc, Cẩm Đường … Một số khác nữa tự tìm đường vào Hố Nai, Sài Gòn sinh sống.
Chúa quan phòng đã can thiệp, Nội Hà chỉ vắng bóng chủ chăn trong vòng 3 đến 4 tháng. Đầu tháng 7 năm 1957, Cha Phêrô Hoàng Ngọc Hồ cũng từ Vinh di cư vào, đến thăm con chiên bổn đạo cũ định cư tại Đà Nẵng. Nhìn thấy cơ cảnh này và với sự khích lệ của vị đồng hương là Cha Giuse Ngô Đình Phú đang trông coi xứ Chính Trạch gần đó, Cha Hoàng Ngọc Hồ đã đồng ý qui tụ và chăm sóc những người còn ở lại. Chính quyết tâm của Ngài đã gìn giữ và phát triển xứ đạo non này. Giáo xứ Nội Hà dần dần được hồi sinh, ổn định và lớn mạnh không ngừng cho đến ngày nay..
Song song với những công việc mục vụ Giáo xứ, Cha Hồ rất quan tâm đến việc văn hóa, nâng cao dân trí cho giáo dân. Ngài cho xây dựng hai dãy trường Tiểu học, đủ chỗ cho con em trong xứ theo học miễn phí, cũng như mời gọi các giáo viên tình nguyện giảng dạy. Ngày Chúa Nhật, các em qui tụ học giáo lý và sinh hoạt hội đoàn tại những dãy trường này. Đồng thời, Nhà thờ Giáo xứ cũng được sửa sang nâng cấp, rộng rãi khang trang hơn. Nhà xứ được xây dựng kiên cố, được xử dụng mãi cho đến những ngày gần đây.
Từ năm 1961, Cha Phêrô Hoàng Ngọc Hồ kiêm nhiệm thêm Giáo xứ Tam Toà, để rồi đến năm 1964, ngài từ giả hẳn Nội Hà, để làm quản xứ Tam Toà. Thay thế Ngài là Cha Bonaventura Nguyễn Văn An về làm quản xứ Nội Hà. Rời Nội Hà, Cha Hồ đã để lại cho Giáo xứ một sở nhà vườn, hiện nay Quý chị Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân – Huế đang sử dụng.
Cha Bonaventura Nguyễn Văn An nguyên là Quản xứ Ái Nghĩa, đến Nội Hà trong hoàn cảnh Giáo xứ đã khá ổn định. Công việc đầu tiên là Ngài là sửa sang lại hai dãy trường Tiểu học, đồng thời kêu gọi giáo dân chung công góp sức để xây dựng thêm Trường Trung học. Đó là trường Thánh Mẫu Nội Hà, với ngôi nhà một tầng và 4 phòng. Giáo xứ còn làm một dãy nhà 3 gian phía mặt bên đường, trước cổng Nhà Thờ và trường học, để làm phòng đọc sách, giải trí cho học sinh. Ngoài ra, Giáo xứ cũng cho xây một căn hộ bên góc khu nhà xứ để làm nơi cư ngụ cho gia đình người bảo vệ nhà thờ và trường học.
Năm 1969, Cha Bonaventura Nguyễn Văn An bắt tay vào việc xây dựng mới lại Thánh đường với sự hưởng ứng tích cực của giáo dân. Ngôi Thánh đường tuy không lớn hơn Nhà thờ cũ bao nhiêu, nhưng được xây dựng kiên cố và khang trang hơn nhiều. Ngôi Thánh đường còn tồn tại đến ngày hôm nay với một vài lần tu sửa lớn nhỏ.
Mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, Cha Bonaventura vì già yếu, nên xin phép Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi về nghỉ hưu tại quê nhà Bình Định.
Cuối tháng 5 năm 1975, Cha Matthêô Chung (Matteo Tchong), một linh mục người Hoa Đài Loan, thuộc dòng Don Bosco, được Đức Giám mục thuyên chuyển từ Giáo xứ Phước Quang về Nội Hà. Cha Chung chỉ ở lại với Giáo xứ hơn 3 tháng, sau đó bị buộc phải rời Việt Nam theo chính sách của nhà nước lúc bấy giờ. Ngài về nhà dòng tại Macao, và qua đời ít năm sau đó. Giáo dân Nội Hà lại thêm một lần tan tác. Gần một nửa số giáo dân của giáo xứ phải rời thành phố đổ về các vùng kinh tế mới tìm kế sinh nhai. Giáo xứ lại trở nên vắng vẻ u buồn.
Một lần nữa, Giáo xứ Nội Hà lại hoàn sinh. Cuối tháng 8 năm 1975, Cha Antôn Trần Văn Trường, phó xứ Chính Tòa được bổ nhiệm về làm Quản xứ Nội Hà trong hoàn cảnh đầy khó khăn. Là một Linh mục nhiệt tình, năng động, với tinh thần hoà nhập, cha Antôn đã nhanh chóng đem lại luồng sinh khí mới cho Giáo xứ Nội Hà đang băn khoăn xao xuyến. Là một chuyên viên về giáo lý, đặc trách ban Giáo lý của Giáo phận, Ngài đã đem hết tài năng và tâm tình bồi đắp cho đàn chiên được giao phó cho Ngài trong tình hình mới này.
Để việc giáo dục được tiếp tục, từ ngày 18/9/1975, Giáo xứ đã để Nhà nước tạm xử dụng các cở sở giáo dục của mình nằm trong khuôn viên Nhà thờ, với toàn bộ các phòng học, bàn ghế và dụng cụ giáo dục… Hiện nay, 35 năm sau ngày thống nhất, thành phố đã phát triển và xây dựng nhiều ngôi trường mới khang trang đủ tiêu chuẩn giáo dục hiện đại, những gian phòng của Giáo xứ ngày xưa trở thành quá nhỏ bé, lại bất tiện vì nằm trong khuôn viên Nhà thờ, với số giáo dân mỗi ngày một tăng, nhu cầu sinh hoạt mỗi ngày một lớn. Giáo xứ hy vọng một ngày gần đây sẽ được xử dụng lại các căn phòng này, đồng thời có thể kiến tạo lại khuôn viên Nhà thờ cho ngăn nắp, cải tạo môi trường và tăng cường an ninh.
Trong suốt 17 năm làm Quản xứ Nội Hà, Cha Antôn là Cha Sở Nội Hà thâm niên nhất từ trước đến nay. Đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước và tôn giáo phải đương đầu với nhiều khó khăn kinh tế, chính trị, xã hội, Cha Antôn đã để lại cho giáo xứ và giáo dân những thành quả tinh thần thật đáng kể. Nhờ những lớp giáo lý trẻ em và người lớn kiên trì và liên tục, Cha đã hun đúc người giáo dân trưởng thành và vững vàng hơn trong cuộc sống đạo đời. Ngài cũng đã đào tạo cho Giáo xứ một đội ngũ giảng viên Giáo lý chuyên cần và nề nếp. Hội đồng Giáo xứ, các ban ngành, đoàn thể cũng được quan tâm cách đặc biệt, tạo cho giáo xứ luôn có những tông đồ giáo dân nhiệt thành, chung ta góp sức làm cho Giáo xứ luôn sinh động.
Hiện diện trong Giáo xứ, có Cộng đoàn Chị em Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân – Huế. Các Chị đã thâm nhập vào hoạt động mục vụ truyền giáo của Giáo xứ rất tích cực.
Ngày 30 tháng 7 năm 1992 Cha Giuse Cao Văn Cường từ Xuân Thạnh về thay Cha Antôn Trần Văn Trường, đảm nhận Giáo xứ Nội Hà. Cha cựu quản xứ Antôn về Toà Giám mục để chuyên trách Giáo lý của Giáo phận, và 3 năm sau, Ngài được chọn làm Tổng Đại diện Giáo phận kiêm Quản xứ Giáo xứ Chính tòa.
Cha Giuse Cao Văn Cường về nhận nhiệm sở mới với một tinh thần năng động, nhiệt thành và đạo đức. Ngài tiếp tục xây dựng và củng cố các đoàn thể. Nhu cầu đoàn thể và học giáo lý mỗi ngày một tăng, Giáo xứ phải xây dựng thêm các phòng hội họp và học giáo lý, với bàn ghế đầy đủ. Khuôn viên nhà thờ được che mát bằng hai dãy cây bàng thẳng tắp đến cổng ra vào, sân Nhà thờ được tráng bêtông sạch sẽ.
Ngày 15 tháng 6 năm 1997, Cha Giuse Cao Văn Cường đổi về Phú Thượng. Cha Vinh Sơn Hoàng Quang Hải về nhậm chức Quản xứ Nội Hà. Là Linh mục có tấm lòng đơn sơ, cần mẫn và chu đáo, Ngài chuyên chăm việc phụng tự cho Giáo xứ và cả Giáo phận, in ấn các sách giáo lý, sách hát, phụng vụ Thánh lễ, tu chỉnh các sổ hộ gia đình Công giáo, ghi chép từng chi tiết rõ ràng, cụ thể. Dưới thời Cha Vinh Sơn, Giáo xứ bắt đầu việc trùng tu Ngôi Thánh đường. Công việc hoàn thầnh tốt đẹp nhờ sự tham gia đóng góp công của giáo dân và sự trợ giúp của quý ân nhân xa gần. Năm Thánh 2000, Ngôi Nhà thờ được mặc một lớp áo hoàn toàn mới, khang trang đẹp đẽ hơn. Cổng chính ra vào cũng được xây mới. Trong thời gian này, cơ sở của Cộng đoàn Con Đức Mẹ Vô Nhiễm cũng được nâng cấp và thêm nhà trẻ. Sau hơn 6 năm làm Quản xứ, ngày 21/8/2003, Cha Vinh Sơn được chuyển đến Giáo xứ Phước Tường.
Dưới thời Cha Vinh Sơn, hội viên Legio Mariae phát triển mạnh. Ngài cũng cho thiết lập thêm Hội Bác Ái Vinh Sơn để chăm sóc giúp đỡ giúp đỡ người nghèo khó, neo đơn, già yếu trong địa bàn Giáo xứ không kể lương giáo.
Ngày 21 tháng 8 năm 2003, Cha Phêrô Nguyễn Hùng, phó xứ Tam Toà về nhận nhiệm sở Nội Hà thay Cha Vinh Sơn Hoàng Quang Hải, tiếp tục công việc của các thế hệ đàn anh. Trẻ tuổi, nhiệt thành, Ngài đã thổi vào Giáo xứ một luồng khí mới, giữa một không khí xã hội cũng đang dần đổi mới.
Việc trước nhất, Ngài đã xây dựng một núi đá Đức Mẹ như lòng mong ước của Giáo dân, với tước hiệu: Đức Mẹ Thông ơn Thiên Chúa, được khánh thành và làm phép ngày 21 tháng 12 năm 2003, do Đức Giám Mục Giáo phận Phaolô Tịnh Nguyễn Bình Tĩnh, đồng thời, cũng để tạ ơn Đức Mẹ, sau 50 năm Giáo xứ được hình thành.
Cha Phêrô chú tâm củng cố giới Gia trưởng và giới Hiền mẫu. Các Thánh lễ ngày thường trong tuần, Ngài nhắm vào việc thánh hoá từng giới. Ngài cố gắng giúp gỡ rối cho nhiều gia đình, giáo dục Đức Tin cho thanh thiếu niên và truyền giáo trong khu vực theo lời mời gọi của Giáo Hội. Hội Trợ Táng được phát triển thêm và đổi tên thành Hội Bác ái trợ tang Tôbia
Tháng 12 năm 2008, do nhà xứ lâu năm xuống cấp, giáo xứ lại thiếu phòng ốc sinh hoạt, Cha Phêrô khởi xướng xây dựng lại ngôi nhà xứ 2 tầng. Tầng trên tạm dùng làm 4 phòng giáo lý, 01 phòng họp cho các ban ngành. Nhận được sự hỗ trợ của Tòa Giám mục cũng như các ân nhân xa gần và lòng nhiệt thành của giáo dân, công trình đã hoàn tất và đưa vào xử dụng vào tháng 6 năm 2009.
Vừa lo việc mục vụ Giáo xứ, vừa lo củng cố cơ sở, Cha Phêrô lại rất vất vả chiến đấu với việc chữa bệnh trường kỳ. Nhưng nhờ tinh thần lạc quan và phó thác, Ngài luôn chu toàn mọi công việc cách tốt nhất. Chúng ta đừng quên tiếp tục cầu nguyện cho Ngài.
3. Hiện tình Giáo xứ:
Ngày nay, Giáo xứ Nội Hà qui tụ 1.450 giáo dân, gồm 400 gia đình, được chia ra làm 7 giáo khóm. Đa số sống bằng nghề lao động và buôn bán nhỏ lẻ trong thành phố.
Gắn kết với quá khứ và luôn hướng về tương lai, giáo dân Giáo xứ Nội Hà cùng Cha Quản xứ nhiệt thành, với các chị Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân – Huế hăng say phục vụ, với sức sống của mình, đang tiếp tục viết lên những trang sử tươi đẹp. Cơ sở vật chất đã ổn định, ngôi nhà tinh thần được vững mạnh, mục vụ truyền giáo là quan tâm hàng đầu của Giáo xứ hiện nay, bằng chính ý thức sống đời muối men của tất cả và từng người tín hữu.
Về Nhà thờ Chính Tòa hành hương theo tinh thần hiệp thông của Năm Thánh 2010 và theo lời kêu gọi của Đức Giám mục Giáo phận, Cộng đoàn Dân Chúa Giáo xứ Nội Hà xin được ngõ lời chào mừng mọi thành phần Dân Chúa Giáo phận đang hiện diện, cử hành Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa hôm nay. Xin cho hết chúng ta luôn vững tâm tin vào Lòng Thương Xót của Đức Kitô, Mục tử nhân lành, đã hiến mạng sống vì đàn chiên. Luôn bền tâm bước theo chân Người, dưới sự chăm sóc của Mẹ Hiền Giáo Hội, hôm nay và mãi mãi.
Nguồn: giaophandanang.org
Điều chỉnh giờ lễ, thông tin giáo xứ hoặc liên hệ vui lòng điền vào thông tin bên dưới
Giờ lễ và các thông tin có thể bị thay đổi hoặc sai hoặc thiếu do đó rất mong quý Tu Sĩ, Anh Chị gởi thông tin về email giothanhle.net@gmail.com để được bồ sung, sữa chửa kịp thời
ĐẶC BIỆT: Rất mong Anh/Chị góp sức bổ sung giờ lễ các nhà thờ còn thiếu giúp cho giothanhle.net ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện tại mình rất cần các bạn trong các giáo phận, giáo hạt làm Admin trang web để bổ sung, quản lý các nhà thờ còn thiếu, bạn nào nhiệt tình mail mình biết nhé. Trân trọng!
Compare listings
So sánhVui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email của bạn. Bạn sẽ nhận được một liên kết để tạo mật khẩu mới qua email.