Thông tin giờ lễ nếu không chính xác hoặc có thay đổi rất mong Quý cộng đoàn đóng góp tại form bên dưới (đi tới form)
Giờ lễ Nhà Thờ Giáo Xứ Nhà Thờ Chằm Hạ (Tầm Khê), Thôn Tầm Hạ, Xã Quang Lãng, Huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội, Giáo hạt Phú Xuyên, Giáo phận Hà Nội.
Trước đây xứ Tầm Khê có tên là Chằm Thị, Kẻ Chằm và ngày nay là họ Chằm Hạ xứ Tầm Khê.
Theo cuốn khâm định việt sử ngay từ thời vua Lê Trung Tôn ( Hậu Lê) vào năm 1533 có một nhà truyền giáo tây phương tên là Inêsu đến giảng đạo Thiên Chúa tại làng Linh Cường xã Quần Anh thuộc huyện Nam Trực và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thuỷ tỉnh Nam Định Nhưng ngoài trang sử đó ra chúng ta không biết gì thêm về thân thế, và sự nghiệp của nhà truyền giáo đó nữa .
Qua nhiều triều đại đã có rất nhiều thăng trầm của lịch sử giáo hội Việt Nam .
Mãi đến cuối thế kỷ XVII nghĩa là vào năm 1679 địa phận Hà Nội mới được thành lập. Hạt giống Tin Mừng được bám rễ trổ hoa và kết quả đến muôn đời .
Gần 2 thập kỷ sau địa phận Hà Nội ánh sáng Phúc Âm đã đến với con dân con cháu làng Kẻ Chằm,Tầm Khê ngày nay đã trên dưới 300 năm
Theo truyền khẩu của cha ông chúng ta , và sách sử để lại Kẻ Chằm lúc đó là theo đạo Phật, làng Chằm có đình và có Chùa, có sư sãi hàng ngày đến tụng kinh .
Vào thế kỷ XVII có một vị thừa sai đã đem ánh sáng đức tin của Thiên Chúa đến với làng Kẻ Chằm, đức tin ấy đã được đón nhận và đã lan rộng được tâm sâu vào mỗi người dân Kẻ Chằm. Cũng như những người dân vùng lân cận sau đó ngôi đình, chùa đã trở thành nơi tụ tập để đọc kinh cầu nguyện Sư sãi trong chùa trở lại đạo giáo hết .
Vào giữa thế kỷ XIX nghĩa là vào năm 1858 – 1866 chính ngôi đình chùa ấy đã giơ tay đón nhận và che trở một lớp các thày la tinh Hoàng Nguyên ( chàng 4 ) và một số nhà nữ tu Bái Vàng ẩn nấp và học hành trong một thời gian dài. Đến hết khi cấm đạo các thày trở về Hoàng Nguyên, các nữ tu trở về Bái Vàng.
Ngôi đình, chùa ấy được gọi là chủng viện Kẻ Chằm thời đó.
Đến cuối thế kỷ XIX ngôi đình chùa được dần dần rỡ bỏ. Cái nền chùa đó thời nay gọi là đất bà Lý Đường ở khoảng giữa nhà ông Cụ Nghì ( Sởi ) và cụ Hoạt ngày nay.
Chính hạt giống đức tin ấy đã sinh hoa kết trái đã có nhiều nam nữ tu sỹ hiến dâng mình vào nhà Chúa đến trọn đời.
Đã có nhiều đấng được Chúa trọn làm linh mục để coi sóc dạy giỗ con chiên bổn đạo và giao giảng Lời Chúa . Trong quãng dài của lịch sử ấy ánh sáng đức tin cũng có nhiều gian lan vất vả và thăng trầm. Nhiều khi còn đổ máu ra để chứng minh cho đức tin ấy.
Vào giữa thế kỷ XIX chính trên đất làng Tầm Khê này đã sinh ra các cha như:
Và nhiều nam nữ tu sỹ đã hiến dâng mình cho Chúa đến trọn đời
Có một số khái quát để chúng ta hiểu thêm .
Vào cuối thế kỷ XIX cha ông tổ tiên chúng ta số nhân danh còn ít đời sống thì nghèo nàn vật liệu xây dựng thô sơ nhưng đối với đức tin sắt đá, lòng trông cậy vào Chúa Đấng tạo thành trời đất muốn vật. Mọi người cùng nhau chung sức, chung lòng mồ hôi hoà với nước mắt, tạo dựng được ngôi nhà thờ cổ kính này .
Theo truyền khẩu của cha ông các cụ sinh ra ở thế kỷ XIX bước sang thế kỷ XX kể lại rằng tiêu biểu là bà cụ Bết Ngoạn . Cụ sống hơn 100 tuổi là mẹ ông chùm Huyên, nhà ở gần cổng điếm bây giờ .
Cụ kể rằng :
Tổ tiên chúng ta lúc bấy giờ gốc gác là, họ Đỗ, họ Lê, họ Đặng, họ Đào và họ Nguyễn đã theo đạo thiên chúa 2 – 3 đời.
Hồi đó trong vùng có các họ đạo như Bái Vàng, Hoàng Nguyên, Kẻ Sở, kẻ Chuôn, Ngọc Đồng, Bút Đông, Lãnh Trì, Yên Mỹ, Kẻ Bèo, Vũ Điện…
Trong đó có kẻ Chằm, Tầm Khê ngày nay lúc đó là họ lẻ thuộc xứ Bái Vàng đến năm 1849 được toà giám mục Hà Nội phân xử lúc đó được gọi là xứ Kẻ Chằm . .
Các linh mục bị bắt hoặc bị giết, truy bắt nên phải trốn lánh nay họ này mai họ khác . Nên các ngày lễ lớn, lễ buộc nếu được tin ở xứ họ nào có cha mở lễ thì bổn đạo ở các họ đó lén lút đến chịu các phép hoặc dự lễ.
Hồi cấm đạo cố thánh Ven đã đến ẩn nấp ở làng Chằm và ở họ nhánh Du My, Đầm, Đọ ngày nay.
Nhà thờ Tầm Khê vào cuối thời cấm đạo nghĩa là vào thập niên 1890 đã được toà giáo mục Hà Nội duyệt y được xây dựng ngôi thánh đường theo nguyên ước của giáo dân khang trang nơi nhà Chúa ngự.
Thời gian chuẩn bị vật liệu xây dựng từ năm 1890 đến năm 1893 trong 3 năm đã được đủ số với cát gạch ngói lợp đến năm 1894 lợi thế mùa mưa nước sông Hồng dâng cao. Các cụ tổ chức các lực điền trong làng lên rừng đốn gỗ, đá và vận chuyển theo sông Hồng về làm cột kèo .
Trong 4 năm chuẩn bị vật liệu sẵn có là có sự đóng góp công sức của các họ như Chằm Thượng, Du My, Đầm, Đọ, Cổ Liêu, Chuôn. Nguộn, và một số nhỏ tân tòng ở Chìa Xá, Hoàn Dương, Mai Xá cùng với sự tương trợ của các xứ trong vùng.
Đế cuối năm 1894 được cố Huệ quản nhiệm xứ đạo đã lãnh phần trực tiếp chỉ đạo và toà giám mục Hà Nội y duyệt.
Cụ Bang cùng với một số vị chức sắc trong làng làm đốc công cụ thể đến tháng 11 năm 1894 khởi công và cố Huệ người đặt viên gạch đầu tiên và giáo dân bắt đầu thi công.
Trong thời gian thi công nền móng kéo dài một năm mới hoàn thành để đảm bảo công trình được an toàn.
Đến tháng 10 năm 1896 tiếp tục thi công phần trên còn lại của ngôi thánh đường đến năm 1899 ngôi thánh đường đã được hoàn tất . Sau 6 năm cùng với sức lực và tâm trí cha ông chúng ta đã xây cất ngôi thánh đường theo kiểu á đông này.
Vào thời đó tổ tiên chúng ta đã phải cắt rơm cỏ để nung vôi, gạch, ngói phải dùng quang ngánh để chuyên từng thúng cát về làng.
Còn một điều chúng ta khó tưởng tượng được là những phiến đá nặng hàng tấn từ núi cao đem về làm chân cột . Những cây gỗ lim to dài từ rừng xa. Đồng ý là thả bè chơi sông về làng nhưng từ sông Hồng về làng cách mấy cây số. Đồng thì khô cạn làm cách nào đưa về làng để đục đẽo làm cột kèo lại còn chạm trổ hoa văn đẹp nữa.
Ngày cất cả được ghi trên nóc nơi gian cung thánh có ghi niên hiệu bằng chữ hán nghĩa như sau: “Thiên Chúa giáng sinh, nhất thiên lợi bách cửu thập, dĩ tài tuế thứ kỷ hợi quý xuân 1899 “.
Với ngọn tháp cao 23 mét hình trụ khối vuông đồ sộ vững chắc. Trên tháp cao có 4 chóp nhọn biểu thị cho 4 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc và cũng để thể hiện sự đón nhận đặc ân Thiên Chúa.
Dưới tầng 2 của tháp chính có 2 tháp phụ phía Nam và phía Bắc có đặt 2 tượng Thiên Thần, bốn mặt của tháp được đắp hoa văn, mặt chính của tháp tầng 3 toà giữa được đắp hình chim bồ câu biểu hiện Thiên Thần truyền tin. Phía Nam được đặt tượng thánh cả Giuse
Tầng dưới có 3 cửa, cửa chính, cửa giữa có đắp 1 cuốn thư có ghi chữ bằng tiếng la tinh nghĩa như sau: “Con hãy xin thì sẽ được ”
Ngôi tháng đường có chiều dài 33 mét rộng 12 mét cao 8,6 mét được chia làm 9 gian mái lợp bằng đất nung.
Khi bước vào thánh đường trước mặt chúng ta là cung thánh nguy nga được chia làm 3 toà, toà chính giữa và 2 toà cạnh. Chính toà là tượng thánh cả Giuse thể hiện cho chúng ta thấy người là cầu nối liền giữa Thiên Chúa với loài người .
Trong thánh đường có 4 hàng cây cột lớn bằng gỗ lim được trạm chỗ rất tinh vi theo kiểu cung kính để nâng đỡ mái, trên 3 vòm mái được điêu khắc hoa văn kiểu bấy giờ rất cầu kỳ và tinh sảo. Trên tầng 2 của tháp chính được cheo 2 chuông lớn bằng đồng được đúc tại Pari năm 1921 chuông nhất cao 0,9 mét dầy 0,07 mét, rộng 0,87mét trọng lurong 300kg, người làm phép chuông là cố Hoàng, đỡ đầu là Phêrô Quán và Maria Cấp. Chuông nhì cao 0,8 mét dầy 0,06 mét rộng 0,6 mét trọng lượng 200kg, người làm phép cố Hoàng, đỡ đầu là Phêrô Quán và Maria Trụ .
Mỗi khi chuông vang như nhắc nhở lòng người hướng về Thiên C húa và tri ân cố nhân.
Hai bên thánh đường với khổ đất rộng được xây dựng 2 ngôi nhà. Nhà phía Nam là đền thánh Antôn được xây cất năm 1931 diện tích 33m2 chia thành 3 gian, cuối ngôi đền cạnh cổng lớn đó là hang đá Belem. Phía Bắc ngôi thánh đường là ngôi nhà được xây dựng 1931 diện tích 33m2 là nơi để học và thi giáo lý đến năm 1998 được tôn tạo lại nay là nhà truyền thống của nhà xứ.
Trước của ngôi thánh đường là hồ nước lớn chung quan được xây bao chung quanh hồ là đường đi ra tượng đài thánh cả Giuse, tượng đài được hoàn tất ngày 25 tháng 12 năm 1993 tượng đài được đặt chính diện ngôi thánh đường cảnh sơn thủy. Tượng Ngài cao 2,75 mét đặt trên bệ lớn cao 4,3 mét Ngài đứng uy nghi giữa trời xanh.
Phía Đông của ngôi thánh đường là khu nhà xứ trước khi vào nơi nhà xứ qua cổng lớn . Được xây dựng năm 1912 được thiết kế theo kiểu văn học thời bấy giờ, mặt trước cổng trên có ghi 3 chữ, 2 cột cổng có đặt 2 câu đối ở 2 thân cột bằng ngữ hán .
Nghĩa như sau :
Qua cổng trước mặt là ngôi nhà xứ
Có diện tích tổng là 8.785m2 Được xây dựng 3 khu Nhà phòng được xây dựng năm 1915 tổng diện tích sử dụng 405m được phân ra 5 phòng. Trước của nhà phòng là hồ nước lớn với diện tích 3.900m2 xung quanh hồ là những cây nhãn cổ thụ quanh năm tươi tốt.
Kể từ khi được đón nhận ánh sáng đức tin đến hết thời cấm đạo. Cũng từ nhà xứ Tầm Khê này cũng có một phần cung hiến nhỏ bé vào trường chủng viện Hoàng Nguyên cụ thể
là: Năm 1895 nhà xứ có 108 mẫu ruộng cung hiến vào chủng viện để lấy lương thực nuôi các chủng sinh thời gian là 58 năm mỗi năm cung hiến là 2.500kg lương thực.
Ngôi thánh đường Tầm Khê
Tồn tại được đến ngày nay đã phải chịu đương đầu với nắng mưa và sói mòn của thời gian. Đã xuống cấp trầm trọng.
Ôi! công lao của ông cha tổ tiên chúng ta chắc chắn phải được sự phù trợ từ trời cao mới thực hiện được chúng ta cảm tạ ơn Thiên Chúa và ghi nhớ công ơn của tổ tiên.
Để đón mừng đại lễ
Mừng kỷ niện 100 năm là năm áp cuối của thế kỷ và cũng là năm mà toàn thể giáo hội mừng đại năm thánh 2000. Để bước sang niên kỷ thứ 3. Nhà thờ xứ Tầm Khê cần phải tôn tạo và trùng tu lại.
Tại nhà xứ
Phương án tôn tạo sửa chữa đã được hoạch định. Kinh phí đã được dự trù phải có để thực hiện. Ban tổ chức và điều hành công trình đã được phân công. Linh mục quản nhiệm xứ đã lánh phần trực tiếp chỉ đạo
Toàn giám mục Hà Nội đã y duyệt.
Cụ thể là: Đến ngày 15 tháng 4 năm 1998 hai cha quản xứ đã dâng thánh lễ bình an nguyện xin Thiên Chúa là cha rất nhân lành qua lời cầu bầu của đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ Giáo Hội.
Thánh Cả Giuse đấng bảo trợ giáo hội quan thầy địa phận Hà Nội cũng là quan thày nhà thờ xứ. Xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng cho chúng con biết việc chúng con làm.
Các thánh tử đạo Việt Nam và các linh hồn trên thiên quốc bầu cử để nhiều ơn từ trời cao đổ xuống cho hồn xác chúng con được bình an từ điểm khởi đầu cho đến khi hoàn tất.
Sau thánh lễ 2 cha đã dựng cây cột giáo đầu tiên sau đó toàn thể giáo dân bắt tay vào thi công cụ thể đến ngày 16 tháng 10 năm 1999 đã hoàn tất.
Trong khi tôn tạo lại toàn bộ ngôi thánh đường mà vẫn giữ nguyên được dáng vẻ ban đầu .
Ngôi thánh đường xứ Tầm Khê
Đứng vững đến ngày hôm nay là do ơn ban từ trời cao và là công sức tiền của ông cha ta để lại.
Để đón nhận và bảo tồn di sản này là niềm tin của giáo dân lòng đạo Chằm Hạ .
Cũng từ đức tin ấy đã khiến cho bao thế hệ tín hữu người đi xa cũng như người ở lại từ trước 100 năm nay . Đã sửa sang và gìn giữ ngôi thánh đường này . Nhà thờ xứ Tầm Khê chúng ta là một công trình văn hoá lâu đời để chúng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp cũng là nơi để con người được lĩnh hồng ân thiên chúa
Nguồn: Giáo Xứ Tầm Khê, ngày 18 tháng 5 năm 1998
Trong quãng thời gian từ khi xây cất nơi thánh đường nhà xứ Tầm Khê đã có các linh mục về đảm nhiệm xứ cụ thể là :
Cổ Huệ: Coi sóc
Cha già Giu se Nguyễn Khắc Nhung: 1892-1909
Cố Hoàng: 1909-1919
Cha Phêrô Phạm Tước Phẩm
Cha PhaoLô Phạm Ngọc Đường
Cha GioAn Nguyễn Tiến Hoa 1919-1955
Cha Giuse Nguyễn Công Lý
Cha Phêrô Phạm Đức Sinh
Cha Phaolô Vũ Ngọc Chỉnh: 1955-1985
Cha Giusu Bùi Tám: 1988 – 1997
Cha Giuse Vũ Ngọc Ruẫn: 1997 …
Để đảm bảo nơi quy tụ và chôn cất những người quá cố qua đời. Năm 1887 cha ông chúng ta đã quy hoạch một vườn thánh ở phía Tây đầu làng với diện tíc là 2280m2 đến năm 1997 để đảm bảo các thi hài các thánh nằm an nghỉ .
Giáo dân trong làng cùng với các người tín hữu đã xa quê hương góp công của để xây dựng lại cụ thể là: Ngày 10/11/ 1997 toàn thể giáo dân đã xây tường bao xung quanh để bảo vệ thay hàng rào cây gai .Cũng tại vườn thánh này có các cha và các thày già đã quá cố nằm an nghỉ tại nơi đây:
Nguồn: Giáo Xứ Tầm Khê, ngày 19 tháng 5 năm 1998
Theo sách sử và lời chuyển khẩu, cha Tô Ma Kỳ sinh năm 1805 tại Chằn Thị ( kẻ Chằm ), nay là Chằm Hạ, Tầm Khê về dòng họ Lê. Cũng chính nơi đây người đã lãnh nhận bí tích rửa tội và đặt tên là Tô Ma Thanh.
Khi ánh sáng đức tin đã đến với những người con kẻ Chằm thì đã chiếu sâu vào con tim khối óc của Lê Thanh, cùng niềm suy hướng về đức tin và lòng đạo của người luôn luôn quy hướng về Thiên Chúa .
Lê Thanh càng thêm tuổi càng khôn ngoan đạo đức chăm chỉ làm việc giúp cha mẹ, sốt sáng học kinh bổn mọi người trong làng đều nói: “Lê Thanh có đức tính hiền lành ngoan ngoãn.”
Lê Thanh học sáng dạ kinh sử chăm chỉ công việc giúp cha mẹ. Dù công việc bận dộn đến đâu nhưng Lê Thanh cũng không bỏ giờ kinh tối sớm.
Có những lần cha mẹ Lê Thanh thấy Lê Thanh “đạo đức khôn ngoan như vậy, thì nghĩ đó là ý chỉ của Thiên chúa cũng là phúc lộc của gia đình mình. Một lần cha mẹ Lê Thanh tâm sự với Lê Thanh bố mẹ thấy con thông minh đạo đức con có thể dâng mình vào nhà Chúa. Để thoả mãn ý nguyện của con đối với Thiên Chúa.
Lê Thanh khi cha mẹ tâm sự với mình điều đó thì phấn khởi vô cùng Lê Thanh nói với cha mẹ : Vâng ý nguyện đó con hằng mơ ước, đó là ý Chúa đã sai khiến con cha mẹ nói con nghĩ như vậy là phải lẽ lắm, cha mẹ cũng tâm ý như vậy:
Hồi đó thuộc địa phận Tây đàng ngoài có chủng viện kẻ Sở nay là ( Sở Kiện ) vào một ngày cha mẹ tiễn đưa Lê Thanh tới trường chủng viện ( kẻ Sở) người đã từ giã quê hương và gia đình cùng hiến trọn đời mình vào nhà Chúa. Khi tới trường chủng viện người cha đã đệ trình Đức Cha Quản Nhiệm hồi đó thì người đã ưng thuận và nhận Lê Thanh vào theo học tại trường chủng viện kẻ Sở nay là ( Sở Kiện ) lúc đó người mới 12 tuổi vào năm 1817 .
Lê Thanh được 1 cha ở trường chủng viện nhận đỡ đầu bảo ban dạy dỗ trong thời gian học ở trường, người học chăm chỉ thông minh tài đức hơn người. Vì vậy năm 1846 đức cha quản nhiệm hồi đó đã sai người đi rao giảng Tin Mừng ánh sáng đức tin của Chúa ở miền rừng núi xa xôi . Mà chưa nhận biến ánh sáng đức tin của Chúa thày Thanh đến đâu rao giảng cũng được nhiều người mến mộ và giúp đỡ, người dạy họ học giáo lý kinh bốn hướng họ biết về ánh sáng đức tin của Chúa, và đời sống vĩng cửu trên quê trời. Giúp đỡ kẻ khó nghèo sống hiền lành đạo đức, yêu thương hết thảy mọi người. Vì vậy rất nhiều người tin theo qua lời giao giảng của người về nước Chúa: Người đã đi nhiều nơi rao giảng Tin Mừng của Chúa một thời gian dài .
Trải qua một thời gian người được sai đi rao giảng Tin Mừng rồi, người lại trở về ( kẻ Sở ) tiếp tục theo học. Đến năm 1849 người được thụ phong linh mục tại ( Phát Diệm ) và người đổi tên là “Tô Ma Kỳ” và người dâng thánh lễ mở tay cũng tại Phát Diệm .
Cha Kỳ đức tính hiền lành dịu dàng hay giúp đỡ mọi người, lại khôn ngoan khéo liệu cho con chiên, và khi gặp sự gì khốn khó thì người cũng có lòng can đảm lắm cho nên ai cũng khen rằng ” người có nhân đức thật ” và chẳng ai phàn nàn người điều gì 12 năm coi sóc dạy giỗ con chiên bốn đạo.
Lòng tiết nghĩa:người làm thày cả thì tốt nết nhân đức có tính hiền lành, hằng giữ lề luật đức Chúa Trời chẳng lỗi điều gì . Người thường giữ lòng trung thành về bậc thày cả chẳng hề sai bao giờ, nên bổn đạo các xứ người coi, kính chuộng và phục người lắm
Có lần đức cha quản nhiệm địa phận Phát Diệm hỏi rằng: “hoạc trong các xứ có ai buồn giận cha Kỳ điều gì chăng” Đức cha hỏi làm vậy là có ý chỉ rằng : “có ai hiền lành nhân đức bằng người.” Người có nhân đức thương yêu kẻ khó. Còn sự làm phúc nơi bổn đạo thì người chuyên cần, siêng năng dạy giỗ kẻ mê muội, khuyên bảo cách dịu dàng cho nên ai cũng mến người lắm.
Năm 1833 minh mệnh thập tam niên. Chính ngày lễ Hiển Linh vua ra sắc chỉ cấm đạo trong cả nước Nam.Tóm tắt các điều trong sắc ấy là: các đạo đường đạo quán thì phải triệt hạ hết.
Khi sắc ấy ban ra các nhà thờ nhà chung, nhà xứ, nhà trường, nhà phước phải rỡ bỏ hết miền trong chừng 300 nhà thờ, miền ngoài non 200.
Các cha thì phải chốn tránh nơi nọ nơi kia cùng phải ẩn lánh nơi kín đáo. Bổn đạo thì bị bắt bớ hà hiếp nhất là những nơi có nhiều người khác đạo. Cho nên bổn đạo phải mất nhiều tiền bạc với các quan cho được giữ đạo.
Vào một ngày kia Quan quân được tin Cha vẫn còn ở xứ Phát Diệm, vẫn cứ hành thánh lễ và các việc phục vụ con chiên bổn đạo, thì đem quân tới đó để truy bắt người được tin báo quan quân đến để bắt thì người lánh đi nơi khác, trên dọc đường chúng phát hiện ra người thì đuổi theo. Người chạy vào một nhà dân giả vờ lấy gậy khua quật vào quần áo ở dây và la lối om xòm, chúng tưởng không phải người thì bỏ đi. Sau đó người lãnh về Vĩnh Trị và ra đón xác cha Lê Bảo Tịnh bị chém đầu ở Nam Định đưa thi hài về làm lễ và an táng tại nhà nguyện chủng viện Vĩnh Trị.
Quan quân được tin Cha Kỳ đã về Vĩnh Trị thì đem quân đến đó để truy bắt. Người được tin ấy thì trốn về Ninh Bình. Chúng biết tin người đã trở về Ninh Bình, thì đưa quân đến đó để bắt. Và chúng đã bắt được người tại Ninh Bình.
Ngày 05 tháng 11 năm 1861 chúng dải người về phủ huyện Kim Sơn, Ninh Bình, để Cha xét bắt người bỏ đạo và cấm không được giảng đạo. Nhưng người vẫn một niềm không nghe, quan truyền cho mang gông và giam vào ngục.
Ban đầu quân canh cửa thành nghiêm ngặt chẳng cho ai vào. Bổn đạo dua nhau cho được đến thăm người. Mà ai chẳng được đến ít nhất là 1 lần thì buồn lắm. Sau rộng phép dẫn cho lên bổn đạo vào ra thăm viếng người đông lắm.
Về sự mang gông thì người sẵn sàng chấp nhận vui vẻ, được ít lâu sau bổn đạo xuất tiền cho quân canh xin giải gông cho người khi nào quan đòi thì đóng gông lại. Khi về trại gian thì lại tháo gông ra trong bảy nhiều tháng cha ở trong tù. Người ở hiền gặp lành với mọi tù lao phải giam cùng nhà. Người thường xuyên khuyên bảo người ta trong sự lành, cùng giúp kẻ khó khăn trong tù. Ai làm phúc cho của gì, thì người lại làm phúc cho các tù khác. Nhân vì sự ấy cho nên người ta yêu mến người lắm. Và nhiều người kêu lên rằng: ” Vì một sự đạo mà người phải giam mà thôi; thật là người hiền lành nhân đức. Cho nên khi người ra vào trong giam mọi người đứng dậy hết mà kính người.
Trong 2 tháng người ở từ, thì quân canh cùng tù nhân yêu mến người lắm. Cho nên mọi người đều nói rằng: Cha Kỳ hiền lành nhân đức nhường ấy mà còn phải bắt giam làm tội, ta thì đáng chịu ngàn lần còn người có tội gì mà phải chịu như làm vậy.
Cha ở trong tù được hơn 2 tháng thì quan lại đòi mà hỏi thì người cứ sự thật mà khai như trước người không nghe một điều gì. Mọi cám dỗ và cha khảo không thể nào khuất phục được, lòng dạo của người đối với thiên chúa Cũng như đức bác ái và tình yêu của thiên chúa đối với người, không bao giờ chán nản, để đối phó với cảnh gian nan thử thách. Để được tiến bước trên con đường danh dự và công lý của đạo thiên chúa. Mọi tra khảo và dự giỗ, nhưng người vẫn một mực không nghe và trả lời thày đạo thì xin thưa là thày đạo, tôi làm thày cả bấy lâu nay chẳng làm điều gì khác.
Sau hết quan bắt làm tờ khai tưởng rằng người có khai điều gì khác chăng, nhưng người một mực chỉ khai là thày đạo mà thôi. Quan sở bộ hình cứ như lòng thương về nhân đức của cha mà lập án. Mà cũng vì quan đã nhận tiền mà ra án nhẹ, ý quan muốn giải án cho cha, bởi bấy giờ án pháp cũng chưa ra giát như những ngày sau.
Đức cha quản nhiệm toà giám mục lúc bấy giờ, và con chiến bốn đạo lo ứng đáp với lòng các quan, mong giải thoát cho cha, nhưng không thành. Bởi án hình của cha nhà vua đã biết. Quan tỉnh lập hồ sơ về bộ hình trong sở quan tìm lời tàu để các họ đạo chẳng mắc phải sự gì khó, về sự đạo nữa. án lập quan tỉnh vẫn phải ghi cha Kỳ trưởng đạo bất khả xuất giáo. Mặc dù vậy quan tỉnh cũng muốn giảm án cho cha khỏi chịu án trạm quyết vì đạo .
Lại có lẽ mạnh và xưa nay vua chưa xử ai vì đạo. Trong sắc chỉ cấm đạo vua chẳng có truyền xử các đạo trưởng mà chỉ giam mà thôi.
Dù luật hình nhà vua ban như vậy nhưng bởi lòng đố kỵ sợ đạo nên vua, vẫn ra án chỉ rằng:
Danh phạm Lê Kỳ trong tờ án, đã xưng mình làm đạo trưởng, giảng đạo ấy lừa bịt dân sự vả lại nó cũng phân phố chẳng bao giờ nó bỏ đạo ấy quốc pháp nghiêm cấm thì phải xử chảm quyết tên phạm ấy tức thì.
Án chỉ trong kinh ra đến huyện Kim Sơn – Ninh Bình ngày 04 tháng 12 năm 1861 ( tức ngày 04 tháng 11 tự đức thập tứ niên ).
Khi ấy có một thầy giúp việc cha hồi đó tức thì trở lại thưa với cha rằng “lậy cha xin cha dọn mình cho sẵn, vì giờ Đức chúa trời định cho cha đã gần đến , cha nghe làm vậy chẳng động lòng chẳng tỏ ra sợ hãy chút nào một cứ yên tâm mà hỏi rằng: có thật như vậy chăng “thầy giúp việc thưa rằng” lậy cha thật vậy “sắc chỉ vua đã ra rồi, không hồ nghi được, cha Kỳ nói lại rằng: cha không dám cậy ơn trọng như vậy. Thật thì ơn này là ơn trọng Chúa ban, cho nên con đừng buồn. Điều này chẳng bởi vì công nghiệp chỉ ta một bởi ơn Đức Chúa Trời đã định từ lâu.”
Xem ra chẳng khi nào cha vui mừng cho bằng khi nghe tin ấy. Tối hôm đó cha ăn cơn đã quen mọi khi, rồi vào cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời không ai được gặp cha nữa.
Sáng hôm sau ngày 05 tháng 12 năm 1861 cha phải đưa đi xử, có một quan giám sát, và lính ước chừng 250 tên thì người vui mừng đi theo chẳng khác gì như đi tiệc vui việc hay là vậy. Tay cầm sách mà đọc kinh quan giám sát và lính đưa người đi và thiên hạ đi xem đông lắm, khảo láo rằng: chưa thấy ai đi xử lại can đảm là vậy.
Sớm ngày hôm ấy đến giờ xử thì quan quân đã dẫn cha Kỳ đến, thao trường phía Nam cầu lim cách 3km huyện Kim Sơn, Ninh Bình chừng 9h sáng .
Tại nơi xử thì quân lính đóng một vòng ngoài ngăn cấm không cho ai vào, chỉ riêng thày giúp việc cha hồi đó theo vào cùng cha. Trong đêm hôn trước thày đã lo liệu mua quan tài, vải liệm, chiếu, giấy thấm máu người, cùng lo liệu các việc cho được lấy xác người. Thì thày vào giữa bãi và chải 2 chiếc chiếu hoa cho cha quỳ lên mà chịu chém.
Khi ấy có một điều lạ là trời đang quang sáng bỗng có những đám mây che phủ mặt trời đi làm khu vực bãi xử tối lờ mờ. Thì người hỏi thày giúp việc rằng ” bên đông là phía nào ? rồi cha trở mặt lại phía ấy mà cầu nguyện”.
Người ta thấy trời tối đi làm vậy thì thấy làm lạ mà khác rằng ông này có vị thiên tướng gì đây? cho nên trời sinh ra như thế .
Quân lính đóng cái thẻ đã viết án vào gần người, thẻ nói như thế này: Danh Kỳ: Lê Kỳ quán Hà Đông tỉnh, Phú Xuyên phủ, tổng khai thái, Tầm Khê xã, Sở Chằm Thị. Cai phạm hệ bản quốc nhân, cửu lập dị đoan, tự xưng đạo trưởng, tiền hướng dân ra tứ hành khuyến dụ, lã hoạch cha hiển. Khâm án xử chảm quyết dị giải: Nghĩa là : danh Kỳ, là Lê Kỳ quê ở tỉnh Hà Đông, phủ Phú Xuyên, tổng khai thái xã Tầm Khê sở Tầm Thị tên phạm này người bản quốc theo đạo rối đã lâu, xưng mình là thày cả, lên đến các nhà dân sự mà dỗ dành mặc ý mình. Nay đã bắt được mà cha xét rõ ràng – có lời vua truyền phải xử chảm quyết và liệu tức thì cho được dăn kẻ khác.
Khi ấy thày giúp việc vào lậy quan xin thong thả cho người được đọc kinh cầu nguyện. Quan cho mà dặn rằng: khi nào rồi thì phải thưa lại .
Cũng lúc đó quan cho 1 tiền mà nói rằng : Của vua ban cho quân tù khi gần phải xử, để mua một chút gì mà ăn hay uống trong giờ sau hết: Thường thì người tù hay dùng mà uống rượu cho mê say . Nhưng người không chịu nhận người nguyện một hồi lâu để cảm tạ Chúa đã ban cho người ơn trọng này, là ơn chịu chết vì đạo Chúa. Làm chứng cho đức tin cứu độ của Chúa Ki tô ở trần gian sau chót người cầu xin cùng Chúa cho giáo giáo hội Việt Nam được mọi sự lành, cùng quê hương sống mạnh mẽ trong đức tin. Là ánh sáng Chúa Ki tô là nguồn mạch sự sống. Thày giúp việc lúc đó quỳ lạy người, người trở mặt lại mà nói rằng ” bình an của Chúa sẽ nâng đỡ con, và ban cho con đức tin vững vàng. Rồi người lại nói rằng ” mọi việc đã xong “.
Quan liền ra lệnh xử tử người, một hồi chuông vang lên vừa dứt. Một tên lính chém người một nhát gươm đầu người rơi xuống máu chảy ra lênh láng, bấy giờ thiên hạ kẻ có đạo, người không có đạo đều khóc lóc thảm thiết rồi người ta đua nhau thấm máu người.
Người chịu tử vì đạo trước hết 3 đời vua cấm đạo, là Minh Mạng – Thiệu Trị – Tự Đức, máu người đã đổ ra như của đầu mùa, hội thánh nước Nam sinh ra nhiều tín hữu dâng cho Nước Chúa khải hoàn trên trời .
Qua sưu tầm đến nay đã tìm được mộ người thi hài được an táng tại đầu nhà thờ lớn Phát diệm, dưới chân nơi tượng đức mẹ hiện ở thành lộ đức, nằm hàng giữa hai bên mộ cũng thánh tử đạo. Trên mộ người có tấm bia đá trích tên. Cha Tô Ma Kỳ chịu tử vì đạo quê Chằm Thị nay là Chằm Hạ được trích trong danh sách, các đấng đã chịu tử vì đạo: tự đức – thập niên – Thập lục niên 1858 – 1863 mà đức giám mục: Pheromaria Gendreau, Đông giám mục địa phận Hà Nội đã đề án sang toà thánh xét ( ngày 27 tháng 11 năm 1927 ).
Tờ trình của đức cha địa phận Phát Diệm trình lên toà tổng giám mục Hà Nội có nội dung như sau :
Kính gửi : Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng tổng giám mục Hà Nội .
Kính thưa đức hồng y .
Con Phaolô Bùi Chu Tạo giáo mục giáo phận Phát Diệm, xin chứng nhận mộ cha Tô Ma Kỳ quê Chằm Thị nay là Chằm Hạ, địa phận Hà Nội tử vì đạo tại huyện Kim Sơn, Ninh Bình ngày 05 tháng 12 năm 1861.
Tức ngày 04 tháng 11 – Tự đức thập tứ niên – trích các đấng đã chịu tử vì đạo – tự đức thập niên – thập lục niên – 1858 – 1863 mà đức giám mục Phê rô Maria Gendreau đông giám mục Hà Nội đã đề án sang toà thánh xét ngày 27 tháng 11 năm 1927 làm tại Phát Diệm ngày 13/04/ 1998 Phao lô Bùi Chu Tạo Giám mục giáo phận Phát Diệm.
Qua tóm tắt thân thế và sự nghiệp của người đối với Thiên Chúa, chúng ta chưa được hiểu hết về người hơn nữa. Nhưng người Ki tô hữu chúng ta cảm nhận một cách sâu sắc hơn là từ đức tin bền vững và lòng kính mến Chúa hết tâm hồn, máu đào của người đã đổ ra làm chứng cho đức tin của Đạo Thiên Chúa.
Năm 1999 ngôi thánh đường của nhà xứ Tầm Khê đã chòn một thời gian dài của một thế kỷ để được đón nhận hồng ân Thiên Chúa chúng ta vô cùng ghi ân cha Tô Ma Kỳ là người con xứ Tầm Khê người là mẫu gương về đức tin và sống kính mến Chúa. Là hoa quả đầu mùa ngọt ngào cho cộng đồng dân Chúa xứ Tầm Khê đón nhận hoa quả ngọt ngào đó .
Vì thế cộng đồng dân Chúa xứ Tầm Khê ghi ân lòng tạo của người đối với Thiên Chúa trước toà Chúa; xin người kêu cầu Chúa cho cộng đồng dân Chúa được vững vàng trong ánh sáng đức tin, với tấm lòng hào hiệp quảng đại, bác ái và yêu thương, sau hết nguyện xin Chúa là cha rất nhân lành qua lời cầu bầu của Đức Trinh Nữ Maria Mẹ của Thiên Chúa và là Mẹ của Giáo Hội. Thánh cả giu se là đấng ảo trợ cả và hội thánh quan thày giáo phận Hà Nội, đặc iệt là quan thày xứ Tầm Khê, cùng các thánh tử đạo Việt vam, các linh hồn tổ tiên trên thiên quốc cầu bầu: Để húng con được hưởng hạnh phúc quê trời ..
Nguồn: Giáo Xứ Tầm Khê, ngày 18 tháng 5 năm 1998
Điều chỉnh giờ lễ, thông tin giáo xứ hoặc liên hệ vui lòng điền vào thông tin bên dưới
Giờ lễ và các thông tin có thể bị thay đổi hoặc sai hoặc thiếu do đó rất mong quý Tu Sĩ, Anh Chị gởi thông tin về email giothanhle.net@gmail.com để được bồ sung, sữa chửa kịp thời
ĐẶC BIỆT: Rất mong Anh/Chị góp sức bổ sung giờ lễ các nhà thờ còn thiếu giúp cho giothanhle.net ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện tại mình rất cần các bạn trong các giáo phận, giáo hạt làm Admin trang web để bổ sung, quản lý các nhà thờ còn thiếu, bạn nào nhiệt tình mail mình biết nhé. Trân trọng!
Compare listings
So sánhVui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email của bạn. Bạn sẽ nhận được một liên kết để tạo mật khẩu mới qua email.