Nhà thờ chính tòa Kon Tum

13 Nguyễn Huệ, Thống Nhất, Kon Tum, Thành phố Kon Tum, Kon Tum

Nhà thờ chính tòa Kon Tum

13 Nguyễn Huệ, Thống Nhất, Kon Tum, Thành phố Kon Tum, Kon Tum

Giờ lễ

  • Chúa nhật: 05:00, 07:30, 16:00
  • Ngày thường: 05:00, 17:30

Thông tin giáo xứ

  • Giáo phận Kon Tum
  • Giáo hạt Kon Tum
  • Năm thành lập 1913
  • Bổn mạng

Thông tin giờ lễ nếu không chính xác hoặc có thay đổi rất mong Quý cộng đoàn đóng góp tại form bên dưới (đi tới form)

Thông tin giáo xứ

Nhà thờ chánh tòa Kon Tum

Sau khi xây dựng cơ sở Rơhai (1851) cũng như Đak Kấm (1853) ổn định và ngày càng phát triển cả về tinh thần lẫn vật chất, cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Do – linh mục phụ trách Trung tâm Truyền giáo Rơhai (nay là Tân Hương) quyết định thành lập một làng mới nữa, cách Rơhai một cây số về phía Đông, bên hữu ngạn sông Đak Bla, gọi là Dak Tum (Dak, cũng như Kon/Plei, theo tiếng Bahnar có nghĩa là: Làng, xóm; Tum: bàu nước, ao, hồ).

Giáo xứ Kontum, đến năm 1932 là giáo xứ Chính tòa, đã dần dần hình thành và phát triển qua các giai đoạn:

I. GIAI ĐOẠN SƠ LẬP (1855-1875)

Năm 1855, Cha Do đã cử hai thầy là thầy Thám em ngài và thầy Lai cùng một số người Kinh, dựng một căn trại lớn gần Tum Nhrong (nay là Kontum Kơnâm) để khai phá lập nông trường phía bên kia hồ gần làng Kon Trang Ôr.

Năm 1856, Cha Hòa từ TTTG Mơnông (cũng gọi là Pơnông, nay thuộc tỉnh Đăk Lăk) được Đức Cha Cuénot Thể, giám mục giáo phận Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) chỉ định về TTTG Rơhai giúp cha Do, được bổ nhiệm phụ trách nông trường Kontum. Cha Hòa đem theo một số giáo dân Mơnông và người Kinh là người làm, người giúp việc của ngài cùng lên Kontum.

Cha Hòa mời gọi một số anh em dân tộc sống trong các làng gần đó: Làng Môer (phía tả ngạn bên kia sông Đăk Bla gần cầu treo ngày nay); những làng chung quanh làng Kon Treng, làng Kon Mong… qui tụ về phía bên này gọi là Đak Tum cách Làng Rơhai khoảng 1 cây số hướng Đông, và những anh em dân tộc đó được cha Hòa chỉ ở nơi có giọt nước tốt để họ làm nhà và từ đó đến nay ở luôn một chỗ đó cũng gọi là Làng Kontum (nay là Kontum Kơnâm).

Những chủ làng Kontum thời đó là: Nel, Ngan, Tai, Gel và Bâu. Ông Bâu (ông ngoại của Lm Antôn Den sau này) rất cảm phục Cha Hòa, muốn theo đạo, nhưng các chủ làng còn lại đã ngăn cản. Tuy nhiên ông vẫn một mực xin theo đạo nên được Cha Hòa dạy giáo lý và ban bí tích Rửa tội.

Cũng năm 1856, dân làng Kontum bắt đầu xin tòng giáo: tiếp theo ông Bâu là các ông Krui, ông Pen, ông Gêm, ông Pin.

Khi đã có giáo dân tại chỗ, Cha Hòa đã làm một nhà nguyện nhỏ trong làng bằng tranh nứa, vừa là nơi cử hành phụng vụ vừa là nơi ở cho những người theo giúp ngài. Cha Hòa đặt ông Bâu làm ông Câu họ đồng thời lo giúp việc phòng thánh [1].

Năm 1861, sau 5 năm hoạt động đắc lực, Cha Hòa đau yếu trở về Ninh Hòa (tỉnh Khánh Hòa) và qua đời tại đó. Từ đó đến năm 1875 cơ sở Kontum không có Linh mục coi sóc trực tiếp nên trực thuộc TTTG Rơhai: trước tiên là Cha P.X Do cho đến năm 1872, Cha Jean Hugon (Xuân) từ năm 1873-1875.

II. GIAI ĐOẠN THÀNH LẬP VÀ TRƯỞNG THÀNH (1875-1953)

Tháng 04/1875, cha Jules Vialleton (Truyền) lên Miền Truyền Giáo và được cử đến phụ trách địa sở Kontum. Ngài ở trong nhà nguyện của làng – một túp nhà chật hẹp gần giống như nhà sàn dân tộc, vừa làm nhà nguyện vừa làm nơi ở cho những người giúp việc người Kinh [2].

Trong thời gian này, Cha Vialleton đã thành lập làng người Kinh vốn trước đó đã qui tụ khá đông từ năm 1870-1880, gọi là họ đạo Phương Nghĩa [3].

Vào năm 1877, họ đạo Kontum đã có thêm một ngôi nhà Rông nữa làm nhà nguyện, để các tín hữu khu vực chung quanh (như làng Kon Treng, Kon Mong.v.v.) thuận tiện sinh hoạt tôn giáo.

Lúc này, dân số trong làng cả lương giáo chừng 150 người [4]. Nhiều gia đình từ nơi khác đến xin theo đạo, và dân làng đã tháo dỡ hàng rào phòng vệ làng. Từ đó, dân số Kontum tăng lên nhiều.

Sau khi nhà Rông này bị cháy, phần lớn dân làng gốc làng Kon Treng và Kon Mong đã dời lên đồi phía đông bắc lập nên làng Kontum Kơpơng (Kontum trên). Vì vậy vị trí làng Dak Tum được gọi là Kontum Kơnâm (Kontum dưới).

Trước khi hình thành làng Kontum Kơnâm, dân làng đã định cư nhiều nơi trong vùng:

  1. Ở Dak Hơtỗ gần suối Hơtỗ (thuộc xã Đak Rơwă hiện nay), có 7 nhà rông. Đây là làng lớn đông dân, nhưng do bị bệnh dịch chết nhiều nên chạy tứ tản, một số nhập vào Đak Pơer.
  2. Ở Đak Pơer (Môer), có 2 nhà rông. Do 2 anh em Jrông và Uông con Jăxi bất mãn Ximung, Bung và Loih đã bỏ làng đi lập làng mới Pơer cạnh bàu nước (Tum).
  3. Ở Chưh Reng gần Tum Trô (vùng cao Kon Hra Chôt) có các già làng: Ximung, Bung và Loih.
  4. Kon Trang Ôr (gần Tum Buih) có các già làng là Jrông và Uông con Jăxi.
  5. Kon Trang Phă Beng (tức là Kon Trang Ôr khi dời làng về phía bắc gần Tum Phă). Để tránh lụt lội, Cha Hòa đã vận động đồng bào trong làng Kon Trang Phă Beng dời lên đồi, lập nên làng Kontum (chỗ làng Kontum Kơnâm hiện nay)

Ngoài ra còn có làng Plei Groi (Kontum); Làng Rơông nhập Kon Trang Ôr Ngip [5]. Từ đó cả vùng rộng lớn được gọi chung là Kontum.

Năm 1885, Cha Viallelon (Truyền) được bổ nhiệm làm Bề trên Miền Truyền Giáo Thượng. Ngài chuẩn bị và bắt tay xây dựng ngôi nhà thờ mới khá lớn bằng mái tranh, vách nứa, hình thánh giá (nên được gọi là Nhà thờ Thánh giá) và một căn nhà lớn dành cho các Linh mục, vị trí khu vực trường Tiểu học Đức Bà và Nhà Bác ái Vinh Sơn (nay là trường Trung học Chuyên Nguyễn Tất Thành Kon Tum). Công trình mất 5 năm mới hoàn thành (1885-1890).

Nhà thờ này bị hỏa hoạn ngày 17/05/1897 [6]. Địa sở Kontum lúc bấy giờ gồm 4 họ đạo: Kontum Kơnâm
(Bahnar, tòng giáo năm 1856), Phương Nghĩa (Kinh, thành lập 1880), Kon Klor (Bahnar, tòng giáo năm 1886), Kontum Kơpơng (Bahnar, tòng giáo ngày 19/03/1899), và chọn Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội làm bổn mạng địa sở.

Cha Bề trên Vialleton (Truyền) đã hoàn chỉnh chữ viết tiếng Bahnar, mở trường lớp dạy học cho người sắc tộc. Những lớp học đầu tiên được hình thành dưới hiên nhà của ngài. Đích thân ngài còn về Bình Định mời thầy Hương, một thầy giảng có tiếng đang phục vụ tại Qui Nhơn lên Kontum để sắp đặt chương trình, tổ chức lớp học văn hóa đầu tiên trên vùng Thượng, khởi đầu cho phong trào học văn hóa sau này [7]. Cơn dịch đậu mùa năm 1893 làm 170 người địa sở
Kontum thiệt mạng, trong đó có nhiều học trò [8].

Kể từ thời điểm này, Kontum đã trở thành một trung tâm truyền giáo rộng lớn gồm các tỉnh Kontum-Pleiku-Banmêthuột (Việt Nam)-Atôpơ (Lào). Đại lý hành chính Kontum được thành lập và ngày 07/03/1898 Cha Vialleton chính thức được cử làm Đại diện công quyền (Délégué de la région de Kontum) [9]. Kontum trở thành tên gọi hành chính của tỉnh Kontum được thành lập sau này vào ngày 09/02/1913.

Sau hơn 34 năm hoạt động tông đồ đầy nhiệt thành, quả cảm và đạo đức, Cha Vialleton qua đời vào ngày 11/11/1909 tại địa sở của mình. Cha Joseph Décrouille (Đệ) đến Kontum năm 1906, ngài thay thế Cha Bề trên Vialleton làm cha xứ địa sở Kontum từ năm 1909-1919.

Nhà thờ Kontum (Chính tòa hiện nay) do cha Décrouille (Đệ) khởi công xây dựng vào ngày 07/04/1913 và khánh thành vào ngày 06/01/1918, đều do Đức Cha Philomen Jeanningros (Vị), GM phó Gp Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) lên Kontum làm phép thánh hiến [10].

Năm 1919, cha Bề trên Emile Kemlin (Văn) quản nhiệm địa sở Kontum, ngài về ở tại nhà xứ
Kontum cho đến ngày 06/04/1924. Năm 1925, cha Francois Légis Louison (cố Lui) được bổ nhiệm làm cha sở Kontum thay cha Kemlin, phụ trách địa sở với tổng số tín hữu Kinh-Thượng 1.500 người. Cha Louison thành lập Ban chức việc, phân chia các xóm giáo trong các họ đạo… Năm 1928, xây dựng Trường Tiểu học Thánh Giuse (vị trí Dòng Ảnh Phép Lạ hiện nay) và Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức (Phương Nghĩa) còn đến ngày nay…

Năm 1932, sau 82 năm Miền Truyền giáo Kontum được thành lập và trưởng thành vượt bậc (1850-1932), Tòa Thánh quyết định thiết lập Giáo phận Tông tòa Kontum tách khỏi Giáo phận Tông tòa Qui Nhơn. Cha Bề trên Martial Jannin (Phước) được bổ nhiệm làm Giám mục tiên khởi Giáo phận Tông tòa Kontum, lễ nhậm chức Giám mục vào ngày3/06/1933 tại Nhà thờ Kontum – từ nay trở thành Nhà thờ Chính tòa. Giáo xứ Kontum gồm hai họ đạo Kinh-Thượng từ nay được gọi là Giáo xứ Chính tòa.

Đức Cha Gioan Sion (Khâm), Giám mục Tông tòa thứ hai đã đặt Tòa giám mục tại nhà xứ Chính tòa hiện nay từ 1942-1951 trong suốt nhiệm kỳ của ngài.

Từ tháng 03/1945, các Lm Thừa sai Pháp bị áp giải và quản thúc tại Nha Trang, Cha Tổng đại diện Simon Nguyễn Diện được cử đến phụ trách giáo xứ. Tháng 07/1946, các Thừa sai trở về, Cha Louison (cố Lui) tiếp tục quản xứ Chính tòa Kontum.

Từ năm 1932, Giáo xứ mang danh hiệu Giáo xứ Chính tòa Kontum cho đến nay. Tuy nhiên, sau năm 1932, Cộng đoàn họ đạo Phương Nghĩa (Kinh) phát triển mạnh, số giáo dân ngày càng đông (năm 1937: 1020 giáo dân; 1947: 1161 giáo dân; 1949: 1238 giáo dân…), có Ban chức việc hoàn chỉnh…Giáo xứ Chính tòa Kontum cũng quen gọi là Giáo xứ Phương Nghĩa, Nhà thờ Phương Nghĩa.

Các Hội Đoàn đã thành lập trong Giáo xứ [10]:
1. Liên minh Thánh Tâm (Thượng)
2. Hội Thánh Phanxicô Xaviê (Kinh)
3. Hội tôi tá Đức Mẹ (Kinh-Thượng)
4. Thiếu nhi Thánh Thể (Kinh-Thượng)
5. Hùng tâm dũng chí (Kinh)
6. Hội con Đức Mẹ (Kinh-Thượng)
7. Hội Thánh Vinh Sơn Bác Ái (Kinh)
8. Các Bà Mẹ Công giáo (Kinh)
Số tín hữu qua các năm [11] :
– Năm 1911: 943 tín hữu (Thượng+Kinh); 121 dự tòng.
– Năm 1925: 1330 tín hữu (Thượng+Kinh); 107 dự tòng.
– Năm 1927: 1500 tín hữu (Thượng+Kinh)
– Năm 1937: 5 họ đạo; 2023 tín hữu (1003 Thượng, 1020 Kinh).
– Năm 1939: 2228 tín hữu (1025 Thượng+1203 Kinh)
– Năm 1946: 1855 tín hữu, (718 Thượng, 1137 Kinh); 24 dự tòng.
– Năm 1948: Kontum Kơnâm 384; Kontum Kơpơng 341; Phương Nghĩa 1238.
– Năm 1949: 1963 tín hữu, (725 Thượng, 1238 Kinh); 11 dự tòng.

III. GIAI ĐOẠN CỦNG CỐ – CHUẨN BỊ CHIA TÁCH GIÁO XỨ

Từ khi Cha Simon Nguyễn Diện đảm nhận chính xứ giáo xứ Kontum (03/1953) thay Cha Louison (cố Lui), và có Cha Antôn Den (linh mục Bahnar) dạy Trường Cuénot phụ giúp giáo xứ này (11/1953), thì giáo xứ được gọi chung là Phương Nghĩa cho cả hai họ đạo Kinh-Thượng, được ghi trong Sổ bộ lần đầu tiên ngày 16/10/1953[11]

Năm 1954, Đức Giám Mục bổ nhiệm Cha Olivier Deschamps (Đệ) đặc trách Cộng đoàn tín hữu Kontum (Thượng). Cha Olivier Deschamps (Đệ) đến ngụ ở Kontum Kơpơng, coi sóc địa sở Kontum (Thượng) gồm các họ: Kontum Kơnâm, Kontum Kơpơng và Kon Hara chốt [12].

Năm 1960, với Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum được ban hành ngày 24/11/1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã nâng Giáo phận Tông tòa Kontum thành Giáo phận Chính tòa Kontum với Nhà thờ Chính tòa danh hiệu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Năm 1963 Đức Cha Giáo phận Paul Seitz (Kim) quyết định chia địa sở Chính tòa thành 2 giáo xứ độc lập: Giáo xứ Phương Nghĩa (người Kinh) với cha xứ Giusc Nguyễn Hữu Nghị và Giáo xứ Kontum (người Thượng) với cha xứ Olivier Deschamps (Đệ); 2 cha xứ, nhưng vẫn chung một nhà thờ là nhà thờ Chính Tòa.

Số giáo dân vào thời điểm này: Gx. Kontum 1553 gd; Gx. Phương Nghĩa 3350 gd. Năm 1971, Giáo xứ Phương Nghĩa được tách rời khỏi Giáo xứ Kontum và tiến hành dựng một nhà thờ tạm trên khu đất phía sau Hang đá Đức Mẹ dành riêng cho tín hữu người Kinh.

IV. GIAI ĐOẠN BIỆT LẬP VÀ PHÁT TRIỂN TỪ NĂM 1971 ĐẾN NAY

Từ khi Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Nghị xây dựng một nhà thở tạm và dời nhà xứ về góc đường Trần Hưng Đạo và Lý Tự Trọng để sinh hoạt tôn giáo riêng cho người Kinh, thì giáo xứ Kontum gồm 6 thôn Dân tộc với số giáo dân khoảng 2.700 người, có sinh hoạt biệt lập để thích hợp với phong tục, tập quán, ngôn ngữ của người dân tộc.

A/ Các Linh mục phụ trách:

  • Cha Olivier Deschamps (Đệ) 1972-1975,
  • Cha Phaolô Nguyễn Đây 1975-1978,
  • Cha Giuse Nguyễn Thanh Liên 1978-15/04/2004,
  • Cha Phaolô Nguyễn Đức Hữu từ 2004 – 20/03/2014,
  • Cha Gioan Baotixita Trần Quang Truyền 2014-2017.

Ngày 19/07/2017, Đức Cha Aloisiô, Giám mục Giáo phận Kontum đã chủ tế thánh lễ bổ nhiệm Cha Giacôbê Trần Tấn Việt, nguyên Chính xứ Kon Jơdreh, về làm Cha chính xứ giáo xứ Chính tòa Kontum thay thế Cha Gioan Baotixita Trần Quang Truyền. Lúc này giáo xứ có 10.280 giáo dân, trong đó: sắc dân Bahnar 9.080 giáo dân và sắc dân Rơngao 1.200 giáo dân (theo thống kê 2016 của TGM Kontum).

B/ 6 thôn dân tộc:

Kontum Kơnâm, Kontum Kơpơng, Kon Rơwang, Kon Klor: Kon Hra Chôt, Kon Hra Klah (tách khỏi thôn Kon Hra Chôt vào năm 1982 khi dời sang xã Chư Renh).

C/ Các nhà nguyện trực thuộc giáo xứ Chính tòa:

  1. Nhà nguyện Kon Hra Chôt: Tòng giáo năm 1895. Tách khỏi giáo xứ Tân Hương nhập vào
    giáo xứ Kontum-Phương Nghĩa năm 1967. Giáo dân khoảng 1541 người (2015).
  2. Nhà nguyện Kontum Kơpơng: Tòng giáo năm 1895. Tách từ Kontum Kơnâm gồm 2/3 dân làng Kon Treng và Kon Mong dời lên đồi phía đông bắc lập nên làng Kontum Kơpơng 1 và 2. Giáo dân khoảng 1663 người (2015).
  3. Nhà nguyện Kon Rơwang: Tòng giáo năm 1896. Tách khỏi giáo xứ Kon Jơdreh nhập vào giáo xứ Kontum-Phương Nghĩa năm 1953. Giáo dân khoảng 660 người (2015).
  4. Nhà nguyện Kon Jơdri: Tòng giáo năm 1890. Tách khỏi giáo xứ Kon Jơdreh nhập vào giáo xứ Kontum năm 1998. Giáo dân khoảng 818 người (2015)..
  5. Nhà nguyện Kon Kơtu: Tòng giáo năm 1889. Tách khỏi giáo xứ Kon Jơdreh nhập vào giáo xứ Kon Mah năm 1912. Tách khỏi giáo xứ Kon Mah nhập vào giáo xứ Kontum năm 1997. Giáo dân khoảng 654 người (2015)…
  6. Nhà nguyện Kon Mơney Xơlam: Tòng giáo năm 1893. Nhập vào giáo xứ Kon Jơdreh năm 1920. Nhập vào giáo xứ Kontum năm 2010. Giáo dân khoảng 1323 người (2015)…
  7. Nhà nguyện Yang Rong: Tòng giáo năm 1894. Tách khỏi giáo xứ Kon Bơbăn nhập vào giáo xứ Kontum năm 1979. Giáo dân khoảng 494 người (2015)…
  8. Nhà nguyện Rơlơng: Tòng giáo năm 1893. Tách khỏi giáo họ Kon Mơney Xơlam, nhập vào giáo xứ Kon Bơbăn năm 1920. Tách khỏi giáo xứ Kon Bơbăn nhập vào giáo xứ Kon Rơbang năm 1955. Nhập vào giáo xứ Kontum năm 1979. Giáo dân khoảng 436 người (2015)…
  9. Nhà nguyện Kon Klor: Tòng giáo năm 1886. Tách khỏi giáo xứ Kon Jơdreh nhập vào giáo xứ Kontum-Phương Nghĩa năm 1953.

Giáo xứ Chính Tòa Kon Tum hiện nay có tổng số 11.858 giáo dân, sắc tộc Bahnar (trong đó chỉ có 4 giáo dân người Kinh)

Danh sách các Linh mục xuất thân từ giáo xứ Kontum:

1. Lm Micae Hiâu (Hóa): sinh 1901-Lm 29/06/1932-Qđ 22/01/1949. (Kon Tum Kơnâm)
2. Lm Giuse Châu: sinh 1890-Lm 29/06/1932-Qđ 1955. (Kon Tum Kơnâm)
3. Lm Antôn Den: sinh 13/06/1903-Lm 29/06/1932-Qđ 19/03/1987. (Kon Tum Kơnâm)

Những Tu sĩ quê xứ Kon Tum:

  1. Dì Niu Dòng Mến Thánh Giá Gò thị qua đời khoảng 1935
  2. Dì Mưk Dòng Mến Thánh Giá Gò thị qua đời khoảng 1940
  3. Dì Heo Dòng Mến Thánh Giá Gò thị qua đời khoảng 1972
  4. Dì Ngơ Dòng Mến Thánh Giá Gò thị qua đời 9-2-1968
  5. Bernadette Sek Dòng Ảnh Phép Lạ
  6. Hélène Byưi Dòng Ảnh Phép Lạ
  7. Scholastique Chenh Dòng Ảnh Phép Lạ
  8. Juliana Phưng Dòng Ảnh Phép Lạ
  9. Angéla Blưih Dòng Ảnh Phép Lạ
  10. Gertrude Lưh Dòng Ảnh Phép Lạ
  11. Marie-Noel Khin Dòng Ảnh Phép Lạ
  12. Marie Madeleine Byưng Dòng Ảnh Phép Lạ
Dì Niu, Dì Mưk, Dì Heo,

CHÚ THÍCH

[1] x. P. Ban và S. Thiệt, Mở Đạo Kontum, Imprimerie de Quinhon, tr.115-119 (Về sự lập làng Kontum
và làng ấy khỉ sự chịu đạo…).
[2] x. Tiểu sử Cha Jules Vialleton, Văn khố MEP: archives.mepasie.org.
& Cha P. Ban và cha S. Thiệt, sđd, tr.188 (Kể sự cha Truyền ở Kontum).
[3] x. Mgr. Martial Jannin, Annales des MEP 1933, tr. 161 (C’est le P. Vialleton qui fonde le village de
Phuong-nghia…).
[4] x. P. Ban và S. Thiệt, sđd, tr.188.
[5] x. Sơ lược lịch sử giáo xứ Kontum, Lm Giuse Nguyễn Thanh Liên, chính xứ Chính tòa Kontum
1978-2004, bản đánh máy chữ (in trong Pater 08/2004, tr. 32-37).
[6] x. Tiểu sử Cha Jules Vialleton, Văn khố MEP: archives.mepasie.org.
[7] x. P. Ban và S. Thiệt, sđd, tr. 222-224 (Thầy Hương lên Mọi).
[8] x. Echos 06/1943, tr. 8. Kontum chết 170 người ; Rơhai chết 100 người ;Các làng xung quanh
cũng chết rất nhiều.
[9] x. Echos de la Mission, Gp Kontum, 08/1949, tr.7.
[10] -Làm phép khu đất và khởi công: x.Hlabar Tơbang số 26 năm 1913, tr.29-32 (Ra gah Bok Xoi Tih
tok hapong de kon Bahnar, Cha Bề trên Kemlin (Bok Biang).
-Làm phép khánh thành nhà thờ : x. Báo cáo năm 1918 của Đức cha Janningros (Vị) – Rapport
No. 1268, Văn khố MEP.
[11] -Làng đạo Phương Nghĩa thành lập thời Cha Vialleton 1875-1880, ban đầu gọi là Họ Annam
(Kinh), phân biệt với Họ Kontum (Thượng). Tên họ đạo Phương Nghĩa được ghi trong Sổ bộ lần
đầu tiên vào ngày 13/02/1910, trực thuộc Địa sở Kontum (Ecclesia Kontum) (x. Sổ Rửa Tội
Phương Nghĩa, Quyển 1, Số 38, ngày 13/10/1910. Cha sở: Joseph Décrouille (Đệ).
9
-Ngày 16/10/1953 Giáo xứ mới mang tên là Phương Nghĩa: Ecclesia Phương Nghĩa. Cha sở:
Simon Nguyễn Diện (x. Sổ Rửa tội Phương Nghĩa năm 1953, số 1064, ngày 16/10/1953).
[11] x. Sổ Rửa Tội giáo xứ Chính tòa Kontum năm 1954.

Nhà thờ chính tòa Kon Tum

I. Các Nhà Thờ đầu tiên:

1. Nhà thờ thứ nhất (1856-1885):

Cha Hòa đã làm một nhà nguyện nhỏ trong làng bằng tranh nứa, vừa là nơi cử hành phụng vụ, vừa là nơi ở cho ngài và những người giúp việc.

2. Nhà thờ thứ hai (1890-1897):

Cha Jules Vialleton (Truyền) phụ trách địa sở Kontum, đã xây dựng ngôi Nhà thờ thứ hai trong vòng 5 năm (1885-1890). Ngôi nhà thờ này bị hỏa hoạn ngày 17.05.1897.

3. Nhà thờ thứ ba (1897-1910):

Cha Vialleton (Truyền) cho dựng lại một nhà thờ tạm bằng tranh nứa. Ngài cũng xây dựng lại nhà xứ rộng hơn và lo chuẩn bị vật liệu để xây dựng một ngôi nhà thờ đẹp trong tương lai Tuy nhiên, dự án chưa được thực hiện. Cha Vialleton qua đời ngày 11.11.1909

Cha Joseph Décrouille (Đệ) được bổ nhiệm về Địa sở Kontum. Mới được vài tháng ở nhiệm sở mới, vào đêm ngày 15 rạng sáng ngày 16.06.1910, một trận hỏa hoạn nữa đã xảy ra thiêu cháy nhà thờ bằng tre tranh nứa của giáo xứ.

II. Nhà thờ Chính tòa Kontum hiện nay.

Ngôi nhà thờ Chính tòa bằng gỗ hiện nay là nhà thờ thứ tư được khởi công xây dựng năm 1913 thời cha Joseph Décrouille (Đệ)

Công việc chuẩn bị trong vòng 3 năm từ cuối năm 1910 đến đầu năm 1913.

Ngày 07.04.1913, Đức Cha Constant Jeanningros (Vị), Gm phó Gp. Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) lên thăm mục vụ, đã làm phép khu đất và khởi công xây dựng.

Cha Jannin (Phước) và cha Guichard (Lê) điều động toàn thể giáo dân hượng Kinh bắt tay dựng sườn ngôi nhà thờ.

Công việc tạm thời đình trệ trong thời gian Chiến tranh thế giới I xảy ra (1914-1918). Dưới sự hướng dẫn của Cha Bề trên Emile Kemlin (Văn) – kiến trúc sư công trình, Cha Joseph Décrouille (Đệ) đã tiếp tục khéo léo điều hành thi công hoàn thiện ngôi nhà thờ với tháp bằng gỗ cao vút đến 24 mét, mái nhà thờ được làm bằng rui mè lợp ngói, tường vách đất trộn rơm.

Nhà thờ dài 47m, rộng 15m, cao 12m; với 2 cánh hai bên, mỗi bên dài 8m x rộng 8m. Sàn Nhà thờ cao cách mặt đất 0,8m. Tổng diện tích là 703,8 m2.

Kiến trúc với mái dốc 2 tầng, lợp ngói vảy; chân cột gỗ lớn. Nội thất: Cột, hoa văn, vòng cung trên mái kiểu gô-tích. Những vòng cung vươn lên như những đôi tay chắp lại, biểu lộ tâm hồn tín hữu dâng cao cùng với lời kinh tiếng hát, và với tâm tình yêu mến dâng lên Thiên Chúa.

Cung thánh do cha Martial Jannin (Phước) thiết kế: Bàn thờ, Nhà tạm…bằng gỗ quý được chạm khắc tinh xảo. Tất cả tạo thành bức phông cho ta cảm giác như đang ở trong một cung điện uy nghiêm. Bầu khí bên trong có vẻ hơi âm u, trầm mặc hợp với khung cảnh trang nghiêm, nhiệm mầu.

Ngày 06/01/1918, Đức Cha Constant Jeanningros (Vị), Gm phó Gp Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) long trọng cử hành nghi thức cung hiến ngôi Nhà thờ với thánh hiệu “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”, từ đây trở thành Nhà thờ trung tâm của Miền truyền giáo Kontum.

Năm 1932, Tòa Thánh thiết lập Giáo phận Tông tòa Kontum tách khỏi Giáo phận Qui Nhơn, Nhà thờ Kontum trở thành Nhà thờ Chính tòa của Giáo phận Kontum

III. Trùng tu:

1. Trùng tu năm 1994-1996:

Sau hơn 80 năm sử dụng (1913-1994), ngôi nhà thờ Chính tòa bị xuống cấp trầm trọng.

Năm 1994: Cố Giám mục Alexis Phạm Văn Lộc đã cho tu sửa nhà thờ, thời cha sở Giuse Nguyễn Thanh Liên: chỉnh trang mặt tiền, dựng Thánh giá mới lên tháp….

Năm 1995: Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung kế vị Đức Cha Alexis. Để chuẩn bị mừng đại lễ 150 Năm Truyền Giáo Tây Nguyên (1848-1998), Đức Cha Phêrô phối hợp cùng Cha Giuse Nguyễn Thanh Liên tiếp tục đại tu phần còn lại, đồng thời nới rộng hai bên hành lang và nhà thờ rộng thêm như ta thấy ngày nay. Diện tích đã được nới rộng thêm 525 m2, nâng tổng diện tích nhà thờ hiện tại là: 703,8 m2 + 525 m2 = 1.228,8 m2. Trong đó: chiều dài được nới thêm thành 54m, chiều rộng thành 19m.

2. Trùng tu năm 2012-2013:

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng Nhà thờ (1913-2013), được sự ủy nhiệm của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, cha sở Chính tòa Phaolô Nguyễn Đức Hữu đã chỉ đạo công tác tu sửa Nhà thờ, bắt đầu từ giữa năm 2012.

Công việc bao gồm kiểm tra và tu sửa toàn bộ Nhà thờ gồm ngoại thất và nội thất: cung thánh, tháp chuông, sàn, trần nhà.v.v.

Trải qua các đời linh mục phụ trách Giáo xứ Chính tòa, Ngôi nhà thờ Chính tòa luôn được các cha quan tâm bảo quản, duy tu, trang trí thêm: cha Francois Louison (1924-1952), cha Simon Nguyễn Diện (1952-1962), cha Giuse Nguyễn Hữu Nghị (1962-1972), cha Deschamps Đệ (1972- 1975), cha Phaolô Nguyễn Đây (1975-1978), cha Giuse Nguyễn Thanh Liên (1978-2004), cha Phaolô Nguyễn Đức Hữu (2004-2014), cha G.B Trần Quang Truyền (2014-2017), cha Giacôbê Trần Tấn Việt (từ 2017…). Ngôi nhà thờ là ngôi nhà chung nơi tổ chức những sự kiện lớn của giáo phận: lễ phong chức Giám mục, Linh mục, lễ khấn Dòng, Lễ Dầu…

Các đại lễ năm Thánh: Năm Thánh 60 năm thành lập giáo phận (1992), Năm Thánh 150 năm truyền giáo Tây Nguyên (1998), Đại Năm Thánh 2000, Năm Thánh Yao Phu mừng 100 thành lập trường Yao Phu Kuênot (2008); đón tiếp phái đoàn HĐGM Pháp (2006), Phái đoàn Tòa Thánh (2007), Đức TGM Leopoldo Girelli đại diện Đức Thánh Cha (2011&2012); khai mạc năm Đức Tin (2012), Đại lễ Tạ Ơn mừng 100 năm xây dựng Nhà thờ Chính Tòa (2013).v.v.

Ngoài ra Nhà thờ Chính tòa Kontum còn là biểu tượng tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, tôn giáo trên
miền Tây Nguyên, là điểm du lịch không thể bỏ qua của bất cứ du khách nào đến với Kontum

VÀI HÌNH ẢNH NHÀ THỜ KONTUM NGÀY XƯA

Nhà thờ Kontum 1927, (Hình trích từ báo Les Missions Catholiques số 3050, 9.12.1927, tr.577).
Nhà thờ Kontum thời kỳ 1930-1940 (có đặt tượng Thánh Tâm trên tháp), Ảnh: L’Oeuvre de propagation de la Foi
Lễ tấn phong Giám mục, Martial Jannin (Phước) ngày 23.6.1933
Năm 1947-trích từ video “Kontum etsa région en 1947” của Michel Grisey

Liên hệ

Điều chỉnh giờ lễ, thông tin giáo xứ hoặc liên hệ vui lòng điền vào thông tin bên dưới

    LỜI KÊU GỌI

    Giờ lễ và các thông tin có thể bị thay đổi hoặc sai hoặc thiếu do đó rất mong quý Tu Sĩ, Anh Chị gởi thông tin về email giothanhle.net@gmail.com để được bồ sung, sữa chửa kịp thời
    ĐẶC BIỆT: Rất mong Anh/Chị góp sức bổ sung giờ lễ các nhà thờ còn thiếu giúp cho giothanhle.net ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện tại mình rất cần các bạn trong các giáo phận, giáo hạt làm Admin trang web để bổ sung, quản lý các nhà thờ còn thiếu, bạn nào nhiệt tình mail mình biết nhé. Trân trọng!

    Compare listings

    So sánh
    phuongvy
    • phuongvy