Nhà Thờ Phường Đúc

170 Bùi Thị Xuân, Phường Đúc, TP. Huế, Thừa Thiên Huế

Nhà Thờ Phường Đúc

170 Bùi Thị Xuân, Phường Đúc, TP. Huế, Thừa Thiên Huế

Giờ lễ

  • Chúa nhật: 05:30
  • Ngày thường: 18:00

Thông tin giáo xứ

  • Giáo phận Huế
  • Giáo hạt TP. Huế
  • Năm thành lập 1682
  • Bổn mạng
  • Điện thoại +84 234 3821 092
  • Facebook /Gx.PhuongDuc

Thông tin giờ lễ nếu không chính xác hoặc có thay đổi rất mong Quý cộng đoàn đóng góp tại form bên dưới (đi tới form)

Thông tin giáo xứ

Lưu ý: Bài làm lịch sử do yêu cầu của giáo sư hướng dẫn Antôn Nguyễn Trường Thăng. Người thực hiện: thầy Giuse Phan Đức Nhân, lớp Thần học I, niên khóa 2010-2011. Huế, 3/2011

I. SỰ RA ĐỜI GIÁO XỨ PHƯỜNG ĐÚC VÀ ÔNG JEAN DE LA CROIX (?-1682)

Khi viết về vùng gọi là Hổ Quyền (le Quartier des Arènes)

Linh mục Léopold Cadière (1869-1955) cho biết vùng này có thể là một nơi xưa nhất của kinh thành Huế và tầng tầng lớp lớp kỷ niệm, những cái lâu năm nhất bên cạnh những hồi ức gần đây, chồng chất nhau trên vùng đất gò đồi màu đỏ gạch, nơi thì đồi trọc và sỏi đá, nơi thì thông phủ, cây ăn trái mọc thành rừng, hàng tre cao và cỏ dại. Bên cạnh vùng đồi núi có vẻ hoang vu đó, nhà thờ Trường An khiêm tốn nhìn ra ngả ba đường nằm bên cạnh, một đường dẫn lên Hổ Quyền và một đường dẫn lên lăng Tự Đức và nhà máy lọc nước[1].

 Hình ảnh mà Linh mục Léopold Cadière đưa ra cũng không khác mấy so với Phường Đúc ngày nay, nhất là khi vào các vùng phía sau, gò đồi nối tiếp gò đồi, một cảnh hoang vu tĩnh mịch bày ra trước mắt, yên lặng thanh vắng. Điều cần nói thêm là cũng giữa cảnh vật hoang sơ, hầu như không mấy thay đồi ngoại trừ những vùng phía trước gần đường Bùi Thị Xuân, giáo xứ Thợ Đúc đã ra đời rất sớm và gắn liền với tên tuổi của một vị ân nhân đặc biệt, ông Jean de la Croix (?-1682).

Theo Linh mục Léopold Cadière, tên mà ông cho chạm trên những súng đại bác (canons) là Joas da Crus, có nơi ông chỉ cho khắc Joas da +, hình Thánh giá thay cho tên mình[2]. Ông giữ một vai trò quan trọng đối với triều đình Huế vào thế kỷ XVII, với những đóng góp của ông đối với vị chúa lúc bấy giờ là Hiền vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687), đặc biệt ông còn giữ một vị trí hiếm có đối với giáo đoàn Đàng Trong nói chung và giáo xứ Thợ Đúc nói riêng trong những năm tháng đầu tiên khai sinh giáo họ.

Là người đúc súng đại bác cho triều đình chúa Nguyễn vào thế kỷ XVII, ông Jean de la Croix đã khéo léo thuyết phục chúa Hiền và được chúa chấp thuận cho một vị Linh mục đến ở vùng Thợ Đúc, cạnh lò đúc súng của ông. Cần biết rằng chúa Hiền không hiểu rõ sinh hoạt tôn giáo của đạo mới, do đó thường nghi kỵ khi có người nói ra nói vào, và đi đến cả việc cấm đoán đạo  như sẽ thấy sau này. Nhưng Jean de la Croix đã giỏi biện bạch với chúa Hiền và như hồi ký của Cha Lefèbvre mà Cadière trích dẫn lại cho thấy:

“Ông là người lai Bồ hoặc Tây Ban Nha, làm nghề đúc súng đại bác, đến trình với vua (tức chúa Hiền) công việc của mình, được chấp thuận và cho ở lại Thợ Đúc, nơi mà các người làm nghề đúc quen đến sinh sống. Người lai này theo đạo Công giáo đã thuyết phục vua rằng ông cần có một vị Linh mục mà những lời cầu nguyện sẽ giúp ông thành công trong việc đúc súng. Vua cho mời một Thừa sai Dòng Tên từng ở tại nhà một bà giáo dân trong một thời gian, vị này qua đời và được chôn trong vườn ông thợ đúc. Đây là Linh mục duy nhất (Dòng Tên) đã ở tại làng này kể từ ngày đó, không phải trong nhà của mình, mà trong nhà một người nước ngoài” [3].

Tư liệu trên không nhằm xác định  rõ thời gian đạo Công giáo xuất hiện tại vùng Thợ Đúc. Nhưng qua đó biết được rằng do yêu cầu của ông Jean de la Croix, một vị Thừa sai được phép đến thường trú chính thức tại Thợ Đúc, rằng trước đó đã có những người Công giáo tại vùng này. Bằng chứng là vị Linh mục Dòng Tên “đã ở một thời gian tại nhà một bà giáo dân”.

Cũng theo Linh mục Léopold Cadière, nếu cho rằng những cuộc trở lại đạo của những giáo dân trên vào thời truyền giáo Linh mục Alexandre de Rhodes lần thứ hai ở Huế (1640-1645), hoặc lần đầu tiên (1624-1625) thì cũng không phải mạo hiểm và táo bạo vì vào các thời điểm nầy, Giáo sĩ de Rhodes từng cho biết Ngài đã rửa tội được một vài người tại “thành phố Hóa”[4]. Nhưng theo Linh mục Léopold Cadière, nếu đẩy thời gian lùi xa hơn thì không mấy chắc chắn.

Vậy căn cứ vào các tư liệu vừa dẫn, thì đã có những giáo dân ở Thợ Đúc trước khi ông Jean de la Croix đến mở lò đúc súng tại đây. Nhưng chính ông đã cho mời một Thừa sai Dòng Tên đến ở thường xuyên.

Gia đình ông Jean de la Croix từng được ơn của bà Martha Phước tử đạo (29-1-1661) và đã trình bày với Linh mục Hainques khi vị này đến điều tra các vị tử đạo tại Huế (1-1667). Theo tư liệu do con ông là Clément de la Croix viết bằng tiếng Bồ và ông Jean de la Croix ký xác nhận thì vợ ông là bà Sébastienne de Souza và cô dâu Lucie de Rais được ơn ban nhờ sự cầu bầu của vị nữ tử đạo Martha Phước.

Sự kiện trên cho biết ông Jean de la Croix phải đến ở trước ngày 29-1-1661 là thời gian bà Martha Phước tử đạo. Hơn nữa cũng được biết rằng bà Martha Phước đã  đến dự lễ tại nhà thờ của ông Jean de la Croix ở Thợ Đúc trước khi bà tử đạo.

Như vậy, ông nầy đã đến ở Thợ Đúc trước đó, có nhà cửa, nhà thờ và Linh mục tuyên úy (Chapelain) vào khoảng 1655-1661 đó là giai đoạn mà Hiền vương có những hoạt động chiến tranh và nhu cầu vũ khí. Dù không xác định chính xác thời gian ông Jean de la Croix có mặt tại Huế, thì cũng biết một cách chắc chắn rằng trước năm 1661 ông là “người đúc súng đại bác duy nhất của vua”, đã được tiếp đón niềm nở và đối đãi một cách trọng hậu.

Linh mục Chevreuil, Thừa sai Pháp, lần đầu tiên “dùng đường bộ” từ Hội An đến Huế (1664) mất ba ngày, đã viết về ông Jean de la Croix như sau : “Nhờ việc ông phục vụ vua bằng nghề đúc, một nghề mà ông khá thành thạo, nên được vua ưu đải. Ông đã đúc cho vua những khẩu súng đại bác đẹp mà vua đánh giá cao, việc này đáng được vua ban 500 quan tiền mỗi năm để chu cấp gia đình”[5].

Đây là một hoàn cảnh thuận lợi nhờ đó ông có nhà thờ riêng và một Linh mục tuyên uý là Fuciti, một ân huệ khác thường so với thời đại bấy giờ mà Hiền vương, vì những lý do chính trị nầy nọ, không mấy thích đạo Công giáo. Năm 1698, nhà thờ này bị  Minh vương Nguyễn Phúc Chu cho đốt phá.

Ông không chỉ đúc súng cho chúa Hiền vương mà còn đúc một vài dụng cụ đồ đồng khác, xinh đẹp. Đó là những cái vạc trong đó 3 cái có niên đại 1659, một năm 1660, một năm 1662, một năm 1671 và 1673, 1674. những đồ đúc và niên đại nầy xác nhận sự có mặt của ông Jean de la Croix ở Huế, ít là vào năm 1659. Cũng Thừa sai Chevreuil cho biết Ngài được ông Jean de la Croix dẫn đến ở nhà Linh mục Dominique Fuciti, Dòng Tên nói trên, dâng lễ Đức Mẹ Lên Trời tại nhà thờ nhỏ của ông nầy và nhân đó thông báo Ngài là Cha Tổng Đại Diện của Đức Cha Bérite. Ngài đã giải tội và cho nhiều tín hữu rước lễ. Nhờ nhà thờ nhỏ được xây dựng với sự cho phép của vua, và có một Linh mục Dòng Tên ở bên cạnh, giáo dân đến xưng tội và chịu lễ. Lúc Ngài có mặt thì thấy có bốn họăc năm xác vị tử đạo cách đây 30 năm và được cất giữ trong bốn họăc năm quan tài gỗ cách khá nghiêm trang trong một hầm đào dưới đất trong nhà nguyện đó.

Theo Linh mục Léopold Cadière, những ghi nhận của Thừa sai Chevreuil về ngôi nhà thờ trên thật quý hoá, đây là một đền thờ phụng hẳn hoi được dựng lên lần đầu ở Thợ Đúc. Nó không phải là một gian nhà của ông Jean de la Croix được cải tạo thành nơi đọc kinh cầu nguyện như thường thấy vào các thế kỷ nầy ở Việt Nam, mà một “nhà thờ nhỏ” được xây dựng, có thể bằng gỗ, lợp tranh, phên tre trát đất sét vì đá và gạch là cực kỳ hiếm lúc bấy giờ. Nhưng kiểu nói “hầm dưới đất” (la cave souterraine) thì hẳn được xây ít là bằng đá chồng lên nhau. Xác của các vị tử đạo nầy không thể xác định được danh tánh. Linh mục  Stanislao Nguyễn Văn Ngọc cho đó là hài cốt của 5 vị tử vì đạo từ 1645-1656 : Thầy giáng Inhaxio (Quảng Trị), Thầy giảng Vinh Sơn (Quảng Ngãi), ông Aucutinh và ông Alêxu (Quảng Bình) và ông Phêrô Văn Nết (Quảng Trị) [6].

Vậy lò đúc súng của ông Jean de la Croix ở đâu? Theo Souvenir de Hue của Đức Chaigneau, ở bờ hữu ngạn sông Hương, dọc con khe nhỏ chạy song song với Thành Lồi gọi là Thành Chàm (Mur Cham), rời con đường này, về hướng trái sẽ gặp lò đúc. Hồi ký của Thừa sai  Lefebvre viết năm 1747 còn giúp xác định rõ hơn vị trí này. Theo Lefebvre thì một trong các Cha tuyên uý cho rằng ông Jean de la Croix qua đời ở Thợ Đúc và an táng trong vườn ông này. Hiện tại trong một vườn nằm cạnh nhà thờ Thợ Đúc và dọc Thành Lồi, có nhiều nấm mộ trong đó có hai nấm  vôi mà gia đình giữ gìn cẩn thận và cho là của các Thừa sai Dòng Tên hoặc của hội dòng khác.

Có thể một trong những ngôi mộ là của vị Linh mục tuyên uý cho ông Jean de la Croix [7].

Căn cứ vào lời mô tả của Đức Chaigneau, nhất là dựa vào hồi ký của Thừa sai Lefebvre, hiện lò đúc súng của ông Jean de la Croix là khu vườn nhà ông Nguyễn Quang Ánh, tại đây có hai ngôi mộ vôi, một ở trước cổng vào phía tay trái, một ở giữa vườn ngay với mặt tiền của nhà. Ngôi mộ sau này, theo chủ nhà cho biết, thì tình cờ ông đào đất trồng cây, và ông gặp hài cốt nên đã bốc dỡ và đem an táng ở nơi khác. Phía sau vườn, sát chân Thành Lồi, còn có bốn mộ đất của gia đinh ông Jean de la Croix. Được biết Linh mục Phêrô Belmonte, Dòng Tên, chết rũ tù vì đạo (27-5-1700) đời Minh vương Nguyễn Phúc Chu, và được an táng tại nền nhà thờ của ông Jean de la Croix vừa bị phá hủy[8]. Hai mộ vôi trên là của Linh mục Belmonte và ông Jean de la Croix. Nhưng không rõ ngôi mộ nào là của vị nào.

Như vậy, ngôi nhà ông Jean de la Croix là trụ sở Dòng Tên đầu tiên ở Huế sau hai trụ sở ở Hội An và Đà Nẵng. Ngôi nhà thờ của ông này tồn tại từ 1658-1700 là năm bị chúa Minh vương cho đốt phá. Nhà thờ này là nhà thờ đầu tiên của họ Thợ Đúc và từng là nơi những giáo dân Thợ Đúc đến dâng lễ, nhận các phép bí tích. Dù không phải là một nhà Thừa sai, ông Jean de la Croix có một tâm hồn truyền giáo đặc biệt xứng đáng với tên gọi này. Nay ông  đã ra người thiên cổ, nhưng ký ức về ông vẫn còn mới như ngày hôm qua. Mỗi khi có dịp đi qua Thợ Đúc, bước chân lên Thành Lồi, thì tên ông lại hiện về trong trí nhớ của người tín hữu hôm nay. Đầy biết ơn và cảm mến.

Trong quá khứ, giáo xứ Phường Đúc được gọi bằng những tên như Thợ Đúc, được Đức Cha Pellerin (1846-1862) hợp 2 xóm : Vĩnh An và Trường Đồng làm một họ đạo mà gọi là Trường An (1854).

Đó là thiên duyên khai sinh ra họ Thợ Đúc.

II. GIÁO XỨ THỢ ĐÚC VÀ CÁC VỊ THỪA SAI DÒNG TÊN HY SINH ĐẦU TIÊN.

Theo Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, sau khi đến Thợ Đúc vào năm 1658, ông Jean de la Croix đã nại lý do thần thánh và xin với Hiền vương Nguyễn Phúc Tần cho Thừa sai Dominicô Fuciti, Dòng Tên, đến dựng nhà thờ cạnh lò đúc súng của ông. Linh mục Fuciti đã ở đây cho đến năm 1666 mới bị lệnh vào Hội An, rồi bị trục xuất sang Xiêm (Thái Lan)[9]. Có thể trong thực tế, Linh mục Fuciti đã lui lại bờ mà không sang Xiêm vì Linh mục Candone còn nhắc đến Linh mục Fuciti ở Huế vào năm 1669, nhằm cản trở Linh mục Hainques, và đưa về Macao[10].

Tiếp theo sau Linh mục Fuciti là Linh mục Giuse Candone. Trong một lá thư gởi Hội Truyền Bá (La Propagande), năm 1674 Linh mục Mahot đề cập một vị Dòng Tên khác, Linh mục Giuse Candone, cho biết Ngài “đến kinh đô và ở lại trong nhà ông thợ đúc”, không nói Ngài ở lại bao lâu. Lúc này Linh mục Fuciti còn ở đây ( ?). Đối với các Thừa sai Dòng Tên, nhà thờ Thợ Đúc được xem là một trụ sở an toàn như các trụ sở khác vì trong thực tế các vị không sợ bị phá rầy. Linh mục Candone, người Ý, được biết đến Đàng Trong năm 1670 và có thể làm tuyên úy cho ông Jean de la Croix trong một thời gian. Sau đó năm 1682 lại có Thừa sai Barthélémy da Costa hoặc d’Acosta, gốc Nhật Bản, từng xuất hiện ở phủ chúa có thể vì nhờ quốc tịch của Ngài và tài năng y học. Khi Thừa sai Linh mục Langlois đến Huế năm 1680, đã gặp Ngài ở đây và cho biết Ngài làm tuyên úy cho ông Jean de la Croix, một người đúc súng đại bác duy nhất cho chúa, do đó được ưu đãi và được phép xây cất một nhà thờ công cộng cạnh nhà mình. Do phục vụ thái tử về mặt y tế, Linh mục được hưởng lương hằng tháng như các quan lại. Nhưng Linh mục không được rời nhà một bước mà không xin phép. Lúc nầy phủ chúa đang còn ở khu chợ Kim Luông, trên đường Khổng Tử, đối diện với nhà thờ ông thợ đúc súng. Linh mục Barthélémy có mặt tại Huế cho đến 1693 theo thư gởi của Linh mục Noguette (10-2-1694).

Sau Linh mục Fuciti, Candone và d’Acosta, giáo xứ Thợ Đúc lại đón Linh mục Phêrô Belmonte, người Ý. Đây là vị Thừa sai Dòng Tên đến giáo xứ nầy để nhận triều thiên tử đạo và một định mệnh đang chờ đợi Linh mục trước mặt : Ngài đến giáo đoàn Đàng Trong 1692 và trở thành Cha sở mới của họ Thợ Đúc. Theo sự mô tả của Linh mục De Capony, Linh mục Belmonte có “vóc dạng cao lớn, tóc đen, mặt dài”[11]. Trong thư đề ngày 7-1-1695, Linh mục Langlois đề cập đến một cuộc trình diễn (représentation) về Mầu Nhiệm trong đạo do Linh mục Belmonte tổ chức tại nhà thờ ông Clément de la Croix vào dịp Giáng Sinh, nhắc lại vụ cấm đạo ngày trước. Vụ việc đến tai chúa, khiến chúa không bằng lòng. Sau cuộc diễn tuồng này, các diễn viên đều bị bắt, người thì “bị chặt một ngón tay, có người bị cạo trọc đầu”[12]. Nhà thờ do ông Jean de la Croix xây cất năm 1658 bị các ông Hữu Cam và Tả Khang cho lính tới phá hủy. Ngày 13-3-1700, Minh vương ra lệnh cấm đạo. Các Linh mục và giáo dân bị bắt, bị cầm tù và mang gông xiềng. Linh mục Phêrô Belmonte bị tra tấn vì đạo trong gần ba tháng. Ngoài ra Ngài còn bị mang gông xiềng và nằm dưới nền đất 7-8 ngày. Linh mục de Cappony cũng bị tù, ở sát phòng giam Linh mục Belmonte và nhận xét như sau : “Không thấy Ngài nỗi giận bao giờ. Khuôn mặt Ngài luôn tươi cười. Ngài ăn nói dịu dàng. Tính tình dễ chịu vì Ngài rất đạo đức… Ngài bị đau ruột, phải nằm dưới sàn đất 7 – 8 ngày… trước giờ tắt thở, không nhớ rõ lúc nào, Ngài gọi chúng tôi lại và nói : xin lỗi, làm cho tôi cảm động, Chảy nước mắt. Ngài lãnh các phép bí tích một cách sốt sắng, rồi phó linh hồn trong tay Chúa”[13]. Đó là ngày 27-5-1700.

Thừa sai Phêrô Belmonte ( ?-1700) là vị Linh mục đầu tiên và thuộc Dòng Tên hy sinh vì đạo cho giáo đoàn Đàng Trong tại giáo xứ Thợ Đúc. Ngài chết âm thầm trong tù và được Linh mục Arnedo, giáo sư dạy toán cho Minh Vương, nhận xác và đem về an táng tại nên nhà thờ đẹp vừa bị phá hủy cách đó vài ngày. Linh mục Antôn Arnedo viết ngày 31-7-1700 : “Minh vương đã cho phép tôi nhận xác Linh mục Phêrô Belmonte để chôn cất. Và lúc ban tối đã an táng Linh mục trên nền nhà thờ đẹp, vừa bị phá hoại cách đó mấy hôm trước”[14].

Khi lên đường truyền giáo, các Thừa sai, dù thuộc hội dòng nào, đều sống ý thức từ bỏ, kể cả sự sống bản thân. Trong tinh thần này, Linh mục Phêrô Belmonte đến Huế 1692 và đã hiến mạng sống (1700) cho giáo dân và giáo xứ Thợ Đúc và giáo đoàn Đàng Trong sau 8 năm phục vụ. Hiện mộ Ngài còn nằm giữa lòng giáo xứ Thợ Đúc, một vùng đầy ắp những di tích tôn giáo thiêng liêng và đáng kính.

III. CÁC ÔNG CÂU HỌ ĐẶC BIỆT CỦA GIÁO XỨ THỢ ĐÚC.

Các ông Câu họ là những người cộng tác với Linh mục về đời sống tôn giáo. Trong thời kỳ cấm cách, vai trò của các vị này càng cần thiết và quan trọng hơn vì đứng mũi chịu sào.

  1. Ông Thơ Mật

Năm 1675, Đức Cha Lambert de la Motte đến Thợ Đúc. Ông Thơ mật, người Thợ Đúc, đứng ra đón Đức Linh mục tại nhà tư của mình trong thời gian Ngài ở lại kinh đô. Ông là một người từng được các Linh mục Dòng Tên tín nhiệm và các Thầy giảng tin cậy. Ngoài ra ông Thơ mật đã sửa soạn một nhà dùng làm nhà thờ tạm thời. Trong 15 ngày, Đức Linh mục  ở lại Thợ Đúc, nhà ông Thơ mật mở cửa suốt ngày để bổn đạo xa gần đến đọc kinh và chịu các phép thêm sức. Các Thầy giảng ba tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình đến hầu Đức Cha và nhận bằng cấp. Lúc này các Linh mục Dòng Tên vắng mặt. Đức Cha và các Thầy làm việc suốt ngày. Theo Linh mục  St. Nguyễn Văn Ngọc, có 4.500 người chịu phép thêm sức, 300 người chịu phép rửa tội[15]. Ông Thơ mật khéo léo tổ chức giáo dân từng nhóm và mời Đức Cha đến gặp họ tại các nhà đã hẹn trước. Trong thời gian này, có một bé trai, đau nặng gần chết. Hai vợ chồng bồng đến và nhờ Đức Cha chữa lành. Theo Thừa sai Vachet, đứa bé đã chết rồi. Đức Cha đặt em bé nằm trên bàn thờ, rồi quỳ cầu nguyện, thở dài và chảy nước mắt. Sau đó trao lại cho Linh mục Vachet để trao cho cha mẹ. Linh mục Vachet ngạc nhiên thấy bé mở mắt sáng sủa, da mặt hồng hào. Được giao lại cho mẹ, em bú ngay. Được biết em bỏ bú 5, 6 ngày rồi[16].

Theo Linh mục L. Cadière, thơ mật là phiên âm của từ thơ ký mật (secrétaire secret) chứ không phải tên riêng của ông này vì ông làm việc cho Hiền vương và rất được lòng chúa này và ông hoàng cả của chúa là Diễn (Hán) (1640-1684). Nhờ uy tín riêng này, ông đã đứng ra tổ chức đón rước Đức Cha khi Ngài kinh lược  kinh đô lần thứ hai như nói ở trên[17].

  1. Ông Cai Phó

Nếu ông Thơ mật khôn ngoan tổ chức giáo dân đón rước Đức Cha Lambert de la Motte tại Thợ Đúc, khi ở nhà này, lúc ở nhà khác, đông đúc và sốt sắng, để nhận các bí tích, thì ông Cai phó cũng là một ông câu họ đặc biệt mà nhân cách và lòng đạo cũng không kém.

Năm 1714, Minh vương ra sắc dụ cấm đạo. Trong thư gởi Cha Bề Trên Chủng Viện của Hội Truyền giáo nước ngoài (27-10-1715), Đức Cha Labbé cho biết vào tháng 3-1714, có tin đồn về cấm đạo, khiến giáo dân phải ngụy trang nhà thờ như nhà ở thường, phải thu giấu ảnh tượng và cất bàn thờ trong gia đình. Các phụ nữ không còn mang xâu chuỗi ở cổ khi ra đường, nhiều người đàn ông đàn bà trốn tránh trong rừng hoặc tạm thời trú ngụ trong nhà bạn bè lương dân. Nhiều người thì trốn xung quanh nhà, hết ở bụi bờ này đến bụi bờ khác[18].

Trong dịp này họ Văn Củi (Văn Quỷ) ở Dinh Cát bị một người lính tố cáo là theo đạo, và quan chức bắt một số giáo dân (26 người), nam thì đeo gông, nữ thì đeo khúc gỗ (bûche) ở cổ. Bị dẫn vào phủ chúa họ chấp nhận bị phạt đánh trượng hơn bỏ đạo. Sau đó, họ được phóng thích. Tại phủ chúa, cũng có cuộc kiểm tra lính thị vệ, xem có người nào theo đạo. Một số lớn yếu đức tin thì chối đạo, chỉ có 8 quân nhân can đảm xưng đạo, và bị chúa tống giam vào ngục, thay thế chỗ các tín hữu Văn Quỷ. Linh mục de Sennemard cho biết có 26 người. Khi bị chúa hỏi cung, họ khẳng khái trả lời tuyệt đối trung thành phục vụ chúa ngoại trừ lệnh buộc bỏ đạo. Nghe vậy chúa tức giận, định hạ lệnh chém đầu nếu không có sự can gián của một đại thần. Ông này tâu với chúa rằng các quân nhân cũng là lính thị vệ của chúa, họ sống đơn hèn và không gian dối, không gây tội ác cho bất kỳ ai, họ nộp thuế đầy đủ và hoàn tất các nghĩa vụ theo luật định. Nếu đem họ ra giết, sẽ gây hoang mang trong nước và quốc gia sẽ bị thất thu về thuế vì người có đạo sẽ sợ mà bỏ trốn. Nên đối xử như cha dạy con, phạt họ hơn là giết. Nghe lấy làm phải, chúa nguôi giận và đổi án chém đầu bằng tù chung thân, đi bứt cỏ nuôi voi nhà chúa suốt đời (thảo tượng), phải mang xiềng ở cổ và chân, trán bị khắc hình thánh giá bằng mũi kiếm ngay tại triều đình, giữa ba quân, còn dân chúng chen lấn và chứng kiến[19].

Cũng theo Đức Cha Labbé, trong số những lính thị vệ sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đức tin, có On Pho (ông Cai Phó) vốn được chúa tin dùng vì ông luôn hoàn thành nhiệm vụ giao phó. Ông cao tuổi nhất trong đội Ngự lâm quân. Chúa muốn lưu dụng ông nên cho gọi lại và đề nghị ông bỏ đạo, dù chỉ nói thầm trong miệng, không cho ai trong triều đình nghe biết. Chúa nói : “Ông Cai Phó, tại sao ngươi muốn làm phật ý ta ? Hãy thóa mạ Đức Giêsu, thóa mạ nhỏ thôi nếu ông muốn, và trẫm sẽ tha cho ngươi”[20]. Nhưng người tín hữu quả cảm này đáp lại : “Thưa chúa thượng, tại sao chúa lại muốn tôi làm điều chúa truyền bảo ? chúa biết tôi chỉ là bày tôi hèn mọn ; nhưng nếu các quan họp lại mà cho tôi tất cả vàng bạc trần gian này hoặc dùng cái chết dã man nhất buộc tôi thóa mạ Chúa thượng, thì tôi sẽ không bao giờ làm, vì Ngài là Chúa của tôi và tôi phải phục vụ Ngài và tôn vinh Ngài dù phải hy sinh mạng sống hơn là lỗi bổn phận bầy tôi. Nếu sự kính trọng của tôi đối với Hoàng thượng là như vậy, lương tâm tôi làm chứng điều này và thực vậy tôi thà chết hơn là làm điều gì xúc phạm đến danh dự và sự tôn trọng mà tôi phải bày tỏ đối với chúa, vậy bây giờ tôi làm sao có thể thóa mạ Đức Giêsu Ki-tô là Chúa trời đất, Đấng làm chủ vũ trụ, sáng tạo gìn giữ mọi sự, cầm quyền sinh tử mọi người và trước ngai tòa Người tất cả mọi người sẽ phải trình diện để nhận hoặc phần thưởng hoặc án phạt tùy những hành động của mình. Hoàng thượng có thể sử dụng tôi tùy ý Ngài, nhưng tôi khấu đầu van xin Ngài đừng xem việc tôi không thóa mạ Đức Giêsu là điều xấu xa”.

Sự trả lời khẳng khái của quan Cai Phó đã khiến chúa cảm thấy bị phạm thượng, và chúa truyền tịch thu tài sản, và triệt hạ nhà cửa ông, không để lại một dấu vết[21]. Nhưng bà vợ ông đã tiên liệu mà thu dấu của riêng.

Theo Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, ông Cai phó trên là người Thợ Đúc, theo đạo từ lâu. Do không chịu bỏ đạo, ông bị thích trán, mang xiềng và đi bứt cỏ cho voi. Ông hoàng thái tử (sau là Ninh vương) thấy vậy, tìm cách nâng đỡ những tù nhân đức tin bằng cách nhận về nhà bứt cỏ cho voi của ông, và cho ông Cai Phó cởi xiềng nhưng ông không chịu. Việc thấu đến chúa, các tù nhân thảo tượng lại bị  Minh vương truyền đưa về tàu voi nhà nước[22].

Năm 1715, ông Cai Phó được tha về Thợ Đúc. Gia tài sản nghiệp và nương vườn của ông đã bị tịch thu vì đạo. Nhưng nhờ bà vợ khéo thu giấu tiền của, ông mua một sở vườn gần chân Thành Lồi, xây cất nhà nguyện cùng với giáo dân họp nhau đọc kinh hôm sớm và một bệnh xá. Linh mục Heutte được Đức Cha Pérez đặt coi giáo đoàn Huế, từng đến nhà nguyện này dâng lễ và giảng dạy. Ông Cai Phó dâng nhà nguyện nhưng Ngài không nhận.

Giáo sử không nói gì nhiều về các vị nhưng vài nét chấm phá đủ cho thấy đây là những khuôn mặt lớn, sống chết, vì đức tin, đầy hy sinh và quả cảm. Dù không rõ họ tên, mà chỉ biết qua chức danh, thì sự nghiệp các vị, lòng đạo đức và đức tin các Ngài xứng đáng được khắc họa vào tâm hồn của người tín hữu Phường Đúc nói riêng và giáo dân Giáo phận Huế nói chung ngày hôm nay. Cảm phục mà suy gẫm.

IV. BÓNG DÁNG THỪA SAI Ở HỌ THỢ ĐÚC (1619-1700)

Gọi là bóng dáng Thừa sai vì các Ngài là những vị truyền giáo nên không ở lại lâu, chỉ một vài năm hoặc lâu hơn khi hoàn cảnh cho phép, khi ẩn khi hiện. Nhưng hình như giáo xứ Thợ Đúc lúc nào cũng có Linh mục ở bên cạnh, chăm sóc mục vụ và nâng đở Đức tin.

Vào năm 1661 thì có Linh mục Fuciti (người Ý), Ngài ở với họ Thợ Đúc cho đến năm 1664 mới rời do lệnh trục xuất. Nhưng năm 1665 vẫn còn thấy bóng Ngài ở phủ chúa Kim Long. Trong thời  gian trải qua Trịnh Nguyễn phân tranh (1648-1672), dù khó khăn bên nầy bên kia, các Thừa sai vẫn tìm cách đến với họ Thợ Đúc :

Tháng 8 năm 1665, Đức Cha Lambert de la Motte cử Linh mục Antôn Hainques đến Huế. Ngài cải trang làm người Nhật Bản, ra Huế và ở lại nhà ông De la Croix ở họ Thợ Đúc khoảng một tháng và ban các phép bí tích cho các giáo dân.

– Tháng 6 năm 1666, nghe tin có hai Linh mục Rivas và d’Acosta đến Hội An, ông De la Croix vào và đón ra. Nhưng các Ngài ở Thợ Đúc không lâu vì bị phát giác và đuổi về Macao.

– Năm 1675, Đức Cha Lambert de la Motte (1659-1679) kinh lược lần thứ hai xứ Đàng Trong và ở lại nhà ông Thơ mật tại họ Thợ Đúc trong 15 ngày. Ông Thơ mật là quản gia của ông hoàng Nguyễn Phúc Diễn (28-9-1640D18-11-1684) và được quí mến nên ông đã đón Đức Cha về nhà ở mà không sợ bị khuấy rầy. Có Linh mục Vachet tháp tùng Đức Cha.

– Năm 1691, sau vụ diễn tuồng phạm húy vào lễ Ba Vua, giáo dân Thợ Đúc bị làm khó khăn, đạo thì bị cấm. Trong bối cảnh đó Linh mục Labbé đã vội vả ra phủ chúa và thăm giáo dân. Theo Linh mục Labbé, lúc bấy giờ tại họ Thợ Đúc có Linh mục Nicolas (người Nhật). Nhà thờ Thợ Đúc bị triệt hạ. Những người liên can đều bị giữ.

– Vào khoảng năm 1698 một số thầy phù thủy vu cáo giáo dân phá đình chùa. Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cho điều tra và được báo cáo là không có. Nhưng hai quan Nội Tả Hữu Cang vẫn dẫn lính phá nhà thờ của ông Jean de la Croix. Cũng năm này, Linh mục Belmonte đang ở họ Thợ Đúc cho diễn tuồng nhân lễ Giáng sinh, và hậu quả như đã biết.

  1. TỪ ẤP BỒI THÀNH VĨNH AN ĐẾN KHE TRE – THƯỢNG BỐN (1700-1906)

Lúc bấy giờ họ Thợ Đúc vẫn còn nằm dọc bờ thành Bồi Thành ấp Vĩnh An gần lò đúc ông Jean de la Croix dưới chân Thành Lồi gần sông Hương. Nhưng nay nhà thờ của ông bị triệt phá. Các Thừa sai đều bị bắt giam, trong đó có Linh mục Belmonte ở họ Thợ Đúc chết rủ tù (1700).

Trong bối cảnh đó, lúc ra khỏi tù (1702) Linh mục De Sennemand lên Thợ Đúc mua đất lập nhà thờ vì vùng này gần núi, quan lại ít dòm ngó. Theo Linh mục Labbé, đó là vùng đất cuối cùng và cách phủ chúa một dặm[23]. Vậy có thể từ rất sớm, vào năm 1702 hoặc 1704, Khe Tre nay thôn Thượng Bốn là địa sở thứ hai của giáo xứ Thợ Đúc. Được biết lúc lên ở đấy Linh mục De Sennemand có lập dòng Mến Thánh Giá (1710). Nay còn có giếng bà Ngọ như là một dấu tích và bằng chứng về việc họ Thợ Đúc di dời từ Bồi Thành Vĩnh An vào sâu vùng Khe Tre để dễ bề giữ đạo. Lúc Linh mục De Sennamnd qua đời tại Phủ Cam (1730), xác Ngài được đưa về họ Thợ Đúc và an táng tại tu viện  Mến Thánh Giá. Linh mục De Flory chủ lễ. Sau đó, Linh mục De Flory từ Phủ Cam cũng lên ở đây, sửa lại nhà thờ và cho xây một tu viện Mến Thánh Giá và một bệnh xá.

Cần biết rằng trước đó Hòa Thượng Thích Đại Sán được Minh vương mời từ Trung Quốc sang Thuận Hóa thuyết giáo (1695). Theo Thừa sai De Sennemand, vì Hoa Thuan (Hòa thượng) được chúa kính trọng này đã dâng thỉnh nguyện thư xin tha các Giáo sĩ[24]. Ngài Đại Sán quả thật là một Bồ Tát, không có tinh thần nhị nguyên, phân biệt đối xử, đã phá chấp để thấy mọi người là chúng sinh mà động lòng từ bi.

Giáo xứ Thợ Đúc lưu tại Khe Tre lâu từ 1702-1906 là năm linh mục Patinier cho dựng nhà thờ kiểu Việt Nam tại khuôn viên nhà thờ hiện tại.

Năm 1833 đời vua Minh Mạng, lúc bị kết án xử trảm, Thánh Bường ao ước được chết trên nền nhà thờ mới bị đốt nhưng hôm đó trời mưa to, lính đã chém Ngài bên này khe, đối diện với nhà thờ cũ – Nhà thờ cũ này có thể là nhà thờ được xây vào đời các linh mục De Sennemand và De Flory lúc bấy giờ và lúc này còn tồn tại (?).

2. TÒA GIÁM MỤC VÀ ĐẠI CHỦNG VIỆN CAROLÔ.

Năm 1725, Minh vương qua đời. Ninh vương Nguyễn Phúc Thụ (1725-1738) lên ngôi. Trong thời chúa này, đạo được dễ dàng, nhưng xảy ra bất đồng giữa các hội dòng về nghi lễ và địa giới truyền giáo. Đức Giáo Hoàng Clémentê XII cử Đức Cha De la Baune làm đặc sứ để giải quyết vấn đề. Lúc đến xứ Đàng Trong, Ngài thấy các Thừa sai Âu Châu không hợp với khí hậu khắc nghiệt Á châu, và quyết định thành lập Đại Chủng viện để đào tạo Linh mục bản xứ. Đó là lý do ra đời Đại Chủng Viện Carôlô dưới chân Thành Lồi họ Thợ Đúc. linh mục De la Court làm bề trên, linh mục Jean B. TChang (người Trung Hoa) làm giáo sư. Khóa đầu khai mạc với 24 chủng sinh (1741) – (Theo báo cáo linh mục Rivoal ngày 30-5-1740). Đại chủng viện này tồn tại được 10 năm thì giải tán vì tình hình khó khăn (1741-1750) dưới thời Đức Cha Lefebvre.

Năm 1739, khi Đức Khâm sai Tòa Thánh De la Baume đến Huế thì Đức Cha Alexandre đã qua đời một năm trước đó (1738). Đức Khâm sai đã chọn linh mục Lefebvre đang ở Thái Lan làm Giám Mục, đệ trình với Tòa Thánh và được chuẩn y. Sau khi được phong chức, Đức Cha Lefebvre về Huế, sửa lại nhà thờ họ Thợ Đúc sắp sụp đỗ gần Thành Lồi và chọn làm dinh Tòa Giám mục. Tháng 9-1745, Tòa Thánh chọn linh mục Bennetat làm Giám Mục phó và được Đức Cha Chính Lefebvre truyền chức Giám Mục ngày 1-5-1748 tại nhà thờ Thợ Đúc.

Như vậy trong quá khứ, giáo xứ Thợ Đúc đã được vinh dự chọn làm Tòa Giám mục và đặt Đại chủng viện đầu tiên cho giáo đoàn Đàng Trong (1741-1888). Sau khi giải quyết tạm ổn vấn đề giáo đoàn, đặt nền tảng cho cơ sở giáo hội tại Huế, thì Đức Khâm Sai De la Baume qua đời (2-4-1741) tại Phủ Cam và được rước bằng đò về an táng tại nhà thờ các Linh mục Thừa sai gần Thành Lồi (10-4-1741).

Tháng tư 1882, đời Đức Cha Caspar (Lộc) Linh mục Renauld lại xây Đại chủng viện Huế gần bờ sông Hương ở họ Thợ Đúc. Tháng 11 – 1882 khai giảng, số chủng sinh 42 người. Nhưng gặp chỗ thấp, đất bùn lầy, Đại chủng viện phải dời qua Phú Xuân (10-1888).

V. THÁNH EMMANUEL NGUYỄN VĂN TRIỆU VÀ GIÁO DÂN THỢ ĐÚC SỐNG ĐỨC TIN.

Từ lập họ đến nay, ngoài 2 câu họ Thơ Mật và Cai Phó, giáo xứ Thợ Đúc còn có nhiều giáo dân sống chứng tá đức tin một cách đạo đức sốt sắng. Trước hết có thể ghi danh ông Lê Hữu Quờn, rễ Thánh Phaolô Bường. Ông bị bắt vào tháng 9-1833 và đến tháng 11-1833 giam tại Khám Đường sau đày đi Lao Bảo (11-12-1833) đời vua Minh Mạng.

Thợ Đúc còn rạng ngời với tên tuổi ông Micae Lê Văn Cửu. Theo Linh mục Jaccard, bị bắt ép làm những điều mê tín ông Cửu từ chối và bị chịu cực khổ vì đức tin (1831). Ông vốn làm thông ngôn của vua Minh Mạng, biết tiếng Bồ và Pháp, thường theo tàu qua Singapore và Batavia. Được biết ông Cửu là thân phụ ông Quờn, thông gia với Thánh Bường. Thấy con và thông gia bị bắt vì đạo, ông thường công khai bênh đạo và ước ao được bắt để xưng đức tin (1832) nhưng vua không bắt. – Theo sỗ Liber Status Animarum Phường Đúc thì có Joachim Giảng bị khắc tự năm 1842, bà Ana Điều (1841); Sử giáo xứ Phủ Cam cho biết có bà Hợi (Thợ Đúc), vợ ông Nguyễn Văn Tài ở Phủ Cam, cũng bị khắc tự.

Nhưng trên hết phải kể đến thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu. Trong thời gian đầu của chiến tranh ba họ Trịnh, Nguyễn, và Nguyễn Tây Sơn (1774-1786), đạo được tạm yên. Nhưng thời gian này kéo dài không lâu. Năm 1798, vua Cảnh Thịnh (Tây Sơn) ra lệnh cấm đạo. Theo truyền tụng Đức Mẹ hiện ra tại La Vang năm nầy. Theo ông Gire các quan đại thần Tây Sơn nghi ngờ các Thừa sai ủng hộ Nguyễn Ánh ở Đồng Nai nên cho lính đi lùng bắt Đức Cha Labartette[25]. Thánh Emmanuel Triệu bị bắt trong dịp này và bị xử trảm tại chợ Được (Mụ Đặng), gần đầu cầu Gia Hội hiện nay (17-9-1798). Được biết Thánh Triệu từ Đàng Ngoài vào Huế thăm mẹ ở Thợ Đúc và bị bắt tại đây. Vì Ngài không muốn để mặc các Nữ tu bị lính lấy khẩu cung đánh đập. Đức ái Kitô giáo đã thúc đẩy Ngài ra mặt và xưng mình là đạo trưởng, và kết quả được biết như ở trên.

Cũng năm này, theo Linh mục Ravier có 32 chức việc họ kinh đô trong đó có họ Thợ Đúc bị bắt giam trong ngôi nhà có hai cửa sinh và tử. Ba mươi người bước ra cửa tử, bị lính cầm gươm chém chết tại chỗ trong đó có các chức việc Thợ Đúc. Khi vua Gia Long lên ngôi (1802), Đức Cha Labartette ra lệnh cải táng Cha Thánh Triệu về chôn tại Dương Sơn (1803). Gần đây hài cốt thánh nhân được rước về kính tại nhà thờ Phường Đúc.

VI.  VỤ ÁN THẢO TƯỢNG.

Trong bài “Khảo cứu về danh xưng Giao Chỉ” của giáo sư Trần Kinh Hòa thì tam giác châu Bắc Việt và miền duyên hải Trung Phần Việt Nam xưa gọi là Tượng Quận vì voi sản xuất rất nhiều ở xứ này và động cơ thúc đẩy Tần Thủy Hoàng đánh Nam Việt (Thế kỷ thứ II trước Công nguyên) là tham mối lợi Tê giác và ngà voi. Nhơn xứ ấy nhiều tượng mà đặt tên là Tượng quận[26].

Voi là loài dễ thuần hóa và thông minh trong chiến đấu nên các vua chúa Việt Nam xưa nuôi nhiều voi. Đại Nam Nhất Thống Chí cho biết đầu triều Gia Long (1802) xã Nguyệt Biều Thừa Thiên có sở dụ voi, và có 3 xưởng voi : 2 sở ngự tượng tả hữu hoàng thành, kinh tượng ở xã Phú Xuân và Dương Xuân. Thợ Đúc thuộc xưởng kinh tượng[27]. Như vậy rất có thể trong quá khứ các vị giáo dân bị án thảo tượng đều được đưa về đây bứt cỏ nuôi voi.

– Đời Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) có 26 lính ngự lâm quân (21 nam, 5 nữ) không chịu bỏ đạo, bị kết án thảo tượng và khắc tự ở trán, mang xích ở chân và cổ, trong đó có  On Pho (Ông Phó) là nổi tiếng[28]. Ông Phó này có thể là ông Cai Phó người Thợ Đúc, bị bắt năm 1714 và năm sau được tha (1715).[29]. Linh mục Heutte cũng từng đi theo ghe của 22 vị thảo tượng để thăm các họ đạo, có lúc ra tận vùng Dinh Cát, Quảng Trị (4-8-1716).

– Đời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), theo Đức Cha Lefebvre có 2 chủng sinh bị án thảo tượng[30]. Ngoài ra còn có ông Đamianô quê Thợ Đúc.

– Đời Huệ vương Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777), Linh mục Pigneau cho biết có 30 người bị án này hơn 20 năm; theo Linh mục Halbout có 3 giáo dân từ Nha Trang ra Huế chịu án thảo tượng; Linh mục Boiret thì tiết lộ có 80 giáo dân hiện bị án thảo tượng, có một chủng sinh chết vì chịu đựng không nổi[31].

Như vậy trong ba đời chúa, thì đời Minh vương, các vị bị khắc tự “Tả đạo” ở trán, hai đời chúa sau thì mang miếng gỗ hoặc đồng ghi “Tả đạo”, chân và cổ mang xích, suốt ngày họ phải chèo đò, vào tận núi để bứt cỏ và bị lính hạch xách đủ điều như cỏ xấu, cỏ bứt không đủ số lượng. Trong thời gian thọ án này, các tù nhân đều vui vẻ sống đạo một cách sốt sắng. Các Thừa sai cũng kêu gọi giáo dân đóng góp công của như đi bứt cỏ giúp hoặc góp tiền thuê người bứt cỏ. Đặc biệt có những trường hợp, quan trên tha không mang xích nhưng họ từ chối, hoặc tạo cơ hội để trốn, họ cũng không, vì sợ bị hiểu lầm và làm ô danh đạo[32].

Trong số người bị án thảo tượng họ Thợ Đúc có hai vị : ông Câu Phó và ông Đamianô. Hiện tại có mười hai vị bị án này được an táng ở sâu trong thôn Thượng Bốn. Dù hữu danh hay vô danh, hy vọng các Ngài đang được hưởng Nhan Thánh Thiên Chúa. Năm 1999, Đức Tổng Giám Mục Têphanô đã giao cho Cha sở Phêrô Trần văn Quí tôn tạo lại mộ Ông Cỏ một cách xứng đáng và tôn nghiêm.

VII. VỤ KIỆN LE POIVRE.

Năm 1743, Friell đến Huế với tư cách cố vấn văn phòng thương mại ở Pondichéry và xin được phép mua bán với xứ Đàng Trong. Nhưng ông đã không đến chào quan Cai An Tin khiến ông này giận và ghét luôn các Thừa sai. Năm 1749, Le Poivre đại diện công ty Pháp đến Đàng Trong và xin mua bán, nhưng việc không thành. Le Poivre đã cho tàu nhổ neo mà không đợi giấy phép của chúa, ông cũng không trả tiền phiên dịch cho Micae Cường mà còn bắt cóc ông này theo. Vụ việc này khiến Võ vương tức giận, anh ông Cường thì đưa đơn kiện Đức Cha Lefebvre (1741 – 1760). Sẵn mối bất bình với các Thừa sai, Cai An Tin cho lính đến Tòa Giám mục, bắt Đức Cha và các Linh mục Rivoal, Lidur, Mathias, Maccioni và Antoine về giam. Trong các lính đi bắt có Cai Nhi xông vào nhà Đức Cha, dọa chém Ngài, lột áo lụa, dân chúng thì lợi dụng cơ hội  hôi của. Lính còn triệt hạ các nhà thờ và tịch thu tài sản các Linh mục : Graff, Neughbour. Linh mục Moureiro thì bị bắt trói và mang gông. Sau cùng Đức Cha Lefebvre và các Thừa sai bị đưa vào Hội An để về Macao[33].

Vụ việc Le Poivre gây tổn thất lớn cho giáo đoàn Đàng Trong và ảnh hưởng nặng nề đối với giáo xứ Thợ Đúc. Trước sẳn có Linh mục bao nhiêu thì bây giờ lại vắng vẻ bấy nhiêu. Vụ việc chỉ được xem lắng dịu khi Đức Cha Bennetat dàn xếp đưa Micae Cường về nước (5-1752), chuộc lại nhà thờ Thợ Đúc mà Đức Cha Lefebvre bán lúc bị trục xuất.

VII. NHỮNG DI TÍCH TÔN GIÁO HỌ TRƯỜNG AN.

Ngoài di tích lăng của mười hai vị thảo tượng vừa nói trên, tại thôn Thượng Bốn và đài kỷ niệm nơi thánh Phaolô Bường bị xử trảm và thánh Marchand Du bị án bá đao, còn có một di tích đặc biệt là Cồn Dã Viên.

  1. Cồn Dã Viên là một dãi đất bồi, làm thành một cồn nhỏ, bốn bề đều được nước sông Hương bao bọc, nằm hai bên cầu Bạch Hổ hiện tại. Vào đời vua Thiệu Trị, cồn nầy được sửa lại làm nơi nghỉ mát của vua và gọi là Dã Viên (vườn quê) (Ưng Luận, Ca Dao Xứ Huế).

Trong thời bắt đạo 1700 đời Minh Vương, cồn Dã Viên là nơi giam giữ bốn vị tử đạo. Các Ngài bị giam đói và khát cho đến chết trong một chiếc cũi gai (2,6mx2,5m). đó là các ông Phaolô Sô, 12 ngày thì chết, ông Vinh Sơn Đôn, 16 ngày, Tađêô Nên, 17 ngày, Antôn Ký, 19 ngày. Từ thị xã đến thôn quê, dân chúng đổ về xem. Thừa sai Arnedo có đến thăm và gởi giáo dân đến động viên. Được biết năm đó, số người bỏ đạo nhiều. Các vị trên, trong khi chịu cực hình, đã lấy lời khuyên bảo giáo dân trung thành với Đức Tin, đặc biệt là Thầy giảng của Linh mục Phêrô Langlois (Phủ Cam).

Sau khi chết, xác của các Ngài bị băm nhỏ và ném xuống biển. Minh Vương sợ giáo dân đem về thờ.

  1. Các đường làng Thợ Đúc.

Đây không phải là pháp trường nhưng từng là nơi an nghỉ tạm thời của xương các vị tử đạo. Cũng vào thời gian cấm đạo trên (1700), chúa Minh Vương cho tịch thu hài cốt tử đạo đang cất giữ ở nhà thờ Thợ Đúc của ông De la Croix và đem rải trên đường, vu cáo là người có đạo đào mả lấy cốt để làm bùa mê. Cố thể đây là hài cốt của các vị tử đạo mà Thừa sai Chevreuil nhìn thấy trong hầm nhà nguyện của ông De la Croix (1664), hay là hài cốt của hai vị Thầy giảng Inhaxiô Quảng Trị và Vinh Sơn Quảng Ngãi đang được kính tại giáo xứ Thợ Đúc (?).

Như vậy các con đường làng Thợ Đúc trước đây từng một thời là nơi chứa đựng xương các vị tử đạo, từng ngửa lòng để đón các Ngài..

  1. Trại giam Thương Bạc-Bạch Hổ.

Đối với giáo dân Trường An, còn có một di tích nữa là Công viên Thương Bạc chạy từ Thương Bạc đến cầu Bạch Hổ. Vào thời Phân Sáp, vua Tự Đức dùng nơi này để giam giữ các giáo dân Thợ Đúc (17-1-1860 đến  8-1861)[34].

Theo bà Hợi (Thợ Đúc) nhà giam làm bằng tranh, có hào lớn chạy xung quanh, có chất rơm, sẵn sàng để đốt khi có lệnh. Trước khi vào trại giam, giáo dân 15 tuổi trở lên đều bị khắc hai chữ “Tả đạo” và tên huyện của mình [35].

Nói theo Linh mục Roux, cố đô Huế thoang thoảng hương vị tử đạo, khắp nơi đều bàng bạc hương đạo, thì họ Trường An cũng không kém.

[1] (Linh mục Léopold Cadière, Le Quartier Des Arènes, B.A.V.H., tr. 307)

[2] (bđd, chú thích 1, tr. 309)

[3] (Dẫn lại lời trích của Cadière, bđd, tr. 308)

[4] (Trích lại theo chú thích số 2, bđd tr. 308)

[5] (Trích lại lời dẫn sđd tr. 313)

[6] (Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, LỊCH SỬ GIÁO XỨ PHƯỜNG ĐÚC, bản viết tay, tr.12)

[7] (Linh mục Léopold Cadière, bđd tr. 321-322)

[8] (Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, tlđd tr.36-94)

[9] (Giuse Nguyễn Văn Hội, Thân Thế Và Sự Nghiệp Các Vị Thừa Sai Ngoại Quốc Phục Vụ Trong Giáo Phận Huế, bản đánh máy chữ, 1983, tr.33)

[10] (Linh mục Léopold Cadière, bđd tr.324)

[11] (Giuse Nguyễn Văn Hội, sđd tr.65)

[12] (Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, Lịch Sử Giáo Xứ Phường Đúc, bản viết tay, tr. 35)

[13] (Giuse Nguyễn Văn Hội, sđd tr.65)

[14] (Dẫn lại lời trích của Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, tlđd tr.36)

[15] (Stanislao Nguyễn Văn Ngọc, sđd tr.24)

[16] (A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine, tập I, tr. 178-181)

[17] (Linh mục Léopold Cadière, bđd, chú thích số 4&5, tr.325)

[18] (A. Launay, sđd , tập 1, tr.569)

[19] (A. Launay, sđd tr.570-571)

[20] (A. Launay, sđd t.1, tr.571)

[21] (A. Launay, sđd T.1, tr.571-572)

[22] (Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, tlđd tr.43)

[23] (A. Lannauy, sđd T1, tr. 485-486)

[24] (A. Lannauy, sđd T1, tr. 454)

[25] (A. Launay, sđd T3, tr. 240)

[26] (Tạp chí Đại học số 16 tháng 7 năm 1960)

[27] (Đại Nam Nhất Thống Chí, T1, tr. 70-71, 389)

[28] (Theo báo cáo Đức Cha Labbé, ngày 7-10-1715)

[29] (A. Launay, sđd, T1, tr. 570-572)

[30] (A. Launay, sđd T2, tr. 362-363)

[31] (A. Launay, sđd, T2  tr. 410-412)

[32] (A. Launay, sđd, T2 tr. 362-363; 405-406; 410-412)

[33] (A. Launay, sđd T2, tr. 209-274)

[34] (Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, Lược sử giáo xứ Phường Đúc, bản viết tay tr. 128)

[35] (Linh mục Nguyễn Văn Ngọc, tlđd tr. 123-124)

Giờ Lễ Nhà Thờ Giáo Xứ Phường Đúc

Nguồn: antontruongthang.com

Liên hệ

Điều chỉnh giờ lễ, thông tin giáo xứ hoặc liên hệ vui lòng điền vào thông tin bên dưới

    LỜI KÊU GỌI

    Giờ lễ và các thông tin có thể bị thay đổi hoặc sai hoặc thiếu do đó rất mong quý Tu Sĩ, Anh Chị gởi thông tin về email giothanhle.net@gmail.com để được bồ sung, sữa chửa kịp thời
    ĐẶC BIỆT: Rất mong Anh/Chị góp sức bổ sung giờ lễ các nhà thờ còn thiếu giúp cho giothanhle.net ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện tại mình rất cần các bạn trong các giáo phận, giáo hạt làm Admin trang web để bổ sung, quản lý các nhà thờ còn thiếu, bạn nào nhiệt tình mail mình biết nhé. Trân trọng!

    Nhà thờ cùng khu vực

    Compare listings

    So sánh
    lienkhuong
    • lienkhuong