Nhà Thờ Xuân Quang, GP Quy Nhơn

454 Tây Sơn, Quang Trung, Thành Phố Quy Nhơn, Bình Định

Nhà Thờ Xuân Quang, GP Quy Nhơn

454 Tây Sơn, Quang Trung, Thành Phố Quy Nhơn, Bình Định

Giờ lễ

  • Chúa nhật: 05:30, 18:30
  • Ngày thường: 17:30

Thông tin giáo xứ

  • Giáo phận Quy Nhơn
  • Giáo hạt Quy Nhơn
  • Lễ bổn mạng Lễ thánh Giuse (19/3)
  • Năm thành lập 1961

Thông tin giờ lễ nếu không chính xác hoặc có thay đổi rất mong Quý cộng đoàn đóng góp tại form bên dưới (đi tới form)

Thông tin giáo xứ

GIÁO XỨ XUÂN QUANG
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ

Giáo xứ Xuân Quang, phía Bắc giáp giáo xứ Qui Đức, phía Nam giáp giáo xứ Ghềnh Ráng, phía Đông giáp giáo xứ Qui Hiệp và giáo xứ Đồng Tiến, phía Tây giáp núi Vũng Chua. Nhà thờ Xuân Quang, trung tâm sinh hoạt của giáo xứ, tọa lạc tại 454 đường Tây Sơn, khu vực V, phường Quang Trung, thành phố Qui Nhơn.

II. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ

1. Giai đoạn hình thành

Theo địa bạ thời Gia Long năm 1815, vùng đất Xuân Quang ngày nay có tên gọi là Xuân Mỹ với tổng diện tích 94 mẫu, 05 sào, 11 thước, 8 tấc 2. Vào thời Minh Mạng, tên gọi Xuân Mỹ được đổi tên là Xuân Quang (Xuân Quơn). Thời bấy giờ cư dân ở đây chủ yếu làm nông nghiệp. Khoa thi Canh Ngọ (1870), số người đậu Cử nhân tại trường thi Bình Định được Bộ Lễ quy định là 16 người. Trong khoa thi nầy các sĩ tử  Quảng Ngãi chiếm 8 người, Phú Yên 1 người, Bình Định 7 người. Trong số 7 người Bình Định đậu Cử nhân có 2 anh em ruột của một gia đình thuộc làng Xuân Quơn (Xuân Quang) là ông Nguyễn Kỳ và ông Nguyễn Toản.[1] Khánh Hòa và Bình Thuận không có ai đoạt giải trong khoa thi này, do đó có câu: 

“Một tỉnh Khánh Hòa không bằng một nhà Xuân Quơn”.

Theo bản đồ giải thửa năm 1935, hiện đang được lưu trữ tại Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định, thôn Xuân Quang thuộc tổng An Định, phủ Tuy Phước. Lúc bấy giờ Xuân Quang được chia làm ba xóm: xóm Bắc, xóm Tây và xóm Đông, có khoảng 120 gia đình. Với nghị định số 594/BNV ngày 02 tháng 10 năm 1961 của chính quyền đương thời, thôn Xuân Quang được sáp nhập vào thị xã Qui Nhơn.

Năm 1957, các nữ tu Dòng Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ ở trại phong Qui Hòa đã đến Xuân Quang khám bệnh và phát thuốc.

Năm 1958, cha Giuse Trần Ngọc Châu từ Đại Chủng viện Qui Nhơn đến truyền giáo tại Xuân Quang. Một số gia đình xin gia nhập Hội Thánh, trong đó có gia đình ông Chánh Hậu. Nhà ông Chánh Hậu được chọn làm điểm qui tụ đọc kinh và học giáo lý dự tòng. Hằng tuần cha Châu đến đây dâng lễ. Ông Louis Nguyễn Đức Bạng, thành viên Công giáo Tiến Hành Qui  Nhơn, cộng tác với cha Châu trong việc truyền giáo ở đây.

Năm 1959, cha Châu cùng với ông Louis Nguyễn Đức Bạng vận động làm một nhà thờ, lúc đầu dự tính lợp tranh vách đất, nhưng nhờ có cha Phêrô Nguyễn Đình Tịch, Tổng Đại diện kiêm cha sở Chánh tòa, và anh em công chức công giáo ở Qui Nhơn trợ giúp, nhà thờ đã được xây dựng bằng táp-lô, lợp ngói, dài 13m, rộng 5m, tường cao 2m50, tiền đường có 2 câu đối bằng chữ Hán: Thần môn linh nghiệm Thiên hương hộ, Thạch sở kiên cơ Giáo hội đường.  Dịch nghĩa là: Cửa thần linh nghiệm đưa về Nước Trời, cơ sở Giáo Hội vững như bàn thạch. Bản Thông Tin Địa phận Qui Nhơn số 23 năm 1961 ghi: “Hưởng ứng lời kêu gọi của cha bổn sở Qui Nhơn, một số công chức Công giáo tòng sự tại Qui Nhơn, kẻ ít người nhiều đã dâng cúng cho số bạc gần vạn đồng gọi là để thiết thực góp phần vào việc xây cất cho giáo họ mới Xuân Quang, thuộc địa sở Qui Nhơn”. Và rồi ngay năm sau, thay vì một nhà xứ rất cần thiết, giáo dân lại cùng nhau xây dựng điều mà họ cho là cần thiết hơn: hang đá Đức Mẹ. Bản Thông Tin Địa phận Qui Nhơn số 26, tháng 1,2  năm 1962 ghi: “Để biểu dương lòng kính, mến cậy trông Đức Mẹ, ngày 11 tháng 2 dương lịch vừa qua (tức năm 1962), họ giáo mới Xuân Quang thuộc địa phận Qui Nhơn đã long trọng khánh thành hang đá Đức Mẹ Lộ Đức vừa được xây dựng bên cạnh nhà thờ họ giáo xứ này. Đến dự lễ, ngoài số anh chị em giáo hữu trong họ, người ta còn thấy sự có mặt của một số đông giáo hữu các họ khác trong địa sở… Từ ấy đến nay, ngày đêm nào cũng có người đến cầu khẩn, ngoài số giáo dân còn có cả bà con bên lương cũng lại đến nguyện cầu dưới chân Mẹ hiền”.

Thời gian nầy có cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Vàng, Dòng Chúa Cứu Thế, cha Vinh Sơn Phạm Đắc Bằng cũng đến làm việc truyền giáo với cha Châu, thêm một số gia đình gia nhập Hội Thánh. Cha Châu vẫn thường xuyên đến sinh hoạt tại Xuân Quang cùng với ông Nguyễn Đức Bạng. Lúc bấy giờ đã có một cơ sở vừa làm trạm phát thuốc vừa làm nhà xứ, và hang đá Đức Mẹ Lộ Đức được khánh thành ngày 11 tháng 02 năm 1962.

Việc truyền giáo vẫn tiếp tục, một số gia đình ở dọc đường Nguyễn Thái Học, vùng chùa Lộc Uyển xin theo đạo và lúc khởi thủy cũng coi là thuộc Xuân Quang. Trong số đó có gia đình ông thầy Hạnh, thầy Đông y.

Năm 1964, vì lý do an ninh, giáo dân nhiều nơi ở Bình Định di cư về Qui Nhơn. Cha Giuse Nguyễn Sồ, giám đốc Caritas, đã lập những trại tạm cư cho họ tại vùng nhà thờ Qui Nhơn, vùng Khu Sáu, vùng Gò Rộng và vùng Xuân Quang. Tại Xuân Quang một số giáo dân từ các nơi: Gia Hựu, Bồng Sơn, Suối Nổ, Cây Rỏi về tạm cư. Trong số này, giáo dân Cây Rỏi chiếm đa số.

Lúc bấy giờ cha Micae Ngô Trung Lành từ Hội Đức di tản vào Qui Nhơn. Cha Lành được chỉ định coi trại tạm cư Xuân Quang. Cha dùng trạm phát thuốc để làm nhà ở. Trong thời điểm di cư ồ ạt, Xuân Quang lên đến cả ngàn giáo dân.

2. Giáo xứ Xuân Quang

Theo thống kê trong lịch Giáo phận hằng năm, năm 1967, lần đầu tiên, Xuân Quang có tên trong danh sách các giáo xứ với số giáo dân là 341 nguời, do cha Micae Ngô Trung Lành phụ trách. Năm 1968, cha mở trường sơ học bên góc sau nhà thờ, đối diện với hang đá Đức Mẹ, cơ sở thô sơ, các lớp từ mẫu giáo đến lớp ba, cùng học chung trong một căn nhà nhỏ do thầy già Nguyễn Văn Cảnh phụ trách. Năm 1968, cha Lành nghỉ hưu.

Năm 1968, cha Phêrô Nguyễn Sĩ Tư từ Sông Cạn về Qui Nhơn để nghỉ hưu. Tuy nhiên, vì thiếu linh mục chăm sóc mục vụ cho giáo dân, cha Tư đến ở tại Xuân Quang vừa nghỉ dưỡng vừa làm mục vụ. Cha Phêrô Nguyễn Sĩ Tư đã nới rộng trạm phát thuốc để làm nhà xứ, làm nhà bếp, củng cố cơ sở trường học và các lớp. Năm 1970, vì tuổi già sức yếu, cha về nghỉ ở nhà hưu dưỡng linh mục và qua đời ngày 20 tháng 04 năm 1974.

Trong lúc cha Tư về nhà hưu dưỡng, cha Phêrô Nguyễn Hữu Sanh, phụ trách Qui Hải, kiêm nhiệm mục vụ tại Xuân Quang. Năm 1971, cha Sanh làm cha sở Sông Cầu, cha Giuse Phan Văn Hoa, quản lý Giáo phận, hằng tuần đến dâng lễ tại Xuân Quang.

Cùng năm 1971, cha Tôma Bùi Đức được bổ nhiệm làm cha sở Xuân Quang. Cha già phúc hậu “như Ông Tiên” điều hành giáo xứ bằng hiền lành, đơn sơ, thanh bạch, được nhiều người thương mến. Ngày 16 tháng 01 năm 1974 cha qua đời tại Xuân Quang, được bà con lương giáo xúm xít an táng trong niềm kính thương.

Năm 1974 cha Phêrô Nguyễn Văn Quyển được bổ nhiệm làm cha sở Xuân Quang. Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, phần lớn giáo dân di cư vào Nam, một số về quê cũ, số còn lại rất ít. Sau tháng 05 năm 1975, vì lý do sức khỏe, cha Phêrô về Tòa Giám mục, hằng tuần cha đến Xuân Quang dâng lễ. Nhà xứ đóng cửa giao cho ông Biện Hải trông coi. Năm 1977, vì tuổi già sức yếu, cha không thể đảm nhận việc mục vụ.

Khi cha Phêrô Nguyễn Văn Quyển nghỉ hưu, cha Inhaxiô Huỳnh Đắc Nhì ở Chủng viện Qui Nhơn đến Xuân Quang dâng  lễ. Sau đó cha Phêrô Nguyễn Hữu Sanh, quản nhiệm Qui Hoà, kiêm nhiệm Xuân Quang cho đến năm 1984. Tiếp theo, cha Phaolô Lê Văn Nhơn, phó xứ Chính toà Qui Nhơn, được chỉ định tạm thời kiêm nhiệm mục vụ Xuân Quang và Qui Hoà. Lúc bây giờ Xuân Quang có khoảng 15 gia đình với 75 người, nếu tính cả giáo dân  Phú Huề đi lễ Xuân Quang thì được khoảng 90 người.

Ngày 24 tháng 10 năm 1999, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn bổ nhiệm cha Phaolô Lê Văn Nhơn làm cha sở Xuân Quang và đến ở tại nhà xứ Xuân Quang. Với cuộc sống bình dị, cha Phaolô đồng hành với đoàn chiên nhỏ nhoi. Nhiều giáo dân từ các xứ tìm đến cha để lãnh nhận Bí tích hòa giải. Cha mời các nữ tu Phaolô đến dạy giáo lý và tập hát cho các em. 

Nhà xứ và nhà thờ đã xuống cấp, cha Phalô khởi công tu sửa nhà xứ vào ngày 24 tháng 11 năm 2000, hoàn thành ngày 25 tháng 02 năm 2001. Nhà thờ được xây mới, dài 21m x rộng 8m lợp tôn giả ngói. Khởi công ngày 16 tháng 04 năm 2001, hoàn thành ngày 16 tháng 07 năm 2001. Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn làm phép nhà thờ mới ngày 19 tháng 08 năm 2001.

Để chuẩn bị kỷ niệm 50 năm xây dựng nhà thờ đầu tiên, cha tổ chức và chia phiên từng gia đình trong giáo xứ cùng với cha chầu Thánh Thể hằng ngày, mỗi ngày một giờ. Song song với việc củng cố tinh thần đức tin, cha vận động đại trùng tu nhà thờ, xây tháp chuông kiểu dáng hiện đại.

Sáng 25 tháng 12 năm 2011, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn, Đức cha Matthêô Nguyễn Văn Khôi, cha Tổng Đại diện, cha Hạt trưởng Bình Định, 9 cha trong thành phố Qui Nhơn, các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn, dòng Thánh Phaolô, dòng Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ đến Xuân Quang hiệp dâng Thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh và hiệp ý với cộng đoàn giáo xứ tạ ơn Thiên Chúa nhân dịp kỷ niệm 50 năm xây dựng nhà thờ.

Ngày 08 tháng 06 năm 2014, cha Stêphanô Dương Thành Thăm được bổ nhiệm làm cha sở Xuân Quang. Sau khi nhận xứ không được bao lâu, cha đi chữa bệnh, cha Luy Huỳnh Anh Trung, phó xứ Hòa Ninh, tạm thay cha Thăm, làm mục vụ tại Xuân Quang.

Vì sức khỏe không cho phép cha Stêphanô Dương Thành Thăm làm việc mục vụ, cha phải về Tòa Giám mục an dưỡng. Ngày 09 tháng 09 năm 2015, cha Phaolô Nguyễn Minh Chính được bổ nhiệm làm cha sở Xuân Quang.

Vừa nhận xứ, cha Phaolô Chính phải lo ổn định mặt bằng, xây lại tường rào sân trước nhà thờ và di dời hang đá Đức Mẹ vì dự án mở rộng đường quốc lộ ID. Nhân dịp này, trước tết Bính Thân, cha Phaolô Chính cho sơn sửa lại nhà thờ và tháp chuông. Nhân ngày mồng một Tết Bính Thân, cha đã làm phép tượng Đức Mẹ.

Cuối năm 2017 giáo xứ Xuân Quang có 146 gia đình, 557 tín hữu, được phân bố trong 3 giáo khu. Giáo khu I: 208, giáo khu II: 214, giáo khu III: 135.

3. Các cha sở
1. Cha Micae Ngô Trung Lành (1967- 1968).
2. Cha Phêrô Nguyễn Sĩ Tư (1968-1970).
3. Cha Tôma Bùi Đức (1971-1974).
4. Cha Phêrô Nguyễn Văn Quyển (1974-1977).
5. Cha Phaolô Lê Văn Nhơn (1999-2014).
6. Cha Stêphanô Dương Thành Thăm (2014-2015).
7. Cha Phaolô Nguyễn Minh Chính (2015-…).

 

Liên hệ

Điều chỉnh giờ lễ, thông tin giáo xứ hoặc liên hệ vui lòng điền vào thông tin bên dưới

    LỜI KÊU GỌI

    Giờ lễ và các thông tin có thể bị thay đổi hoặc sai hoặc thiếu do đó rất mong quý Tu Sĩ, Anh Chị gởi thông tin về email giothanhle.net@gmail.com để được bồ sung, sữa chửa kịp thời
    ĐẶC BIỆT: Rất mong Anh/Chị góp sức bổ sung giờ lễ các nhà thờ còn thiếu giúp cho giothanhle.net ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện tại mình rất cần các bạn trong các giáo phận, giáo hạt làm Admin trang web để bổ sung, quản lý các nhà thờ còn thiếu, bạn nào nhiệt tình mail mình biết nhé. Trân trọng!

    Nhà thờ cùng khu vực

    Compare listings

    So sánh
    phuongvy
    • phuongvy