Thông tin giờ lễ nếu không chính xác hoặc có thay đổi rất mong Quý cộng đoàn đóng góp tại form bên dưới (đi tới form)
Từ xứ đạo Gò Công cổ xưa…
Thành lập năm 1848, xứ đạo Gò Công (tên gọi xưa của giáo xứ Thánh Gẫm) được xếp vào hạng các họ đạo lâu đời ở Tổng Giáo phận, chỉ sau Chợ Quán và An Nhơn… Nằm giữa 2 con rạch Gò Công và Cao Trảo, lại được con sông Tắc bồi đắp phù sa nên xứ đạo Gò Công tựa như bình nguyên trù phú của một vùng. Thưở đó, đa phần giáo dân ở đây làm nghề nông, chỉ riêng gia đình Thánh Gẫm làm nghề thương mại. Để có nơi thờ phượng, sớm hôm kinh lễ cầu nguyện, giáo xứ đã dựng nên ngôi nhà nguyện với mái và tường đều bằng lá tranh, mà nền móng của nó là nền của nhà thờ hiện nay. Ngôi nhà nguyện được kính dâng Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm, một giáo dân của giáo xứ đã tử đạo một năm trước khi thành lập giáo xứ, đó là năm 1847.
Thời gian trôi đi. Cha truyền con nối. Hạt giống Đức Tin được gieo vào lòng đất họ đạo Thánh Gẫm vẫn âm thầm được gieo và phát triển qua bao thăng trầm của lịch sử. Vào những năm bốn mươi của thế kỷ 20, ngôi nhà nguyện bị chiến tranh tàn phá, bà con giáo dân lại tiếp tục dựng nên ngôi nhà nguyện thứ hai với mái ngói tường gạch, gần giống kiến trúc của nhà nguyện Đại Chủng viện Thánh Giuse. Nhà thờ hiện nay là nhà thờ thứ 3, được Đức Tổng Giám Mục G.B Phạm Minh Mẫn đặt viên đá đầu tiên xây dựng vào ngày 11.5.1999. 7 năm sau đó, vào ngày 14.11.2006, Đức Hồng Y G.B Phạm Minh Mẫn đã đến chủ sự lễ khánh thành ngôi nhà thờ dâng kính Thánh Gẫm và đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà sinh hoạt. Nhà sinh hoạt mục vụ được Đức Hồng Y làm phép và khánh thành vào ngày 10.5.2012 vừa qua như đánh dấu một bước phát triển mới, tạo sự khởi đầu cho những thành quả tốt đẹp sẽ đạt được trong tương lai của giáo xứ.
Trải qua 165 năm thành lập, đến nay giáo xứ chỉ có hai đời linh mục chánh xứ có “bài sai” của Đấng Bản Quyền Giáo phận. Đó là linh mục F.X Vũ Kính Loan (còn gọi là cha già Loan), từ năm 1965 – 1968, dưới thời Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình và linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Nghĩa, về nhận chức vụ chánh xứ gần 4 tháng nay. Hàng chục năm qua, do gần giáo xứ Thánh Cẩm nên các linh mục ở giáo xứ Thánh Cẩm thường xuyên đến dâng thánh lễ và ban các bí tích để củng cố Đức tin, gia tăng thêm đời sống đạo cho giáo xứ. Vắng bóng chủ chăn trong một thời gian dài nên hoạt động xứ đạo của bà con có phần sa sút, số giáo dân ngày một giảm đi. Hiện giáo xứ được chia thành hai khu, với số giáo dân chỉ khoảng gần 200 người.“Nhiều năm dài, công việc giáo xứ thường xuyên bị động vì không có người làm. Thiếu nhân sự là nổi ưu tư của chúng tôi”, ông Philipphê Huỳnh Văn Việt, 67 tuổi, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Xứ cho biết.
..đến Trung tâm Hành Hương Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm
Ghé thăm giáo xứ vào một buổi sáng, thấy mọi người ai cũng háo hức, phấn khởi, thay nhau quét dọn, trang hoàng tượng đài Thánh Gẫm. Tượng đài mới xây, cao 2m8, được đặt ở vị trí bên phải ngôi nhà thờ. Tiếp chúng tôi, linh mục Vinhsơn Phạm Trung Nghĩa, về nhận giáo xứ Thánh Gẫm được 4 tháng nay, kể về quá trình hình thành Trung tâm Hành Hương kính Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm. Theo đó, trước năm 1975, khi còn làm Giám mục phụ tá TGP Sài Gòn và khi làm Giám quản TGP TP.HCM sau này, Đức Giám mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi đã nhiều lần dự tính chọn giáo xứ Thánh Gẫm làm Trung tâm Hành hương cho Tổng Giáo phận. Vì nhiều lý do khách nhau nên kế hoạch đó chưa được thực thi. Sau này, vào ngày 14.11.2006, khi Đức Hồng Y G.B. Phạm Minh Mẫn đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà sinh hoạt giáo xứ, bà con xứ đạo mong muốn Tổng Giáo phận sẽ chọn giáo xứ Thánh Gẫm làm Trung tâm Hành hương.“Khi có bài sai về làm chánh xứ Thánh Gẫm, Đức Hồng Y ngỏ ý với tôi muốn chọn giáo xứ làm Trung tâm Hành hương cho Tổng Giáo phận”, linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Nghĩa cho biết.
Đón nhận tin vui này, giáo xứ vui mừng chuẩn bị tinh thần, từ khâu trang hoàng nhà thờ, sửa lại phòng óc, quét dọn khuôn viên, xây mới tượng đài Thánh Gẫm…tất cả đều được vị chủ chăn và bà con cùng nhau bắt tay làm. Với diện tích gần 6.000m2, khuôn viên của giáo xứ có sức chứa gần 3.000 người, thêm nhà sinh hoạt hai lầu (khánh thành vào tháng 5.2012) có thể cho 1.000 khách hành hương ngủ qua đêm.“Tuy khuôn viên giáo xứ còn chật hẹp, các cơ sở, phương tiện vật chất còn thiếu thốn nhưng chúng tôi cố gắng hết sức để phục vụ chu đáo khách hành hương trong và ngoài Tổng giáo phận đến cầu nguyện, tĩnh tâm, xin ơn…”, cha Nghĩa cho biết. Giáo xứ hy vọng trong tương lai sẽ xây dựng thêm một ngôi nhà nghỉ khang trang, tiện nghi hơn phục vụ bà con hành hương từ xa đến.
Dịp này, được sự chuẩn y của Tòa Tổng Giám mục, trong Năm Đức Tin sẽ có 16 ngày lễ tổ chức tại giáo xứ Thánh Gẫm được nhận được Ơn Toàn Xá, bắt đầu từ ngày 24.11.2012 là Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và kết thúc cũng là dịp Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam năm 2013. Đó là ngày Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24.11.2012); Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8.12.2012); Lễ Chúa Giáng Sinh (25.12.2012); Lễ Chúa Hiển Linh (6.1.2013); Lễ Thánh Giuse (19.3.2013); Lễ Chúa Phục Sinh (30.3.2013); Lễ Truyền Tin (8.4.2013); Lễ Chúa Thăng Thiên (12.5.2013); Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống (19.5.2013); Lễ Chúa Ba Ngôi(26.5.2013); Lễ Mình Máu Thánh Chúa (2.6.2013); Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu (7.6.2013); Lễ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô (29.6.2013); Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15.8.2013); Lễ Các Thánh Nam Nữ (1.11.2013); Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam (24.11.2013).
Việc tổ chức các ngày lễ như trên được Đức Hồng y chỉ định là dịp để mọi người có cơ hội ôn lại quá trình hình thành và phát triển của giáo xứ, để khơi dậy niềm tự hào về bề dày lịch sử 165 năm qua, về tấm gương anh dũng của Thánh Gẫm đã lấy mạng sống mình làm chứng cho Đức tin. Và cũng để khơi dậy tinh thần làm tông đồ trong cộng đoàn Tổng Giáo phận để tiếp bước người đi trước trên con đường phục vụ, luôn nghĩ đến người khác và dám sống cho người khác như lời cầu chúc của Đức Giám mục Phụ tá Phêrô. Bao nhiêu người về đây trong ngày khánh thành tượng đài Thánh Gẫm như khai mạc cho những cuộc hành hương đông đảo sắp tới không những trong Tổng Giáo phận, mà khắp mọi miền đất nước cũng sẽ đến.
Như thế, một lần về thăm Trung tâm Hành Hương Thánh Gẫm đã mang lại cho chúng tôi một cái gì đó vừa linh thiêng lại vừa gần gũi. Linh thiêng vì nơi đây là quê hương Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm, vị chứng nhân tử đạo mà gương sáng về lòng yêu mến Thiên Chúa và Giáo hội sẽ sống mãi trong lòng các tín hữu Việt Nam. Gần gũi vì cảm nhận được Thánh Gẫm như vẫn còn đang hiện diện đâu đó với bà con trong xứ đạo. Như ngôi mộ của thân mẫu Thánh Gẫm là bà Maria Nguyễn Thị Nhiệm cùng mộ của dòng tộc hiện vẫn còn tại giáo xứ. Hay như Đức Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt, đang là Sứ Thần Tòa Thánh tại Costa Rica (một quốc gia nằm ở vùng Trung Mỹ) là cháu 7 đời của Thánh Gẫm. Hay như một phụ nữ không chỉ nổi tiếng xinh đẹp mà còn rất đạo hạnh là Bà Maria Têrêsa Nguyễn Hữu Thị Lan (còn gọi là Nam Phương Hoàng Hậu, vợ của vua Bảo Đại, là vị hoàng hậu duy nhất được phong khi còn sống của nhà Nguyễn, cũng là hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam) được xem là cháu 4 đời của Mẹ Thánh Gẫm. Tại Nhà thờ Thánh Gẫm hiện vẫn đặt bức tượng Thánh Gẫm đã có hơn 113 năm. Những ơn lành, các việc làm, sự kiện lạ…mà Thánh Gẫm đã thực hiện nơi nhiều người Công giáo hoặc ngoại đạo được lưu truyền trong dân gian qua hơn trăm năm như minh chứng sự hiện diện gẫn gũi, thân thương của ngài với bà con nơi đây. Tất cả điều đó được khách hành hương xa gần truyền miệng như một lời cầu chúc cho nhau: “Ai đến với Thánh lái buôn. Sẽ được tâm hồn bình an” hay “Ai đến với Thánh lái buôn. Sẽ được buôn may bắn đắt”.
Nguồn: http://dongthanhtam.net
THÁNH MATTHÊU LÊ VĂN GẪM (1813-1847)
Matthêu Lê Văn Gẫm, Sinh năm 1813 tai Gò Công, Biên Hòa, Giáo dân, Thương gia, bị xử trảm ngày 11 tháng 5 năm 1847 tại Chợ Ðũi dưới đời vua Thiệu Trị, được phong Chân Phước ngày 27/05/1900 do Ðức Lêô XIII.
Năm 1846, vì nhu cầu của giáo phận, ông nhận lời với cha Lợi sang Singapour đón Đức cha Đaminh Lefèbvre Nghĩa, cha Duclos Lộ và ba chủng sinh về Sài Gòn. Như có linh cảm chuyến này khó thoát, nên ông đến từ giã cha mẹ nội ngoại, dặn dò vợ con kỹ càng ước vọng của mình rồi lên đường. Chuyến đi được êm xuôi. Ngày 23.05, thuyền nhổ neo quay về thì gặp bão tố, và mất thêm bốn ngày trốn chạy một tàu cướp biển, nên ông chễ hẹn. Ngày 06.06, ông Gẫm mới vào đến cửa Cần Giờ, ông trùm Huy họ Chợ Quán đã chờ ở đó sáu ngày để chuyển người mà không gặp, nên đã chở về nhà.
Vì biết mình là đối tượng bị theo dõi, ông Gẫm đã cẩn thận neo thuyền chờ thêm hai ngày, đến khi không thấy ai ra đón, mới quyết định đánh liều đi sâu vào Sài Gòn. Vừa thoát qua một đồn canh, ông gặp một chiếc thuyền tuần tiễu, ông nhanh trí hối lộ cho họ 10 nén bạc để thoát thân. Năm người lính trên thuyền này, sau một hồi tranh luận, sợ chuyện bị bại lộ, nên quay thuyền lại và rượt theo để trả tiền rồi bắt thuyền ông. Sáng ngày 08.06.1846, với sự yểm trợ của một số lính trên thuyền khác mới tới, quan lính nhà vua áp tải thuyền ông Gẫm về Bến Nghé. Đức cha Nghĩa và cha Lộ bị giam ở Công Quán. Cha Lộ qua đời trong tù ngày 17.07.1846, còn vị Giám mục thì được giải ra kinh đô Phú Xuân. Tại đây vua Thiệu Trị lên án xử trảm, sau đổi thành án trục xuất về Singapour, sau ngài lại tìm cách vào Việt Nam. Ông Matthêu Gẫm tự nhận là người chủ mưu nên bị biệt giam ở Sài Gòn.
Ngày 11.05.1847, ông Lê Văn Gẫm được đưa đến pháp trường “Da Còm”, tên một cây đa tróc gốc cằn cỗi ở đó (nay là xứ Chợ Đũi, khi đó còn thuộc xứ Chợ Quán), các vị tín hữu và lương dân hiện diện rất đông. Ba người em của vị anh hùng đức tin, là Tôma Trọng, Phaolô Bằng và Anrê Nguyện, cũng có mặt trong cuộc xử anh mình. Ông đội Bằng và ông Trùm Phước phải xô đẩy đám đông để đưa cha Thán đến gần giải tội lần cuối cùng cho anh mình. Ông đội cũng tặng đao phủ ba quan tiền đề anh ta chém thật gọn, giúp anh mình đỡ đau đớn.
Thế nhưng nghe tiếng chiêng trống, và thấy thái độ thương tiếc của nhiều người tham dự, viên đao phủ không giữ được bình tĩnh phải chém đến ba nhát, đầu vị tử đạo đạo mới lìa khỏi cổ. Các người en vị tử đạo và các tín hữu ùa vào, ráp đầu vị chứng nhân với thân mình, khâu lại, thay áo trắng, lấy khăn xanh quấn quanh cổ ngài, rồi đặt lên võng khiêng về an táng tại họ Chợ Quán.
Lạy Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm tử đạo, Xin cầu cho Cộng Đoàn chúng con.
Điều chỉnh giờ lễ, thông tin giáo xứ hoặc liên hệ vui lòng điền vào thông tin bên dưới
Giờ lễ và các thông tin có thể bị thay đổi hoặc sai hoặc thiếu do đó rất mong quý Tu Sĩ, Anh Chị gởi thông tin về email giothanhle.net@gmail.com để được bồ sung, sữa chửa kịp thời
ĐẶC BIỆT: Rất mong Anh/Chị góp sức bổ sung giờ lễ các nhà thờ còn thiếu giúp cho giothanhle.net ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện tại mình rất cần các bạn trong các giáo phận, giáo hạt làm Admin trang web để bổ sung, quản lý các nhà thờ còn thiếu, bạn nào nhiệt tình mail mình biết nhé. Trân trọng!
Compare listings
So sánhVui lòng nhập tên người dùng hoặc địa chỉ email của bạn. Bạn sẽ nhận được một liên kết để tạo mật khẩu mới qua email.