Nhà nguyện Toà Giám Mục Nha Trang

22 Trần Phú, TP. Nha Trang, Thành Phố Nha Trang, Khánh Hòa

Nhà nguyện Toà Giám Mục Nha Trang

22 Trần Phú, TP. Nha Trang, Thành Phố Nha Trang, Khánh Hòa

Giờ lễ

  • Chúa nhật: 05:00
  • Ngày thường: 04:45

Thông tin giáo xứ

  • Giáo phận Nha Trang
  • Giáo hạt Nha Trang
  • Năm Thành lập 1957
  • Điện thoại 058 822 842
  • Website http://giaophannhatrang.org

Thông tin giờ lễ nếu không chính xác hoặc có thay đổi rất mong Quý cộng đoàn đóng góp tại form bên dưới (đi tới form)

Thông tin giáo xứ

Lược Sử Giáo Phận Nha Trang

Ðược tách từ giáo phận Quy Nhơn năm 1957, nhưng Nha Trang đón nhận Tin Mừng từ thời các cha dòng Tên truyền giáo (cha P. Marques năm 1653 và cha P. Rivas năm 1655) giữa thế kỷ 17. Năm 1668 thêm các vị thuộc hội Thừa Sai Paris (M.E.P.), các vị thuộc Thánh bộ Truyền Giáo, dong Phanxicô…

Ngày 9-9-1659, Ðức Alexander VII thành lập hai giáo phận: Ðàng Ngoài và Ðàng Trong, giáo phận Ðàng Trong do Ðức cha P. Lambert de la Motte coi sóc. Ðêm 1-9-1671, Ðức cha Lambert de la Motte, một số linh mục thừa sai người Pháp (trong đó có những vị sau này là giám mục Ðàng Trong và Ðàng Ngoài) cùng hai linh mục Việt Nam là Luca Bền và Giuse Trang đến Chợ Mới (cách thành phố Nha Trang ngày nay khoảng 2km) ban phép Thêm Sức cho 200 em và một số tân tòng.

Ngày 2-3-1844, Ðức Gregorius chia giáo phận Ðàng Trong thành hai giáo phận: Ðông và Tây; vùng Nha Trang thuộc giáo phận Ðông (từ Phan Rang ra tới sông Gianh), do Ðức cha E.T. Cuénot Thể coi sóc.

Năm 1850, theo đề nghị của giám mục giáo phận Ðông, Tòa Thánh lấy ba tỉnh phía Bắc gồm: Quảng Bình Quảng Trị, Thừa Thiên lập thành giáo phận Bắc Ðàng Trong (Huế); vùng đất Nha Trang thuộc giáo phận Ðông (Quy Nhơn) vẫn do Ðức cha Cuénot Thể coi sóc. Mặc dù trong cơn bách hại, số giáo hữu vẫn tăng, đặc biệt vùng Tây Nguyên.

Ngày 3-12-1924, giáo phận Ðông đổi tên thành giáo phận Quy Nhơn, theo địa bàn hành chính nơi đặt tòa giám mục. Nha Trang thuộc giáo phận Quy Nhơn. Tại Nha Trang, việc truyền giáo cho anh em dân tộc thiểu số phát triển mạnh từ năm 1939 tại những vùng: Gia Lễ, Ðồng Dài, Bà Râu và Tầm Ngân.

Ngày 5-7-1957, Ðức Piô XII ban Sắc chỉ Crescit Laetissimo, lấy hai tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận của giáo phận tông tòa Quy Nhơn và hai tỉnh Bình Thuận, Bình Tuy của giáo phận tông tòa Sàigòn để thành lập giáo phận tông tòa Nha Trang. Ðức cha Marcel Piquet Lợi (M.E.P.) làm đại diện tông tòa. Khi thành lập, giáo phận Nha Trang có 72,199 giáo dân; hàng giáo sĩ có 90 linh mục: 14 vị gốc địa phương, 54 vị di cư và 22 thừa sai.

Năm 1958, xây dựng Tiểu Chủng Viện Sao Biển (Stella Maris) tại giáo xứ Thanh Hải. Năm 1958, Ðức cha thành lập dòng Khiết Tâm Ðức Mẹ để thay thế hai dòng Mến Thánh Giá Tấn Tài và dòng Mến Thánh Giá Bình Cang, đặt Nhà Chính tại giáo xứ Bình Cang. Năm 1960, dòng Kín Carmel Thánh Hóa lập đan viện tại Nha Trang.

Ngày 24-11-1960, Ðức Gioan XXIII lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, giáo phận tông tòa Nha Trang được nâng lên hàng giáo phận chính tòa thuộc giáo tỉnh Huế, Ðức cha Marcel Piquet Lợi làm giám mục chính tòa đầu tiên, ngài nhận chức ngày 23-6-1961. Dưới thời Ðức cha M. Piquet, có tờ Ut Sint Unum để liên lạc giữa các linh mục.

Ngày 11-7-1966, Ðức cha Marcel Piquet Lội được Chúa gọi về sau hơn 50 năm phục vụ trên cánh đồng truyền giáo tại Việt Nam.

Ngày 4-5-1967, Tòa Thánh đặt cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận làm giám mục chính tòa Nha Trang. Ngài đem tinh thần Công đồng Vatican II ứng dụng cho giáo phận. Ngài chú ý đến việc đào tạo giáo sĩ: năm 1968, ngài mượn một phần cơ sở của đại học Ðà Lạt để lập chủng viện Chúa Chiên Lành. Năm 1969, ngài thành lập Chủng Viện Lâm Bích dành cho các ơn gọi muộn; mở các lớp thường huấn cho linh mục và huấn luyện giáo dân trong các phong trào Công Lý Hòa Bình, Cursillos, Focolare. Ngài cũng quan tâm đến việc truyền giáo cho các dân tộc thiểu số và lập một Trung Tâm Văn Hóa Chàm tại Ninh Thuận. Dưới thời của Ðức cha Thuận, có thêm tờ Dấn Thân, tờ báo của mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận. Vì hoàn cảnh chiến tranh, giáo phận Nha Trang lại đón nhận hai đợt di dân:

Ðợt 1: năm 1964 và 1965 từ Phú Yên và Bình Ðịnh đến lập nghiệp tại Cam Ranh.

Ðợt 2: Quảng Trị và Huế đến lập nghiệp tại các vùng Cam Ranh, Ninh Thuận, Bình Tuy…

Ngày 30-1-1975, Tòa Thánh ban sắc chỉ tách hai tỉnh phía Nam là Bình Thuận và Bình Tuy ra khỏi giáo phận Nha Trang và thành lập giáo phận Phan Thiết, đồng thời bổ nhiệm cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, thuộc giáo phận Ban Mê Thuột làm giám mục giáo phận Phan Thiết.

Như vậy giáo phận Nha Trang chỉ còn hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Giáo phận Phan Thiết có 68,482 giáo dân với dân số 480,000 người.

Giáo phận Nha Trang có 101,768 giáo dân với dân số 812,000 người.

Ngày 24-4-1975, Ðức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được cử làm tổng giám mục phó giáo phận Saigòn, Ðức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa làm giám mục Nha Trang và Ðức cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi, giám mục phụ tá Saigòn, làm đại diện tông tòa Phan Thiết.

Ngày 7-5-1975, lễ bàn giao giữa hai Ðức cha tân (Ðức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa) và cựu (Ðức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận) đã diễn ra tại Tòa Giám Mục Nha Trang.

Ngày 8-5-1975, Ðức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận về Saigòn nhận nhiệm sở mới.

Ngày 25-5-1975, Ðức cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa nhận tòa trong hoàn cảnh rất sôi động và phức tạp về cả đạo lẫn đời. Nhờ đức hiền hòa và nhẫn nại, ngài đã tạo được sự thông cảm và hợp tác giữa các thành phần dân Chúa trong giáo phận, hàng giáo sĩ giáo phận mỗi ngày một thêm trẻ trung và tăng số. Tính từ năm 1975 đến cuối năm 2003, có 96 chủng sinh (70 triều và 26 dòng) được thụ phong linh mục. Ngài đã xây dựng được cơ sở mới của Ðại Chủng Viện Sao Biển và trùng tu nhiều nhà thờ, nhà nguyện.

Vì huyện Khánh Dương (nay là huyện Madrắc) sau này không thuộc tỉnh Khánh Hòa nhưng thuộc tỉnh Ðăklăk nên Ðức cha đã nhờ giám mục giáo phận Ban Mê Thuột cai quản giúp.

Ngày 1-5-1997, Tòa Thánh đặt cha Phêrô Nguyễn Văn Nho làm giám mục phó giáo phận Nha Trang, đậy là vị giám mục đầu tiên gốc Nha Trang. Tiếc thay, Ðức cha phó Phêrô Nguyễn Văn Nho, người được hãng tin Fides của Tòa Thánh gọi là vị Tông đồ các Ơn Gọi, được Chúa gọi về ngày 21-5-2003.

Năm 2003, giáo phận Nha Trang có 146 linh mục (104 triều và 42 dòng), 180,161 giáo dân

Ðịa Lý và Dân Số

Ranh giới:

Giáo phận Nha Trang gồm hai tỉnh: tỉnh Khánh Hòa thuộc miền duyên hải Nam Trung Bộ, tỉnh Ninh Thuận thuộc miền Ðông Nam Bộ và huyện Khánh Dương thuộc tỉnh Ðăklăk, Tây Nguyên. (Huyện Khánh Dương từ năm 1975 đã nhờ Ðức cha giáo phận Ban Mê Thuột cai quản giúp).

Giáo phận Nha Trang: Ðông giáp biển Ðông, Bắc giáp giáo phận Quy Nhơn (Tỉnh Phú Yên), Tây Bắc giáp giáo phận Ban Mê Thuột (tỉnh Ðăklăk), Tây Nam giáp giáo phận Ðà Lạt (tỉnh Lâm Ðồng), Nam giáp giáo phận Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Gồm một thành phố loại II và hai thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa) và Phan Rang (Ninh Thuận).

Tổng diện tích: 9,487 km2 (tính cả huyện Khánh Dương nay là huyện Madrắc); dân số 1,564,400 người. Phần lớn là người Kinh; ngoài ra còn có các sắc tộc: Hoa, Ra Glai, Trin, Êdê, Tày, Nùng, Mường, Thái, Ðan Hạ, H’mông.

Giáo phận Nha Trang chạy dọc theo duyên hải, dân cư một phần sống bằng nghề đánh cá bắt hải sản, nuôi thủy sản như tôm, cá…, làm muối; một phần sống bằng nghề nông, làm ruộng, làm rẫy, trồng mía đường, trồng nho.

Sông, hồ, núi:

Khánh Hòa và Ninh Thuận là những đồng bằng duyên hải hẹp do bị dãy Trường Sơn nằm theo thế hoành sơn đâm ra biển cắt đứt với các đồng bằng duyên hải khác; núi Ðèo Cả (407m) chia Khánh Hòa với Phú Yên; núi Cà Ná (339m) chia Ninh Thuận với Bình Thuận. Nằm dọc theo thế liên sơn, dãy Trường Sơn như bức tường ngăn Khánh Hòa, Ninh Thuận với cao nguyên Ðăklăk và cao nguyên Lâm Viên.

Tại Khánh Hòa: theo thế hoành sơn, các dãy núi còn chia tỉnh ra nhiều đồng bằng nhỏ khác như Núi Rọ Tượng với đèo Rọ Tượng cắt Ninh Hòa và Phú Hữu – Lương Sơn; núi Hòn Khô (324m) với đèo Rù Rì cắt Phú Hữu – Lương Sơn với Nha Trang… Theo thế liên sơn, dãy Vọng Phu ở Tây Bắc Khánh Hòa (2,051m, nay thuộc Ðăklăk) chia hai nhánh: một nhánh theo hướng Ðông đổ ra biển tại Ðèo Cả, có Hòn Giữ (1,264m), Hòn Ngang (1,128m), Hòn Gút (1,127m); một nhánh hướng về phía có Hòn Giữ (964m), Hòn Bà (1,339m).

Tại Ninh Thuận có hai hệ thống núi bao bọc theo thế liên sơn: phía Tây và phía Bắc có các núi cao nguyên Lâm Viên (Nam Trường Sơn); phía Nam các núi thuộc cao nguyên Di Linh theo thế hoành sơn đổ ra biển phía núi Dinh và thấp dần. Hai hệ thống núi này bọc Ninh Thuận theo hình bán cung.

Phía Bắc và phía Tây có các núi: Gia Rích (1,623m), Hòn Chàm (1,987m), núi Chuan (1,657m), núi Kanan (1,515m). Phía Nam các núi thấp hơn như núi Ðá Bạc (664m), núi Cà Ná (339m), Hòn Mây (220m).

Khánh Hòa và Ninh Thuận là những đồng bằng duyên hải hẹp do bị kẹp giữa dãy Trường Sơn và biển Ðông Hải, nên không có sông nào lớn. Khánh Hòa có 2 con sông chính là sông Cái và sông Dinh. Sông Cái còn gọi là sông Nha Trang hay sông Phú Lộc, dài chừng 60km. Sông Dinh, còn gọi là sông Vĩnh Phú hay sông Ninh Hòa, dài chừng 60km. Ninh Thuận chỉ có một con sông đáng kể: sông Dinh. Sông Dinh còn gọi là sông Cái hay sông Phan Rang, dài khoảng 100km.

Một số đặc sắc của giáo phận

Nhà thờ Chính Tòa Nha Trang:

Nhà thờ Chính Tòa Nha Trang còn gọi là Nhà Thờ Núi, được liệt kê vào di tích và thắng cảnh của tỉnh Khánh Hòa. Nhà thờ Chính Tòa do cha Louis Vallet khởi công xây dựng bằng bê tông cốt sắt ngày 3-9-1928 và hoàn thành tháng 5-1933 với diện tích 720 m2 (36mx20m).

Nhìn tổng thể, công trình có bố cục chắc, khỏe với những khối lập thể nhỏ dần từ thấp vươn lên, cao vọt lên trời xanh. Ðiểm cao nhất là nơi đặt Thánh Giá trên đỉnh tháp chuông, cao 38m tính từ mặt đường. Dọc theo lối đi lên, phía bên phải là những hộc nhỏ đựng di cốt những người quá cố được ghép vào tường đá. Tuy đã xây dựng từ gần 70 năm qua nhưng quy mô bề thế và cách cấu trúc độc đáo vẫn còn nguyên giá trị.

Danh lam thắng cảnh:

– Di tích tôn giáo bạn: Chùa Long Sơn (Nha Trang)

– Các công trình khoa học: Viện Pasteur, Viện Hải Dương Học.

Di tích lịch sử và văn hóa:

– Thành cổ Diên Khánh.

– Khánh Hòa và Ninh Thuận là những phần đất của nước Chiêm Thành xưa kia. Ðối với người Chăm, Ninh Thuận được xem là kinh đô cuối cùng của họ sau Quảng Nam và Bình Ðịnh. Ở Khánh Hòa có tháp Pô Nagar; ở Ninh Thuận, các di tích của người Chăm còn nhiều như tháp Pô Klong Garai, tháp Pô Rômé, Ba Tháp…

Thắng cảnh thiên nhiên:

Vì thuộc miền duyên hải, hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận có nhiều bãi biển đẹp. Khánh Hòa có Ðại Lãnh dưới chân Ðèo Cả, Dốc Lết, Ðảo Khỉ, Hòn Chồng, bãi biển Nha Trang, Hồ Cá Trí Nguyên và Thủy Cung, vịnh Cam Ranh. Ninh Thuận có bãi biển Ninh Chữ, Ðầm Nại, Mũi Dinh, Cà Ná…

Phía Tây của hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận là dãy Trường Sơn, nên Khánh Hòa có các điểm tham quan như suối nước nóng Trường Xuân tại Dục Mỹ, Ninh Hòa; Ba Hồ tại Phú Hữu, Ninh Hòa; Suối Tiên tại Diên Khánh.

Ðào tạo nhân sự:

Giáo sĩ: Ngoài giai đoạn đào tạo chínht hức ở chủng viện, các linh mục được bồi dưỡng về một vấn đề nào đó qua tuần thường huấn hàng năm. Ngoài ra giáo phận cũng gửi các linh mục đi ngoại quốc học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm mục vụ và để nâng cao trình độ giảng dạy và hướng tới việc nâng đại chủng viện lên tương đương tầm đại học quốc tế.

Tu sĩ: Ngoài việc trùng tu hay xây cất các tu viện để đáp ứng nhu cầu đời sống, còn có việc nâng cao học vấn, nghiệp vụ qua các lớp bồi dưỡng thần học hàng năm. Một số tu sĩ được gửi đi nước ngoài học tập.

Giáo dân:

– Mục vụ chung: để đáp ứng các nhu cầu mục vụ, có việc phân chia thêm các giáo hạt và giáo xứ; phần nhiều các nhà thờ giáo xứ đã được trùng tu hay xây mới để đáp ứng nhu cầu phụng tự; nhiều nhà hội, nhà giáo lý cũng đã được xây dựng.

– Mục vụ cho dân di cư ra mặt lộ: với việc nâng cấp đường lộ và đô thị hóa, dân chúng di cư ra hai bên mặt lộ để sinh sống, trong đó có giáo dân. Vấn đề mục vụ cho những giáo dân di cư này đang được điều nghiên để làm sao đạt được hiệu quả cao.

– Các khóa bồi dưỡng giáo dân: Gần đây các khóa bồi dưỡng giáo dân về thánh nhạc, giáo lý, ban hành giáo hằng năm được tổ chức.

– Giáo dục đức tin: Vấn đề giáo dục đức tin cho giáo dân đang được quan tâm.

– Phụng vụ: cung cấp các bài hát phụng vụ về các mùa trong năm, lễ trọng và các chủ đề.

– Giáo lý: chương trình giáo lý phổ thông theo các lứa tuổi cho các thanh thiếu niên đã được áp dụng tại các giáo xứ. Tuy nhiên có một vướng mắc trong việc giảng dạy giáo lý là nhiều em học sinh phải đi học thêm giờ ngay cả ngày Chủ Nhật để theo kịp chương trình phổ thông trung, tiểu học.

– Ðối với các giáo dân lớn tuổi và giới trí thức: một chương trình lồng ghép Thánh Kinh và Phụng vụ đang được biên soạn để giúp cho họ sống đức tin vững vàng hơn giữa lòng đời.

– Truyền giáo: Vấn đề truyền giáo đang là một trăn trở của giáo phận bởi số người Công giáo chỉ chiếm tỷ lệ 10,24% dân số. Vì vậy ngoài việc truyền giáo cho những người ở gần giáo phận đang tìm cách truyền giáo cho những người thuộc các lĩnh vực sau:

Những người sống ở vùng sâu, vùng xa trên đất liền,

Những người đang sống tại các hải đảo, đặc biệt các hải đảo xa xôi,

Những anh em thuộc dân tộc thiểu số Chăm, Thượng. Các giáo xứ miền núi thực tỉnh Khánh Hòa đều chú tâm đến các anh em người Thượng (tại Khánh Hòa số anh em người Thượng Công Giáo là 1,000; tại Ninh Thuận, số anh em người Thượng Công Giáo là khoảng 1,900 và số anh em người Chăm Công Giáo là 250).

(dựa theo Niêm Giám 2005 của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam)

 Giờ lễ:

Ngày thường: 04:45
Chúa nhật: 05:00

Liên hệ

Điều chỉnh giờ lễ, thông tin giáo xứ hoặc liên hệ vui lòng điền vào thông tin bên dưới

    LỜI KÊU GỌI

    Giờ lễ và các thông tin có thể bị thay đổi hoặc sai hoặc thiếu do đó rất mong quý Tu Sĩ, Anh Chị gởi thông tin về email giothanhle.net@gmail.com để được bồ sung, sữa chửa kịp thời
    ĐẶC BIỆT: Rất mong Anh/Chị góp sức bổ sung giờ lễ các nhà thờ còn thiếu giúp cho giothanhle.net ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện tại mình rất cần các bạn trong các giáo phận, giáo hạt làm Admin trang web để bổ sung, quản lý các nhà thờ còn thiếu, bạn nào nhiệt tình mail mình biết nhé. Trân trọng!

    Nhà thờ cùng khu vực

    Compare listings

    So sánh
    lienkhuong
    • lienkhuong