Nhà Thờ Bằng Sở (Trung Tâm Hành Hương Thánh Lê Tùy)

Bằng Sở, Ninh Sở, Huyện Thường Tín, Hà Nội

Nhà Thờ Bằng Sở (Trung Tâm Hành Hương Thánh Lê Tùy)

Bằng Sở, Ninh Sở, Huyện Thường Tín, Hà Nội

Giờ lễ

  • Chúa nhật: 05:30, 10:30, 16:00, 19:00
  • Thứ bảy: 05:30, 19:00
  • Ngày thường: 19:00

Thông tin giáo xứ

  • Giáo phận Hà Nội
  • Giáo hạt Phú Xuyên
  • Năm thành lập
  • Bỗn mạng Thánh Phê-rô Lê Tùy
  • Web denthanhpheroletuy.net
  • Email thanhletuy.bangso@gmail.com
  • Facebook fb.com/denthanhpheroletuy

Thông tin giờ lễ nếu không chính xác hoặc có thay đổi rất mong Quý cộng đoàn đóng góp tại form bên dưới (đi tới form)

Thông tin giáo xứ

Giờ lễ Nhà Thờ Giáo Xứ Bằng Sở, Trung Tâm Hành Hương Thánh Phêrô Lê Tùy Bằng Sở, Bằng Sở, Ninh Sở, Thường Tín, Hà Nội, Giáo hạt Phú Xuyên, Giáo phận Hà Nội.

Lịch sử hình thành Giáo xứ

Vào đầu thế kỷ XVII toàn bộ dân trong làng Bằng Sở đều theo đạo Nho và đạo Phật. Đến năm 1627 – 1628 đạo Công Giáo bắt đầu được chớm nở. Đến giữa Thế kỷ XVII (khoảng 1641 – 1650) thì gần hết làng đã theo đạo và hình thành làng Công Giáo như Giáo xứ Bằng Sở hiện nay.

Nhà thờ Bằng Sở (1917 - 2017)

Nhà thờ Bằng Sở (1917 – 2017)

Ngày 29 tháng 6 năm 2006, Đức TGM Giu-se Ngô Quang Kiệt công nhận Đền thánh Phê-rô Lê Tùy tại Bằng Sở là Trung tâm hành hương của giáo phận Hà Nội.

Ngày 29 tháng 6 năm 2014, Cha Giám đốc An-tôn Trần Quang Tiến đã khởi công xây dựng Ngôi thánh đường mới với tước hiệu Đền Thánh Thánh Phê-rô Lê Tùy Bằng Sở do Đức Hồng Y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn phê chuẩn.

Ngày 13 tháng 11 năm 2018, Đức hồng y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn đã chủ sự Thánh lễ cung hiến bàn thờ và Đền thánh thánh Phê-rô Lê Tùy Bằng Sở. Cũng chính ngày này Trung tâm hành hương Bằng Sở – Giáo họ Bằng Sở được bề trên Tổng giáo phận Hà Nội nâng lên là Giáo xứ Bằng Sở.

GIỚI THIỆU TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG BẰNG SỞ

I. ĐỊA LÝ, DÂN SỐ, ĐỜI SỐNG

  • Tên Công Giáo: Trung tâm hành hương Thánh Lê Tùy Bằng Sở – Giáo xứ Bằng Sở – Giáo phận Hà nội.
  • Địa chỉ hành chính: Thôn Bằng Sở – Xã Ninh Sở – Huyện Thường Tín, Tp Hà Nội.

Địa giới:

  • Phía Bắc: Giáp thôn Đại Lộ.
  • Phía Đống: Giáp thôn Xâm Dương 3.
  • Phía Tây: Giáp thôn Duyên Trường và thôn Hạ Thái.
  • Phía Nam: Giáp thôn Sở Hạ.

Diện tích làng trước đây là 365 mẫu Bắc Bộ bằng 1. 314.000 m2. Nhưng đến năm 1965 Hợp Tác xã điều chuyển cho các thôn khác trong xã nên hiện nay diện tích làng chỉ còn lại 123,5 mẫu Bắc Bộ bằng 444.600 m2. Trong đó:

  • Đất canh tác: 96 mẫu = 345.600 m2
  • Đất thổ cư: 18 mẫu = 64.800 m2
  • Đất công (Đền Chùa, Nhà Thờ, Nghĩa trang, sân vận động…): 9,5 mẫu = 34.200 m2

Hầu hết người dân trong làng sống bằng hai nghề chính:

  • Sản xuất nông nghiệp (Chủ yếu là gieo cấy lúa nước)
  • Sản xuất hàng mây tre đan mỹ nghệ xuất khẩu.

Đời sống của các gia đình tương đối đồng đều bậc trung. Hộ quá giầu hầu như không có, hộ nghèo cũng không đáng kể 6 hộ (chiếm 2%)

Dân số: Cả làng có 320 hộ gia đình với tổng số khẩu là: 1451 khẩu.

Trong đó: Công Giáo 90.2% = 1309 khẩu

Phật Giáo 9.8% = 142 khẩu

II. LỊCH SỬ DỰNG LÀNG:

Làng Bằng Sở vốn là một làng ở đất Kinh Kỳ (Tràng An) trong thành Thăng Long xưa. Dân làng sống quây quần ổn định và đã xây được một Đình làng tức Đình Hàng Cót sau này. Để nhắc nhở con cháu muôn đời sau sống cho thanh lịch văn minh xứng đáng với nguồn gốc người Kinh Kỳ của mình. Cho nên sau khi di chuyển về nơi định cư mới, nhiều đời sau người dân Bằng Sở còn truyền tụng câu:

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài
Dẫu không thanh lịch vẫn người Tràng An”

 Vào đầu thế kỷ XI Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên là Thăng Long. Nhà vua muốn mở rộng kinh thành nên cho di rời một số làng xã cho phù hợp với quy hoạch. Bằng Sở là một làng trong diện đó và đã di rời xuống phía Nam định cư tại vị trí hiện đang ở bây giờ.

Khi mới di chuyển vua cấp cho làng 200 mẫu Bắc Bộ (720.000 m2).

Khu này lúc đó đồng nước mênh mông lau lác um tùm, nên gọi là Đồng Lác, trong vùng nước mênh mông đó nổi lên 3 gò đất lớn nằm bên bờ sông Kim Ngưu (chạy song song với Sông Hồng) là gò thượng, gò trung và gò hạ và dân làng Bằng Sở làm nhà trên 3 gò đất đó, nên đất làng Bằng Sở gọi là ĐẤT BA GÒ.

Phương tiện đi lại giao dịch giữa người dân ở các Gò và vùng lân cận lúc đó đều phải sử dụng thuyền, mảng.

Qua nhiều năm nước Sông Hồng tràn vào mang theo Phù Sa bồi đắp. Sau này có làm đê ngăn nhưng đê nhỏ và thấp. Đến năm 1915 lại bị vỡ đê nên đất Phù Sa càng bồi nhiều hơn, nên đã tạo cho khu đất này thành cánh đồng tương đối bằng phẳng và phì nhiêu mầu mỡ. Lúc mới về định cư tại đất Ba Gò số người còn rất ít và tập trung vào 5 dòng họ là: Lê – Phạm – Phùng – Đỗ – Nguyễn. Đáng chú ý là dòng họ Lê, họ của Thánh Lê Tuỳ sau này. Người dân hoàn toàn theo đạo Nho và đạo Phật, hàng năm dân làng vẫn tổ chức về tế lễ tại đình Hàng Cót.

Tục lệ này kéo dài mãi cho tới thế kỷ XIX khoảng giữa triều Nguyễn mới thôi (cũng vì lễ lúc này làng đã theo đạo Công Giáo nhiều)

Bước đầu mới về định cư do hoàn cảnh đồng nước mênh mông nên dân sống bằng nghề đánh bắt tôm cá, vì thế họ đã tự tạo ra dụng cụ đánh bắt là đan lờ đó, đan dậm, đan giỏ bằng tre nứa. Về sau cải tiến đan các đồ dùng khác như nón, mũ đội đầu, đan vali đựng quần áo và nghề hàng tre hình thành từ đó. Các quan lại thời đó đặt mua cho lính đội đầu nên gọi là nón lính.

Từ năm 1900 Quan lại và Thương gia Pháp đã mua để gửi về Chính Quốc, về sau mua nhiều thì hàng tre Bằng Sở thành mặt hàng xuất khẩu, người dân gọi là hàng Tây. Năm 1926 hàng được trưng bầy tại hội chợ triển lãm tại nhà Đấu Sảo Hà Nội. Đến năm 1930 được sự giúp đỡ của Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phú, Cụ Đỗ Văn Chấp đại diện cho dân làng đem hàng tre đan đi trưng bày tại Hội chợ Parí – Pháp, qua cuộc triển lãm này Cụ được phong hàm Cửu phẩm. Từ sau cuộc triển lãm hàng tre đan Bằng Sở được biết đến nhiều ở Pháp.

Trong thời gian này quan công sứ Pháp đã cho dựng một biển trước cổng làng với hàng chữ: “Vanerie de Bằng Sở” để đánh dấu một làng nghề, biển này được tồn tại cho tới năm 1948 khi lính Pháp về đóng ở làng mới bị pha bỏ.

Hàng tre đan Bằng Sở được duy trì và phát triển cho đến Đại chiến thế giới lần thứ hai (1939 – 1945) do có nhiều biến động trên thế giới và ở Pháp nên hàng tre đan Bằng Sở không xuất khẩu được nữa.

Năm 1954 Hoà bình lập lại hàng tre được khôi phục và phát triển mạnh nhất là những năm 1966 đến năm 1972 hàng tre Bằng Sở được công nhận là “Lá cờ đầu” của ngành thủ công nghiệp Hà Tây. Và đến tháng 01 năm 2001 được UỶ BAN TỈNH cấp bằng công nhận LÀNG NGHỀ.

Hàng tre đan xuất khẩu là nguồn thu chính của người dân chiếm 70% tổng thu nhập lúc đó. Nay pha tạp nhiều ngành nghề dịch vụ và đặc biệt khu công nghiệp phát triển ngay cạnh làng nên doanh thu chỉ còn 30 %.
 
 III. LƯỢC SỬ TRUNG TÂM HÀNH HƯƠNG BẰNG SỞ

1.  Quá trình hình thành và phát triển.

Từ thủa dựng làng Bằng Sở cho đến đầu Thế kỷ XVII toàn bộ dân trong làng theo đạo Nho và đạo Phật. Đạo Công Giáo được chớm nở ở năm 1627 – 1628. Vì người dân trong làng thường đi dọc theo sông Kim Ngưu về Kinh Thành bán hàng tre và họ đã được biết một Giáo Sĩ ngoại quốc biết nói tiếng Việt, lời lẽ giảng thuyết thật mới lạ, lại rất hay. (Sau này mới biết đó là Cha Alexandre De Rodes (1591 – 1660) – Cha Đắc Lộ). Người dân trong làng biết về đạo Chúa từ đó. Về sau đến những năm 1631 – 1638 đường đi lại trên Sông Hồng và sông Kim Ngưu rất thuận tiện (Bằng Sở nằm trên bờ sông Kim Ngưu) các Giáo sĩ Phương Tây vào giảng đạo lúc này người dân Bằng Sở theo đạo khá đông. Đến giữa Thế kỷ XVII (khoảng 1641 – 1650) thì gần hết làng đã theo đạo và hình thành làng Công Giáo như Giáo xứ Bằng Sở hiện nay.
 
2.  Nhà Thờ Bằng Sở:

Từ khi người dân Bằng Sở theo đạo thì Nhà Thờ được xây dựng. Lúc đầu làm bằng tre gỗ và lợp lá. Nhà thờ này cũng đã tồn tại trên trăm năm. Sau đó được dỡ bỏ và thay thế bằng ngôi Nhà Thờ lớn hơn, kiên cố hơn, diện tích khoảng 150 m2. 

 

 

Nhà thờ Bằng Sở (1917 - 2017)

Nhà thờ Bằng Sở (1917 – 2017)

Đến năm 1917 thì Giáo Họ hoàn thành một Nhà thờ mới kiên cố (Nhà thờ 100 tuổi 1917 – 2017) Diện tích khoảng 390 m2. Nhà Thờ cũ vẫn còn chuyển thành nhà ở của Linh mục. Năm 1948 thực dân Pháp về đóng bốt tại nhà thờ, họ đã dùng nhà thờ chính để đóng quân, tháp chuông làm tròi quan sát, phá đi nhà thờ cũ (để có tầm nhìn ra bên ngoài).

Thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng, Giáo dân Bằng Sở đã nhờ một gia đình trong Giáo họ (Khu đất nhà cụ Đội Dậu) có nhà cửa sân vườn rộng rãi cho mượn để làm nhà thờ tạm, năm ngay bên bờ kênh (sông Kim Ngưu xưa). Trong suốt hơn hai năm (Từ tháng 2 năm 1948 đến tháng 6 năm 1950) Giáo hữu vẫn thường xuyên ngày 3 buổi: sáng, trưa, tối lại tới đọc kinh cầu nguyện.
Sau ngày hoà bình lập lại Nhà thờ giáo họ Bằng Sở đã nhiều lần được sửa chữa tu bổ và gìn giữ. Những năm gần đây xung quanh nhà thờ lại xây được những công trình: (với tổng diện tích là 7918 m2) Đền Thánh Lê Tuỳ, hội trường, nhà giáo lý, nhà cha..

Ngày 29 tháng 6 năm 2006, Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt công nhận Đền thánh Phêrô Lê Tùy tại Bằng Sở là Trung tâm hành hương của giáo phận Hà Nội.

 

Lễ khởi công xây dưng Đền thánh thánh Phêrô Lê Tùy 29/6/2014

Lễ khởi công xây dưng Đền thánh thánh Phêrô Lê Tùy 29/6/2014

Ngày 29 tháng 6 năm 2014, Cha Giám đốc Antôn Trần Quang Tiến đã khởi công xây dựng Ngôi thánh đường mới với tước hiệu Đền Thánh Thánh Phêrô Lê Tùy Bằng Sở do Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn phê chuẩn.

ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cử hành nghi thức cung hiến bàn thờ

ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn cử hành nghi thức cung hiến bàn thờ

ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn chủ sự Thánh lễ cung hiến Đền thánh Phêrô Lê TùyNgày 13/11/2018

ĐHY Phêrô Nguyễn Văn Nhơn chủ sự Thánh lễ cung hiến Đền thánh Phêrô Lê Tùy – ngày 13/11/2018

Ngày 13 tháng 11 năm 2018, Đức hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã chủ sự Thánh lễ cung hiến bàn thờ và Đền thánh thánh Phêrô Lê Tùy Bằng Sở. Cũng chính ngày này Trung tâm hành hương Bằng Sở – Giáo họ Bằng Sở được bề trên Tổng giáo phận Hà Nội nâng lên là Giáo xứ Bằng Sở.

GIỚI THIỆU CHA THÁNH PHÊRÔ LÊ TÙY

I. Quê hương thời thơ ấu

Bằng Sở là một ngôi làng nhỏ, cách trung tâm Hà Nội chừng 15 km về phía Nam. Xưa được hình thành từ ba gò đất là: Gò Thượng, Gò Hạ và Gò Trung. Gò Thượng và Gò Hạ nằm trên bờ sông Kim Ngưu (song song với Sông Hồng) Gò Trung nằm giáp đồng nước mênh mông.

Cha Thánh Phêrô Lê Tùy (1773 – 1833)

Cha Thánh Phêrô Lê Tùy (1773 – 1833)

Thánh Phêrô Lê Tùy sinh năm 1773 trong một gia đình nề nếp và giàu có ở Gò Hạ Bằng Sở, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là làng Bằng Sở, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Thành phố Hà Nội).

Năm 1773, cậu Phêrô Lê Tùy chào đời thì cũng chính là năm thánh linh mục Vinh Sơn Liêm và thánh linh mục Giacinta Castaneda Gia được phúc tử vì đạo tại Hà Nội do lệnh xử trảm của chúa Trịnh Sâm.

Lê Tuỳ càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan, đạo đức, chăm chỉ làm việc. Mọi người trong làng đều nói: “Lê Tuỳ thật hiền lành ngoan ngoãn”. Năm 10 tuổi cha mẹ đều lâm bệnh và lần lượt qua đời, Lê Tuỳ được ông Ngoại nhà ở Gò Thượng Bằng Sở đưa về nuôi nấng dạy dỗ. Ông Ngoại Lê Tuỳ là một nhà Nho, nên Lê Tuỳ sớm được giáo dục theo nề nếp Nho giáo và đạo đức.

Lê Tùy sáng dạ học hành kinh sử và chăm chỉ chăn trâu cắt cỏ, giúp việc cho ông ngoại, dù công việc bận rộn và vất vả đến đâu cậu vẫn không bao giờ bỏ kinh nguyện sớm tối nơi nhà thờ.

Bằng Sở thời ấy là họ lẻ thuộc xứ Yên Duyên (nay là xứ Sở Hạ), cha xứ là cha Nghiêm, mỗi lần xuống Bằng Sở dâng lễ đều đến thăm ông ngoại Lê Tuỳ. Nhiều lần cha Nghiêm đã nói với ông ngoại cậu Tùy rằng:

“Lê Tuỳ có trí thông minh, ngoan ngoãn nết na, cụ hãy cho Lê Tuỳ dâng mình vào nhà Chúa thì tốt đẹp lắm”.

Ông ngoại vốn đạo đức nhưng đương thời cấm kỵ đạo dữ tợn nên còn phân vân, thì lúc đó Lê Tùy đang hầu nước Cha Nghiêm và ông ngoại liền quỳ xuống vái xin cha và ông ngoại cho được dâng mình vào nhà Chúa. Thấy vậy ông ngoại liền ưng thuận và vái lạy cha Nghiêm xin cho Lê Tùy được theo Cha và cậy nhờ Cha đỡ đầu… Cả nhà cùng tiễn cha Nghiêm và Lê Tùy xuống bến đò Kệ, ngược dòng Kim Ngưu về xứ Yên Duyên thuộc địa phận Tây Đàng Ngoài, năm ấy là năm 1785 Lê Tuỳ tròn 12 tuổi.

II. Sứ Mệnh Tông Đồ

Năm 1787, Cha Nghiêm cho Phêrô Lê Tuỳ theo học tiểu chủng viện Kẻ Vĩnh (Vĩnh Trị – Ý Yên – Nam Định).

Giáo xứ Vĩnh Trị - Ý Yên, Nam Định

Giáo xứ Vĩnh Trị – Ý Yên, Nam Định

Tại chủng viện, cậu Phêrô Lê Tùy đã sớm tạo được những thành tích tốt đẹp, chiếm được cảm tình ưu ái của ban giáo sư cũng như các bạn đồng trường. Cậu học hành rất thông minh, chăm chỉ, xử sự khôn ngoan, đời sống đạo đức, khiêm tốn và hiền hoà với các bạn bè. Chính nhờ đời sống tốt lành và học hành xuất sắc nên sau khi mãn trường, năm 1798, thầy đã được lãnh chức Phó Tế rồi thầy Phêrô Tùy được đặc cử đi giúp Đức cha Charles Lamothe Hậu (M.E.P) lo việc truyền giáo tại địa phận Nghệ Tĩnh – Chính (gồm 3 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình).

Sau một thời gian giúp việc truyền giáo rất đắc lực, Đức Giám mục đã gọi thầy về thụ phong linh mục.

Năm 1800,Thầyphó tế Phêrô Lê Tuỳ được Đức cha Charles Lamothe Hậu (M.E.P) – Giám mục Giáo phận Tây Đàng Ngoài (1793-1816) truyền chức linh mục tại Nhà thờ Thọ Kỳ nay là Giáo xứ Thọ Ninh, Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Giáo xứ Thọ Ninh (Thọ Kỳ) – Xã Liên Minh, Huyện Đức Thọ, Tỉnh Hà Tĩnh

Giáo xứ Thọ Ninh (Thọ Kỳ) – Xã Liên Minh, Huyện Đức Thọ, Tỉnh Hà Tĩnh

Sau đó, Đức Cha Charles Lamothe Hậu bổ nhiệm Ngài đi làm phó xứ Đông Thành, sau vào Đá Dựng nay là giáo xứ Lập Thạch, hai xứ này ngài phục vụ trên 17 năm.

Giáo xứ Lập Thạch – Xã Nghi Thạch, Huyện Nghi Lộc Nghệ An

Giáo xứ Lập Thạch – Xã Nghi Thạch, Huyện Nghi Lộc Nghệ An

Sau đó Cha Phêrô Lê Tùy làm cha chính xứ giáo xứ Nam Đường, Kẻ Đòn nay là giáo xứ Quy Chính thuộc huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An.

Giáo xứ Quy Chính – Xã Vân Diên, Huyện Nam Đàn, Tỉnh Nghệ An

Giáo xứ Quy Chính – Xã Vân Diên, Huyện Nam Đàn, Tỉnh Nghệ An

Ở đâu Ngài cũng tận tình, tận lực lo việc mục vụ một cách rất sốt sắng và nêu cao gương sáng nhân đức khiêm nhường, thánh thiện. Từ các linh mục bạn hữu tới giáo dân, ai ai cũng đều khen Ngài là một linh mục vui vẻ, hiền hoà và nhiệt tình trong mọi công việc được trao phó. Nhìn thấy những nhân đức và những kết quả tốt đẹp do việc mục vụ của Ngài, Đức Cha Charles Lamothe Hậu đã nhiều lần ca ngợi cha, có lần Đức Cha nói:

“Không ai là không hài lòng với cha Phêrô Lê Tùy”.

Trong suốt 30 năm trường phục vụ trong thiên chức linh mục, cha đã công khai hoạt động trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam và cha đã đem lại bao kết quả lớn lao cho Giáo Hội bằng việc lôi kéo được biết bao linh hồn trở về với Chúa.

III. Sắc cấm đạo

Công việc mở mang nước Chúa đang tiến triển ngoạn mục thì ngày 6 tháng 1 năm 1833, Vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo trên toàn quốc từ Bắc chí Nam thì cha Phêrô Tùy cũng như bao nhà truyền giáo khác phải rút lui vào bóng tối, âm thầm hoạt động trong lén lút và len lỏi vào những nơi hang cùng ngõ hẻm để tránh sự dòm ngó của các nhà chức trách và người lương dân.

Thời điểm này, Cha Phêrô Tùy phải rời khỏi nhà xứ giáo xứ Kẻ Đòn Quy Chính để đến ở ẩn chốn tại nhà cụ Hàm Cơ là quan huyện Phủ Thanh Phương nhưng theo đạo công giáo tại giáo họ Thượng Nậm.

Giáo xứ Thượng Nậm – Xã Hồng Long, Huyện Nam Đàn, Tỉnh Nghệ An

Giáo xứ Thượng Nậm – Xã Hồng Long, Huyện Nam Đàn, Tỉnh Nghệ An

Ngày 25 tháng 6 năm 1833, tại họ đạo Thanh Trai (Khoa Đàm) bên kia sông Lam có một bệnh nhân bệnh nặng đang hấp hối chờ chết, người trong gia đình vội vàng tìm đến cha tại nhà cụ Hàm Cơ ở giáo họ Thượng Nậm, họ quỳ lạy cụ Hàm Cơ cho được gặp Cha Phêrô Tùy, Cụ Hàm Cơ đã trình Cha về sự việc thì cha đã mau mắn nhận lời tới giải tội và xức dầu cho bệnh nhân tại họ Thanh Trai. Trên đường đi đến cây đa ngoài làng thì trời trở gió làm gãy cành đa rơi xuống cản đường Cha đi, người đưa đường liền ngăn cha dừng lại và nói: “Thưa Cha đây là điềm dữ” … Cha vui vẻ nói: “Có xảy ra cách nào cũng là ý Chúa, việc cứu rỗi linh hồn người ta là bổn phận của Cha” … và Cha cùng người đưa đường vẫn đi tới nhà kẻ liệt.

Cha Tùy bị bắt tại họ đạo Thanh Trai

Cha Tùy bị bắt tại họ đạo Thanh Trai

Họ đạo Thanh Trai là họ xôi đỗ, nghĩa là dân Công Giáo và không Công Giáo sống trà trộn với nhau cho nên những người lương dân hay theo dõi những sinh hoạt của những người Công Giáo để rồi báo cáo cho vua quan để lập công với nhà cầm quyền. Nên khi Cha Tùy đến nhà xức dầu cho bệnh nhân thì đã có người đến trình báo quan đưa lính về bắt. Lính về tới nơi khi Cha Phêrô Tùy đang xức dầu cho kẻ liệt và có cả các đồ đạo nữa nên người bị lính bắt ngay.

Trong ngày Cha bị bắt, có người về báo cho người giúp việc Cha tại nhà xứ là ông Bernado Thứ để tìm cách lo liệu cho Cha. Ông Thứ quê tại Giáo xứ Trang Nứa, Huyện Nghi Lộc, Nghệ An, Ông theo giúp việc cha Phêrô Tùy từ năm 14 tuổi khi ngài mới là thầy sáu cho tới khi ngài là cha xứ tại Lập Thạch và Quy Chính.

Khi họ giải Cha tới nhà giam huyện phủ Thanh Phương thì ông Thứ và nhóm người Công Giáo đi theo và tới trình với quan huyện xin chuộc cha với một số tiền khá lớn. Quan huyện Thanh Phương đồng ý cho chuộc với điều kiện cha chỉ khai mình là Thầy Thuốc, không khai mình là linh mục. Giáo dân xin cha chiều ý quan huyện và khai như quan dậy. Nhưng cha không chịu. Cha nói khai như thế là khai man, là nói dối, là làm gương mù gương xấu cho bao người khác. Cha cương quyết chỉ nhận mình là linh mục mà thôi. Vì cha không chịu nói dối nên quan huyện Thanh Phương cho lệnh đeo gông, xiềng xích tay chân mặc dù Cha Tùy đã 60 tuổi, rồi áp giải về nộp cho quan đầu tỉnh Nghệ An xét xử.

Cha Tùy bị giam giữ tại công đường tỉnh Nghệ An

Cha Tùy bị giam giữ tại công đường tỉnh Nghệ An

Về tới tỉnh Nghệ An, cha bị tống giam trong ngục thất, bị đánh đòn, tra tấn, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bị bọn lính hành hạ khổ sở. Nhưng lúc nào cha cũng vui tươi, bình tĩnh, can đảm chịu mọi khổ nhục. Những người cùng bị giam với cha, thấy cha đã già mà phải đòn vọt máu me chảy ra như thế mà cha vẫn vui vẻ thì lấy làm lạ nên có người đã hỏi:

“Cha ơi! Cha đã già mà phải hành hạ khổ nhục quá như vậy mà cha vẫn chịu một cách can đảm. Tại sao cha gan thế? Bí quyết nào đã giúp cha vậy?”

Cha vui vẻ trả lời:

“Bí quyết nào à? Đó là ơn thiêng Chúa ban. Chúa còn phải khổ nhục hơn ta nhiều. Chúa bị hành hạ cách vô cùng tàn nhẫn rồi còn bị đóng đanh trần trụi trên Thánh Giá vì chúng ta cơ mà! Chúa có tội gì đâu mà còn phải khổ nhục như thế. Đó, Chúa chịu vì yêu thương chúng ta đấy. Bây giờ tôi có phải khổ nhục vì Chúa như thế này có thấm gì đâu? Anh em hãy tin cậy Chúa, Chúa sẽ giúp cho”.

Mọi người chăm chú nghe cha nói và xin cha cầu nguyện cho họ.

Sau nhiều ngày bị đòn đánh khổ nhục, quan án tỉnh Nghệ An gọi cha ra công đường lấy lời khai. Quan Án hỏi:

“Ông là đạo trưởng Gia Tô phải không?”

Cha dõng dạc trả lời:

“Bẩm quan lớn, phải. Tôi là đạo trưởng”

Quan lại hỏi:

“Ông có biết lệnh vua ban xuống là phải cấm đạo Gia Tô và phải tiêu diệt hết các đạo trưởng của đạo ấy không”.

Cha bình thản trả lời:

“Bẩm quan lớn, tôi biết”.

Quan án nhìn cha một cách thông cảm rồi nói:

“Ông nghe ta đi! Ai thấy ông bị bắt cũng động lòng trắc ẩn. Không ai muốn ông phải tử hình. Ta đây cũng thế, ta không muốn xử tử hình ông, nhưng lệnh vua thì ta phải vâng theo mà thôi. Vậy bây giờ ông nghe ta. Ông chỉ khai ông là Lang Y đi chữa bệnh mà thôi. Có thế thì ta mới cứu ông khỏi chết”.

Cha Phêrô Tùy ôn tồn và lễ phép trả lời:

“Tôi xin cám ơn lòng tốt của quan lớn. Tôi không thể nói dối được. Nhưng tôi không sợ chết vì đạo Chúa. Chết bằng cách nào tôi cũng xin chấp nhận, tôi không ngại đâu. Quan biết rằng ai cũng phải chết mà! Dù chết êm đềm trên nệm ấm hay chết bị cọp tha, cá rỉa, dầu bị lột da hay xé xác làm trăm mảnh cũng đều là chết thôi. Thưa quan, tôi không sợ chết“

Quan án thấy Cha lý luận vững chắc và lòng can đảm lạ lùng, quan tỏ lòng kính phục; đàng khác thấy Cha đã ngoài 60 tuổi, quan không ra lệnh đánh đòn nữa, chỉ ra hiệu cho lính đưa Cha trở lại nhà giam.

Từ nay cho tới khi bị xử quan ra lệnh không được đánh đập Cha nữa và cho Cha ăn uống, theo luật nhà nước khi ấy thì ở tuổi 60 trở lên không được phép kết án xử tử. Nhiều lần các quan cho người vào khuyên dụ cha, xin cha làm giấy khai là Lang Y để các quan có lý do cho cha về. Nhưng trước sau như một cha nhất định chỉ khai mình là linh mục đạo Công Giáo. Những người bạn cùng bị giam tù chung với cha đều quý trọng cha. Có người thấy cha quá tốt lành thánh thiện thì nói:

“Một người hiền lành đạo đức như vậy mà bị giam như một tội phạm gian ác, thật là phi lý. Chúng mình phải chịu án đã đành chứ ông già này làm gì nên tội mà giam cầm đánh đập như thế. Thật vua quan đắc tội với Trời”.

Khi các quan trong tỉnh làm án gửi về kinh đô Huế, các quan cũng nghĩ ông già này đã 60 tuổi rồi, mà theo luật nhà nước thì không xử tử những tội nhân đã 60 tuổi trở lên. Hy vọng vua sẽ phạt ít tiền rồi cho về thôi. Nhưng thật là kinh hoàng khi nhận được án lệnh của vua Minh Mạng chuyển tới, mở ra đọc thì thấy vua ra lệnh:

“Tên Lê Tùy đã xưng là đạo trưởng và truyền dậy tà đạo cho dân, phải trảm quyết!”.

 Đọc xong án lệnh các quan đều bàng hoàng khiếp sợ.

Khi được tin bị án trảm quyết, cha Phêrô Tùy rất bình tĩnh, vui vẻ, không hề tỏ ra khiếp sợ. Có người bạn tù thấy cha vui vẻ thì hỏi:

“Cha bị kết án trảm quyết mà sao Cha lại vui vẻ được?’’

Cha ôn tồn trả lời:

“Thật ra đã từ lâu tôi không dám trông đợi ơn trọng ấy. Bây giờ tôi vui mừng vì Chúa đã thương ban cho tôi được chết vì Ngài. Đây là ơn rất trọng”.

Cha dùng bữa tối thường lệ như các bạn tù khác. Sau đó Cha lặng lẽ một mình, không trò chuyện như những tối khác, âm thầm dọn mình sốt sắng để lãnh nhận ơn tử đạo Chúa ban.

Cha Tùy bị giải ra pháp trường chợ Quán Bàu, Nghệ An để xử trảm

Cha Tùy bị giải ra pháp trường chợ Quán Bàu, Nghệ An để xử trảm

Theo án lệnh vua Minh Mạng ban xuống, các quan tỉnh Nghệ An quyết định ngày 11 tháng 10 năm 1833 sẽ thi hành án lệnh.

Ngay từ sáng sớm ngày 11 tháng 10, chính ngày lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa thời bấy giờ, quan quân đưa cha Tùy ra pháp trường chợ Quán Bàu, cha vui vẻ, nét mặt hớn hở, những người đi theo cha trong đó có nhiều người không Công Giáo thấy cha bình thản, tươi vui thì ồn ào nói với nhau:

“Từ xưa tới nay chưa thấy ai bị đem ra pháp trường xử chém mà lại can đảm như cụ già này. Thật là lạ lùng!”.

Một giọng nói khác xen vào:

“Ông cụ già này là đạo trưởng đạo Gia Tô đấy. Đạo này lạ kỳ thật. Đạo dạy thờ Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời đất muôn vật. Nghe nói về đạo nhiều điều hay lắm. Có lý lắm”.

Pháp trường Quán Bàu nơi xử trảm Cha Tùy, ngày 11 tháng 10 năm 1833

Pháp trường Quán Bàu nơi xử trảm Cha Tùy, ngày 11 tháng 10 năm 1833

Khi tới Bãi xử chợ Quán Bàu, nơi được chỉ định hành quyết Cha Tùy, quân lính đóng một vòng ngoài ngăn cấm không cho ai được vào, chỉ riêng ông Bernado Thứ xin được vào cùng Cha. Trong đêm hôm trước ông Thứ đã lo liệu mua quan tài, vải liệm, một cái chiếu hoa và giấy thấm máu … cùng lo liệu các việc cho được lấy xác người về. Ông Thứ vào giữa bãi xử mà trải bốn cái chiếu thường đới và trải 1 chiếc chiếu hoa lên trên cho Cha Tùy quỳ mà chịu chém… Cha Phêrô Tùy liền quỳ gối trên chiếu hoa, bên cạnh là tấm bảng gỗ viết bản án như sau:

“Tên Tùy là Lê Tùy thuộc tỉnh Hà Nội, phủ Thường Tín, huyện Thanh Trì, tổng Ninh Xá, làng Bình Sở. Tội nhân là người An Nam, đã theo đạo ngoại quốc từ lâu và tự xưng mình là linh mục, đi vào nhiều làng để khuyên dụ dân chúng. Nên đã bị bắt và xét xử công minh. Bản án vua ra là phải trảm quyết”.

Cha Tùy ngước mắt lên trời nói lớn tiếng:

“Lạy Cha là Chúa Trời đất con xưng tụng Cha đã dựng nên con có hồn có xác. Giờ phút này con xin dâng lên Cha cả hồn lẫn xác của con để nói cho mọi người hiện diện nơi đây là con tin thật Chúa là Cha của con, của mọi người. Xin Cha chúc lành cho những người này và xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.

Cha đang cầu nguyện thì quan định ra hiệu xử, nhưng ông Bernado Thứ vội chạy lại xin quan trì hoãn lại thêm vài phút nữa để cha cầu nguyện thêm ít phút. Sau khi cầu nguyện lớn tiếng thì ông Bernado Thứ tới lạy cha bốn lạy và nói:

“Giờ đây cha sắp được về nơi vĩnh phúc đã bao lâu cha mong đợi. Phần con còn ở chốn dương gian này, xin cha nhớ tới con”.

Cha cũng quay lại lạy bốn vái đáp lễ và khuyên:

“Cha cám ơn con. Con hãy bền lòng vững chí theo Chúa đến cùng. Con cũng sẽ được phần thưởng trên nước trời”.

Trước cảnh cha con từ biệt nhau thật lâm ly, khiến nhiều người xúc động khóc nức nở.

Cuối cùng cha quay sang nói với toán lý hình:

“Cám ơn các anh. Bây giờ tôi đã sẵn sàng rồi”

Quan giám sát ra hiệu lệnh, tiếng thanh la và tiếng trống vừa chấm dứt thì tên lý hình vung gươm sáng loáng thật cao, chém một nhát thì đầu vị chứng nhân của Chúa rơi xuống, máu vọt lên cao. Có những tiếng kêu la lớn tiếng từ đám quần chúng đứng xa xa kêu lên:

“Giêsu lạy Chúa tôi! Họ chém cha rồi! Đầu cha rụng xuống rồi!”

Một tiếng kêu khác cũng vọng lên:

“Trời ơi! Người hiền lành quá dễ thương như vậy mà đem giết đi. Thật tội với Trời”

Dân chúng vội vã ùa đến hôn kính thi hài vị anh hùng tử đạo. Họ cầu xin, họ thu lấy những di tích nhuốm đầy máu, họ lấy giấy và bông thấm máu đào, họ chia nhau tấm chiếu và quần áo người. Sau đó giáo dân đem xác người về chôn cất tại nhà nguyện Trang Nứa.

IV. Táng xác Cha Phêrô Lê Tùy

Trước ngày Cha Phêrô Lê Tùy bị giải ra Pháp Trường Quán Bàu chịu xử tử thì Cha Guillaume-Clément Masson – Linh mục Hội Thừa Sai Paris (sau này Ngài là Đức Giám Mục Giáo phận nam Đàng ngoài từ năm 1848 đến năm 1857) đã biết tin, Ngài nói rằng: “Thầy được tin ấy, chính nửa đêm ngày ấy, và dù thầy ước ao Cha Tùy được tha là dường nào, và dù đã tốn công, tốn của cho được việc ấy là thể nào mặc lòng, thì thấy vẫn lấy tin ấy làm vui mừng… Đội ơn Chúa Chúa đã thương đến Hội thánh nước Nam và ban ơn phúc Tử vì đạo cho Cha Tùy”.

Chính Cha Guillaume-Clément Masson đã sai người vào trong tỉnh đường Nghệ An mà lo liệu về xác của Cha Tùy sau khi bị chém đầu cùng mua gông Người đã mang mà giữ lấy.

Mọi việc đã được như vậy, Ông Thứ đã xin Quan tỉnh được mang xác Cha Tùy và cái gông cùng thẻ đem về Trang Nứa.

Xác Cha Tùy được để lại nhà Ông Thứ hai đêm hai ngày rồi mới đem chôn tại nơi trước đây là chủng viện Thánh Giuse Nghệ An đã bị dỡ bỏ tại Giáo xứ Trang Nứa.

Giáo xứ Trang Nứa – Xã Hưng Yên Bắc, Huyện Hưng Nguyên, Tỉnh Nghệ An

Giáo xứ Trang Nứa – Xã Hưng Yên Bắc, Huyện Hưng Nguyên, Tỉnh Nghệ An

V. Người người đến cầu xin cùng Cha Phêrô Lê Tùy

Ít lâu sau khi táng xác Cha Phêrô Tùy, Đức Cha phó Guillaume – Clement Masson (MEP) – Giám mục phó Nam Đàng Ngoài đã cho làm một cái nhà mà che trên mộ của Người, các giáo dân ở đây gọi là nhà Thánh, bấy lâu xác Người nằm tại đó thì người ta trọng mồ mả của Người lắm, thường xuyên có nhiều người đến viếng thăm cầu khấn cùng Người và xin cậy Người cầu bầu trước tòa Chúa.

Có nhiều điều lạ về Cha Phêrô Tùy đã được Đức Cha Phó Masson (MEP) ghi chép lại gửi về Hội thừa sai Paris và Tòa Thánh … sau này là tài liệu quý giá cho án phong thánh của Người.

Một nhân chứng trong hồ sơ phong Chân Phước đã thuật lại thời khắc Cha Phêrô Lê Tùy bị trảm quyết tại Pháp trường Chợ Quán Bàu rằng:

“Lúc ấy trời đang quang đãng, bỗng mây đen kéo đến, bầu trời u ám, mọi người lấy làm lạ nói với nhau: Ông này linh thiêng làm sao mà trời đất sầm lại”.

Khi bị giam trong ngục, Cha thường cầu xin để quê nhà được biết tin, Chúa đã nhận lời cha, nên ngày cha được phúc tử đạo thì sự lạ ở Bằng Sở quê hương của Người đã xảy ra thế này: Dân làng Bằng Sở đang sống bình thường thì một ngày kia tự dưng gió nổi như bão táp, sóng các ao vỗ tràn bờ, ngói nhà thờ rêu phong biến thành màu đỏ, đất làng rung chuyển … nhà nhà náo động, làm cho già trẻ trai gái trong làng đều kinh hãi. Trong khi đó, các làng lân cận vẫn bình yên vô sự. Mọi người trong làng hoang mang sợ hãi không biết điềm gì.

Cách ba hôm sau, một lái buôn trong tỉnh Nghệ An ngược dòng sông Kim Ngưu ra đến bến đò Kệ đỗ nghỉ, những người trên thuyền có kể chuyện rằng:

“Hồi này trong tỉnh Nghệ An cấm đạo dữ lắm, quan quân tầm nã các đạo trưởng, cách đây 3 ngày tại Nghệ An có xử trảm một cụ đạo trưởng tên là Lê Tuỳ người Bằng Sở ”.

Lúc ấy dân làng Bằng Sở mới biết đúng ngày Cha Tùy bị xử trảm tại Nghệ An cũng là ngày xảy ra sự lạ ở làng Bằng Sở. Và mọi người đều tin rằng ơn Chúa đã thương Cha mà ra dấu ấy cho quê hương Người biết.

Được tin ấy, dân làng đã cử một số cụ tìm đến viếng mộ Cha tại Trang Nứa, các cụ đã gặp được ông Thứ và đã kể cho ông nghe sự lạ ở quê mình đúng ngày Cha chịu chết.

Ông Bernado Thứ là người đã giúp Cha Tùy trăm đàng, kể từ khi Cha bị bắt giam, khi bị các quan tra hỏi Cha Tùy nơi công đường, rồi tới khi Cha Tùy bị trảm quyết tại Pháp trường cho đến khi Người chết đoạn. Và sau này, như Cha Tùy đã hứa với ông Thứ trước khi Cha bị trảm quyết, Người cầu xin Chúa ban cho ông Thứ được mọi ơn lành.

Thầy Bernardo Thứ làm chứng về đời sống và cuộc tử đạo của Cha Tùy như sau:

“Nhiều lần tôi nghe kể lại những phép lạ do lời cầu bầu của cha thánh nhưng chưa ai viết ra. Tuy nhiên, riêng tôi, tôi tin chắc chắn rằng nhiều lần khi tôi chữa trị cho các bệnh nhân nan y tôi thường cầu khẩn với Cha Tùy, chính người đã chữa họ lành. Tôi cũng biết chắc một sự kiện khác là đang khi lương dân không làm sao ngăn chặn được sâu phá hoại mùa màng, tôi liền chạy đến cầu nguyện với Cha Tùy và rảy nước thánh trên cánh đồng. Lời cầu nguyện của tôi được chấp nhận. Mọi người sửng sốt thấy ruộng của họ thì bị sâu phá hoại còn ruộng của tôi thì trổ bông. Họ liền ca ngợi đấng tử đạo”

VI. Án phong Thánh của Tòa Thánh

Khi Cha Yves-Marie Croc Hòa – Linh mục Hội Thừa Sai Paris (Sau này Ngài là Giám mục Nam Đàng Ngoài từ năm 1866 đến năm 1885) thay mặt Tòa Thánh tra xét về việc Cha Lê Tùy chịu tử vì đạo, đến Trang Nứa nơi để mộ Người ở nền nhà Nguyện trong trường chủng viện cũ… thì ông Thứ kể lại nhiều điều hay về Cha Phêrô Tùy đã làm phép lạ mà dân trong các làng quanh vùng đến xin ơn nơi mộ của Người, chuyện các cụ già quê Bằng Sở vào viếng mộ Cha Tùy kể lại về sự việc lạ ở quê hương Bằng Sở của Cha Tùy ngày Cha chịu chết.

Ngày 19 tháng 6 năm 1840, Đức Thánh Cha GhêGôriô XVI tôn vinh Cha Phêrô Lê Tuỳ là Đấng đáng kính.

Năm 1840, căn cứ vào sắc chỉ của Đức Thánh Cha GhêGôriô XVI tôn vinh Cha Lê Tuỳ là Đấng đáng kính, Đức Cha Phó Masson được phép của Tòa Thánh đã tiến hành cải táng mộ Cha Phêrô Lê Tùy.

Khi cải táng người thì có sự lạ, mở mộ ra người ta thấy bộ xương của Cha Tùy nằm trong nước trong vắt, và ngửi thấy mùi thơm ngọt ngào tỏa ra. Nhiều bệnh nhân đã lấy nước này uống và đã được chữa lành. Một số khác giữ lại để khi ốm sẽ dùng đến. Chính Đức Cha phó Masson đã làm chứng về điều đó, cha thư ký của Đức Cha Phó Masson cũng đã quả quyết:

“Nhiều bệnh đã tuyệt phương cứu chữa đến đây xin ơn Cha Tùy đều được lành lặn”

Sau khi cải táng, toàn bộ hài cốt của Cha Tùy được đưa sang Hội thừa sai Paris, Pháp và được thờ kính tại Nhà nguyện Sainte Philomène trong tòa nhà Maison de Lorette, Thành phố Lyon, nước Pháp.

Hài cốt Cha Thánh Phêrô Lê Tùy Tại nhà nguyện Sainte Philomène, Maison de Lorette, Lyon, Pháp

Hài cốt Cha Thánh Phêrô Lê Tùy Tại nhà nguyện Sainte Philomène, Maison de Lorette, Lyon, Pháp

Ngày 27 tháng 5 năm 1900, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước.

Năm 1901 Đức Cha Pierre-Jean-Marie Gendreau Đông, M.E.P, Giám mục địa phận Tây Đàng Ngoài (1887-1935), đại diện cho Giáo hội Việt Nam đã rước một phần hài cốt Cha Thánh Tùy về thờ kính tại quê hương Bằng Sở.

Nhà Thờ Bằng Sở, Quê hương của Cha Thánh Lê Tùy được thờ kính hòm xương của Cha Thánh Tùy theo sắc chỉ:

“Tòa Giám Mục địa phận Tây Đàng Ngoài

Xương Thánh của đầy tớ trung thành của Chúa là Phêrô Lê Tùy

Được giữ công khai trong Nhà Thờ Bằng Sở, công khai thờ kính hài cốt đầy tớ trung thành của Chúa trong địa phận Tây Đàng Ngoài (Miền Bắc Việt Nam) để bảo vệ đức tin.

Ta là Phêrô-Gioan-Maria Gendreau Đông

Giám mục coi sóc địa phận Tây Đàng Ngoài đã làm và chứng thực: Đây là hài cốt đầy tớ trung thành của Chúa là Phêrô Lê Tùy, đã lấy làm thành 1 gói, có mấy đốt xương ngón tay. Những xương này được bọc trong vóc của Việt Nam, bọc 2 lần, đã có dấu đóng trong, ở ngoài bọc bằng nhiễu điều, ghi tên và đóng dấu chân phúc.

Những phần xương này dù không phải chính tay ta đã gói kể cả không có con dấu của ta đóng. Ta chứng nhận là đúng.

Sắc này được công bố tại Nhà Thờ địa phận.

Tòa Giám Mục

Ninh Phú (Kẻ Sở) ngày 14 tháng 2 năm 1901

Giám Mục Phêrô – Gioan-Maria Gendreau đã ký và đóng dấu”

Đền Kính Cha Thánh Phêrô Lê Tùy tại Bằng Sở

Đền Kính Cha Thánh Phêrô Lê Tùy tại Bằng Sở

Đền Kính Cha Thánh Phêrô Lê Tùy tại Bằng Sở

Bàn thờ thờ kính Cha Thánh Tùy và lưu giữ hòm xương Cha Thánh từ năm 1902

Ngày 19 tháng 6 năm 1988 Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Từ đó và nhất là hiện nay người người khắp nơi cả lương lẫn giáo đã đến Bằng Sở, nay là Trung tâm hành hương Thánh Phêrô Lê Tùy – Giáo xứ Bằng Sở để hành hương xin ơn Cha Thánh Lê Tuỳ cầu bầu trước tòa Chúa và rất nhiều người đã được ơn như ý xin.

Lời kết

Đất mẹ Bằng Sở, quê hương của cha Thánh Phêrô Lê Tuỳ, nay là trung tâm hành hương, là điểm đến của biết bao nhiêu người xa gần. Và nơi đây mãi vẫn là nơi để gặp gỡ, đầy ắp tình Chúa và tình người.

Con dân Bằng Sở qua các thế hệ đã không ngừng tìm hiểu và đi lại những dấu chân của Cha Thánh Phêrô Lê Tuỳ trên mọi nẻo đường, đặc biệt là các giáo xứ, giáo họ mà Cha đã được sai đến để loan báo tin mừng và làm chứng cho đức Ki-Tô, như Thọ Ninh, Lập Thạch, Quy Chính, Thượng Nậm, Trang Nứa… Đến để làm chứng cho đức KiTô, đến để rao giảng tin mừng, dám sống và dám chết cho đức KiTô, đấng cứu độ duy nhất hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

Là con người và là người Kitô hữu, những người con dân Bằng Sở hiểu rằng, cuộc sống là một hành trình đi về nhà Cha, và mỗi người là một lữ khách, đấng đã kêu gọi các con hãy nên Thánh vì ta là Đấng Thánh.

Hôm nay, con dân Bằng Sở đi lại những dấu chân của cha Thánh Phêrô Lê Tuỳ trên mọi nẻo đường. Không chỉ là một niềm tự hào cho các thế hệ cháu con của cha Thánh, nhưng đây là một thực hành trong đời sống đức tin, một thực hành để muốn nói với mọi người rằng chúng ta hãy cùng nhau tri ân và cảm tạ Thiên Chúa, đồng thời biết ơn các bậc tổ tiên cha ông của chúng ta, là những chứng nhân cho đức KiTô.

Lạy cha thánh Phêrô Lê Tuỳ, hôm nay trên mảnh đất mẹ này, có biết bao nhiêu người đã đến và đã nhận được những ơn mà qua Cha Thánh chuyển cầu từ nơi Chúa. Chúng con là những hậu duệ, chúng con là những người đến sau, nhưng chúng con vẫn luôn luôn ngưỡng mộ Cha Thánh, tổ tiên cha ông của chúng con cũng như tất cả các thế hệ.

Một lần nữa cho con được cùng với cộng đoàn dân Chúa nơi đất mẹ quê hương Bằng Sở của Cha Thánh, nguyện xin Cha Thánh luôn luôn chuyển cầu cho các con cháu mọi thế hệ ở nơi đây luôn luôn được trung thành với Chúa, biết canh tân và diễn tả đức tin trong thời buổi tự do, không còn cấm cách bách hại này nữa, để chúng con luôn xứng đáng với các bậc cha ông tổ tiên, đặc biệt là cha Thánh Phêrô Lê Tuỳ kính yêu của chúng con.

Nguồn: Giáo Xứ Bằng Sở

Video

Liên hệ

Điều chỉnh giờ lễ, thông tin giáo xứ hoặc liên hệ vui lòng điền vào thông tin bên dưới

    LỜI KÊU GỌI

    Giờ lễ và các thông tin có thể bị thay đổi hoặc sai hoặc thiếu do đó rất mong quý Tu Sĩ, Anh Chị gởi thông tin về email giothanhle.net@gmail.com để được bồ sung, sữa chửa kịp thời
    ĐẶC BIỆT: Rất mong Anh/Chị góp sức bổ sung giờ lễ các nhà thờ còn thiếu giúp cho giothanhle.net ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện tại mình rất cần các bạn trong các giáo phận, giáo hạt làm Admin trang web để bổ sung, quản lý các nhà thờ còn thiếu, bạn nào nhiệt tình mail mình biết nhé. Trân trọng!

    Nhà thờ cùng khu vực

    Compare listings

    So sánh
    lienkhuong
    • lienkhuong