Nhà Thờ Kim Long (Huế)

Kim Long, TP. Huế, Thừa Thiên Huế

Nhà Thờ Kim Long (Huế)

Kim Long, TP. Huế, Thừa Thiên Huế

Giờ lễ

  • Chúa nhật: 05:30, 18:30
  • Thứ bảy: 05:15
  • Ngày thường: 18:30

Thông tin giáo xứ

  • Giáo phận Huế
  • Giáo hạt TP. Huế
  • Năm thành lập
  • Bổn mạng Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
  • Điện thoại
  • Website gxkimlong.wordpress.com
  • Email gxkimlong2013@gmail.com

Thông tin giờ lễ nếu không chính xác hoặc có thay đổi rất mong Quý cộng đoàn đóng góp tại form bên dưới (đi tới form)

Thông tin giáo xứ

LỊCH SỬ GIÁO XỨ KIM LONG

 Trong bài văn bia mừng 100 năm hai thánh tử đạo người Kim Long (1861-1961), linh mục Nguyễn Văn Thích mở đầu với hai câu xác định vị trí địa dư giáo xứ:

Kim Long phía hữu Xuân kinh,

Bên cầu Bạch Hổ tre xanh một vùng.

Nguyễn Phúc tộc thế phả nói về Kim Long viết: Kim Long rộng rãi, cảnh trí xinh đẹp,kim-long (15) phủ chúa và các nhà quan lại lan ra các làng chung quanh. Kim Long đã mang lại nhiều lợi ích cho nền thương mãi trong thời gian dài. Các thuyền buôn từ Hội An, Trung Hoa ghé Thuận An đi dọc theo sông Hương lên Huế. Nhờ đó mà phẩm vật người Ấn và Hoa (tơ sống, thuốc Bắc, bút chì) đều được mang bán ở Huế. Khách phương xa đến Kim Long không khỏi ngạc nhiên khi thấy cảnh tượng huy hòng của phủ chúa và các nhà quan lại (Nguyễn Phúc thế tộc phả, NXB Thuận Hóa, Huế, 1995 tr. 125). Nay cảnh trên không còn, chỉ là vang bóng của một vùng đất từng là phủ chúa. Trong thế đất núi vòng sông lượn, đẹp mà yên tĩnh đó, giáo xứ Kim Long ra đời.

Trong quá khứ, trước khi có nhà thờ đẹp, duyên dáng và kiên cố như hiện tại, giáo xứ Kim Long và giáo dân đầu tiên họ này đã nuôi dưỡng đức tin Công Giáo nhờ vào nhà nguyện bà Minh Đức Vương Thái Phi, rồi phòng nhà ông Văn Nết, người quản gia trong thành của Bà Minh Đức sau khi bà qua đời, sau đó là nhà thờ dưới đời Đức cha Sohier (Bình) lúc ngài đặt tòa giám mục ở họ Kim Long. Được biết, nhà thờ sau kim-long (10)này nằm ở nơi khuôn viên, nay là nhà các nữ tu giúp xứ, ở về phía tay phải của nhà thời hiện tại. Đây là nhà thờ chính tòa, lợp ngói đầu tiên của giáo phận Huế. Nhà thờ được linh mục Phaolô Võ Văn Thời cho phá để xây dựng cái hiện có.

Năm 1919, linh mục Phaolô Thời quyên tiền giáo dân, vẽ kiểu và trông coi việc xây dựng. Cha vừa xây xong đến phần thân nhà thờ thì đổi đi họ khác. Năm 1927, linh mục Tôma Trương Đình Điểm đến nhận họ và xây tiếp. Có thể vì xây vội vã, nên tháp nhà thờ bị đổ về phía trước, may không có ai bị tai nạn. Kế đó cha Kỳ ở một vài tháng, không xây dựng gì nhiều. Rồi cha GB. Nguyễn Văn Hận đến coi xứ và tiếp tục xây và khánh thành nhà thờ năm 1940 sau 21 năm khởi công (1919-1940).

Trong quá trình xây dựng, giáo dân Kim Long không phân biệt giàu nghèo, thầy thông thầy ký đều tham gia chở gỗ, cát sạn để làm nhà thờ. Phần mộc do hai anh em ông phó Hiền và thợ Em phụ trách. Công thợ nề 4 hào 5, mộc 5 hào, thợ phụ 15 xu một ngày.kim-long (20) Kinh phí xây dựng: 25.000 đồng lúc bấy giờ (theo linh mục Phaolô Lê Văn Đẩu, cha sở họ Kim Long).

Linh mục Giuse Maria Nguyễn Văn Thích cho dời nhà cha sở bên kia đường, phía trước nhà thờ vào bên phải và sau bia kỷ niệm 2 thánh tử đạo người Kim Long: Gioan Đoàn Trinh Hoan và Anrê Trần Văn Trông, gần nhà thờ và thuận lợi hơn lúc ngài làm cha sở Kim Long (1946-1957).

Thánh đường Kim Long phảng phất nét cổ kính, trông gợi cảm và hiền hòa. Đặc biệt trước cổng vào nhà thờ nổi bật 4 trụ cao thẳng vút, đứng chơ vơ giữa một khoảng đất quê cỏ tranh mọc khá cao. Trên các trụ cột khắc các câu đối bằng chữ quốc ngữ, hàm súc ý nghĩa, trong đó hai câu nói về đạo là sâu sắc như một tuyên tín, mang tính nhân sinh mà sắt son:

Thuyền ngược nước xuôi đời khó xử

Trời nhào đất lộn đạo không lay.

I. Sự ra đời giáo xứ Kim Long và bà Minh Đức Vương Thái Phi (1586-1648)

Theo nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm, bà Minh Đức gia nhập đạo vào năm 1625, do Cha De Pina[2] rửa tội tại Trà Bát (Quảng Trị), với tên thánh là Maria Mađalêna. Sau bà theo hoàng tộc vào Phước Yên (1626), rồi Kim Long (1635) huyện Hương Trà. Sinh năm 1568, bà là phi cuối của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, và trải qua bốn đời chúa: chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần. Bà là thân mẫu của ông hoàng Nguyễn Phúc Khê. Nhà bà từng dùng là nhà giảng, bà can thiệp xin chúa cho đất dựng nhà thờ, giúp đỡ giáo sĩ và che chở cho giáo dân rất nhiều (Nguyễn Đắc Xuân, Chuyện các bà trong cung Nguyễn, T.2, NXB Thuận Hóa, Huế, 1994 tr. 75-87).

 Như vậy, vào năm 1635, tại vạn Kim Long sau này là giáo xứ Kim Long, có một nữ giáo dân hoàng tộc đến sinh sống. Trong thời sinh tiền, bà là chỗ dựa cho những người mới trở lại đạo. Cha Đắc Lộ cho biết: “Gương sáng và uy tín của bà là lợi khí rất mầu nhiệm làm cho nhiều người ngoại giáo trở lại và làm cho những bổn đạo mới chịu phép Thánh tẩy được vững lòng giữ đạo” (Alexandre de Rhodes, Divers Voyages et Missions du P.Alexandre de Rhodes en la Chine, et autres royaumes de l’Orient, avec son retour en Europe par la Perse et l’Arménie, Paris 1653, trích lại theo nhà nghiên cứu Phạm Đình Khiêm, Minh Đức Vương Thái Phi). Nhà nguyện của bà từng là nhà thờ của họ đạo Kim Long trong tương lai. Sau bao nhiêu khó khăn vẫn đứng vững. Nhà nguyện này tồn tại được 10 năm (1635-1645) thì bị ông Hoàng tử Khê, con ruột bà đốt phá. Lý do một số quan lại thấy các thừa sai ngoại quốc lui tới nhà bà trong đó có Cha Đắc Lộ[3] là người giỏi toán và thiên văn. Họ nghi ngờ bà nhờ Cha dùng phong thủy tìm huyệt đạo để con mình tiếm ngôi. Để đánh tan dư luận xấu đang hình thành, ông Hoàng Khê đã đi đến thái độ trên. Đứng trước vụ việc này, bà bỏ nhà đi lang thang, mất hồn mất trí trong tám ngày, van trời kêu đất. Nghe tin, cha Đắc Lộ đang ở Hội An, ra kinh đô nhưng không dám lên mà ở tạm tại phố Thanh Hà gần Bao Vinh. Bà và một số giáo dân xuống đấy thăm. (Stanislao Nguyễn Văn Ngọc & Giuse Nguyễn Văn Hội, Lịch sử Giáo phận Huế, bản đánh máy chữ, 1994 tr. 20).

 Năm 1648, bà Minh Đức qua đời. Có thể nói, cả giáo đoàn Thừa Thiên chịu thiệt thòi lớn. Giáo xứ Kim Long non trẻ mất một tông đồ giáo dân nhiệt thành.

Trong thời gian đầu đầy khó khăn, bà Minh Đức cộng tác đắc lực với các thừa sai, đặc biệt với cha Đắc Lộ để xây dựng họ Kim Long. Những quan lại phục vụ phủ chúa, các gia nhân và dân thường là những người đầu tiên trở lại đạo. Bà từng giữ di vật của hai vị tử đạo Inhaxiô và Vinh Sơn (15-07-1645) và một miếng vải thấm máu hai ngài (St. Nguyễn Văn Ngọc & Giuse Nguyễn Văn Hội, sđd, T.1, tr. 14).

Theo cha sở Phaolô Lê Văn Đẩu, thì nhà nguyện bà Minh Đức có thể nằm trong khuôn viên này là ngoại từ đường của Nguyễn Phước tộc (?).

II. Giáo xứ Kim Long và cha Đắc Lộ (15/03/1591 – 16/11/1680).

Ngày 12/10/1624, một số thừa sai Dòng Tên cập bến Cửa Hàn trong đó có cha Đắc Lộ, một vị linh mục có lắm duyên nợ với họ Kim Long sau này. Ban đầu cha học tiếng Việt với Linh mục De Pina, Alexandre de Rhodessau đó với cậu bé xứ Quảng. Có thể nói hai người dạy cho nhau một Pháp một Việt Nam. Cả hai đều thông minh và học ngôn ngữ của nhau một cách nhanh chóng và hiệu quả. Sau sáu tháng, cha Đắc Lộc ngồi tòa cho xưng tội và giảng thuyết được. Còn cậu bé thì mến vị Linh mục, theo đạo và lấy luôn tên ngài Raphael Rhodes. Lần đầu tiên cha Đắc Lộ trở lại Huế là vào tháng 02/1640, sau 10 năm  ở Macao dạy học. Nhờ quen biết ông thị trưởng người Nhật, cha và ông cùng ra Huế gặp chúa thượng Nguyễn Phúc Lan (1635-1648). Cha biếu chúa đồng hồ mặt khắc chữ Hán. Lần này cha được chúa cho ở lại kinh đô ba mươi lăm này (35 ngày). Cha tạm trú tại nhà bà Minh Đức, giảng dạy và rửa tội được 54 người trong đó có một nhà sư và một số hoàng tộc. Có thể họ là những giáo dân đầu tiên của họ Kim Long sau này.

Lần ba (01/1642) cha Đắc Lộ đi với một thương gia Bồ ra Huế, cũng yết kiến chúa và dâng lễ vật để lấy lòng. Chúa cho ở lại trong đền. Ngài giải thích toán cho chúa, đêm lẻn ra ngoài gặp giáo dân tại nhà tư, dạy giáo lý và ban các phép bí tích.

Tháng 06/1644, còn nghe nói cha từ Quảng Bình vào kinh đô Kim Long được chúa cho ra vào phủ cách dễ dàng. Nhưng không thấy đề cập số người trở lại đạo.

Nhưng rồi một sự cố xảy ra: cha Đắc Lộ bị tàu tuần thám của chúa bắt gặp, khi cha cùng một số thầy trên một chiếc đò đang xuôi sống ra Quảng Trị. Đây là thời buổi chiến tranh giữa Trịnh-Nguyễn. Cha bị nghi và bị dẫn vào Kim Long. Sau đó bị mang gông và áp giải vào Đà Nẵng (05/1645). Lần này Cha nhận lệnh không được trở lại, nếu không tuân, sẽ bị xử tử. Thế là Cha Đắc Lộ lặng lẽ rời xứ Nam một cách vĩnh viễn. Theo cha nói, cha chỉ rời bằng thân xác, còn tâm hồn vẫn ở lại. Có lẽ hồn ngài ở lại với họ Kim Long nhiều hơn cả nơi ngài đã sinh ra biết bao giáo dân về mặt tôn giáo.

Trong bài “Những người Âu đã thấy Huế Xưa: Linh mục A. de Rhodes”, L. Cadière cho biết chính cha De Rhodes đã viết từ Huế với âm “ê” khép kín đầu tiên và được tìm thấy trong cuốn “Hành trình và Truyền giáo”: “Thành phố mà vua ở gọi là Kehue (Kẻ Huế); triều đình rất đẹp, và các chúa thì nhiều; phục sức lộng lẫy nhưng các dinh thự không tráng lệ vì đều làm bằng gỗ, tuy vậy, cũng rất tiện nghi và khá đẹp nhờ các cột được chạm trổ tinh vi”. (L. Cadière, “Những người Âu đã thấy Huế (Les Européens qui ont vu le vieux-Huế: Le P.de Rhodes”, BAVH tập 1915, tr. 242).

Theo cha Cadière, thành phố hay kinh thành mà cha Đắc Lộ mô tả ở trên là Kim Long với chính dinh của chúa Thượng còn gọi chúa Sãi Nguyễn Phúc Lan (1635-1648 vì chúa cho dời phủ chúa từ Phước Yên vào Kim Long (Huế) năm 1636).

Được biết cha Đắc Lộ viếng dinh này nhiều lần và ở lại đây nhiều ngày vào năm 1640, tháng 2 năm 1642, lễ Lá năm 1644 và sau lễ Phục sinh 1645 nhưng bị giữ trong phủ cho đến lúc bị trục xuất, xuống tàu vĩnh biệt xứ Huế ngày 17/06/1645 (L. Cadière, bđd, tr. 223). Bến tàu nói ở đây là bến sông gần cung điện của chúa ở chợ Kim Long ngày nay. Và đây là cảnh vĩnh biệt giữ cha Đắc Lộ và giáo dân Kim Long: “Lính kéo tôi đi khắp các đường của thành phố này, lòng con chiên đau khổ vô hạn, họ theo tôi đến tận con tàu, và khi thấy tôi đã vào trong, có người còn theo tôi trên bờ cảng và có kẻ đã chèo đò theo tôi đến vài hải lý cách cảng”. (A. de Rhodes, Hành Trình và Truyền Giáo, L. Cadière dẫn nơi bđd, tr. 227).

Dưới sự áp tải của lính, qua các đường kiệt đều và hẹp của làng Kim Long, cha Đắc Lộ rảo nhanh qua họ Kim Long lần cuối. Các giáo dân thì nhà gọi nhà, tranh nhau chạy cho kịp tiễn đưa. “Họ tìm cách để giữ tôi, để nghe tôi nói lần cuối cùng và tôi đã kêu biệt ly, giọt nước mắt tôi hòa lẫn với giọt nước mắt họ”(Dẫn lại lời trích của L. Cadière, bđd, tr. 227).

Được biết lúc bấy giờ Kim Long như là một “thành phố lớn”, dân cư đông đúc với các làng ở sát đó là Phú Xuân, Vạn Xuân, Xuân Hòa, An Ninh. Chúa đến đâu, quan lại, binh lính đến đó, kể cả gia đình của họ và những người buôn bán. Cha Đắc Lộ nói là sáu ngàn ngự binh. Điều này cho phép hình dung cảnh nhốn nháo làng Kim Long lúc bấy giờ khi được tin cha Đắc Lộ bị trục xuất.

Đặc biệt qua bài viết trên của cha Cadière, và những lời dẫn trực tiếp từ “Hành Trình và Truyền Giáo” của cha Đắc Lộ, một họ đạo Kim Long được họa ra, dù đại cương, mà không khác mấy ngày nay. Vẫn các con đường đất nhỏ, chạy ngang dọc, nhỏ mà đẹp như bàn cờ. Nổi bật ở đây là tình cảm quyến luyến của giáo dân Kim Long với vị thừa sai Đắc Lộ. Cảnh kêu la, gào khóc, cảnh lội nước, chèo đò đi theo. Người Việt Nam có câu: “Có bề trong mới ra bề ngoài”. Bề trong ở đây là đức tin, nhìn nhận linh mục là một Đức Kitô khác, là lòng biết ơn đối với vị thừa sai đem ánh sáng Phúc Âm và sự cứu rổi đến cho họ. Linh mục Đắc Lộ thì quả xứng đáng nhận những tình cảm biết ơn này.

Sau khi cha Đắc Lộ rời Đàng Trong, hai cha Rocca và cha Saccano đến kinh đô trong ba ngày và rửa tội được 60 người. Đúng là người gieo kẻ gặt. Cha Đắc Lộ đã chuẩn bị tâm hồn họ như bác nông dân sửa soạn đất trồng trọt. Hai vị sau là những người đến thừa hưởng hoa quả thiêng liêng.

III. Nhà Nguyễn, ông Văn Nết (1606-1656) và giáo xứ Kim Long.

Ông Văn Nết (1606-1656) là quản gia của bà Minh Đức và theo Cha Đắc Lộ cho biết thì ông được ngài rửa tội trong lần đầu trở lại Việt Nam (1626). Lúc bà Minh Đức qua đời (1648) thì ông đã dùng nhà mình để hội họp giáo dân đọc kinh và học kinh bổn. Bị tố cáo với quan trên, ông bị soát nhà và bị bắt vì chứa đồ đạo. Ông bị điệu ra tòa, bị buộc bỏ đạo, nhưng ông vẫn một lòng trung thành giữ đạo. Sau cùng, ông bị chúa Hiền vương Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) lên án trảm (chém) (1656).

Ông Văn Nết là người Trà Bát (Quảng Trị), không phải là người Kim Long. Nhưng ông đã vào đây cùng với bà Minh Đức, chia sẻ đức tin với chủ mình và trải qua phần còn lại cuộc đời ở đất Kim Long. Trong đời sống đạo, ông đã xem Kim Long là quê hương mình và đã chết ở vùng đất cố đô. Ông xứng đáng được giáo dân Kim Long xem là người cùng ruột thịt, hơn nữa là người chia sẻ cùng một gia sản thiêng liêng, đạo đức.

Hiện tại ở họ Kim Long có một số giáo dân có họ Văn. Có thể những người này là hậu duệ của vị thánh tử đạo Văn Nết nói trên (?).

IV. Từ Đại Phong Đến Kim Long.

Năm 1642, cha Đắc Lộ ra kẻ Đay (Đại Phong) truyền giáo. Có ông Augustinô, ông Phaolô và con trai ông theo đạo. Việc trở lại đạo của các ông khiến làng thù ghét. Sau cùng các ông buộc lòng di cư vào Kim Long. Nhờ hay chữ, hai cha con ông Phaolô mở trường dạy học và dạy giáo lý. Hôm nọ, chúa Thượng có việc đi ngang qua lớp, nhận ra người quen và cân nhắc ông làm Xá Sai (Cơ quan tư pháp). Đúng là hữu duyên thiên lý ngộ trong đó có sự ngộ của tri kỷ gặp tri âm. Nhưng trên cả, là việc an bài của Thiên Chúa. Năm 1647 ra kinh đô, hai cha Rocca và Saccano có gặp quan Phaolô mà các ngài gọi là quan sư phó dạy các con chúa. Ông đang đứng đầu họ Kim Long. Có thể ông Phaolô Đại Phong và quan Phaolô sư phó làm câu họ là một (?).

Nói theo Tin Mừng, ngày nào có lo lắng của ngày đó, đừng quá lo về ngày mai vì có Thiên Chúa lo thay cho mình. Hình ảnh ba giáo dân Đại Phong rời nơi chôn nhau cắt rốn, vào nơi đất khách quê người, mà lòng tin tưởng, phó thác nơi Thiên Chúa là những hình ảnh sống động về Đức Tin này.

V. Giáo xứ Kim Long và các cha Phan Sinh.

Ngày 15/02/1646, có vụ đắm tàu ở Đà Nẵng trên đó có hai cha Phan Sinh (Tây Ban Nha) và bốn nữ tu dòng kín Clara. Các vị phải trú tại Cửa Hàn, chúa Thượng được tin và cho mời ra kinh đô Kim Long và ở lại 10 ngày. Trong thời gian này hai cha tranh thủ thăm giáo dân và ban các phép bí tính – Từ ngày cha Đắc Lộ rời xứ Nam (1645). Gần một năm trời, nay lại có linh mục – các cha và chị được chúa tiếp đãi nồng hậu, nay lại có yến tiệc và cho các ca viên nữ múa giúp vui. Để đáp lễ, các người Tây Ban Nha cũng múa kiếm, gọi là giao lưu trao đổi. Chúa xem, và đem lòng sợ và nói với ông Hoàng Khê, con bà Minh Đức, về việc quen biết người ngoại quốc và học được tài năng họ vì bà Minh Đức có đạo và các thừa sai nước ngoài thường ghé nhà bà. Vì lời nhận xét này, ông Hoàng Khê đã cho phóng hỏa nhà nguyện bà Minh Đức để chúa tin mình như nói trên. Họ Kim Long vui chưa trọn thì đã buồn. Và nỗi buồn còn sâu đậm hơn, thiếu cha, không có nhà thờ. Nhưng sống đạo là biết vượt qua. Giáo dân Kim Long được mời gọi để sống kinh nghiệm vượt qua này. Đừng quá chấp mà sẵn sàng từ bỏ. Phải thấy đời qua những cái vô thường.

VI. Giáo dân Kim Long làm thánh.

Những người nào đến viếng họ Kim Long sẽ thấy ở phía tay phải có bia kỷ niệm đệ I bách chu niên[4] (1861-1961) mừng hai thánh tử đạo người Kim Long: kim-long (4)thánh Gioan Đoạn Trinh Hoan (linh mục) và thánh Anrê Trần Văn Trông (giáo dân), do cha Trần Văn Dụ dựng. Ngoài ra còn có thêm thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu cũng chịu tử đạo.

Được biết thánh Gioan Đoạn Trinh Hoan (1798-1861) thu phong linh mục năm 1836, ngài có mặt lo mục vụ tại các địa điểm núi hẻo lánh, như Kẻ Sơn (Quảng Bình), Bái Trời (Quảng Trị), ngài bị bắt lúc đến dâng lễ tại Sáo Bùn (Đồng Hới) và bị xử trảm ngày 25/05/1861. Đức Thánh Cha Pio X phong Chân Phước ngày 02/05/1909 và Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong Hiển Thánh ngày 19/06/1988.

Thánh Anrê Trần Văn Trông (1814-1835) có cha mất sớm, phải bỏ dở việc học và qua Thợ Đúc làm thợ dệt năm mới 15 tuổi. Năm 20 tuổi, nhập ngũ. Tháng 11/1834, có lệnh binh sĩ Công giáo phải trình diện. Anrê Trông và 12 bạn đồng đội ra mắt quan. Họ bị buộc đạp Thánh giá, bị tra tấn bỏ đạo. Lần lượt các bạn đều bỏ đạo, chỉ còn Anrê Trông. Ngày 28/11/1835, thánh nhân được phúc tử đạo. kim-long (5)Ngày 27/05/1900, Đức Thánh Cha Lêô XIII suy tôn ngài lên bậc Chân Phước và ngày 19/06/1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn vinh hiển thánh tại Roma.

          Emmanuel Nguyễn Văn Triệu (1756 – 1798) có cha là người Thợ Đúc, mẹ là người Kim Long, nhưng mồ côi cha từ nhỏ, năm 15 tuổi gia nhập quân đội và theo chúa của mình ra Thăng Long. Sau 15 năm binh nghiệp, Emmanuel Triệu giã từ vũ khí và dấn thân phục vụ Nước Trời bằng cuộc đời tận hiến. Năm 1793 tuổi, Emmanuel Triệu trở thành một linh mục của giáo phận Đông Đàng Ngoài. Sau nhiều năm sống ở đất Bắc, vì thương nhớ mẹ già ở quê nhà, cha Triệu về thăm mẹ ở khu Thợ Đúc, Phú Xuân (Huế) thì gặp phải thời gian bắt bớ đạo Chúa của nhà Tây Sơn, cha đã bị bắt và bị chém đầu vì đạo Chúa tại Bãi Dâu ngày 17/09/1798. Đức Lêo XIII suy tôn Chân Phước cho cha Emmanuel Nguyễn Văn Triệu ngày 27/05/1900. Ngày 19/06/1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên hàng Hiển thánh.

 Nhìnkim-long (11) ngắm các thánh nhân tử đạo và đọc lời phúng của linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, khách viếng không khỏi suy nghĩ về việc sống đạo mà xin các ngài cầu bàu:

Gương tử đạo thành danh vạn cổ.

Hai anh hùng[5] liệt tổ hiển vang

Nguyện xin từ chốn thiên đàng

Đoái nhìn con cái giáo đoàn Kim Long.

VII. Thánh lễ tạ ơn và bác gánh nước thuê chủ lễ.

Hết bĩ cực đến thái lai. Vũ trụ thiên nhiên là vậy. Tôn giáo cũng thế.

Năm 1862 hòa ước Nhâm Tuất ra đời[6], nhưng đến tháng 03/1863, gần một năm sau, Đức Cha Sohier (Bình) mới từ Kẻ Sen (Quảng Bình) vào kinh đô, và ra mắt với giáo dân và triều đình Tự Đức lúc bấy giờ. Sau đó ngài tổ chức lễ tạ ơn long trọng tại nhà thờ Kim Long. Nhưng ngài chỉ dự lễ và ban cho cha Martino Nguyễn Văn Thanh vinh dự chủ lễ. Trong đoàn người dự lễ, có các quan lại và dân chúng. Có người phát hiện ra cha Thanh là bác gánh nước thuê chợ Đông Ba, cải trang để giúp đỡ giáo dân bị giữ tại trại giam Thượng Tứ đến Bạch Hổ thời Phân Sáp (1981-1962). Có thể giáo dân Kim Long bị giữ tại đây.

Trong hoàn cảnh bĩ cực của đạo, giáo dân thì bị tập trung trại giam, chủ chăn thì đi trốn, có hiện diện thì cũng cải trong giả dạng, tưởng chừng đạo sắp bị tiêu diệt. Nhưng Thiên Chúa vẫn gìn giữ. Trắng tay, họ chỉ còn Đức Tin. Khắp giáo phận, mỗi giáo xứ lại hiện ra như một góc địa đàng mà họ Kim Long là một. Thật là một lễ tạ ơn đặc biệt cảm động đối với riêng họ Kim Long và chung cho giáo phận.

VIII. Giáo xứ Kim Long và Tòa giám mục đầu tiên giáo phận Huế.

Viết về sự ra đời giáo phận Huế, linh mục Stanislaô Nguyễn Văn Ngọc và Giuse Nguyễn Văn Hội cho biết: “Theo sắc lệnh của Tòa Thánh ký ngày 27/08/1850, giải đất từ đèo Hải Vân đến sông Gianh, gồm 3 tỉnh: Thừa Thiên, tgmhueQuảng Trị và một phần lớn tỉnh Quảng Bình, được thành lập một giáo phận mới mang tên đầu hết là giáo phận Bắc Đàng Trong (hay giáo phận Đàng Trong bên Bắc) tức là giáo phận Huế ngày nay. Giáo phận được đặt dưới quyền Đức cha phó nay lên chính là Đức cha Pellerin, tục gọi là Phan”. (St. Nguyễn Văn Ngọc và Giuse Nguyễn Văn Hội, Lịch sử giáo phận Huế, bản đánh máy chữ, tập 2, 1994, tr 41-42).

Trong thực tế, lúc bấy giờ Đức cha Pellerin đang ở Di Loan và tòa giám mục chính thức cũng chưa có vì ngày 30/05/1851 vua Tự Đức ra sắc chỉ công khai cấm đạo. Đề cập lần cấm đạo lần thứ hai này, Trần Trọng Kim nhận xét: “Đến năm Tân Hợi (1851), là năm Tự Đức thứ 4, lại có dụ ra cấm đạo. Lần này cấm nghiệt hơn trước và có mấy giáo sĩ ngoại quốc phải giết. Sức đã không đủ giữ nước mà lại cứ làm điều tàn ác. Đã không cho người ngoại quốc buôn bán, lại đem làm tội những người đi giảng đạo, bởi thế cho nên Pháp và nước Iphanho[7] mới nhân cớ ấy mà đánh nước ta vậy. (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, in lần thứ 6, Tân Việt, Sài Gòn, 1958 tr 477).

Tình hình ngày càng khó khăn, việc đi lại của Đức cha thường xuyên bị theo dõi. Sau cùng, thấy quá bế tắc, ngài đã rời khỏi địa phận vào tháng 10 năm 1856 và qua đời tại Pinăng[8] ngày 13/09/1862. Đức cha chính Pellerin đã ra sống ở nước ngoài, mọi trách nhiệm chủ chăn đều do Đức cha phó Sohier (Bình) đảm nhận. Ngài cũng vất vả không kém, có thể nói còn cơ cực hơn nhiều. Suốt thời gian bắt đạo, ngài lẩn trốn ở hai họ Kẻ Sen, Kẻ Bàng, phần lớn ở trong rừng núi.

Đến tháng 03/1863, khi hòa ước Bonard ký kết[9], Đức cha phó Sohier nay lên chính, mới rời Kẻ Sen vào Kinh đô Huế và đặt Tòa giám mục tại giáo xứ Kim Long. Như vậy, sau 13 năm thành lặp (1850-1863), giáo phận Huế lần đầu tiên có Tòa giám mục ổn định và công khai. Và cũng tại Tòa giám mục này diễn ra cuộc cấm phòng lịch sử đầu tiên cho các linh mục. Nhà thờ Kim Long được chọn làm Chính Tòa.

Khoảng năm 1890, Đức cha Caspar (Lộc) di chuyển Tòa giám mục từ Kim Long qua Phú Xuân, cũng không cách xa tòa cũ bao nhiêu. Nhưng tòa mới tiện lợi về hành chánh và giao dịch. Hiện trong khuôn viêng Dòng Nữ Phú Xuân còn có nhà nguyện như di tích của Tòa giáo mục Huế từng một thời đóng ở đây. Nay nhà nguyện này là phòng truyền thống của Dòng.

Năm 1908, Đức cha Caspar từ chức giám mục. Tòa thánh chọn cha Allys lên thay thế (ngày 02 tháng 05 năm 1908). Đức tân giám mục đã nhờ cụ Nguyễn Hữu Bài mua đất gần cầu Phủ Cam và cho dời Tòa giám mục về ở đây, và nay vẫn còn, và lấy nhà thờ Phủ Cam làm Chánh Tòa.

Trong gần nửa thế kỷ (1863-1908), Tòa giám mục đầu tiên của giáo phận Huế đã tồn tại trên đất giáo xứ Kim Long, đã gắn chặt với đời sống họ đạo và giáo dân Kim Long.

IX. Hai lễ truyền chức

Được biết sau năm 1863, lúc trở về kinh đô Đức cha Sohier chọn giáo xứ Kim Long lập Tòa giám mục (1863-1908). Nay di tích còn lại là mảnh vườn với hai cột trụ chơ vơ và tên trường mang tên ngài Trường Sohier Kim Long do dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm lập năm 1939. Hai năm sau (1864), Đức cha tổ chức cấm phòng cho các linh mục giáo phận, cũng là dịp nắm lại số linh mục, củng cố đời sống thiêng liêng cho các vị. Lúc kết thúc, Đức cha truyền chức linh mục cho thầy Hồ Đình Tính, con thánh Hồ Đình Hy. Đến dự lễ có một số quan lại trong triều từng là bạn với thánh Micae Hy. Con vị thánh mà nhận chức thánh, thật đậm đà ý nghĩa. Đây là lễ truyền chức linh mục lần đầu tiên tại Kim Long. Nếu trong đời sống vật chất có sự di truyền thì có thể nói có một sự di truyền về tôn giáo hay không. Chắc những giáo dân Kim Long dự lễ hôm đó nghĩ rằng có.

Ngày 12/05/1878, họ Kim Long lại có một lễ truyền chức khác: Lễ phong chức giám mục cho cha Pontivane (1863-1879).

Một lễ truyền chức là một ơn ban, không những cho vị được tuyển chọn mà cho cả cộng đoàn vì cùng chia sẻ một dòng tư tế. Họ Kim Long lại được hưởng hồng ân truyền chức thánh này một lần nữa. Đặc biệt trước đó năm 1875, vua Tự Đức ban sắc dụ bãi bỏ lệnh bắt đạo và Đức cha Sohier đã đọc sắc dụ này tại nhà thờ Kim Long (11/10/1875).

X. Giáo xứ Kim Long và tình huynh đệ Kitô.

Trong thời gian Văn Thân, có một số họ đạo Quảng Trị bị tấn công và đốt phá, họ Kẻ Văn cũng lâm vào tình trạng trên. Sau lần tấn công Văn Thân (07/09/1885) linh mục Bùi Văn Tuyển dẫn một số giáo dân chạy vào Huế và ngụ lại họ Kim Long cạnh tòa giám mục hơn cả năm trời. Trong cơn đạo nạn, giáo dân Kim Long đã nhường nhà, nhường đất cho anh em gặp khó khăn. Đức cha Caspar (Lộc) cũng kêu gọi toàn giáo phận giúp đỡ. Ngoài ra do di tản chậm, lại bị đuổi, một số giáo dân Kẻ Văn khác đã bị hại.

Người ta thường nói: đất lành chim đậu. Cũng tại họ Kim Long, linh mục Lê Văn Huân đưa 400 giáo dân Bố Liêu và 10 nữ tu Mến Thánh Giá vào cửa biển Thuận An rồi lên định cư ở đây (Jabouille, Một trang huyết lệ, nxb Trung Hòa, Hà Nội, 1941 tr. 36-37).

Lời chúc phúc Tin Mừng như vang lên ở đây: Phúc người cho kẻ độ nhà. Giáo dân Kim Long đã có hai lần độ này, độ nhà và độ đất. Theo cố linh mục Phaolô Lê Văn Đẩu, người Kim Long xưa dinh hơn cả dinh, ăn nói nhẹ nhàng và có một phong cách, sống đạo đặc biệt. Giáo dân Kim Long hiện tại cũng đang chia sẻ nếp sống này. Không ồn ào mà sâu lắng. Về đời cũng như đạo.

XI. Giáo xứ Kim Long sống đạo.

Từ thành lập giáo xứ đến nay (1623-2013), không tính các vị thừa sai lui tới kinh đô Kim Long để truyền giáo, giáo xứ Kim Long được các linh mục sau chăm lo mục vụ:

  1. Antôn Nguyễn Hữu Thơ (1867-1873)
  2. Barthélemy (Mỹ) (1880-1889)
  3. Giuse Bùi Văn Tuyển (1889-1904)
  4. Dangelzer (Đăng) (1891-1904)
  5. Laffite (Phi) (1905-1919)
  6. Phaolô Võ Văn Thời (1904-1927)
  7. Trương Đình Điểm (1924-1931)
  8. Etchebarne (Chế) (1930-1931)
  9. Matthêô Đỗ Khắc Mỹ (1931-1937)
  10. GB. Nguyễn Văn Hân (1937-1944)
  11. Dancette (Bình) (1944-1946)
  12. Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1946-1957)
  13. Tôma Trần Văn Dụ (1957-1962)
  14. GB. Hồ Đắc Liên (1962-1964)
  15. Đức cha Urrutia (Thi) (1964-1966)
  16. Tôma Lê Văn Thiện (1966-1973)
  17. FX. Trần Văn Cầm (1973-1975)
  18. Augustin Hồ Văn Quý (1975-1977)
  19. Giacôbê Lê Văn Ngọc (1977-1983)
  20. Phaolô Lê Văn Đẩu (1983-1996)
  21. Louis Nguyễn Văn Bính (1996-2000)
  22. Batôlômêô Nguyễn Quang Anh (2000 – 2005)
  23. Giuse Hồ Thứ (2005 – 2008)
  24. Micae Nguyễn Hữu Đức (2008 – 2013)
  25. Phêrô Võ Xuân Tiến (17/02/2013 – …)

Với bề dày lịch sử của mình, giáo xứ đã xây dựng được một truyền thống đức tin vững chắc khó lòng lay chuyển được, và đến ngày các vị anh hùng đổ máu vì đạo Chúa thì truyền thống mà giáo xứ đã ôm lấy trong mình đó trở nên mạnh mẽ và sống động không gì có thể làm lu mờ. Tiếp nối truyền thống đức tin của tiền nhân, những người con của giáo xứ vẫn tiếp tục tận hiến cho đạo Chúa:

Stt

Tên thánh – Họ và Tên

Năm sinh

Linh mục

Qua đời

Ghi chú

1

Emmanuel Nguyễn Văn Triệu

1758

1972

1798

Thánh tử đạo

2

Gioan Đoàn Trinh Hoan

1798

1836

1861

Thánh tử đạo

3

                             Kiết

1843

4

Anrê Nguyễn Phước Nghi

1799

1843

1975

5

Gioan Đoàn Trinh Khoan

1829

1863

1885

6

P. Xavie Nguyễn Hữu Tân

1854

1889

1941

7

Gioan B. Ngô Văn Học

1860

1892

1932

8

Gioan Lê Văn Dưỡng

1862

1894

1917

9

Giuse Nguyễn Xuân Cảnh

1872

1902

1922

10

Gioan Nguyễn Văn Chất

1882

1908

1958

11

Gioan B. Lê Văn Tài

1877

1908

1930

12

Anrê Huỳnh Văn Ấm

1879

1909

1945

13

Gioan B. Huỳnh Viết Chương

1883

1912

1918

14

Batôlômêô Nguyễn Văn Khâm

1881

1912

1962

15

Phaolô Lê Quang Tuyến

1881

1912

1960

16

P. Xavie Bùi Quang Ninh

1886

1913

1975

17

Tađêô Nguyễn Văn Tin

1889

1920

1963

18

Louis Nguyễn Văn Hoài

1892

1922

1927

19

Phêrô Nguyễn Văn Hiến

1894

1924

1949

20

Phêrô Nguyễn Văn Lành

1893

1926

1936

21

Tađêô Hồ Bảo Huỳnh

1896

1928

1982

22

Tôma Trần Văn Sâm

1903

1932

1941

23

Phaolô Ngô Văn Triệu

1909

1939

1991

24

Tađêô Trần Văn Tri

1912

1943

1970

25

Bênêđictô Hoàng Lượng

1915

1945

1991

26

Phaolô Nguyễn Văn Cơ

1916

1945

1993

27

Giuse Ngô Văn Trọng

1916

1946

2009

28

Stêphanô Nguyễn Tín

1920

1949

2012

Linh mục tu sĩ DCCT

29

Phêrô Baotixita Đỗ Long Bộ

1921

1950

2009

Linh mục tu sĩ dòng Anh Em Hèn Mọn

30

Emmanuel Nguyễn Vinh Gioang

1933

1959

Hưu dưỡng tại nhà chung GP Huế

31

Augustino Hồ Văn Quý

1939

1963

Quản xứ Diên Sanh

32

Gioan Nguyễn Lợi

1938

1967

Phục vụ tại Canada

33

Gioan B. Lê Quang Quý

1946

1975

Quản xứ Trí Bưu

34

Hiêrônimô Nguyễn Văn Tâm

1945

1978

Linh mục đan sĩ dòng Biển Đức

35

Micae Hy Nguyễn Văn Châu

1928

1994

Linh mục tu sĩ dòng Thánh Tâm Huế

36

Inhaxiô Lê Quang Hòa

1971

2002

Quản xứ Nhất Đông

37

P. Xavie Lê Quang Hưng

1962

2003

Linh mục tu sĩ dòng Đa Minh Hoa Kỳ

38

Giuse Maria Hồ Sĩ Hiếu Trung

1980

2012

Phó xứ Phủ Cam

[1] Phần lịch sử giáo xứ Kim Long được chúng tôi lấy lại từ cuốn « Lược sử các giáo xứ » của Tổng Giáo Phận Huế và cập nhật thêm. Trong phần viết về giáo xứ Kim Long, tác giả còn dùng tên gọi giáo xứ Xuân Long, nhưng không cho thấy tên này xuất hiện khi nào và tại sao. Nay chúng tôi chỉ dùng lại một tên duy nhất là giáo xứ Kim Long.

[2] Francisco De Pina (1585 – ?) là một linh mục dòng Tên người Bồ Đào Nha, đến truyền giáo tại Đàng Trong vào năm 1617. Cha là người đầu tiên ghi âm tiếng Việt bằng mẫu tự Latin, tức chữ quốc ngữ bây giờ.

[3] Alexandre de Rhodes, phiên âm tiếng Việt là Đắc Lộ (1591 – 1660), một linh mục dòng Tên người Pháp, đến truyền giáo ở nước ta năm 1625(?).

[4] Bia này được cụ Tôn Thất Sa kiến trúc và được cha Tôma Trần Văn Dụ cho xây dựng năm 1961. Trên bia cha Dụ cũng đã cho khắc bài thơ của cha Giuse Maria Nguyễn Văn Thích kính phụng.

[5] “Hai anh hùng”: Lúc viết bài này, giáo xứ Kim Long chỉ xem thánh Gioan Hoan và Anrê Trông là những vị tử đạo của giáo xứ, không có thánh Emmanuel Triệu.

[6] Nhà Nguyễn dưới thới vua Tự Đức đã ký hòa ước Nhâm Tuất 05/06/1962 với Pháp và Tây Ban Nha (lúc đó đã chiếm được 4 tỉnh Nam Kỳ) để họ có thể rãnh tay đối phó với phong trào nhân dân khởi nghĩa ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Trong hòa ước có điều khoản cho phép tự do truyền đạo Gia Tô (đạo Kitô) và bãi bỏ lệnh cấm đạo trước đây. Hòa ước này còn có tên gọi là hòa ước Bonard, tên bị tướng đứng đầu quân đội Pháp lúc đó tại Nam Kỳ.

[7] Nước I-pha-nho chính là nước Tây Ban Nha.

[8] Một vùng thuộc nước Malaysia.

[9] Đây là lúc tướng Bonard đưa hòa ước ra Huế cho vua Tự Đức ký vào. Trước đó, hòa ước đã được mang sang Pháp cho vua Napoleon III ký.

Giờ Lễ Nhà Thờ Giáo Xứ Kim Long

Ngày thường: 18:45
Chúa nhật: 05:30 – 16:45
Theo gxkimlong.wordpress.com

Video

Liên hệ

Điều chỉnh giờ lễ, thông tin giáo xứ hoặc liên hệ vui lòng điền vào thông tin bên dưới

    LỜI KÊU GỌI

    Giờ lễ và các thông tin có thể bị thay đổi hoặc sai hoặc thiếu do đó rất mong quý Tu Sĩ, Anh Chị gởi thông tin về email giothanhle.net@gmail.com để được bồ sung, sữa chửa kịp thời
    ĐẶC BIỆT: Rất mong Anh/Chị góp sức bổ sung giờ lễ các nhà thờ còn thiếu giúp cho giothanhle.net ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện tại mình rất cần các bạn trong các giáo phận, giáo hạt làm Admin trang web để bổ sung, quản lý các nhà thờ còn thiếu, bạn nào nhiệt tình mail mình biết nhé. Trân trọng!

    Nhà thờ cùng khu vực

    Compare listings

    So sánh
    lienkhuong
    • lienkhuong