Nhà Thờ Nghĩa Hoà

25/18 Nghĩa Hòa, phường 6, Tân Bình, Hồ Chí Minh

Nhà Thờ Nghĩa Hoà

25/18 Nghĩa Hòa, phường 6, Tân Bình, Hồ Chí Minh

Giờ lễ

  • Ngày thường: 04:30, 17:00, 18:30(Thứ 5)
  • Chúa nhật: 04:30, 06:00, 07:30, 16:30

Thông tin giáo xứ

  • Giáo phận Sài Gòn
  • Giáo hạt Chí Hoà
  • Năm thành lập 1954
  • Bổn mạng Đức Mẹ Vô Nhiễm
  • Điện thoại 02838 651 679

Thông tin giáo xứ

Vào năm 1954, có một cuộc di cư trong nước. Trong cuộc di cư này, Cha xứ Nghĩa Chính, linh mục Đaminh Đinh Huy Năng, và ông chánh trương cùng vài ba mươi gia đình đến được nơi tiếp cư lớn nhất là trại lều ở trường đua ngựa Phú Thọ. Cha con tìm nơi định cư. Khi đến khu vực giáo xứ Chí Hòa thì gặp được hai gia đình, một thuộc xứ Ngọc Cục và một thuộc xứ Bồng Tiên đã đến đây mua nhà của người địa phương ở được ít ngày. Ở đây đất rộng, phần lớn là của Toà Giám Mục Sài Gòn cho người địa phương lĩnh canh, chỗ trũng thì cấy lúa, chỗ cao thì trồng lài, muốn sang lại đất phải thương lượng với người lĩnh canh. Thế là vấn đề đất ở đã có hướng giải quyết.

Nhưng nhà cầm quyền lúc ấy không muốn có những trại định cư tự phát, mà phải theo kế hoạch tổng thể. Nếu tự sang đất lập trại, thì coi như cá nhân tự lập, vấn đề cứu trợ sẽ gặp khó khăn. Vì thế phải ngoại giao và vận động… Cuối cùng Phủ Tổng Uỷ Di Cư và chính quyền Tỉnh Gia Định cũng chấp thuận.

Lúc đầu, sang được khoảng 500m2 đất đang trồng lúa, từ khu nhà xứ đến hết hai dãy nhà thuộc khu 2 bây giờ. Vào trung tuần tháng 10/1954, vài chục gia đình đã đào đất đắp nền làm nhà.

Ngày 29/10/1954, một số thanh niên đào đất giữa một ruộng lúa, đắp lên một cái nền khoảng mươi mét vuông, cắm bốn cây tràm làm cột, làm thành một cái chòi lợp tàu lá dừa, (nay là đường Nghĩa Hòa phía trước Hội Quán giáo xứ), mượn một cái bàn của bà Bẩy (người địa phương) làm bàn thờ. Cha xứ đã dâng Thánh lễ tại đây ngày 1/11/1954, lễ Các Thánh. Giáo dân đứng dự lễ dưới ruộng, bùn đến mắt cá chân. Cha xứ cùng mọi người đã nhất trí đặt tên cho giáo xứ mới thành lập là Nghĩa Hòa (tức là Nghĩa Chính ở Chí Hòa) và nhận Đức Mẹ Vô Nhiễm làm quan thầy.

Những ngày tiếp theo, một ban điều hành trại định cư được thành lập gồm:

Giám đốc tinh thần: Cha xứ
Trưởng trại: Cụ Bùi Chuyên
Phó trại: Ông Nguyễn Văn Y
Thư ký: Ông Nguyễn Văn Hịch

Hoạt động của ban này gồm: lo sang đất mở rộng trại, tiếp đón người xin nhập trại, nhận cứu trợ phát lại cho dân, lo có nơi thờ phượng…

Thời gian ngắn sau, sang lại được một khu đất đang trồng lài của một người Hoa lĩnh canh, khu đất này gồm khu 3 và khu 4 bây giờ. Số người đến xin nhập trại rất đông, bất kể gốc tại địa phận hay giáo xứ nào.

1955

Đến tháng 3/1955 đã có hàng trăm gia đình đến định cư. Thời điểm này Cha xứ cùng giáo dân dựng một nhà nguyện 5 gian, cột cây, mái lá, vách đóng ván thùng (nay là những nhà 11/18, 12/18D, 13/18D, 14/18, 15/18D, 16/18D đường Lộc Vinh). Cha xứ cử hành Thánh lễ tại đây và được phép đặt Mình Thánh Chúa.

1956

Đầu năm 1956, số người ở trại đã trên 3.000. Lúc này nhà nước đã hoàn tất một số điểm định cư như Cái Sắn, Hố Nai… kêu gọi những ai chưa có công ăn việc làm nên đến các điểm nói trên để được cấp đất làm nhà, làm ruộng. Gần 100 gia đình đã bán nhà ra đi, một căn nhà lúc ấy giá chỉ 600 đồng, tương đương với 2 chỉ vàng. Những người ở lại phần đông đã có nghề nghiệp ổn định: công chức, công nhân, buôn bán… Nhà của những người ra đi, người khác đến trám chỗ, trại vẫn phát triển.

1957

Cha xứ mua khu đất của bà Bẩy, dựng một trường tiểu học sơ cấp lấy tên là trường Bán công Thánh Giuse (nay gọi là trường Trần Văn Đang), có Ban Giám Hiệu và 16 thầy giáo. Đồng thời, Cha Chính Ân sang khoảnh đất ở Hội quán bây giờ cho các nữ tu mở xưởng dệt chiếu, mấy tháng sau sang lại cho Cha xứ Nghĩa Hòa.

Giáo xứ cũng bắt đầu chương trình xây vững chắc Nhà thờ và Nhà xứ. Địa điểm nhà thờ cũng chính là nhà thờ bây giờ. Nhà thờ mới với cột bêtông, tường gạch, mái lợp fibro, có thể chứa được 600-700 người cho một buổi lễ. Giai đoạn đầu chưa xây tháp chuông, 2 năm sau mới thực hiện.

1958-1960

Để mở rộng giáo xứ, Cha xứ sang một khu đất đang trồng bông lay ơn. Chủ đất là một người Huế, rất tốt bụng, cho sang đất trả chậm. Khu đất đó trở thành khu 9, khu 10 và một phần khu Vinh Sơn.

Tiếp theo, cha xứ cùng với một số giáo dân gốc Phú Nhai xây một ngôi đền khấn Thánh Vinh Sơn. Cho đến thời điểm này số giáo dân trong xứ khoảng 5.000 người chia làm 11 khu họ:

Khu 1 là giáo họ Kitô Vua
Khu 2 là giáo họ Thánh Giuse
Khu 3 là giáo họ Thánh Phanxicô Xaviê
Khu 4 là giáo họ Thánh Têrêxa
Khu 5 là giáo họ Thánh Antôn
Khu 6 (bây giờ là giáo xứ Antôn)
Khu 7 là giáo họ Đức Mẹ Mông Triệu
Khu 8 (bây giờ là họ Giuse, Lộc Hưng)
Khu 9 là giáo họ Thánh Phêrô
Khu 10 là giáo họ Đức Mẹ Dâng Con
Khu đền là giáo họ Thánh Vinh Sơn

1961 – 1965

Năm 1959, chiến tranh tái diễn tại niềm Nam ở quy mô nhỏ. Cha xứ mở một xưởng dệt chiếu nhỏ ở cạnh đền, nay là nhà xứ Vinh Sơn. Đồng thời chính phủ Nhật Bản viện trợ cho ngành dệt 20 máy dệt KURAKAO. Cha xứ đầu tư một khoảnh đất làm xưởng dệt vải, lấy tên là Hợp tác xã Liên Minh ở góc đường Nghĩa Phát, Đại Nghĩa bây giờ. Sau đó, lập chợ Nghĩa Hòa. Giáo xứ ổn định cả hai mặt đạo, đời.

1965 – 1975

Thời kỳ này chiến cuộc sôi động. Quân đội ngoại quốc vào Việt Nam đem theo nhiều tệ nạn xã hội. Tại Nghĩa Hòa, một số thanh thiếu niên sa vào ma tuý. Một vài ngành nghề đình trệ như dệt vải, chiếu.

Khoảng thời gian này, đền khấn Vinh Sơn được xây lại lớn hơn. Cha Nguyễn Quang Lãm, chủ nhiệm báo Xây Dựng, mỗi chiều ngày thường cũng như Chúa nhật cử hành Thánh lễ tại đây.

Năm 1969, Cha phó Mai Chí Thành vận động những gia đình cư trú ở các đường Nghĩa Hòa, Dân Trí, Đại Nghĩa, Lê Phát Đạt, cùng tổ chức xây cống thoát nước, tránh cảnh lầy lội về mùa mưa, rồi tráng xi măng các con đường trên.

Cha xứ và Hội Đồng Giáo Xứ nhận thấy nhà thờ hiện tại không đủ chỗ cho giáo dân dự lễ, quyết định xây lại nhà thờ dài rộng thêm. Nhà thờ mới dài 57m, rộng 17m, tháp chuông cao 32m. Công trình khởi sự vào đầu năm 1971 và hoàn thành trong năm, có tổ chức ăn mừng. Tổng kết còn dư 300.000 đồng nộp cha xứ để trang trí thêm bàn thờ.

Năm 1970, một số cựu viên chức trong xứ vận động cơ quan phát triển quốc tế viện trợ xây một trường trung học lấy tên là Trung học Nghĩa Hòa. Mục đích của các vị đó là nhằm có một trường trung học công lập thuận lợi cho con em trong xứ có chỗ học hành gần gũi, miễn phí. Vì thế sau khi xây cất hoàn tất, giao cho Ty trung tiểu học Gia Định quản lý, để bổ nhiệm Ban Giám hiệu và các giáo viên; các vị chỉ giữ vai trò Hội Phụ Huynh Học Sinh. Hai năm sau, Ban Giám hiệu trường sắp xếp bầu lại Ban Chấp Hành Hội Phụ Huynh Học Sinh cho người của mình, và đổi tên trường thành Nguyễn Gia Thiều.

Cũng thời gian này, Cha Mai Chí Thành cũng vận động viện trợ để xây lại trường Thánh Giuse thành Trung tâm Giáo dục Thánh Giuse (trường Trần Văn Đang bây giờ) dạy đến lớp 9. Cha Thành làm Hiệu trưởng. Nhưng cũng vì ngôi trường này, nội bộ sinh bất đồng. Năm 1972, Cha Thành xin đi du học Hoa Kỳ.

Lúc này, Cha Lương Hoàng Kim du học ở Pháp về. Vì là nghĩa tử của Cha già Năng nên Người về giúp Cha Năng, nhưng xin phụ trách hẳn khu Đền khấn. Một thời gian sau, Cha Kim xây phòng riêng ở cạnh đền khấn (nhà xứ Vinh Sơn bây giờ). Mọi sinh hoạt cũng như phụng vụ của đền khấn có chương trình riêng, thực tế đã coi như một giáo xứ độc lập.

Trong khi đó Cha Nguyễn Quang Lãm xây nhà nguyện Xây Dựng và cũng như Vinh Sơn, trên thực tế đã sinh hoạt như một giáo xứ về nhiều mặt.

Về ranh giới các giáo xứ này, với tính cách phức tạp của các giáo xứ di cư nên phương thức “Giáo xứ tòng nhân” được áp dụng, ai muốn về giáo xứ nào tuỳ ý. Nhiều gia đình ở ngay cạnh nhà thờ xứ này lại là người thuộc xứ khác.

1975 – 1991

Ngày 30/4/1975 mở ra một khúc ngoặt mới cho lịch sử đất nước. Trong nỗi băn khoăn, lễ chiều nhà thờ rất đông người, có những buổi sám hối và giải tội tập thể, chuẩn bị cho một tình thế rất đặc biệt.

Khi chính quyền mới tiếp quản, một số gia đình trong xứ di dời về miền quê. Có kẻ tìm cách vượt biên ra nước ngoài. Nghĩa Hòa có hơn 100 gia đình có người ra đi, vì thế ngày nay có đồng hương Nghĩa Hòa ở hải ngoại.

Năm 1979, chính quyền cho phép người ở nước ngoài được gởi thư, gửi qùa về gia đình. Các ngành nghề tiểu thủ công nghệ hoạt động trở lại.

1991 – 2003

Cuối năm 1991, Tòa Tổng Giám Mục bổ nhiệm Cha Đaminh Bùi Quang Tuyến về làm chánh xứ, kế nhiệm Cha Đaminh Đinh Huy Năng. Cha già Năng hưu tại giáo xứ.

Cha xứ mới bắt tay vào việc, củng cố việc điều hành giáo xứ, bầu các Ban mục vụ giáo xứ và khu họ, chấn chỉnh các đoàn thể, lập thêm hội Gia trưởng kinh Văn Côi, tổ chức các khu lần lượt rước tượng Đức Mẹ đến từng gia đình, tổ chức đọc kinh Văn Côi hàng tối trong tháng 10 có phép lành Mình Thánh, tổ chức trình diễn Thánh ca. Các ngày lễ lớn như Giáng sinh, Phục sinh được tổ chức rầm rộ theo tập quán truyền thống,

Năm 1992, cha xứ làm hàng rào sắt đầu và cuối nhà thờ, tách biệt nơi tôn nghiêm, sơn lại trong ngoài nhà thờ, đặt mới các tượng Thánh.

Năm 1993, cha và hàng xứ vận động đòi lại khu hội quán, do phòng Giáo dục Tân Bình mượn làm trường học. Dự định trương trình xây lại cung thánh, bằng cách đặt tại mỗi gia đình một hòm tiết kiệm gây quỹ.

Năm 1995, xây lại phần đầu nhà thờ để có đường kiệu chung quanh nhà thờ. Sửa lại cung thánh, sửa lại trong và ngoài nhà thờ, lợp lại mái nhà thờ.

Trong thời kỳ này, Tòa Tổng Giám Mục cho sắp xếp lại ranh giới giữa các giáo xứ. Trước đây, giáo xứ Nghĩa Hòa có 11 giáo khu, gồm khu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10 và khu Đền Vinh Sơn. Bây giờ, ranh giới đã có nhiều thay đổi:

Một phần khu 4, được giao về giáo xứ Nam Hòa vào trước năm 1975.Khu 5 và khu 8 được giao về xứ Lộc Hưng vào trước năm 1975. Khu Antôn trở thành khu 5.

Khu 6 chính thức trở thành giáo xứ An Tôn. Khu 9 và khu 10 sau này nhập lại thành giáo khu 6.

Khu Đền thánh Vinh Sơn chính thức trở thành giáo xứ Vinh Sơn.

Một phần khu 1 và một phần khu 7 đã tách ra trước đây để thuộc về giáo xứ Xây Dựng.

Giáo xứ Nghĩa Hòa còn lại 7 giáo khu với khoảng 4.500 giáo dân.

Năm 1998, bắt đầu gây quỹ xây Hội quán bằng cách đặt hòm công đức ở sân nhà thờ trong các ngày Chúa Nhật. Nhưng vì nhiều lý do, công trình dở dang, kéo dài khá lâu.

2003-2004

Cuối năm 2003, Tòa Tổng Giám Mục bổ nhiệm cha Giuse Vũ Hữu Hiền kế nhiệm cha Đaminh Bùi Quang Tuyến về hưu. Cha xứ mới lãnh một gánh nặng phải giải quyết về tinh thần cũng như vật chất.

Cho tới thời điểm ghi những dòng này, tuy mới về Nghĩa Hòa được 9 tháng, Cha xứ cũng đã thực hiện một số công việc như sửa sang sắp xếp lại nhà xứ, hoàn tất công trình nhà Hội quán, phân lại các khu họ, bầu lại Hội đồng Mục vụ Giáo xứ và Giáo khu.

Tiếp theo, cha cho chỉnh sửa lại cung thánh, thay hệ thống âm thanh, lát gạch nền nhà thờ, nới rộng gác đàn, mở rộng tiền đình, sơn quét lại trong ngoài giáo đường, làm Nhà Chầu Thánh Thể thường trực, nâng cao sân nhà thờ, đóng ghế nhà thờ, chuẩn bị làm nhà hài cốt. Đặc biệt, cha còn xin Tòa Thánh cho phép tổ chức Năm Thánh Nghĩa Hòa mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo Xứ (1954-2004).

Đối với các đoàn thể, Cha luôn hun đúc tinh thần đạo giáo, động viên mọi người tham gia vào các hội đoàn, ca đoàn, mở lớp giáo lý Kinh thánh hàng tuần, chấn chỉnh đội ngũ giáo lý viên và giới trẻ. Cha còn đích thân xuất ngoại, gặp gỡ thăm viếng đồng hương, vận động thêm kinh phí.

2006 – 2011

Cuối năm 2006, Tòa Tổng Giám Mục bổ nhiệm cha Giuse Nguyễn Đức Quang kế nhiệm cha Giuse Vũ Hữu Hiền được cử đi Du học. Ngày 29/12/2006 Thánh lễ nhậm chức được tổ chức long trọng với sự hiện diện có mặt của Cha đại diện Giám mục Đặc trách các Linh mục, Cha Hạt trưởng Hạt Chí Hòa.

Cha xứ mới tiếp tục công việc coi sóc Giáo xứ và xây dựng bổ sung. Cha tổ chức lại các Hội đoàn, Tu sửa Hội quán, Thiết kế lại âm thanh, xây dựng gác đàn, làm Nhà Hài cốt và chuẩn bị cho việc xây dựng lại Nhà xứ đã xuống cấp nghiêm trọng.

Về Mục vụ, Cha tổ chức lại việc quản lý Giáo xứ, Hằng năm Cha đi thăm từng gia đình để hiểu rõ hoàn cảnh và nắm bắt nhân sự trong Giáo xứ.

nghia-hoa-church

Nguồn: tgpsaigon.net

Liên hệ

Điều chỉnh giờ lễ, thông tin giáo xứ hoặc liên hệ vui lòng điền vào thông tin bên dưới

    LỜI KÊU GỌI

    Giờ lễ và các thông tin có thể bị thay đổi hoặc sai hoặc thiếu do đó rất mong quý Tu Sĩ, Anh Chị gởi thông tin về email giothanhle.net@gmail.com để được bồ sung, sữa chửa kịp thời
    ĐẶC BIỆT: Rất mong Anh/Chị góp sức bổ sung giờ lễ các nhà thờ còn thiếu giúp cho giothanhle.net ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện tại mình rất cần các bạn trong các giáo phận, giáo hạt làm Admin trang web để bổ sung, quản lý các nhà thờ còn thiếu, bạn nào nhiệt tình mail mình biết nhé. Trân trọng!

    Nhà thờ cùng khu vực

    Compare listings

    So sánh
    lienkhuong
    • lienkhuong