Nhà Thờ Ngọc Hồ

Hương Hồ, Hương Trà, TP. Huế, Thừa Thiên Huế

Nhà Thờ Ngọc Hồ

Hương Hồ, Hương Trà, TP. Huế, Thừa Thiên Huế

Giờ lễ

  • Chúa nhật: 05:00, 08:30
  • Ngày thường: 04:45 (T 2,4,6) - 18:30 (T 3,5,7)

Thông tin giáo xứ

  • Giáo phận Huế
  • Giáo hạt TP. Huế
  • Năm thành lập
  • Bổn mạng
  • Điện thoại 0543 560 864

Thông tin giờ lễ nếu không chính xác hoặc có thay đổi rất mong Quý cộng đoàn đóng góp tại form bên dưới (đi tới form)

Thông tin giáo xứ

1. Vị trí địa lý:

Thôn Ngọc Hồ, hiện nay thuộc xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Giáo xứ Ngọc Hồ, thuộc Giáo Hạt Thành Phố Huế, cách trung tâm thành phố 12 km dọc theo bờ tả ngạn sông Hương, và cách Toà Giám mục Huế khoảng 4 km theo đường chim bay. Du lịch bằng thuyền rồng, đi theo đường thủy trên Sông Hương, từ cầu Phú Xuân lên đến nhà thờ Ngọc Hồ khoảng chừng hơn một giờ. Đối diện nhà thờ bờ bên kia sông là bến đất, du khách có thể đi bộ thăm Lăng Vua Tự Đức.

Từ Nhà thờ Ngọc Hồ đi lên phía thượng nguồn khoảng 1,5 km, có một danh lam thắng cảnh khác nổi tiếng là Điện Hòn Chén.

2. Nhà thờ Ngọc Hồ

Nhà thờ hiện tại được xây dựng dưới thờ cha Micae Nguyễn Văn Cẩm, người Tân Mỹ : từ 1917 đến 1921. Đây là một trong ba ngôi nhà thờ công giáo kiểu nhà rường Huế, vẫn còn tồn tại ở Huế với nhà thờ An Vân và nhà thờ Đốc Sơ, dù trải qua năm tháng chiến tranh, bom đạn trước đây. Bên trong ngôi nhà thờ là bộ giường trò bằng gỗ lim, với các cột lớn có đường kính gần 30 cm.

Năm 1989 Cha Giuse Nguyễn Văn Chánh (Quản xứ từ 1980 – 1999) đã cho sửa chửa những chổ hư hại và xóc lại mái ngói đã bị xuống cấp.

Tháng 10/ 2009 khi thấy nóc mái nhà thờ bị dột nặng, do mái ngói nhà thờ bị dột đã nhiều năm, một số đòn tay đôn đã mục, nếu tình trạng kéo dài, mái ngói có thể sập đổ, đòn tay chính trên cung thánh đã mục hơn một nữa! Và mỗi lần mưa là cả nhà thờ

nước lênh láng, các bàn quỳ ướt sủng. Cha Tân Quản xứ vận động bà con đồng hương và ân nhân xin lợp lại mái ngói mới. Ngày 2. 11. 2009 khởi đầu công việc tu sữa nhà thờ, 8.12 lợp lại mái ngói mới; bên ngoài là ngói Hạ Long, và phía bên trong vẫn giữ lại mái ngói liệt, và mở rộng cung thánh, bằng cách sử sụng không gian cung thánh cũ và phòng áo cũ để làm cung thánh mới rộng rãi hơn, cộng thêm việc mở rộng 2 cánh bên. nới rộng thêm hai cách hai bên mỗi cánh 4,5 m X 6 m, tổng diện tích hai cánh là 54 m2. Mở rộng gian cung thánh. Xây thêm một phòng thánh với diện tích là 12m X 2,5m = 30 m2.

Để phù hợp với những cột nhà rường, Cung Thánh được trang trí theo văn hóa Á Đông, các hoa văn chạm lọng, và các bức gỗ chạm nổi ( tứ thời: mai -lan -cúc -trúc), Bàn thờ và Nhà Tạm cũng được chạm trổ cho phù hợp với nhà rường. đặt mới các tượng: Chuộc tội, Đức Mẹ và Thánh Giuse mới cho phù hợp với không gian cung thánh mới, lót gạch men nhà thờ.

3. Bến Nhà Thờ – Núi Đức Mẹ

Trước mặt Nhà Thờ Ngọc Hồ là sông Hương có Bến Nước xây dựng 2008, đối diện hướng Đông Bắc, là dãy núi khá cao như bình phong làm tiền án cho nhà thờ, và dòng sông Hương tựa như minh đường của nhà thờ, chêch chếch về hướng Đông với các khu di tích lịch sử thành phố Huế như nhà máy nước Vạn Niên, đồi Vọng cảnh, nằm ở phía hữu ngạn sông Hương. Phía sau nhà thờ là núi cao gọi là Ngọc Sơn làm hậu chẫm ( cách nói theo thuật phong thuỷ), có đặt tượng Đức Mẹ từ thời Đức Cha Martinô Ngô Đình Thục 19. 6. 1963, giáo dân quen gọi là Núi Đức Mẹ. Tháng 5. 2011 đài Mẹ đã được sửa chữa và tôn tạo lại cho phù hợp. Hằng năm vào các dịp 3 Tết, hay Lễ Mẹ Hồn Xác lên trời, những giáo dân không thể đi hành hương La Vang, đi lên đài Mẹ trên núi này để cùng nhau lần chuổi mân côi.

4. NGHĨA TRANG CÁC ANH HÀI

Từ năm 1992, một khoảng của Đất Thánh được dành riêng để an táng các thai nhi bị phá bỏ tại Bệnh viện Trung Ương Huế, nhóm “ PHÒ SỰ SỐNG ” của các linh mục và giáo dân Giáo Phận Huế, đưa các thai nhi bị giết bỏ này lên an táng tại đây, và với sự giúp đỡ của nhiều ân nhân, và cách riêng bà bác sĩ Nguyễn Quý Thể, hiện nay ( 2009) nghĩa địa này được xây dựng và chăm sóc tử tế, có thể gọi là NGHĨA TRANG CÁC THIÊN THẦN. Nhóm “ PHÒ SỰ SỐNG” của Giáo phận Huế đi tiên phong tại Việt Nam trong việc chôn cất các thai nhi này, tính đến nay ( 5/2011 ) có khoảng 40.000, có ghi nhật ký công việc từ những ngày đầu đến nay.

5. NHỮNG ƠN GỌI LINH MỤC và TU SĨ

Một số gia đình công giáo Ngọc Hồ có gốc gác từ Thanh Hóa di cư vào lập cư ở đây.

Theo lời kể của cụ Phan Văn Kiêm , 84 tuổi, kể: “ Chú ruột của cụ nói rằng: thời Văn Thân ( 1885) bắt đạo, một số tín hữu Dương Sơn đã bỏ trốn đến thôn Hương Hồ, sinh sống làm thuê, rửa chén bát, nhưng bị người ta chèn ép nhiều điều nên đã tìm đến Ngọc Hồ định cư, làm ăn sinh sống.

Vào khoảng đầu thế kỷ 19, một gia đình Công Giáo ở Ngọc Hồ sinh được một người con trai. Người nầy sau trở thành Linh Mục đầu tiên của giáo xứ Ngọc Hồ. Đó là cha Phanxicô Xavie Trương Văn Thường, cũng có tên khác là “Cậu Thán”. Cha Thường sinh khoảng năm 1806. Như vậy, chắc chắn vùng nầy đã có người Công Giáo ít ra vào thế kỷ trước ( thế kỷ 18 ).

Cuối năm 1830, Thánh Phanxicô Jaccard (Phan) làm cha sở họ Dương Sơn, thì Ngài tức Cha Thường sau nầy, sống tại đó với Thầy Trung. Thầy Trung còn gọi là Thánh Gioan Đoạn Trinh Hoan. Ngoài ra còn có thêm Thầy Thận, tức cha Tađêô Phan Văn Thận sau nầy. Mấy anh em làm việc với cha Jaccard, học hành để chuẩn bị lên chức linh mục. Cách 2 năm sau, Thánh Jaccard gởi Ngài ra giúp cha Delamotte (Cố Y) tại họ Nhu Lý, Quảng Trị.

Đến năm 1835, Ngài nhập học chủng viện Cái Nhum (Vĩnh Long) và thụ phong linh mục năm 1849 tại chủng viện Lái Thiêu (Sàigòn) do Đức Cha Đôminicô Lefèbvre (Đức Cha Ngãi). Thụ phong xong, cha Thường vào phục vụ tại Đồng Nai. Nhưng tại đây, Ngài đã bị nhà chức trách Việt Nam bắt giam và đày ra đảo Côn Lôn vì tội Công Giáo. Theo như Ngài kể lại: hình khổ cay nghiệt nhất là nạn muỗi đốt. Ở Côn Lôn 2 năm, Ngài lại bị đày ra Quảng Ngãi. Hết thời hạn bị lưu đày, Ngài trở về làm việc Tông Đồ mục vụ rất đắc lực, khiến các Đấng Bề Trên tin tưởng. Đức Cha Stêphanô Cuénot (Thể), Thánh Tử Đạo, giao cho ngài một chức vụ rất lớn, là cai quản cả vùng Bắc địa phận Qui Nhơn, gồm Quảng Ngãi và Quảng Nam, y như một vị Đại diện (Provicarius). Trong khi đó Cha Herrengt chính thức là Đại diện mà chỉ trông coi một vùng Bình Định mà thôi.

Vừa khi Hòa Ước Bonard (Hòa ước Nhâm Tuất) ký xong ngày 5-6-1862, thì Đức Cha Sohier (Bình), giám mục Tông Tòa Giáo Phận Bắc Đàng Trong, vừa mới thiết lập, đã cho người mang thư vào xin Cha Thường ra Huế. Bởi vì Đức cha thấy ngài làm việc được, lại là người gốc Huế. Cha Thường được trở về quê quán giáo phận ngày 18-10-1862.

Năm 1864, cha Thường đang làm cha sở họ Dương Sơn, Đức cha Sohier có tổ chức công khai mấy ngày cấm phòng năm cho các linh mục trong địa phận, tại tòa giám mục ở Kim Long. Cuộc cấm phòng này rất quan trọng, mang tính lịch sử vì trước đó người Công giáo đã bị bách hại, nhất là vụ Phân Sáp.

Đức cha Sohier phải đi lánh nạn ở vùng núi Sen Bàng tại Quảng Bình. Nay vua Tự Đức chính thức tha đạo, sau hiệp ước Bonard, Đức cha mới công khai dám mở ra cuộc cấm phòng đó, tại gần Kinh đô và Triều đình nữa. Nhiều linh mục đã đi dự, trong đó có cha Thường.

Ngày 10-11-1883, cha Thường được lệnh đổi qua Thợ Đúc là giáo xứ cuối cùng trong đời ngài và ngài đã qua đời tại đây ngày 20-7-1892, hưởng thọ 86 tuổi, làm linh mục được 43 năm. Chính ngài đã bảo trợ cho cha Hồ Ngọc Cẩn, sau trở thành giám mục từ khi ở chủng viện lên tới chức linh mục. Về sau, ngài trối lại cho cha Allys (Lý).

Chúng ta thấy trên đây vài nét sơ lược của một vị linh mục, người xứ Ngọc Hồ. Nhưng chưa hết, sau nầy có nhiều gia đình cho con đi tu, lên đến chức linh mục.

Đặc biệt gia đình hai ông bà Nguyễn Văn Cẩn lại có ba người con làm linh mục là cha Nguyễn Văn Chính, cha Nguyễn Văn Chuyên và cha Nguyễn Văn Mầu. Dòng họ ba cha cũng có người làm linh mục và chịu tử đạo là cha Inhaxiô Trần Ngọc Vịnh.

Xin nói về trường hợp của Cha Vịnh mà ba cha gọi bằng cậu ruột. Cha Gioan B. Nguyễn Văn Huệ kêu là ông cậu. Cha Vịnh người gốc Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang.

Cha ngài là ông Tham Tri Trần Giao, kết bạn với một bà Công giáo, người làng Nhứt Đông (Thanh Hương), sinh hạ 3 người con : Trần Ngọc Vịnh, Trần Thị Uyển và Trần Thị Phước.

Nhà cụ Giao rất sùng Phật, cho nên ban đầu mẹ cha Vịnh phải theo chồng, lơ đạo. Hai ông bà trú tại một căn nhà ở Gia Hội. Ông Tham Tri sau đó qua đời. Nhưng bà Tham cho cô Phước và cậu Vịnh vô tu chùa Quốc Ấn.

Thời gian sau bà không cho con tu chùa nữa, đưa con về lại Gia Hội. Đứa con gái bà Trần Thị Uyển kết bạn với Đức Ông Kiến Thoại, tức Thoại Thái Vương Hường Y. Đức Ông là con thứ tư của vua Thiệu Trị.

Lúc ấy cha Giuse Nguyễn Văn Mỹ, người Da Môn đang làm cha sở Dương Sơn, đồng thời coi các người Công Giáo ở Kinh đô Huế. Nhờ những cuộc tiếp xúc, cha đã giúp mẹ của cha Vịnh trở lại. Thế là sau đó, bà gởi hai con : cha Vịnh và cô Phước ra Dương Sơn, nhờ cha Mỹ dạy dổ và cả hai được rửa tội do cha nầy.

Cậu Vịnh được 18 tuổi, còn cô Phước 10 tuổi. Được tin, ông Kiến Thoại hết sức ngăn trở. Ông truyền cho quan Phủ Doản tìm bắt các mẹ con. Nhưng gia đình cho đi trốn, theo làm học trò Đức cha Sohier, đó là cậu Vịnh. Đức cha thấy khả năng và tư cách cho cậu nhập chủng viện.

Gặp biến cố Phân Sáp, vua Tự Đức ban hành ngày 22-8-1861, hai mẹ con bà Tham (bà với cô Phước) đã bị bắt, nhưng nhờ sự can thiệp của Đức Ông Kiến Thoại, hai mẹ con khỏi bị chia lìa, rồi được thả ra liền. Lợi dụng cơ hội, bà đã gíup đỡ nhiều linh mục và tu sĩ, như trường hợp cha Nguyễn Văn Thanh, người gánh nước thuê tại chợ Đông Ba…

Sau đó đến hòa ước Nhâm Tuất và Tự Đức tha đạo. Gia dình bà trở về chỗ cư ngụ cũ ở Gia Hội. Nhưng thấy nơi nầy khó giữ đạo, cậu Vịnh mới đưa mẹ về Dương Sơn.

Nhưng đầu tháng 9-1885, quân Văn Thân tấn công nhiều làng mạc công giáo ở tỉnh Quảng Trị, Cha Vịnh đã bị Văn Thân giết cùng với một số linh mục khác và giáo dân, tu sĩ tại họ Dương Lộc ngày 8-9-1885.

Họ Ngọc Hồ hiện nay còn thêm những linh mục như : cha Trương Văn Vệ, cha M. Trần Văn Hiêu, cha Trương Công Giáo, cha Tống Thanh Trọng ( lm 1975) và cha Trương Văn Thường chịu chức ở Hoa Kỳ 2000. Cha Đôminicô Trương Văn Quy, em ruột cha Thường, chịu chức linh mục 4/ 11/ 2004) , cha Phêrô Hoàng Văn Trợ chịu chức tại Hoa Kỳ ( 5/ 2011)

Ơn gọi tu sĩ nam nữ hiện diện trong các dòng: Dòng Thiên An, Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Dòng Con Đức Mẹ Đi Viếng, và khá nhiều mần non ơn gọi đang được hướng dẫn.

6. GIÁO XỨ NGỌC HỒ QUA CÁC ĐỜI CHA SỞ.

Trước cuộc cấm phòng năm lịch sử (tháng 1-1864), vùng Ngọc Hồ cũng như bao vùng quê khác, các linh mục sinh hoạt mục vụ truyền giáo không có giới hạn. Nhưng sau đó, kể từ ngày Đức Cha Sohier thấy tình hình tôn giáo có vẻ khả quan hơn, Ngài thay đổi công việc hành chánh : Ngài khởi sự chia các xứ đạo lại, giao cho một cha coi sóc, gọi là cha sở, có bằng cấp trong đó ghi rõ lãnh địa làm việc mục vụ của các ngài, không giống như trước đây nữa. Thông lệ này kéo dài cho tới ngày nay.

Vì thế tháng 8-1867, Đức Cha đã ra một thông cáo, xin các cha cho biết các xứ đạo trong cả địa phận. Theo thông caó đó, giáo xứ Ngọc Hồ thuộc địa sở Phủ Cam, gồm 5 họ đạo là : Phủ Cam, Trường An, Đá Hàn, Buồng Tằm và Ngọc Hồ. cha sở chính thức đầu tiên của cả vùng nầy là cha Inhaxiô Nguyễn Ngọc Tuyên, người Phủ Việt, Quảng Bình.

– Sau cha Tuyên, các cha sở đã tuần tự lo cho giáo xứ Ngọc Hồ gồm có : cha Luca … Tín. Cha nầy coi hai xứ là Ngọc Hồ và Đá Hàn, chưa rõ năm nào, nhưng biết chắc Ngài từ An Vân về thế cha Tuyên, bớt một phần đất của cha nầy.

– Tiếp đến cha Inhaxiô Trần Ngọc Vịnh, có ở Ngọc Hồ, cũng chưa rõ năm nào, nhưng chắc chắn trước vụ Văn Thân ở Quảng Trị (1885). Như đã nói trên, Ngài có liên hệ với giáo xứ Ngọc Hồ, lúc mẹ ngài lên mua đất và thường trú tại đây.

– Rồi tới cha Anrê Trần Văn Doãn, làm cha sở Ngọc Hồ và Đá Hàn, khoảng 1881 hoặc 1886.

– Cha Giuse Hồ Đình Tính, cũng có tên khác là Giảng. Ngài con Thánh Micae Hồ Đình Hy, người Nhu Lâm. Cha Ngài bị bắt cũng vì Ngài khi nhập chủng viện Pinang (Mã Lai) gặp thời kỳ quân Pháp đến đánh hải cảng Đà Nẳng. Cha Tính ở Ngọc Hồ là nơi cuối cùng của đời Ngài. Ngài đã qua đời tại đây ngày 3-4-1891 và an táng tại nơi nầy.

– Cha Anrê Nguyễn Văn Định, người Thợ Đúc, làm cha sở Ngọc Hồ từ 1891 đến 1894. Ngài chết và an táng tại đây (1894).

– Cha Stêphanô Lê Văn Ấn, cũng người Thợ Đúc, ở Ngọc Hồ từ 9-1894 và tạ thế ngày 27-10-1897 tại Phủ Cam. Sau đó xác Ngài chôn tại Ngọc Hồ.

– Cha Giuse Bùi Văn Tuyển, từ 11-1891, Ngài là cha sở Sơn Quả. Sau đó Ngài về làm cha sở Ngọc Hồ từ năm, tháng nào chưa rõ, cho tới 1914. Rồi Ngài xin hưu trí tại tiểu chủng viện An Ninh, Cửa Tùng, Quảng Trị.

– Cha Phanxicô Trần Văn Đông, ở Ngọc Hồ từ 1914 đến 1917.

– Cha Giuse Nguyễn Ngọc Quyền, làm cha sở Ngọc Hồ từ năm 1917 và Ngài qua đời tại đây ngày 10-3-1917, được an táng trong nhà thờ Ngọc Hồ. Thờì gian ở đây chắc quá ít.

– Tiếp đến cha sở Ngọc Hồ là cha Micae Nguyễn Văn Cẩm, người Tân Mỹ : từ 1917 đến 1921. Hiện nay cha Cẩm đã để lại một di tích cho giáo xứ Ngọc Hồ là ngôi nhà thờ ( 1918-1919).

– Cha Louis Bertin (cố Khánh) làm cha sở Ngọc Hồ từ 1922 đến 1933. Ngài ở đây chừng khoảng 13 năm, sau đó Ngài lên Đá Hàn.

– Cha Mathêô Nguyễn Văn Thăng ở Ngọc Hồ từ 1933 đến 1938.

– Tiêp đến cha Tađêô Đổ Văn Cử (1938-1939).

Cha Phaolô Nguyễn Văn Chính, gốc người Ngọc Hồ, cũng có ở Ngọc Hồ từ 1937-1939.

– Tiếp đến cha sở mới là Phêrô Trần Văn Lượng, chỉ ở Ngọc Hồ từ 1940-1941.

Cha Georges Lefas cũng có lên ở Ngọc Hồ từ 1939 đến 1940.

– Cha Bertin (Khánh) đang ở Đá Hàn có về kiêm Ngọc Hồ cho tới cuối năm 1944, Ngài về Sư Lổ. Sau đó Nhật đảo chánh, Việt Minh lên, Ngài bị quản thúc, bị đưa ra Vinh.

Xứ Đá Hàn thuộc về cha Huỳnh Văn Thế, rồi tới cha Đôminicô Nguyễn Văn Trân. Còn Ngọc Hồ từ 1945 đến 1948, không rõ cha nào làm quản xứ ? Có một điều chắc chắn, vào thời điểm nầy, ở Huế, các vùng quê như Ngọc Hồ là nơi gặp nhiều khó khăn do chiến tranh gây nên. Có thể các gia đình công giáo đã bỏ quê hương đi nơi khác để làm ăn sinh sống?

– Nhưng từ 1948-1949, Ngọc Hồ lại có cha sở mới là cha Phêrô Ngô Văn Hiến. Ngài bị Tây bắn vì ngộ sát. Xác Ngài được an táng tại vườn nhà thờ Ngọc Hồ.

– Tiếp đến là cha Tôma Trần Văn Dụ : 1949-1952.

– Rồi tới cha già Lôrensô Trương Văn Vệ, gốc người Ngọc Hồ, làm cha sở từ 1952-1963.

– Năm 1963, năm chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Kể từ ngày đó trở đi cho tới năm 1975, tình hình ở vùng này không được bảo đảm. Người dân đi lánh nạn các nơi khác, vì lý do an ninh.

– Sau 3/1975 người dân hồi hương, Đức Cha Philiphê Nguyễn Kim Điền lại đặt cha Micae Nguyễn Văn Tường làm cha sở Ngọc Hồ : từ 1975-1980.

– Tiếp đến là cha Giuse Nguyễn Văn Chánh, quê Phủ Cam, thay thế cha già Tường, hưu trí. Cha Chánh làm quản xứ Ngọc Hồ từ 1980 đến 1999. Năm 1989 Ngài đã cho tu sửa lại nhà thờ, xây một dãi nhà gồm 4 phòng để học giáo lý.

Từ 1998, giáo xứ tiếp nhận điện lưới quốc gia, cuộc sống văn minh hơn.

– Cha Bartôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ quản xứ từ đầu năm 1999 – 2002, rồi về hưu trí tại Nhaø Chung. Sau đó trong khoảng 6 tháng chờ đợi, cha Gioakim Nguyễn Chí Hữu lên giúp mục vụ cho giáo xứ.

– Cha Phêrô Lê Văn Ngọc từ 2003 – 7/ 2008, dưới thời ngài, nhờ sự giúp đỡ của bà bác sĩ Nguyễn Quý Thể, các công trình đài Đức Mẹ Fatima, lầu chuông, nhà mục vụ, bến nước, đã được xây dựng. Sau lễ Ngọc Khánh linh mục 29 – 6 – 2008, cha già Ngọc xin về hưu tại Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang.

– Trong thời gian 9 tháng không có cha quản xứ, các cha: Barnabê Phục, Antôn Nguyễn Văn Thăng và cha Giuse Phan Miên lần lượt đến giúp mục vụ dâng lễ ngày Chúa nhật.

– Cha Gio-gi-ô Nguyễn Thành Phương, quê Phủ Cam, đang ở họ Mỹ Chánh, được bổ nhiệm làm Quản xứ Ngọc Hồ. Nghi lễ nhậm chức ngày 29.04.2009 do Đức Tổng Giám Mục Têphanô Nguyễn Như Thể chủ sự.

1. Cha sở chính thức đầu tiên của cả vùng nầy là cha Inhaxiô Nguyễn Ngọc Tuyên, người Phủ Việt, Quảng Bình.

Tháng 8-1867, Đức Cha đã ra một thông cáo, giáo xứ Ngọc Hồ thuộc địa sở Phủ Cam, gồm 5 họ đạo là : Phủ Cam, Trường An, Đá Hàn, Buồng Tằm và Ngọc Hồ.

2. Cha Luca … Tín.

coi hai xứ là Ngọc Hồ và Đá Hàn, chưa rõ năm nào? nhưng biết chắc Ngài từ An Vân về thế cha Tuyên.

3. Cha Inhaxiô Trần Ngọc Vịnh cũng chưa rõ năm nào, nhưng chắc chắn trước vụ Văn Thân ở Quảng Trị (1885)

4. Cha Anrê Trần Văn Doãn, làm Cha sở Ngọc Hồ và Đá Hàn, khoảng 1881 hoặc 1886.

5. Cha Giuse Hồ Đình Tính

– Ngài đã qua đời tại đây ngày 3-4-1891 và an táng tại nơi nầy.

6. Cha Anrê Nguyễn Văn Định 1891 đến 1894. Ngài chết và an táng tại đây (1894).

7. Cha Stêphanô Lê Văn Ấn, từ 9-1894 và tạ thế ngày 27-10-1897 tại Phủ Cam. Sau đó xác Ngài chôn tại Ngọc Hồ.

8. Cha Giuse Bùi Văn Tuyển từ 11/1891 – 1914

9. Cha Phanxicô Trần Văn Đông, từ 1914 đến 1917.

10. Cha Giuse Nguyễn Ngọc Quyền, từ năm 1917 và Ngài qua đời tại đây ngày 10-3-1917

11. Cha Micae Nguyễn Văn Cẩm từ 1917 đến 1921

12. Cha Louis Bertin (cố Khánh) từ 1922 đến 1933

13. Cha Mathêô Nguyễn Văn Thăng từ 1933 đến 1938.

14. Cha Tađêô Đổ Văn Cử (1938-1939).

15. Cha Phaolô Nguyễn Văn Chính, từ 1937-1939

16. Cha Phêrô Trần Văn Lượng, 1940-1941

17. Cha Georges Lefas 1939 đến 1940

18. Cha Phêrô Ngô Văn Hiến từ 1948-1949

19. Cha Tôma Trần Văn Dụ 1949-1952.

20. Cha Lôrensô Trương Văn Vệ 1952-1963

21. Cha Micae Nguyễn Văn Tường từ 3/1975-1980.

22. Cha Giuse Nguyễn Văn Chánh từ 1980 đến đầu 1999

23. Cha Bartôlômêô Nguyễn Phùng Tuệ 1/1999 – 11/ 2002

24. Cha Phêrô Lê Văn Ngọc từ 10.5. 2003 -1. 7. 2008

25. Cha Georges Nguyễn Thành Phương 29.04.2009

Nguồn : Linh mục Gio-gi-ô Nguyễn Thành Phương (9/92011)

Giờ Lễ Nhà Thờ Giáo Xứ Ngọc Hồ

Ngày thường: 04:45 (T 2,4,6) – 18:30 (T 3,5,7)
Chúa nhật: 05:00 – 08:30

 

Liên hệ

Điều chỉnh giờ lễ, thông tin giáo xứ hoặc liên hệ vui lòng điền vào thông tin bên dưới

    LỜI KÊU GỌI

    Giờ lễ và các thông tin có thể bị thay đổi hoặc sai hoặc thiếu do đó rất mong quý Tu Sĩ, Anh Chị gởi thông tin về email giothanhle.net@gmail.com để được bồ sung, sữa chửa kịp thời
    ĐẶC BIỆT: Rất mong Anh/Chị góp sức bổ sung giờ lễ các nhà thờ còn thiếu giúp cho giothanhle.net ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện tại mình rất cần các bạn trong các giáo phận, giáo hạt làm Admin trang web để bổ sung, quản lý các nhà thờ còn thiếu, bạn nào nhiệt tình mail mình biết nhé. Trân trọng!

    Nhà thờ cùng khu vực

    Compare listings

    So sánh
    lienkhuong
    • lienkhuong