Nhà Thờ Tân Thịnh

4/33A Thanh Niên, Ấp Nhị Tân 2, Hóc Môn, Hồ Chí Minh

Nhà Thờ Tân Thịnh

4/33A Thanh Niên, Ấp Nhị Tân 2, Hóc Môn, Hồ Chí Minh

Giờ lễ

  • Chúa nhật: 05:00, 07:00, 17:00
  • Ngày thường: 05:00 - 17:00 (T5 & T7) - 18:00

Thông tin giáo xứ

  • Giáo phận TPHCM
  • Giáo hạt Hóc Môn
  • Năm thành lập 1959
  • Bổn mạng Sinh Nhật Đức Mẹ
  • Điện thoại 028 3713 1561
  • Facebook /Giáo-Xứ-Tân-Thịnh-Cầu-Bông-103401015378454

Thông tin giờ lễ nếu không chính xác hoặc có thay đổi rất mong Quý cộng đoàn đóng góp tại form bên dưới (đi tới form)

Thông tin giáo xứ

Nhà thờ Tân Thịnh, giáo hạt Hóc Môn (hiện nay do cộng thể SDB Cầu Bông quản nhiệm).

Địa chỉ nhà thờ: 4/33A ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn, Tp.HCM – ĐT: (028) 3713 1561.

Nhà nguyện Thánh Giuse và nghĩa trang giáo xứ nằm trên đường Đặng Công Bỉnh, dọc sông An Hạ, cũng thuộc ấp Nhị Tân 2.

Thành lập: 1993 (Từ năm 1959-1993 là giáo họ thuộc giáo xứ Phát Môn – nay gọi là Gx Tân Hiệp).

Tiền thân giáo xứ Tân Thịnh là nhóm giáo dân khoảng 250 người, được linh mục Đaminh Lê Bá Tư dẫn đến khai hoang định cư năm 1959. Hầu hết các gia đình này là bà con với ngài, gốc Thôn Bắc, Phú Nhai, Bùi Chu, Bắc Việt; năm 1954 di cư vào ở Thới Lai, Bình Đại, Bến Tre. Một năm sau, vì kế sinh nhai, nhóm giáo dân này chỉ còn khoảng 100 người ở lại. Tuy vậy, những năm về sau đất đai được cải tạo, bà con lại tìm về sinh sống, dần dần ổn định và phát triển thành họ đạo. Năm 1991, số giáo dân toàn tòng họ đạo đã là khoảng 500. Sinh sống chủ yếu của bà con là làm lúa nước, hoàn toàn thủ công thô sơ mà ruộng nương thì thuần đồng chua nước phèn, khai phá từ hoang sơ, hết sức cơ cực vất vả nhưng ăm ắp tình làng nghĩa xóm.

Ngay từ ban đầu, việc mục vụ họ đạo được cha Đaminh Lê Bá Tư chăm sóc, khi đó ngài là cha xứ giáo xứ Bùi Môn. Ngày 23.12.1960, ngài đột ngột qua đời vì ngã từ trên cao khi cùng giáo dân tu chỉnh hang đá Giáng sinh, cha Phêrô Tạ Đức Kiểm làm cha xứ Bùi Môn kế ngài. Cha Phêrô Tạ Đức Kiểm liền trao việc mục vụ họ đạo cho cha Giuse Trần Trọng Báu khi đó là cha xứ giáo xứ Phát Môn, tức giáo xứ Tân Hiệp hiện nay. Như vậy, từ cuối năm 1960 cho tới biến cố 30.4.1975, việc chăm sóc mục vụ họ đạo trực thuộc cha xứ Phát Môn là cha Giuse Trần Trọng Báu (ngài coi xứ Phát Môn từ năm 1954 đến 1975).

Trong thời gian khai phá, với sự hỗ trợ vật liệu của gia đình ông Đaminh Lê Tiến, họ đạo đã dựng được ngôi nhà nguyện thô sơ làm trung tâm đời sống họ đạo. Ông Đaminh Lê Tiến nhà ở Chí Hoà, Sàigòn nhưng có nhiều gia đình là thân thích ở họ đạo. Sau này, gia đình ông ra nước ngoài sinh sống và ông đã qua đời bên đó năm 2009.

Năm 1973, đến sinh sống và giúp mục vụ họ đạo có các nữ tu dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh, nay gọi là Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức. Đó là dì Anna Nguyễn Thị Nhường, dì Trâm và một số dì khác luân phiên. Nhà các dì ở sát bên nhà nguyện họ đạo. Được các dì đến họ đạo là do cha Giuse Đinh Xuân Hiên giới thiệu, khi đó cha là hiệu trưởng Đệ Tử Viện Don Bosco Thủ Đức, nhà dòng mà cha thuộc về. Nhà dòng Mến Thánh Giá ở giáo xứ Bắc Ninh thân cận với nhà dòng Don Bosco Thủ Đức. Hơn nữa, cha lại có nhiều gia đình là thân thích của cha tại họ đạo. Dì Trâm qua đời tháng 8.2000. Dì Nhường hiện hưu dưỡng tại Dòng Mến Thánh Giá Bắc Ninh, Thủ Đức. Cha Giuse Hiên cũng đã qua đời năm 2004 tại giáo xứ Đức Huy, Gia Kiệm, Đồng Nai.

Không biết từ khi nào và ý nghĩa nào, họ đạo được gọi là Cầu Bông. Có truyền thuyết, mặt tiền của họ đạo có cây cầu bắc qua sông An Hạ, nằm trên quốc lộ từ Sàigòn đi Tây Ninh (tên hành chính hiện nay là cầu An Hạ).

Nơi cầu này có bến ghe buôn bán bông hoa cây kiểng từ các nơi đổ về, vì vậy dân gian gọi tên là Cầu Bông và họ đạo cũng mang cùng tên với cây cầu! Lại có ý bảo, những lúc ban đầu, toàn vùng này còn hoang vu, mốc chú ý nhất để nhận ra là cây cầu này, và thật lạ lùng, không biết vì sao mà bông dại cứ nở rộ khắp vùng quanh cầu, cái nét mà các vùng khác không có. Thế là, tức cảnh sinh tình, gọi là Cầu Bông là thế! Lại có người suy luận, cây cầu này là điểm trọng yếu nằm trên trục lộ chính, nối liền Sàigòn – Tây Ninh, đã có từ thời Pháp thuộc. Người Pháp chỉ gọi nó đơn giản là pont (cây cầu) theo tiếng của họ, và thế là dân ta nương theo đó gọi là Cầu Bông. Thế nào đi nữa, Cầu Bông chỉ là địa danh mang tính dân gian, còn tên hành chánh là Tân Thịnh. Sở dĩ có tên Tân Thịnh là do chính bà con họ đạo định lấy tên là Bình Thịnh, nhưng rồi bàn với nhau, xứ mình là xứ tân lập, khởi sự từ mọi điều kiện hầu như là số không nhưng hướng tới ngày càng thịnh vượng, thế là tên gọi Tân Thịnh ra đời.

Sau biến cố 30.4.1975, cha Giuse Trần Trọng Báu nghỉ hưu tại giáo xứ Văn Hải, Long Thành, Đồng Nai. Việc chăm sóc mục vụ họ đạo tiếp tục trực thuộc cha xứ Phát Môn (giáo xứ Tân Hiệp ngày nay). Đến năm 1988, xứ Phát Môn khuyết cha xứ gần 3 năm tròn; cha xứ Bùi Môn là cha FX. Đinh Quang Tịnh, cũng là cha quản hạt bấy giờ, kiêm nhiệm. Thời gian này có cha Tôma Nguyễn Văn Khiêm từ giáo xứ Chợ Cầu về tá túc họ đạo. Ngài là bà con gần của một số gia đình ở đây. Dù không trách nhiệm họ đạo, ngài ở trong phòng áo và làm mục vụ cho họ đạo. Nhưng vì là cha tuyên úy quân đội chế độ trước 30.4.1975, chỉ được một, hai tháng thì ngài phải đi cải tạo. Tháng 4.1979, có 3 tu sĩ dòng Salêdiêng Don Bosco đến giúp mục vụ họ đạo, đó là thầy Đaminh Đỗ Văn Bình, thầy Giuse Nguyễn Chấn Hưng và thầy Giuse Nguyễn Công Minh. Tháng 7.1979, có thêm các thầy khác về cộng thể Cầu Bông, các thầy chính thức hiện diện và giúp mục vụ. Có các thầy, sau này có các cha nữa, họ đạo khởi sắc phát triển, ngày càng ổn định.

Năm 1980, lưới điện quốc gia thắp sáng họ đạo. Năm 1985, cây cầu bắc qua con kinh dẫn vào họ đạo được kiến thiết kiên cố như hiện nay. Cũng năm 1985, các dì Mến Thánh Giá Bắc Ninh rút khỏi họ đạo.

Năm 1989-1990, nhà nguyện được trùng tu lần nhất với diện tích 364m2.

Năm 1990, cha quản hạt Hóc Môn nhờ cộng thể Salêdiêng Cầu Bông trực tiếp trọn việc mục vụ họ đạo. Phụ trách họ đạo là cha Fabiano Lê Văn Hào, linh mục duy nhất bấy giờ thuộc cộng thể Cầu Bông; ngài đã về đây từ tháng10.1982. Tuy vậy, vì lý do thời cuộc, thầy Giuse Nguyễn Chấn Hưng và thầy Đaminh Đỗ Văn Bình luân phiên phụ trách đối ngoại. Thời điểm này, Hội Đồng Mục Vụ được hình thành. Họ đạo tổ chức có lúc thành bốn khu gọi là khu 1, khu 2, khu 3, khu 4; có khi lại thành 3 khu gọi là khu Bosco, khu Giuse và khu Mẹ Phù Hộ.

Tháng 12.1991, họ đạo xây dựng thêm khu nhà giáo lý, hội trường.

Ngày 21.7.1993, qua văn thư, cha FX. Đinh Quang Tịnh, nguyên hạt trưởng Hóc Môn thông báo: Cha tân hạt trưởng Hóc Môn Antôn Phạm Gia Thuấn hoàn toàn đồng ý để họ đạo trở thành như một giáo xứ, kể cả việc liên hệ với Toà giám mục. Đức Tổng giám mục giao hẳn giáo xứ cho dòng Salêdiêng Don Bosco. Như vậy, có thể nói, ngày 21.7.1993 là ngày chính thức giáo xứ Tân Thịnh được thành lập. Từ lúc này trở đi, giáo xứ có cha xứ chính thức là linh mục thuộc cộng thể Cầu Bông, cụ thể đó là sự luân phiên làm cha xứ giữa cha Fabiano Lê Văn Hào và cha Đaminh Đỗ Văn Bình.

Năm 1993, tháp chuông nhà thờ bằng gỗ được khởi dựng. Khu Giuse xây dựng được nhà nguyện Thánh Giuse vào tháng 7.1994, diện tích 154m2 trong tổng khuôn viên 2000m2. Khu Mẹ Phù Hộ, tháng 11.1997 cũng làm được nhà nguyện Mẹ Phù Hộ bằng lá. Sau này, nhà nguyện được xây mới, trở thành nhà thờ Mẹ Phù Hộ, khánh thành ngày 02.12.2003 và khu Mẹ Phù Hộ tách ra, trở thành giáo xứ Cầu Lớn hiện nay.

Tháng 9.1997, làm mới tháp chuông như hiện nay. Năm 1998, đài Đức Mẹ ngoài trời được xây cất và các lối đi lại trong khu Bosco được cán ximăng. Nghĩa trang giáo xứ cũng được chỉnh trang, có lễ đài, có cổng, lối vào được bê-tông hoá, việc chôn cất quy củ dần.

Năm 2000, nhà thờ được đại tu lần hai.

Ngày 08.9.2008, lễ Sinh Nhật Đức Mẹ-bổn mạng giáo xứ, cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Cường về cộng thể Cầu Bông và bắt đầu quản nhiệm giáo xứ thay cha Đaminh Đỗ Văn Bình. Ngày 12.10.2008, cha Phanxicô Xaviê Trần Văn Cường tuyên xưng đức tin theo giáo luật, chính thức nhận làm cha xứ. Đặc biệt, lễ Sinh Nhật Đức Mẹ, Bổn Mạng giáo xứ, 08.9.2012, Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, Tổng giám mục giáo phận, đã về cử hành đại lễ ban bí tích Thêm Sức và xức dầu cung hiến bàn thờ mới của nhà thờ giáo xứ.

Tính đến năm 2013, giáo xứ gồm 2 giáo khu, khu Bosco và khu Giuse; có Hội Đồng Mục Vụ 13 vị. Các đoàn thể: Huynh đoàn giáo dân Đaminh, Giáo lý viên, Ca đoàn, Giới trẻ và Thiếu nhi. Tổng số giáo dân là 917. Tổng số gia đình là 254. Sinh sống chủ yếu của bà con chỉ vài gia đình còn làm ruộng, đa số thì bằng nhiều cách khác như làm sợi, dệt lưới bao, mở quán nước ngoài quốc lộ hoặc công nhân viên chức… Nói chung, dù chưa thịnh vượng, sinh sống bà con đã bớt cơ cực vất vả so với thời gian ban đầu.

Nguồn: giaoxugiaohovietnam.com

Liên hệ

Điều chỉnh giờ lễ, thông tin giáo xứ hoặc liên hệ vui lòng điền vào thông tin bên dưới

    LỜI KÊU GỌI

    Giờ lễ và các thông tin có thể bị thay đổi hoặc sai hoặc thiếu do đó rất mong quý Tu Sĩ, Anh Chị gởi thông tin về email giothanhle.net@gmail.com để được bồ sung, sữa chửa kịp thời
    ĐẶC BIỆT: Rất mong Anh/Chị góp sức bổ sung giờ lễ các nhà thờ còn thiếu giúp cho giothanhle.net ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện tại mình rất cần các bạn trong các giáo phận, giáo hạt làm Admin trang web để bổ sung, quản lý các nhà thờ còn thiếu, bạn nào nhiệt tình mail mình biết nhé. Trân trọng!

    Nhà thờ cùng khu vực

    Compare listings

    So sánh
    lienkhuong
    • lienkhuong