Nhà Thờ Thái Bình (Gò Vấp, TPHCM)

48/16 Thống Nhất, Phường 13, Gò Vấp, Hồ Chí Minh

Nhà Thờ Thái Bình (Gò Vấp, TPHCM)

48/16 Thống Nhất, Phường 13, Gò Vấp, Hồ Chí Minh

Giờ lễ

  • Chúa nhật: 05:00, 07:00, 15:00, 17:00
  • Ngày thường: 17:00 - 19:00 (Thứ 7 thay Chúa nhật)

Thông tin giáo xứ

  • Giáo phận TPHCM
  • Giáo hạt Xóm Mới
  • Năm thành lập 1955
  • Bổn mạng Đức Mẹ Mân Côi
  • Điện thoại 028 3996 4214
  • Website giaoxuthaibinh.com
  • Facebook /giaoxuthaibinh

Thông tin giờ lễ nếu không chính xác hoặc có thay đổi rất mong Quý cộng đoàn đóng góp tại form bên dưới (đi tới form)

Thông tin giáo xứ

Giờ lễ Nhà Thờ giáo xứ Thái Bình

Chúa nhật: 05:00, 07:00, 15:00, 17:00
Ngày thường: 17:00 – 19:00 (Thứ 7 thay Chúa nhật)


I. HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

1. HÌNH THÀNH:

Sau khi hiệp định Genève được ký kết, đất nước Việt nam chia đôi hai miền Nam Bắc và chọn vĩ tuyến 17 làm ranh giới. Lúc đó một số đồng bào miền Bắc bị chiến tranh tàn phá nặng nề, muốn đi tìm cơ may xây dựng lại đời sống. Vì vậy, miền Nam vốn có tiếng là đất đai màu mỡ trù phú, đất rộng người thưa, đã lôi cuốn nhiều người dân xứ Bắc đến trú ngụ để làm ăn sinh sống. Trong hoàn cảnh “đất lạ quê người” này, đồng bào thường tập trung vào một số khu vực để cùng sớm tối có nhau, chờ mong có ngày trở về quê cũ.

Đức cha PHÊRÔ MARIA Phạm Ngọc Chi

Bằng sự nhạy cảm của vị chủ chăn, ngày 23.8.1954 Đức Khâm Sứ Toà Thánh tại Hà Nội đã đề cử Đức Cha Phêrô Maria PHẠM NGỌC CHI Giám Mục Địa Phận Bùi Chu, vào miền Nam xem xét tình hình để có thể thành lập các xứ đạo cho giáo dân miền Bắc di cư. Với quyết định này, khát vọng của mọi người đã loé lên niềm hy vọng.

Ngày 27.8.1954 Đức Cha Phêrô Maria PHẠM NGỌC CHI được Đức Cha CASSAIGNE Giám Mục Địa Phận Sài Gòn uỷ nhiệm phụ trách các giáo dân miền Bắc di cư đang cư ngụ trên địa bàn Địa Phận Sài Gòn. Với sự ủy nhiện này, Đức Cha Phêrô Maria PHẠM NGỌC CHI đã cho triệu tập cuộc họp gồm các Đức Cha và các Linh mục đại diện các Địa Phận di cư, để cùng bàn bạc chương trình cứu trợ và định cư những đồng bào miềm Bắc di cư. Ngày 26.9.1954 Đức Cha Phêrô Maria PHẠM NGỌC CHI gởi thư chung cho phép các Linh mục di cư đang cư trú trong Địa Phận Sài Gòn được cử hành và ban các phép bí tích.

Vào thời điểm đó, huyện Gò Vấp thuộc tỉnh Gia Định ở ven đô, dân cư thưa thớt, đất bỏ trống, cây cối um tùm và đây đó rải rác những ngôi mộ. Cha chính Batôlômêô NGUYỄN QUANG ÂN thấy khu đất này có thể làm trại định cư được, nên Cha qui tụ một số gia đình Công giáo gốc Giáo xứ Thân Thượng, địa phận Thái Bình (Bắc Việt) đến đây lập nghiệp, dựng tạm những túp lều, những căn nhà tranh vách lá để che mưa che nắng. Sau khi ổn định chỗ ở, (lúc đó khoảng chừng 15 – 16 gia đình).

Vào khoảng tháng 8 năm 1954 Cha kêu gọi giáo dân dựng một ngôi Nhà Nguyện bằng tôn để tối sớm có nơi đọc kinh cầu nguyện thờ phượng Chúa.

2. PHÁT TRIỂN:

“Đất lành chim đậu”, các gia đình Công giáo di cư ở các nơi về xin Cha cho nhập trại tại đây mỗi ngày một đông những người này thuộc các họ giáo: Bình Hải, Công Bồi, Bắc Trạch, Trung Đông, Cao Mại, Thanh Châu, Đông Quan, Thạch Bích, Hà Xá, Thanh Minh, Trương Nam, Lương Đông, Lai Tê, Đồng Lệ, Từ Châu…

Đầu năm 1955, Cha Batôlômêô NGUYỄN QUANG ÂN bị bệnh, ngài về dưỡng bệnh tại nhà Dòng, ở Phan Rang, Cha Giuse PHAN QUANG TÚ được sai về coi sóc giáo dân họ đạo. Ngài cùng với các ông trùm họ phân chia đất thành lô để các gia đình dựng nhà theo từng dãy, phân chia ranh giới từng khu xóm với những con đường hẻm.

Ngày 07.10.1955, Đức Cha Phêrô Maria PHẠM NGỌC CHI chính thức bổ nhiệm Cha Giuse PHAN QUANG TÚ làm Cha sở và Giáo xứ chính thức được thành lập lấy tên là Giáo xứ Thái Bình, nhận Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng, kính vào ngày 07.10 dương lịch hằng năm.Nhưng vì số gia đình còn ít nên những dịp Thêm sức thường cử hành chung với giáo xứ Hà Nội.

Ngày 20.09.1956 Toà Thánh ban quyết định bình thường hoá các giáo xứ di cư miền Bắc trực thuộc quyền các Giám Mục địa phương.

Một năm sau, ngày 04.11.1957 Đức Cha Simon HOÀ Nguyễn Văn Hiền Giám mục Sàigòn ban thư chung công nhận các giáo xứ di cư. Giáo xứ Thái Bình chính thức trở thành một giáo xứ thuộc Giáo Phận Sài Gòn do Linh mục Giuse PHAN QUANG TÚ làm Chánh xứ. Giáo xứ Thái Bình thuộc Hạt Xóm Mới, nằm trong địa bàn xã An Nhơn, tỉnh Gia Định, nay là phường 13, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh

Theo lời kể của cha cố Đaminh Đinh an Khang: “tình hình Thái Bình năm 1961 theo xứ cũ ngoài Bắc và mỗi khu trở thành một họ to, nhỏ của giáo phận Thái Bình :

  • Họ Thân Thượng (của Cha Chính Ân) trên 300 người.
  • Họ Cao Mại  150 người
  • Họ Công Bồi + (Bắc Trạch) 180 người
  • Họ Đồng Quan + (Hữu Bằng Bắc Ninh) 60 người
  • Họ Trung Đồng 120 người
  • Họ Thanh Châu 80 người
  • Họ Lương Đống + Đồng Kỷ + Thuần Tuý 100 người
  • Họ Hà Xá + An Tập + Đồng Yên 100 người
  • Họ Tương Nam + Sa Châu (Bùi Chu) 130 người
  • Họ Thạch Bích (Hà Nội) 110 người
  • Họ Lai Tê (Bắc Ninh) 50 người
  • Họ Bình Hải (Hải Phòng) 280 người
  • Họ Đồng Xá (Hải Phòng) 40 người

Tổng cộng :   1.730 người

110 ngưòi Thạch Bích (thuộc Thái Bình) thường đi lễ Nhà thờ Hợp An để theo kinh sách Hà Nội, ngược lại họ Đồng Quan, Thân Thượng (thuộc xứ Hợp An) thường đi lễ Nhà thờ thái Bình, vì dễ theo giọng kinh sách và phong tục”.

II. CƠ SỞ GIÁO XỨ :

 1. NHÀ THỜ :

Đức Cha Phêrô Maria PHẠM NGỌC CHI làm phép khánh thành nhà thờ mới, 1955

Sau khi Cha xứ cùng các ông trùm họ đạo phân chia, quy hoạch các khu nhà và đường xá trong Giáo xứ để các gia đình dựng nhà cửa, có nơi ăn chốn ở ổn định.

 Khoảng tháng 5 năm 1955, số giáo dân càng ngày càng tăng, Nhà Nguyện thì quá nhỏ không đủ chỗ cho giáo dân dự lễ, Cha xứ quyết định làm lại ngôi Nhà Nguyện, nới rộng thêm, cao ráo và sạch sẽ hơn (lúc này Nhà nguyện nằm trên khu đất Công Bồi thuộc khu Giuse hiện nay). Theo lời kể của cha cố Khang: “quân đội Pháp đã tặng Cha Chính Ân một nếp nhà tiền chế sắt tôn rất tốt, rất dày. cột sắt cao 4m, rộng 8m, 5 gian dài 6m x 32m”.

Đến năm 1957, sau khi bàn bạc với ban quản trị Giáo xứ và giáo dân, mọi ngưòi đồng lòng nhất trí chuyển ngôi Thánh Đường sang khu đất mới rộng rãi, khang trang hơn (khu đất hiện nay). Ngôi Thánh Đường này mái lợp tôn, chung quanh ghép tôn, chiều dài khoảng độ 40 mét, chiều rộng 10 mét. Cột được đặt trên trụ bêtông vững chắc cao 0m 80. Nền bêtông rất kỹ.

Trùng tu lần 1:

Vào năm 1960 Cha Giuse PHAN QUANG TÚ được Đức Cha Địa phận bổ nhiệm ngài đi làm Cha sở Giáo xứ Lạc An. Cha cố Đaminh ĐINH AN KHANG về làm Cha Chánh xứ ngày 04/02/1960. Mùa Chay năm 1960 Cha Đaminh nâng cấp ngôi Thánh Đường với vật liệu kiên cố hơn, tường Nhà thờ xây bằng gạch, mái lợp tôn, các vì kèo và cột Nhà Thờ được làm bằng sắt đúc công nghiệp, Nhà Thờ được nới rộng hai bên và cao hơn. Theo lời cha Khang tâm sự: “tôi bàn với quý chức: giáo dân sẽ dành cho tôi số viện trợ (bánh mì) nếu có trong ít tháng nữa. Tôi sẽ vay trước Cha Thiện (Tân Lập) 30.000$ để nới hai gian đầu dài 12m rộng 14m, và thanh toán nợ ngay trong tháng. Giáo dân nô nức xin đóng góp với đầu người 30$ (x 1800 = 54.000$) để xây nới rộng tới cuối Nhà Thờ”. Có người riễu Nhà Thờ Thái Bình bè bè như rạp hát !.

Trùng tu lần 2:

Cho đến lúc này, cuối Nhà Thờ vẫn ghép bằng tôn. Tháng 11 năm 1962 cha Khang xin giáo dân góp: “mỗi xuất 30$ như lần trước (50.000$) còn thiếu hụt, tôi kiếm cách khác, và sân cuối Nhà thờ cao tới đầu thánh giá 13m, có ban-công để làm lễ đài, cao 4m x 6m x 3m 60. ông Đãm vẽ mẫu và đốc công. Tượng Đức Mẹ Văn Côi cao 4m do cụ trùm Đẩu đắp một tuần lễ tại chỗ. Khi vừa xây xong, chưa kịp trang trí, bão lớn đi qua Sàigòn vào trưa 15/11/1962, thánh giá xây còn ướt, cứ gật gù, mà Đức Mẹ đứng bình an vững chắc 36 năm, cho tới khi Cha Nghiệp, xây mới toàn bộ Nhà Thờ (như hiện giờ)”.

Trùng tu lần 3:

Tháng Hoa 1967, nâng cao lên 2m (cột và tường), làm lại tất cả các cửa sổ, cửa ra vào, lợp tôn mới, nới rộng gian Cung Thánh, lát gạch bông. Ong Phạm Thanh Phùng đốc công kỹ thuật sắt, ông Nguyễn Văn Nhĩ đốc công xây lát.

Trùng tu đợt III giáo dân không phải đóng góp, Cha xứ xoay sở mọi chi phí, kể cả đổ bê-tông sân cuối Nhà Thờ (phía bắc). Làm giậu sắt cuối Nhà Thờ, trồng cột đèn ở đường kiệu, ông Thạc đã giúp nhiều.
Biến cố 30.4.1975, đất nước lật sang một trang sử mới. Ngày 13.5.1975 Ban Quân Quản Gia Định và Gò Vấp đến gặp, chào thăm các Linh mục và đồng bào toàn xã An Nhơn cũ, tại Thái Bình. Dịp này, cha cố Đaminh có yêu cầu nhà nước giúp đỡ đồng bào đang thất nghiệp có đất vùng quê để canh tác. Chánh quyền Gò Vấp rất lưu tâm và Linh mục Đinh An Khang vẫn ấp ủ tư tưởng dẫn giáo dân đi vùng kinh tế mới!

Ngày 29.5.1976. Cha cố Đaminh Đinh An Khang cùng một số gia đình giáo dân trong xứ đi vùng kinh tế mới tại xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Đến ngày 21.07.1976 Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình bổ nhiệm Cha Giuse Vũ Minh Nghiệp từ Nhà Thờ Hàng Xanh về làm chánh xứ. Ngày 15.10.1976 cha về nhận Giáo xứ Thái Bình.

Trùng tu lần 4:

Theo lời cha Cố Giuse Vũ minh Nghiệp tâm sự : “Nhà thờ cũ mặc dù đã đựơc tân trang nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu phát triển của Giáo xứ. Vì thế Giáo xứ quyết định xây Nhà thờ mới hiện đại.

Các gia đình bắt đầu góp tiền tiết kiệm từ tháng Bảy năm 1991, sau hơn hai năm tiết kiệm, năm 1994 khởi công xây dựng với số tiền tiết kiệm thật khiên tốn là trên 200 triệu.

Giáo dân rất tích cực trong việc xây dựng Nhà Chúa, nhưng vì Giáo xứ nghèo, số giáo dân chỉ có hơn 2300 nên công trình buộc phải kéo dài đến ngày 1/1/1997 mới khánh thành.

Tạ ơn Thiên Chúa, Đức Mẹ Mân Côi Bổn Mạng, Thánh Cả Giuse Đấng bảo trợ. Giáo xứ đã hoàn thành ngôi Thánh đường khang trang với kinh phí 3.700.000.000$ kể cả trang trí nội thất và khuôn viên. Khánh thành và Cung hiến ngày 01.01.1997 do Đức Cha Phanxicô NGUYỄN VĂN SANG (Giám Mục Thái Bình) chủ sự”.

Ngôi Nhà Thờ mới nguy nga, kiến trúc hiện đại được chọn là một trong những Nhà Thờ tiêu biểu của Giáo Phận với tước hiệu Nhà Thờ Đức Mẹ Mân Côi xứ Thái Bình.

Cha Giuse Vũ Minh Nghiệp được bổ nhiệm làm cha sở Tân Chí Linh, ngày 09.1.2002 cha rời giáo xứ Thái Bình. Ngày 10.1.2002 Cha Giuse Phạm Đức Tuấn về nhận nhiệm sở, cha đã xây dựng nhà sinh họat giáo lý nhiều phòng và đã hoàn thành rất tốt đẹp.

2. NHÀ XỨ :
Xây dựng vào năm 1955 bằng vật liệu nhẹ : mái tôn, chung quanh xây tường.

 

Năm 1965 theo lời cha cố Đaminh: “Tôi hỏi ông Trưởng Ấp Định, bao giờ ông xây nhà? Ông đáp: chỉ khi nào Nhà Cha xây rồi, chúng con mới làm theo. Hiểu ý giáo dân, tôi cố gắng để xây ½ Nhà xứ, 14m dài x 8m ngang, chia thành 3 phòng ngủ: Thày già Từ, Cha khách, phòng tôi và phòng tiếp khách.

Đầu năm 1973, tôi xây tiếp 1 phòng cho các chú nhỏ và một phòng khách lớn (cơm khách) dài thêm 9m x 8m. Sau này là các phòng học giáo lý. (3 phòng)

Ngôi nhà này đứng được từ 1965 – 2003 (38 năm) thì Cha xứ Giuse Tuấn đã thay thế bằng một khu Nhà xứ và phòng giáo lý đồ sộ, cao tầng, như hiện nay”.

Cha cố Giuse Nghiệp tâm sự: “Xây xong Nhà thờ, lại phải nghĩ đến xây nhà Giáo lý và nhà xứ, nhà cho các Dì Đaminh, vì tất cả đã xuống cấp. Giáo xứ lại bắt đầu tiết kiệm. Tôi dự định khởi công vào năm 2002 để chuẩn bị mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo xứ. Nhưng Chúa Quan Phòng lại đưa tôi đến một nơi khác: Giáo xứ Tân Chí Linh. Ngày 09 tháng 01 năm 2002 tôi đã lưu luyến rời Giáo xứ Thái Bình, nơi mà tôi đã cùng với giáo dân chia vui sẻ buồn trong 25 năm, 2 tháng, 18 ngày”.

Do tình trạng xuống cấp trầm trọng (mưa thì dột và ngập nước, nắng thì nóng. Nên Cha xứ mới Giuse Phạm Đức Tuấn sau khi bàn bạc, biết rằng dân đã đóng tiết kiệm được gần một năm để xây nhà sinh hoạt giáo xứ, cha Giuse Tuấn quyết định xây dựng mới lại Nhà xứ, nhà sinh hoạt giáo lý. Cha phát động xây dựng Nhà Sinh Hoạt Giáo Lý. Cha cùng Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, các tầng lớp giáo dân không quản ngại hy sinh, lao nhọc, quyên góp tiền của và công sức xây dựng ngôi nhà Sinh Hoạt Giáo Lý để con em trong Giáo xứ có nơi học giáo lý, các Hội đoàn có nơi sinh hoạt, học hỏi và bồi dưỡng Đức Tin.


Ngày 01.01.2004 Đức Cha Giuse VŨ DUY THỐNG cử hành lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng mới Nhà Sinh hoạt Giáo lý, Nhà xứ bằng vật liệu bêtông cốt thép gồm 01 tháp chuông, 1 tầng trệt và 2 tầng lầu gồm có:

* Tầng trệt là Nhà xứ gồm: Phòng khách, phòng Cha xứ, phòng cha phó, phòng trực HĐGX, nhà bếp, Hội Trường phóng cha khách và Tu Xá Giuse.
* Lầu 1 và lầu 2: gồm phòng truyền thống giáo xứ, phòng cha khách và 16 phòng dạy giáo lý.

Ngày 24.10.2004 Lễ khánh thành do Đức Hồng Y Gioan Baotixita PHẠM MINH MẪN chủ sự. Cha Giuse Phạm Đức Tuấn đã điểm một nét son cho Giáo xứ nhân dịp mừng kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo xứ Thái Bình (1955 – 2005).

 3. THÁP CHUÔNG:

Tháp chuông đã được xây dựng kiên cố năm 1969. Cao 12m đế vuông mỗi cạnh 4m. Theo lời kể của cha cố Khang: “Sau khi về nhậm xứ, sáng Chúa Nhật 07/02/1960, tất cả các Họ lũ lượt vào thăm trình diện và chúc tuổi Cha xứ mới. Rồi tôi đi thăm từng gia đình, vẽ sơ đồ giáo xứ, ghi tên các gia đình và biết gốc gác thuộc giáo xứ, địa phận nào từ miền Bắc di cư vào đây.

Hai tuần sau, tôi tập trung mọi người thuộc Thái Bình. Họ Bình Hải sớm nhiệt tình giúp đỡ tôi. Cụ trùm Cần cho Nhà thờ mượn lại hết tất cả các đồ thờ (bộ tượng thương khó, phục sinh, các bình hoa …) đặc biệt quả chuông 45cm đúc bên Pháp (trước khi cha Nghiệp rời giáo xứ, Họ Bình Hải đã dâng luôn quả chuông này cho nhà thờ).

10 năm sau, Hội Dòng Ba góp tiền mua một quả chuông 60cm đúc ở Orléon bên Pháp, giá 130.000$ (9 lượng vàng) và hàng xứ góp 250.000$ để xây tháp treo 2 quả chuông (1969)”.

Năm 2004, khi tái thiết nhà sinh hoạt Giáo lý, được bà cụ Hoàng ủng hộ, cha Giuse Tuấn đã xây tháp chuông mới cao 23m, đế vuông mỗi cạnh 4,2m. Gia đình ông trùm Điệp, anh chị Vĩnh dâng chuông lớn nhất. Như vậy nhà thờ có ba chuông với hợp âm Do (Do, Mi, Sol)

4. TRƯỜNG HỌC:

Theo lời kể của cha cố Khang: “Từ năm 1955 – 1960 trường Văn Côi Thái Bình chỉ có một phòng học 16m x 4m mái tôn vách ván, nền đất. Do quân đội Pháp tặng. Một thầy giáo Tiên duy nhất, dạy tất cả các lớp 1,2,3 với 70 học sinh. Các em đóng học phí cho thầy 300$/tháng. Đầu kỳ hè tháng 5/1960 thầy Tiên xin nghỉ dạy, sang Địa Phương Quân, cũng làm thầy giáo trường Nhân Vị Phú Nhuận.

Năm 1960, các Dì dạy 3 lớp, rồi mỗi năm thêm một lớp cao hơn cho hết bậc Tiểu Học. Có nhiều năm phải nhờ giáo viên trong, ngoài xứ để giúp trường. Cô Lan, cô Tin (Ca đoàn), cô Liên, cô Mỹ (Lạng Sơn), thầy Huyên.
Mùa hè 1960 đã phải xây thêm 2 lớp cuối Nhà Thờ, rồi xây một lớp trong nội khu Nhà xứ, vừa để dạy học, đồng thời là Hội Trường của xứ. Sau phải mượn Hội Quán Thanh Lao Công nữa. Hằng ngày có 20 phút dạy giáo lý, kinh sách cho học sinh trong trường, các Dì đảm nhận trọn vẹn giáo dục của xứ, kể cả Rước Lễ lần đầu, Thên Sức, Ca đoàn, giữ trật tự trong giờ kinh lễ. Tiền thu học phí so với các trường chung quanh là nhẹ nhất. Cha xứ lo ăn uống cho các Dì chừng 40%, phần còn lại 60% nộp cho Tu viện”.
Đến năm 1994, trong một đêm mưa bão ngôi trường cũ nát trong sân nhà thờ đã bị sập.

 5. TU XÁ THÁNH GIUSE DÒNG NỮ ĐAMINH                                     

Năm 1961 theo lời mời của Cha Đaminh Đinh An Khang Chánh xứ Thái Bình. Bề Trên Dòng Nữ Rosa de Lima gốc Địa Phận Thái Bình (Bắc Việt) cử một số Dì giúp giáo xứ về những công tác phụng vụ, dạy giáo lý, phụ trách Ca đoàn và dạy học tại trường Tiểu Học Văn Côi.

Từ đó các Dì nhận Thánh Cả Giuse làm Bổn Mạng Cộng Đoàn và lấy tên là Tu Xá Giuse.

Liên hệ

Điều chỉnh giờ lễ, thông tin giáo xứ hoặc liên hệ vui lòng điền vào thông tin bên dưới

    LỜI KÊU GỌI

    Giờ lễ và các thông tin có thể bị thay đổi hoặc sai hoặc thiếu do đó rất mong quý Tu Sĩ, Anh Chị gởi thông tin về email giothanhle.net@gmail.com để được bồ sung, sữa chửa kịp thời
    ĐẶC BIỆT: Rất mong Anh/Chị góp sức bổ sung giờ lễ các nhà thờ còn thiếu giúp cho giothanhle.net ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện tại mình rất cần các bạn trong các giáo phận, giáo hạt làm Admin trang web để bổ sung, quản lý các nhà thờ còn thiếu, bạn nào nhiệt tình mail mình biết nhé. Trân trọng!

    Nhà thờ cùng khu vực

    Compare listings

    So sánh
    lienkhuong
    • lienkhuong