Nhà Thờ Vạn Điểm

Tổ 7, Thị Trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định, Huyện Ý Yên, Nam Định

Nhà Thờ Vạn Điểm

Tổ 7, Thị Trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định, Huyện Ý Yên, Nam Định

Giờ lễ

  • Chúa nhật: 18:30
  • Ngày thường: Thứ: 4 và 6: 18:30

Thông tin giáo xứ

  • Giáo phận Hà Nội
  • Giáo hạt Nam Định
  • Năm thành lập năm 1958 từ Giáo xứ An Lộc
  • Bỗn mạng Thánh Phê-rô (29/6)
  • Email gx.vandiem@gmail.com

Thông tin giờ lễ nếu không chính xác hoặc có thay đổi rất mong Quý cộng đoàn đóng góp tại form bên dưới (đi tới form)

Thông tin giáo xứ

Giờ lễ Nhà Thờ Giáo Xứ Vạn Điểm, Tổ 7, Thị Trấn Lâm, Ý Yên, Nam Định, Giáo hạt Nam Định, Giáo phận Hà Nội.

Lịch sử hình thành Giáo xứ

Giáo xứ Vạn Điểm nằm trên địa bàn tổ dân phố số 7, Thị Trấn Lâm, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Đây là một Giáo xứ nhỏ bé trong Tổng Giáo phận Hà Nội. Tuy đời sống kinh tế còn khó khăn nhưng có đức tin vững vàng, khiêm nhu và có lòng đạo sốt sắng…. Đức cha Đông Giám mục địa phận đã có lời khen ngợi: “Họ Vạn Điểm ít người lại nghèo túng nhưng có lòng đạo số sắng, có đức tin vững vàng. Xin Chúa và Đức Mẹ ban ơn cho họ luôn mãi giữ vững về sau”.

Ngôi nhà thờ đầu tiên

Họ Vạn Điểm trước thuộc xứ Báng (nay là xứ Xuân Bảng). Mãi đến khi chia địa phận Phát Diệm biệt khỏi địa phận Hà Nội vào năm 1902, thì họ Vạn Điểm mới trở về xứ An Lộc. Cũng thời điểm đó Cha già Phê-rô Nguyễn Văn Lan được cử về làm Cha chính xứ An Lộc. Khi Cha già Phê-rô về phụ trách, họ Vạn Điểm lúc đó chưa có Nhà thờ, mới chỉ có 3 gian nhà nguyện đặt trên mảnh đất ông Khâm (nay là gia đình bà Nghiêm đang ở). Vào khoảng 1908, Cha mua và xây cho họ Vạn Điểm một nhà thờ Nam toàn bằng gỗ lim cột tròn.

Ngôi nhà thờ thứ hai

Về phụ trách An Lộc, Vạn Điểm được ít năm, Cha Phê-rô thành lập hội Mình Thánh tại họ Vạn Điểm. Các hội viên đóng góp quỹ bằng lúa, sau cho vay lấy lãi. Ngài trực tiếp quản lý quỹ này và ngài giao cho cụ Thỉnh là người đạo đức chắc chắn quản lý. Khi xuất nhập kho phải trình xin ý kiến ngài, số thóc lãi hàng năm cứ dần dần tăng lên. Sau 20 năm số thóc lãi sinh ra rất lớn, phải làm kho lẫm mới chứa hết thóc. Ngoài ra còn có rất nhiều đồ đạc ruộng đất của người không theo đạo mang đến cầm cố thế chấp.

Cha già Phê-rô đã lấy số thóc lẫm và ngài cũng thêm vào nữa mà xây lại cho họ Vạn Điểm một nhà thờ Tây kiến thiết kế kiểu Pháp. Còn Nhà thờ cũ Ngài cho giải hạ và đem xây cất cho họ Đằng Động. Ngôi nhà thờ thứ thứ nhất và thứ hai này đều xây dựng trên đất nhà thờ bây giờ.

Khoảng năm 1918, Nhà thờ mới của họ Vạn Điểm xây gần xong thì gặp cơn bão lớn lại bị đổ hết. Cha kêu gọi dân làng ra thu dọn và xây dựng lại. Vật liệu xây dựng lúc đó chưa có xi măng cốt thép, ngài cho xây bằng hồ vữa mật mía. Các giằng tường và chỗ chịu lực ngài dùng những hộp gỗ lim vuông 20cm đặt vào giữa tường. Các gờ đấu hoặc cột tròn đều được xây bằng gạch định hình. Cha cho đào 1 số ruộng ở cánh đồng Vườn Cương (trước nhà ông Ba, nhà bà Xiêm ở bây giờ) để làm gạch mộc và đốt ngay tại đó. Đá xây móng ngài mua tại Hệ Dưỡng – Ninh Bình chở về. Sau xây thiếu gạch thì phân bổ cho nhân danh hộ gánh bộ từ Bến Mới về.

Năm 1923, ngôi nhà thờ kiến trúc kiểu Pháp dài 33m, rộng 11m, tháp chuông cao 25m được hoàn thiện. Nhà thờ được phân thành 7 gian, trong đó có 1 gian Cung Thánh, một gian tháp chuông, một gian hậu đầu nhà thờ gọi là nhà mặc áo, còn 4 gian kê 2 hàng ghế 2 bên nam nữ. Mọi đường nét hoa văn trang trí phía trên, phía dưới, bên trong, bên ngoài nhà thờ đều được đắp hoa lá Tây rất cầu kỳ, sắc nét, cân đối trông rất đẹp mắt. Toàn bộ cửa lớn nhỏ đều làm cánh vòm kiểu Tây và toàn bằng gỗ lim cho đến bây giờ chất lượng vẫn còn tốt. Song cửa sổ 2 bên hành lang nhà thờ toàn làm bằng sắt mua từ bên Pháp, về chất lượng tốt, vì thế hàng trăm năm nay mà vẫn bóng loáng không han gỉ. Bên ngoài tháp chuông là sân thượng rộng 80 m2, dưới sân thượng là 1 sân trải dài ra hai bên và vườn ra tới tận bờ hồ với khoảng rộng đủ chỗ cho 2.000 người ngồi hiệp dâng Thánh lễ ngoài trời.

Tiếp đó là hồ nước dài 50m, rộng 42m với diện tích 2.100m2. Xung quanh được xây tường hoa cao 1m với chiều dài 184m. Giữa hồ là khu vực tượng đài Đức Mẹ Ma-ri-a rộng 150m2, (sau này làm một cây cầu vòm, ta muốn vào khu vực tượng đài phải đi qua chiếc cầu vòm dài 12m).

Xung quanh nhà thờ là đường kiệu rộng 4m, ngoài đường kiệu là hàng cây nhãn lưu niên cành lá xum xuê tỏa tán. Bên ngoài rặng cây là vườn hoa có đủ sắc mầu đã tạo nên cảnh quan hài hòa trong khu vực nội tự nơi Thánh Đường trông thật dịu dàng, hiền hòa và tôn nghiêm.

Giáp với sân nhà thờ về phía đông bắc, Cha già Phê-rô cho xây một nhà phòng hai tầng kiểu Tây. Mỗi tầng được phân thành 2 phòng, một phòng khách, một phòng nghỉ của các Cha. Phòng khách rộng gấp 2 phòng nghỉ, tầng trên và tầng dưới đều có hiên riễu xung quanh. Ngoài hiên hai đầu và phía sau đều được xây kín. Phía trước được xây tường hoa cao 50cm theo từng gian. Riêng tầng 1 để một lối từ sân lên. Sát với nhà phòng ở phía đông nam là một nhà mái bằng, trần nhà sang ngang bằng gạch thất, ngôi nhà đó thường gọi là nhà cơm. Các Thày thường dùng cơm ở đó. Tiếp nhà cơm về phía nam là dẫy nhà cấp 4 dài 15m rộng 3,5m được gọi là khu nhà bếp. 2 gian phía phía nam được làm nhà bếp còn 4 gian phía bắc dùng để đồ đạc và sắp mâm

Phía Bắc tháp chuông có dẫy nhà cấp 4 gồm 5 gian. Một gian làm bếp, một gian ăn nghỉ cho người coi giữ quét dọn nhà thờ, còn 3 gian để kiệu và đồ thờ như Thánh giá nến cao và cờ quạt… (gọi là nhà rẫy)

Phía tây nhà rẫy là nhà trường, nhà cấp 4 làm bằng gỗ lợp ngói dài 12m rộng 4m để cho con cháu trong dân xứ ra đây học chữ.

Ngoài các công trình lớn như nhà thờ, nhà phòng, Cha già Phê-rô còn để lại cho dân họ trên 20 mẫu ruộng tư điền làm của chung. Hàng năm thu tô, tức về rất nhiều nên ngài lại cho xây một kho lẫm 5 gian cấp 4 dài 12m có sức chứa hàng 100 tấn thóc. Ngài đã dùng lúa lẫm này cho giáo dân vay ăn chống nạn đói 1945. Vì thế, năm 1945 cả họ Vạn Điểm không ai bị chết đói. Năm 1944 quân đội Nhật về tịch thu lúa lẫm. Chúng cướp đi hàng mấy chục tấn thóc. Khi ấy Cha già Phê-rô phần thì đã già yếu, phần thì ngài cũng tiếc của nên ngài đổ bệnh. Sau ngài về nghỉ hưu tại Sở Kiện và qua đời ở đó.

Thời nâng lên Giáo xứ

Năm 1956, Cha Chính Lương Nhân (Địa phận Hà Nội) về thăm miền An Lộc – Vạn Điểm. Ngài đã ở lại An Lộc một thời gian. Trong thời gian này, Cha liên tục bị những người bất đồng với Giáo Hội gây khó khăn. Cha Chính đi được một thời gian ngắn thì Đức Giám mục Giu-se Ma-ri-a Trịnh Như Khuê về thăm miền An Lộc – Vạn Điểm. Khi người về An Lộc thì người ta lại kéo đến vây kín xung quanh và gây khó dễ với ngài. Thậm chí còn nói ra những lời phạm thượng đến Đức Giám mục, đến Giáo hội. Biết trước được tình huống xấu sẽ xảy ra, họ Vạn Điểm huy động toàn bộ lực lượng thanh niên và tầng lớp trung tuổi kết hợp với một số thanh niên trung thành với Giáo Hội của An Lộc mà tiêu biểu nhất là ông Lộng (Hiện vẫn còn tấm bằng tri ân do Đức Hồng y Trịnh Như Khuê trao tặng treo ở nhà anh Đã con ông Lộng). Thanh niên Vạn Điểm đồng loạt xông vào phá vây và cứ người nọ khoác tay người kia thành hàng rào che chắn Đức cha. Cứ như thế vừa bảo vệ vừa di chuyển dẫn đưa Đức cha về Giáo họ Vạn Điểm. Khi đưa ngài ra khỏi làng An Lộc thì Vạn Điểm lại cờ rong trống mở, rước ngài về Vạn Điểm. Sau khi Viếng Mình Thánh ít phút, Đức cha có mấy lời huấn dụ tới giáo dân họ Vạn Điểm. Ngài tỏ lòng khen giáo dân họ Vạn Điểm vẫn duy trì được truyền thống sốt sắng, có lòng đạo tốt, có đức tin vững vàng. Sau cùng ngài nói: “Kể từ ngày hôm nay (3/1957) Cha sẽ rời xứ An Lộc về họ Vạn Điểm chúng con. Chính thức từ nay họ Vạn Điểm được gọi là Xứ Vạn Điểm”.

Kể từ đó, Giáo họ Vạn Điểm chính thức được nâng lên thành Giáo xứ.

Thời mưa bão và bom đạn chiến tranh

Ngoài sự tàn phá của thiên nhiên, ngôi nhà thờ còn phải chịu sự tàn phá khủng khiếp của thời kỳ chiến tranh loạn lạc kéo dài hàng 30 năm. Năm 1950 – 1951, quân đội Pháp từ bốt Gôi hai lần xối xả bắn đại bác về, hàng chục quả đại bác trúng ngôi Thánh Đường, hai tháp lá bị hất xuống. Đỉnh tháp và cây thánh giá bằng đá cũng bị lật đổ. Sức ép của bom đạn đã làm cho các tháp lá khác bị đứt gãy xê dịch, chuyển hướng hàng 10cm, tường trên tháp chuông và phía dưới nhiều chỗ bị rạn nứt kéo dài 3-4m rộng 2-3cm. Toàn bộ khung cửa lớn nhỏ bị mảnh đạn đâm thủng be bét. Các cửa kính đều bị vỡ tung bởi sức ép. Các công trình khác như nhà phòng, nhà rẫy, đều bị hư hỏng nặng.

Trùng tu lần thứ nhất (năm 1957)

Trong thời kỳ này xứ An Lộc, Vạn Điểm không có cha xứ, chỉ có Cha già Trần Quý Ly chính xứ Đồng Đội và ngài phụ trách cả xứ Trình Xuyên, Phú Thứ, Thiện Mỹ, An Lộc, Vạn Điểm và Lỗ Xá. Trong thời kỳ kinh tế khó khăn, nên cha cũng túng thiếu không có tiền của giúp đỡ các xứ họ. Nhưng ngài cũng đã mua cho Giáo xứ 2 tượng mới trên gian cung thánh là tượng thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê và tượng thánh An-tôn bị đại bác phá vỡ. Hơn thế nữa, Cha già còn lát gạch men toàn bộ gian cung thánh và lối lên rước lễ giữa nhà thờ của Giáo xứ cho khang trang và sạch đẹp hơn.

Ngài chỉ đạo cho dân xứ tu sửa lại công trình nhà thờ nhưng toàn bộ kinh phí đều do dân xứ đóng góp sức người sức của và tự vận động trong xứ họ. Các gia đình còn nợ lúa lẫm trước đây lần lượt mang ra trả cho nhà xứ lấy tiền mua vật liệu. Ngoài ra không có một nguồn tài trợ khác.

Toàn bộ hầm mái, đỉnh tum, bệ Thánh Giá, khu vực tháp chuông, 2/3 trần trát xi, xung quanh tường trong ngoài nhà thờ những nơi bom đạn phá hủy đều được tu bổ lại.

Trùng tu lần thứ hai (năm 1963)

– Mới tu sửa ổn định mới được mấy năm, thì đến năm 1962, cơn bão C lại ập đến. Đây là cơn bão lớn giật trên cấp 12. Nhà cửa trong xứ đổ như bát úp. Cây cối lớn nhỏ đổ ngổn ngang. Nhà thờ, nhà phòng một lần nữa lại bị hư hại nặng nề. Mái nhà nào cũng bị tốc ngói hoặc dồn đống lại. Tháp lá trên tháp chuông bị bom đạn làm đứt gãy, một tháp phía đông bắc bị hất tung xuống giữa gian giáp gian gác đàn làm sập từ mái thượng xuống tới nền nhà thờ lún sâu 50-60cm. Toàn bộ cửa kính đều bị vỡ toang. Một tháp lá khác phía tây nam bị bão hất tung xuống đất cách móng nhà thờ chừng 6-7m. Mỗi tháp lá nặng chừng 3-4 tấn bị bão tung đi xa. Khu vực nhà phòng, nhà rẫy cũng đều hư hỏng nặng. Sau cơn bão, chẳng ai bảo ai, toàn thể dân xứ già trẻ tập trung thu dọn khu vực nội tự Thánh Đường. Mất hàng tuần lễ mới ổn định. Bà con trong xứ vẫn tiếp tục đọc kinh sớm tối nơi nhà Chúa.

Khoảng tháng 6 năm 1963, dân xứ lại họp bàn tu sửa. Trước mắt ưu tiên tu sửa phần mái nhà thờ đảm bảo an toàn khi Chầu – Lễ, tiếp theo mới sửa chữa khu vực khác. Các gia đình trong Xứ cũng phải mua luồng góp cho nhà xứ làm đà giáo. Đợt tu sửa này, phải làm liên tục trong một tháng mới xong.

Trùng tu lần thứ ba (năm 1995)

Các công trình nhà thờ, nhà phòng, nhà rẫy bị xuống cấp trầm trọng do thời gian và mưa bão tàn phá. Ngay kể cả những chỗ đã được khắc phục sửa chữa rồi nay tiếp tục xuống cấp.

Năm 1995, Cha xứ Giu-se Hoàng Kim Cương cùng dân xứ lại tổ chức tu bổ tôn tạo ngôi Thánh Đường lần thứ 3. Lần này được bồi trát các vết nứt vỡ trên tháp chuông, xây lại một tháp lá phía tây nam. Còn tháp phía đông bắc không giám xây lại vì độ đứt gãy quá lớn và tách rời khỏi thân tháp. Nếu xây lên không đảm bảo an toàn. Đỉnh tum của tháp và cây Thánh Giá được làm mới bằng xi măng cốt thép. Xung quanh tường nhà thờ trên dưới, trong ngoài đều được tu sửa lại. Phần mái nhà thờ, nhà phòng nhà rẫy đều được đảo ngói lại. Phía trên mái được xây đại bờ phân gian để chống gió bão. Trần nhà thờ, nhà phòng cũng được tu sửa lại. Tu sửa khu vực Thánh Đường lần 3 này không quy mô như 2 lần trước nhưng khối lượng công việc cũng nhiều nên mất thời gian 15-20 ngày mới ổn định.

Sau một thời gian ngắn, Giáo xứ lại xây dựng thêm nhà giáo lý 4 gian cấp 4 với 91m2. Đây là nơi hội họp dân xứ và cũng là nơi học Kinh Bổn – Giáo Lý hàng ngày của các cháu thiếu nhi.

Trùng tu lần thứ tư (năm 2006)

Ngôi nhà thờ, nhà phòng được tu sửa lại phần mái từ năm 1986 nhưng vẫn là chắp vá, ngói lợp không cùng loại nên trời mưa to gió lớn vẫn dội nước xuống nhiều. Lần tu sửa này, Cha xứ Giu-se Nguyễn Văn Thoan đã cho mua toàn bộ ngói mới về lợp mái thượng nhà thờ. Số ngói cũ được chọn lọc và lợp mái hạ và mái nhà phòng. Trần nhà thờ trước bằng trát xi vôi rơm, nay được thay thế bằng tần gỗ dổi xẻ thanh nhỏ hai bên có hèm, khi ghép vào có độ kín khít chắc chắn.

Các hoa trần của từng gian trước đây đắp bằng vôi vữa cốt trong bằng gỗ, nay được thay hoàn toàn bằng gỗ táu đục chạm hoa lá theo nguyên bản cũ rất cầu kỳ và đẹp mắt. Nền nhà thờ cũ từ năm 1995 cũng được lát toàn bộ gạch men. Nền gian cung thánh trước lát gạch men, nay được thay bằng đá đen. Bàn tiệc thánh và toàn bộ phía trên bàn thờ trước bằng hồ vữa và bằng gỗ, nay được thay bằng đá granit. Kiểu dáng thiết kế vẫn theo mẫu cũ mà ông cha để lại. Tòa giảng và cây nến cũng được làm bằng đá. Cũng trong dịp này toàn bộ các tượng lớn nhỏ trong và ngoài nhà thờ đều được sơn tô lại như tượng mới. Các tòa để tượng ảnh trái tim Chúa Giê-su, Đức Mẹ Ma-ri-a và các Thánh được lăn sơn trắng và tô điểm các đường nét hoa văn bằng mầu vàng nhạt trông rất hài hòa trang trọng. Ngoài sân thượng và đường riễu hai bên nhà thờ đều được lát bằng gạch vuông bát tràng. Bên dưới sân thượng là sân chạy dài ra tới bờ hồ và trải đều ra hai bên với diện tích gần 500m2. Sân này cũng được đổ trạt xi măng kiên cố. Đường kiệu xung quanh nhà thờ cũ bằng gạch nay cũng được tu bổ lại những chỗ hư hỏng. Xung quanh hồ được xây bằng đá từ móng lên 1,5m phía trên được xây tường hoa cao 1,2m. Toàn bộ tường hoa xung quanh hồ dài 184m. Tường xung quanh tượng đài cũng được xây từ móng lên trên bằng gạch xỉ, bên trên xây tường hoa cao 0,8m.

Khu vực nhà phòng cũng được tu sửa lại. Mái nhà phòng được đảo lại ngói và hoàn thiện máng thoát nước trên mái. Hai phòng của tầng 2 sàn nhà được lát bằng gỗ. Trần nhà tầng 1 được lắp ghép trần nhựa.

Toàn bộ cửa nhà thờ, nhà phòng đều được tu sửa lại và quét sơn mầu nâu chín. Riêng cửa lớn nhà thờ làm mới hoàn toàn bằng gỗ lim theo thiết kế cũ. Các gờ chỉ và hoa văn của cả hai mặt đẹp hơn nhiều so với cửa cũ. Toàn bộ tường phía trong nhà thờ từ trên xuống dưới đều được quét lại vôi một mầu trắng xóa.

Để phục vụ ánh sáng khi chầu, lễ, Giáo xứ cũng đã hoàn thiện công trình điện trong và ngoài nhà thờ. Hai bên mỗi cột đặt một bóng điện tuýp 1,2m. Bên dưới mỗi nơi Thương Khó có một bóng điện treo sát tường vừa trang trí vừa lấy ánh sáng. Dọc trần nhà thờ được treo 7 bộ đèn chùm, dọc theo hàng cột hai bên phía trong nhà thờ, cứ cột nọ sang cột kia được mắc một quạt trần.

Gác đàn cũng được mở rộng thêm về phía trước. Cầu thang tay vịn và lan can phía trước gác đàn đều làm bằng song tiện gỗ. Mua sắm hai bộ tăng âm nên hệ thống âm thanh được hoàn thiện. Loa thùng to nhỏ được đặt nơi thích hợp ở hai bên trong nhà thờ. Hệ thống loa nén được lắp đặt bên ngoài nhà thờ để phục vụ thánh lễ. Loa nén còn được lắp tới tận địa bàn của 5 giáp trong giáo xứ để ban mục vụ tiện thông báo những công việc cần thiết đến bà con giáo dân. Trong đài Đức Mẹ đặt 4 đèn chùm, sát bờ hồ được đặt 5 cột đèn chiếu sáng.

Lần trùng tu này kéo dài hàng năm vì quy mô trải rộng khắp các công trình vói khối lượng công việc rất lớn. Kể cả tiền bạc cũng lớn hơn rất nhiều so với các lần trước.

Chuyển đổi 6 hộ dân, san lấp mặt bằng, xây dựng công trình mới

Với mục đích quy hoạch và tái tạo lại khuôn viên xung quanh Thánh đường cho hài hòa và khang trang, trong thời gian chưa đầy 5 năm Cha xứ Giuse Nguyễn Văn Thoan và Cha quê hương Bruno Phạm Bá Quế đã giúp đỡ và đồng hành với bà con trong xứ chuyển đổi 6 căn hộ sát ngôi Thánh Đường ra bên ngoài khu nội tự.

Ngoài ra, còn san lấp hàng 3-4 ngàn m3 đất đá tạo nên mặt bằng thông thoáng xây dựng nhiều công trình trong khuôn viên nhà thờ.

Đặc biệt là ngôi nhà giáo lý hai tầng được phân bổ hội trường khi tập thể dân xứ hội họp. Ngoài ra còn có các phòng giành cho lớp học Giáo lý của các em thiếu niên nhi đồng trong xứ.

Trùng tu lần thứ năm (năm 2023)

Năm 1923 ngôi thánh đường Giáo xứ Vạn Điểm được khánh thành và cho đến nay, năm 2023, ngôi thánh đường đã được trọn một thế kỷ (100 năm). Để kỷ niệm dấu mốc quan trọng này, dưới sự hướng dẫn của Cha xứ Gio-an, Giáo xứ đã thực hiện công trình trùng tu lại ngôi thánh đường với quy mô lớn và xây dựng lại đài Đức Mẹ.

Xây dựng mới tượng đài Đức Mẹ với tước hiệu “Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa”

Trước đây Giáo xứ đã có tượng đài Đức Mẹ giữa hồ với tước hiệu Nữ Vương Hòa Bình. Qua nhiều năm tháng tượng đài cũng đã có phần cũ kỹ với thời gian. Được sự cho phép của Cha xứ Gio-an Lê Trọng Cung cộng đoàn đã cùng nhau khởi công xây dựng lại tượng đài Đức Mẹ trên nền của tượng đài cũ giữa hồ. Tượng Đài Đức Mẹ cũ được hạ giải 18/12/2021. Cha xứ Gio-an dâng lễ khởi công và ngày 12/2/2022 đúc tượng Đức Mẹ tại khuôn viên sân nhà thờ. Ngày 27/4/2022 cộng đoàn dựng tượng Đức Mẹ lên đài và công trình hoàn thành ngày 29/5/2022.

Công trình được dâng kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a với tước hiệu “Đức Mẹ Là Mẹ Thiên Chúa”. Khu vực tượng đài có kích thước vuông với mỗi cạnh là 12m, nằm giữa lòng hồ đối diện với nhà thờ, nối với sân nhà thờ bằng một cây cầu thẳng dài 16m. Toàn bộ khu vực tượng đài và cầu nối đều được lát đá và làm dậu đá trang nghiêm đẹp đẽ. Bốn góc của tượng đài có 4 tượng thiên thần. Đài Đức Mẹ cao 3.5m, được trang trí với những hoa văn lá tây đậm chất kiến trúc châu Âu. Tượng Đức Mẹ bồng Chúa Con bằng đồng, cao 3.1m, được đúc tại sân nhà thờ. Xung quanh Tượng Đức Mẹ có nhiều cây cảnh và hệ thống đèn chiếu sáng làm tôn lên vẻ đẹp và sự trang nghiêm tôn vinh Đức Mẹ.

Công trình trùng tu Ngôi Thánh Đường kỷ niệm 100 năm xây dựng

Giờ lễ Nhà Thờ Giáo Xứ Vạn Điểm

Trước đây, trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi thánh đường vẫn giữ được gần như nguyên vẹn so với thời điểm xây dựng năm 1923. Tuy nhiên do sự tàn phá của thời gian, cũng như tác động của môi trường và nhiều yếu tố khác, một số hạng mục đều đã xuống cấp và hư hỏng. Vì thế Cha xứ Gio-an cùng cộng đoàn quyết định trùng tu hoàn toàn để mừng sinh nhật 100 năm của ngôi thánh đường này. Cụ thể như sau:

– Thay đổi toàn bộ ngói nhà thờ, cả ngói thượng và ngói hạ hai bên. Công việc này hoàn toàn do công sức của toàn thể bà con giáo dân trong Giáo xứ.

– Xây dựng lại trụ tháp phụ và sửa sang lại những phần hư hỏng trên tháp chính nhà thờ do bom đạn và thiên tai tàn phá.

Bên Trong Nhà Thờ

– Dát vàng lại toàn bộ khu vực bàn thờ đá và các tòa trên Gian Cung Thánh.

– Thay lại toàn bộ gạch lát nền trên gian cung thánh và bên dưới lòng nhà thờ

– Sơn lại toàn bộ nhà thờ cả bên trong lẫn bên ngoài với màu sơn trắng bên trong và màu ghi đá cổ bên ngoài

– Thay lại toàn bộ hệ thống cửa kính cũ sang kính màu với hình các thánh, các thiên thần để phù hợp hơn với phong cách kiến trúc của ngôi Thánh Đường, đồng thời lắp đèn pha lên cửa kính và tượng các thánh.

– Làm mới hoàn toàn các cửa nhà thờ.

– Xây dựng bức tường phía nam nhà thờ cùng với tượng Thánh Quan Thầy Phê-rô chính giữa, hai bên là những bức phù điêu mô tả lại những biến cố trọng đại trong cuộc đời Ngài như khi được Đức Giê-su kêu gọi bỏ mọi sự theo Thầy; khi đi trên mặt biển đến với Chúa, khi kéo được mẻ cá đầy và khi được Đức Giê-su trao cho cai quản Hội Thánh của Chúa.

– Thay lại toàn bộ gạch lát nền trên sân thượng nhà thờ sang bằng đá.

– Sơn lại ngôi nhà giáo lý và nhà phòng. Ngoài ra còn một số sửa đổi khác nữa.

Tất cả các lần tôn tạo dù lớn hay nhỏ đều nhờ vào sự đóng góp công sức và tiền bạc của mọi người giáo dân trong Xứ, quý đồng hương, quý ân nhân và nhiều người khác. Nhất là sự quan tâm của Cha xứ Gio-an Lê Trọng Cung, Cha quê hương Bru-nô Phạm Bá Quế và quý cha xứ tiền nhiệm.

Liên hệ

Điều chỉnh giờ lễ, thông tin giáo xứ hoặc liên hệ vui lòng điền vào thông tin bên dưới

    LỜI KÊU GỌI

    Giờ lễ và các thông tin có thể bị thay đổi hoặc sai hoặc thiếu do đó rất mong quý Tu Sĩ, Anh Chị gởi thông tin về email giothanhle.net@gmail.com để được bồ sung, sữa chửa kịp thời
    ĐẶC BIỆT: Rất mong Anh/Chị góp sức bổ sung giờ lễ các nhà thờ còn thiếu giúp cho giothanhle.net ngày càng hoàn thiện hơn. Hiện tại mình rất cần các bạn trong các giáo phận, giáo hạt làm Admin trang web để bổ sung, quản lý các nhà thờ còn thiếu, bạn nào nhiệt tình mail mình biết nhé. Trân trọng!

    Nhà thờ cùng khu vực

    Compare listings

    So sánh
    lienkhuong
    • lienkhuong