I. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH
1. Tên gọi giáo phận qua các thời kỳ
Tổng giáo phận Sài Gòn là một trong những giáo phận thành lập lâu đời nhất và có vị trí quan trọng trong Giáo Hội Việt Nam. Giáo phận đã qua các tên gọi: Giáo phận Tây Đàng Trong (1844 – 1924), Giáo phận Sài Gòn (1924 – 1960), Tổng Giáo phận Sài Gòn (1960 – 1976), Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh (1976 – đến nay).
2. Thời gian và những sự kiện đánh dấn sự hình thành giáo phận
Ngày 09.09.1659, với Sắc chỉ Super Cathedram, Đức Giáo hoàng Alexandre VII thiết lập hai giáo phận tông tòa đầu tiên tại Việt Nam: Giáo phận Đàng Ngoài (phía Bắc) và Giáo phận Đàng Trong (phía Nam), lấy sông Gianh làm ranh giới.
Ngày 02.03.1844, Đức Giáo Hoàng Grégoire XVI chia Giáo phận Đàng Trong thành hai giáo phận mới: Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) thuộc quyền Giám mục E.T. Cuénot Thể, Tây Đàng Trong (Sài Gòn) gồm 6 Tỉnh Nam Kỳ và Cao Miên (Campuchia) do Giám mục Dominique Lefèbvre Ngãi cai quản.
Ngày 03.02.1924, Bộ Truyền Giáo ký sắc lệnh đổi tên các địa phận miền Đông Dương. Từ đó các địa phận Tây Đàng Trong đổi thành Giáo phận Sài Gòn.
Năm 1960 là năm đánh dấu thời kỳ trưởng thành của Giáo hội Việt Nam được ghi nhận qua việc Tòa Thánh thiết lập Hàng Giáo phẩm Công giáo VN với Tông sắc “Venerabilium Nostrorum” ban hành ngày 24.11.1960 của Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII. Từ đó Tổng giáo phận Sài Gòn được khai sinh và Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình được bổ nhiệm làm Tổng giám mục tiên khởi.
Sau 20 năm chiến tranh, hai miền Nam Bắc thống nhất, ngày 23.11.1976, Tổng giáo phận Sài Gòn đổi tên theo địa danh hành chánh là Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh cho đến nay.
II. ĐỊA LÝ VÀ DÂN SỐ
1. Địa lý
Tổng giáo phận Sài Gòn nằm trong địa giới hành chánh của Tp. HCM (trừ huyện Củ Chi thuộc giáo phận Phú Cường). Thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích là 1.660.51 km2 bao gồm toàn bộ Đô Thành Sài Gòn cũ, cộng thêm toàn bộ tỉnh Gia Định, quận Phú Hòa tỉnh Bình Dương và quận Củ Chi (nay là huyện Củ Chi) của tỉnh Hậu Nghĩa cũ. Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn thứ hai của Việt Nam xét về diện tích.
2. Dân số trên địa bàn
Tổng dân số TP.HCM tính đến ngày 1.6.2023 là gần 8,9 triệu người.
3. Dân số Công giáo
Theo Thống kê của Tòa Tổng giám mục năm 2022, Tổng giáo phận có 714.592 người Công giáo.
4. Giáo hạt và giáo xứ
Tổng giáo phận sài Gòn có 203 giáo xứ được chia thành 14 giáo hạt: Bình An, Gia Định, Hóc Môn, Phú Thọ, Tân Định, Thủ Đức, Chí Hòa, Gò Vấp, Phú Nhuận, Sài gòn – Chợ Quán, Tân Sơn Nhì, Thủ Thiên, Xóm Chiếu, Xóm Mới.
5. Dòng tu
Theo thống kê của “Văn phòng Đặc trách Tu sĩ TGP Sài Gòn” năm 2022, tại Tổng Giáo phận Sài Gòn hiện có 156 đơn vị, gồm 156 dòng tu, 30 tu hội, với số tu sĩ là 7.070.
6. Đôi nét chính yếu về đời sống giáo dân
Đời sống kinh tế của giáo dân phụ thuộc vào thành tựu phát triển kinh tế của thành phố. Đến cuối năm 2015, GDP bình quân đầu người của Tp. HCM ước đạt 5.538 USD/ người. Tuy nhiên, mặt bằng thu nhập không đồng đều dẫn đến tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng trong đó có cả các người Công giáo.
Từ rất lâu, Tổng giáo phận là nơi hội tụ của nhiều luồng di cư và di dân nên đời sống đức tin – phong hóa của người Công giáo thuộc Tổng giáo phận được diễn tả qua rất nhiều hình thức phong phú. Ngày càng nhiều người Công giáo đến các Trung tâm Mục vụ của giáo phận hoặc của các dòng tu để học hỏi và sống đức tin qua các lớp giáo lý chuyên biệt như: Thánh Kinh, Phụng vụ, Tâm linh… Một trong những nét nổi bật của người Công giáo thuộc Tổng giáo phận là rất nhiệt tình trong công cuộc truyền giáo, trợ giúp người di dân và tham dự tích cực vào các Ban Bác Ái – Xã Hội của giáo xứ.
III. NHÂN SỰ
1. Giám mục đương nhiệm
1/ Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng
Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Đức cha Giuse Nguyễn Năng làm Tổng Giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn ngày 19 tháng 10 năm 2019.
Khẩu hiệu giám mục: ” Hiệp thông – Phục vụ”.
2/ Đức Giám mục phụ tá Giuse Bùi Công Trác
Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Sài Gòn vào ngày 1 tháng 11 năm 2022.
Khẩu hiệu giám mục: “Christus vivit – Chúa Kitô đang sống”
2. Các vị giám mục tiền nhiệm
1/ Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình (1960- †1995)
Ngài là vị Tổng giám mục đầu tiên của Tổng giáo phận Sài Gòn, cai quản Tổng giáo phận 35 năm (1960-1995).
2/ Đức Giám mục Phanxicô Xaviê Trần Thanh Khâm (1965- †1976)
Ngày 14.10.1965, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI bổ nhiệm Đức cha làm Giám mục Phụ tá Tổng giáo Phận Sài Gòn, và cũng là vị Giám mục Phụ tá tiên khởi của Tổng giáo Phận.
3/ Đức Tổng Giám mục Phó Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận (1975-1994)
Ngày 24.04.1975, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI bổ nhiệm Đức cha làm Tổng Giám mục phó Tổng giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị. Ngày 24.06.1996, ngài được bổ nhiệm Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh “Công lý và Hòa bình”. Ngài qua đời tại Roma ngày 16.09.2002.
4/ Đức Giám mục Nicolas Huỳnh Văn Nghi (1993-1998)
Ngày 01.07.1974, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Sài Gòn. Ngày 08.08.1993, Tòa Thánh bổ nhiệm ngài kiêm thêm chức giám quản Tổng giáo phận Sài Gòn cho đến khi Tổng giáo phận có tổng giám mục mới (năm 1998).
5/ Đức Giám mục Louis Phạm Văn Nẫm (1977-†2001)
Ngày 03.12.1977, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Sài Gòn. Ngày 02.02.1978, ngài kiêm chức Tổng Đại diện Tổng giáo phận Sài Gòn.
6/ Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (1998-2014)
Ngày 10.03.1998, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn. Ngày 21.10.2003, ngài được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trao mũ Hồng Y. Ngài về hưu ngày 22.03.2014.
7/ Đức Giám mục Giuse Vũ Duy Thống (2001-2009)
Ngày 04.07.2001, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám mục Phụ tá của Tổng giáo phận Sài Gòn. Ngày 25.07.2009, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm Đức cha làm Giám mục Chánh Tòa Giáo phận Phan Thiết.
8/ Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm (2008- 2014)
Ngày 15.10.2008, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm Đức cha làm Giám mục phụ tá Tổng giáo phận Sài Gòn. Ngày 26.07.2014, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Giám mục Chánh Tòa Giáo phận Mỹ Tho.
9/ Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc (1999 – 2018)
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám mục Chánh toà Giáo phận Mỹ Tho ngày 26.03.1999. Ngài được bổ nhiệm làm Tổng giám mục phó Tổng giáo phận Sài Gòn ngày 28.09.2013; Tổng giám mục Tổng giáo phận Sài Gòn ngày 24.04.2014. Ngài qua đời ngày 06.03.2018 tại Rôma.
10/ Đức Giám mục Giuse Đỗ Mạnh Hùng (2016 – 2019)
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Sài Gòn ngày 25.6.2016; làm Giám quản Tổng Giáo phận Sài Gòn ngày 8.3.2018 sau khi Đức Tổng Giám mục Phaolô Bùi Văn Đọc qua đời. Ngài được bổ nhiệm Giám mục chính tòa Phan Thiết ngày 3.12.2019.
11/ Đức Giám mục phụ tá Luy Nguyễn Anh Tuấn
Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài làm Giám mục Phụ tá Tổng giáo phận Sài Gòn vào ngày 25 tháng 08 năm 2017. Khẩu hiệu giám mục: “Này con đây!”
3. Linh mục, chủng sinh, tu sĩ và giáo dân
Vào năm 2022, số linh mục giáo phận là 394. Số linh mục dòng hoạt động tại giáo phận là 551. Giáo phận có 272 đại chủng sinh đang theo học tại Đại chủng viện Thánh Giuse Sài gòn. Số tu sĩ nữ là 5.549 và số tu sĩ nam là 1521. Số giáo dân là 714.592.
IV. CƠ CẤU TỔ CHƯC TỔNG GIÁO PHẬN
1. Ban Tư vấn
- Lm. Ignatiô Hồ Văn Xuân
- Lm. Gioan Bùi Thái Sơn
- Lm. Giuse Trần Hòa Hưng, SDB.
- Lm. Phêrô Kiều Công Tùng
- Lm. Gioakim Trần Văn Hương
- Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hiền
- Lm. Phanxicô Xaviê Bảo Lộc
- Lm. Giuse Đỗ Xuân Vinh
- Lm. Vinhsơn Nguyễn Minh Huấn
- Lm. Giuse Nguyễn Quốc Thắng
(cập nhật ngày 24-11-2022)
2. Hội đồng Linh mục
Hội đồng linh mục Tổng giáo phận bao gồm 39 thành viên.
3. Hội đồng Mục vụ
Hội đồng linh mục Tổng giáo phận bao gồm 44 thành viên.
4. Các ban mục vụ và các đoàn thể tông đồ giáo dân
Tổng giáo phận Sài Gòn có 16 ban mục vụ và 32 đoàn thể tông đồ giáo dân.
V. CƠ SỞ GIÁO PHẬN
1. Nhà thờ Chánh tòa
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được xây dựng từ năm 1877 đến năm 1880. Đây là công trình kiến trúc đặc sắc từ thời Pháp do kiến trúc sư J.Bourard thiết kế. Để kỷ niệm Đại hội Thánh Mẫu toàn quốc ngày 09.12.1959, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được nâng lên hàng Tiểu Vương Cung Thánh Đường, đồng thời với Tông sắc “Venerabilium Nostrorum” nhà thờ Đức Bà Sài Gòn cũng là nhà thờ chánh tòa của Tổng giáo phận với tên gọi chính thức là Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Địa chỉ: số 1 Công Xã Paris, phường Bến Nghé, quận 1, Tp. HCM.
2. Tòa Tổng Giám mục
Tòa Tổng giám mục được xây dựng từ năm 1900. Ngoài văn phòng Tòa Tổng giám mục và văn khố, Tòa Tổng giám mục còn là nơi hoạt động của 11 phòng ban như: hôn phối, tu sĩ, caritas… Địa chỉ: 180 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, Tp. HCM.
3. Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn
Đại Chủng viện Thánh Giuse Saigòn (Saint Joseph Seminary of Saigon) – được thành lập từ năm 1863 do cha Wibaux thuộc Hội Thừa sai Paris – hiện nay là nơi tu học của các chủng sinh thuộc 3 giáo phận: Sài gòn, Phú Cường, và Mỹ Tho. Địa chỉ: 6 Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, Tp. HCM.
4. Trung tâm Mục vụ
Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận tọa lạc tại số 6 bis Tôn Đức Thắng, Q.1, Tp.HCM. Trước 1975, khu đất này được dùng làm Tiểu chủng viện Thánh Giuse. Sau năm 1975, Bộ Tài chánh đã mượn cơ sở này làm Trường Cao đẳng Tài chánh – Kế toán. Tháng 9 năm 2004, cơ sở được hoàn lại và sử dụng làm Trung tâm Mục Vụ Tổng giáo phận. Trung tâm Mục vụ là nơi tổ chức các chương trình đào tạo về Thánh kinh, Thần học, Linh đạo…, đồng thời liên kết chặt chẽ với các Ban Mục vụ trong giáo phận cũng như phối hợp với các Trung tâm và Học viện Mục vụ trong vùng Á Châu để nâng cao chất lượng đào tạo giáo dân trong bối cảnh của một xã hội hiện tại.
5. Trung tâm hành hương Đức Mẹ Fatima Bình Triệu
Năm 1962, linh mục Phaolô Võ Văn Bộ mua một khu đất rộng 12,5 mẫu gần ga Bình Triệu làm nơi xây dựng một trung tâm hành hương kính Đức Mẹ Fatima để kỷ niệm tượng Đức Mẹ Fatima được rước đến Việt Nam. Ngày 15 tháng 8 năm 1966, Đức Tổng giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đến làm phép tượng đài và cử hành thánh lễ đầu tiên tại đây. Kể từ đó, giáo dân các nơi lần lượt đến hành hương, nhất là vào ngày 13 tháng 5 và 13 tháng 10 hằng năm. Năm 1977 thì nơi đây vừa là một trung tâm hành hương và cũng được nâng lên chính thức là một giáo xứ. Địa chỉ: 58 đường 5, KP.2, Phường, Hiệp Bình Chánh, Quận Thủ Đức.
VI. HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ
1. Hoạt động loan báo Tin mừng của Tổng Giáo phận
Trong vòng 10 năm trở lại đây, tại Thành Phố Hồ Chí Minh có những thay đổi lớn về dân số và địa giới. Dân số tại tại Thành Phố Hồ Chí Minh tăng nhanh do tình trạng nhập cư từ các tỉnh và thành phố khác, trong số những người di dân nhập cư này có hơn 300.000 người Công giáo. Thực trạng trên của thành phố cũng là ưu tư của Ban Loan báo Tin Mừng trong vấn đề truyền giáo. Trước tình hình trên, Ban Loan báo Tin Mừng đã nhấn mạnh đến 5 hướng chính trong vấn đề truyền giáo của Tổng giáo phận: (1) Tổ chức các buổi nói chuyện, thuyết trình về vấn đề truyền giáo, tại các giáo xứ, giáo hạt và dòng tu, nhằm khơi lên “thao thức truyền giáo”; (2) Đào tạo “nhân sự truyền giáo” cho Tổng giáo phận; (3) Đề xuất cho Đức Tổng giám mục những hướng truyền giáo khả thi cho những người trong diện di dân; (4) Liên kết với các dòng tu, các đoàn thể tông đồ để hỗ trợ các giáo điểm; (5) Mở thêm các giáo điểm nơi các thành phố vệ tinh của Tp. HCM. Hiện tại, linh mục Đa minh Ngô Quang Tuyên đặc trách Ban Loan báo Tin Mừng.
2. Hoạt động Caritas của Tổng Giáo phận
Caritas Sài Gòn là danh xưng được biết đến lâu đời từ những năm trước 1975. Sau hơn 30 năm tạm ngưng, vào ngày 09/05/2009, ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn đã chính thức thiết lập Caritas TGP TPHCM. Caritas Tổng giáo phận được định hướng theo Thông điệp “Thiên Chúa là Tình yêu” và “Bác ái trong Chân lý” của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cũng như “Học Thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo”. Các khóa huấn luyện (6 ngày) được thực hiện từ năm 2010. Đến nay, Giáo phận đã có 14 Giáo hạt và 179 giáo xứ tham gia Caritas. Văn phòng Caritas đã được xây dựng và đã triển khai được nhiều dự án cộng đồng và các chương trình bác ái xã hội có hiệu quả cao, hỗ trợ và giúp đỡ được rất nhiều hoàn cảnh khó khăn.
3. Hoạt động mục vụ di dân của Tổng Giáo phận
Ban Mục vụ Di dân Sài Gòn được Đức Hồng y G.B Phạm Minh Mẫn thành lập năm 2003. Mục vụ di dân của Tổng giáo phận chia thành ba trung tâm lớn liên kết với các giáo hạt có đông người di dân: Trung tâm Di dân Phaolô, Trung tâm Di dân Khiết Tâm, Trung tâm Di dân Xuân Hiệp, đồng thời cũng nối kết với một số dòng có hoạt động mục vụ di dân. Các trung tâm thường xuyên mở các khóa huấn luyện cho các bạn trẻ di dân về đời sống đức tin, đời sống nhân bản và huấn luyện các kỹ năng sống qua các buổi sinh hoạt chuyên đề chung, giúp cho những người di dân hội nhập vào đời sống của Giáo phận qua các ca đoàn di dân, nhóm trợ giúp di dân… Bên cạnh đó, Ban Mục vụ Di dân Tổng giáo phận hướng đến con em của các gia đình di dân không đủ điều kiện đi học qua các lớp học tình thương và các công tác bác ái xã hội dành cho di dân.
VII. ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC
Văn phòng tòa Tổng Giám mục
- Địa chỉ: 180 Nguyễn Đình Chiểu, phường 6, quận 3, Tp. HCM.
- Email: tgmsaigon@gmail.com
- Điện thoại: 028 3930 3828 – 3930 0368
- Website: http://tgpsaigon.net